Quyết định 132/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam
Số hiệu: 132/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trương Hòa Bình
Ngày ban hành: 02/02/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP HIỆP HỘI CÔNG CHỨNG VIÊN VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật công chứng ngày 20 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xây dựng Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là đầu mối thống nhất về hoạt động tự quản nghề nghiệp của các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi cả nước và thực hiện các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hành nghề công chứng.

b) Tạo cơ sở pháp lý để Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát triển nghề công chứng, quản lý tổ chức, hoạt động công chứng trong điều kiện tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm nghề công chứng phát triển ổn định và bền vững.

c) Đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi cả nước trong hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định; thông tin, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ trong hành nghề công chứng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh, vai trò của công chứng Việt Nam với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

2. Yêu cầu

a) Thể hiện được ý chí, nguyện vọng, trách nhiệm của các công chứng viên, bảo đảm tính đại diện cho Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

b) Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phát triển nghề công chứng, truyền thống văn hóa và đặc thù của hoạt động bổ trợ tư pháp của nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

c) Phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Liên minh Công chứng Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

II. ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HỘI VIÊN, TRỤ SỞ CỦA HIỆP HỘI CÔNG CHỨNG VIÊN VIỆT NAM

1. Địa vị pháp lý

Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP .

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.

3. Hội viên của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

a) Hội viên của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Quyền và nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam do Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.

4. Mối quan hệ giữa Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền

Hoạt động của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tổ chức, hoạt động hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Trong giai đoạn đầu mới thành lập, để kiện toàn tổ chức, giúp Hiệp hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội trong việc đôn đốc thành lập Hội đối với các địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên; tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng và sẽ bàn giao lại khi Hiệp hội có đủ khả năng để tự đảm đương.

5. Trụ sở của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

Trụ sở của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đặt tại thành phố Hà Nội.

Trụ sở của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam do Điều lệ của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.

III. KINH PHÍ

1. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí hoạt động của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam sau khi thành lập được bảo đảm bằng nguồn thu từ phí hội viên, các khoản đóng góp của hội viên và nguồn thu hợp pháp khác của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án; thành lập Ban Chỉ đạo đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, Ban vận động thành lập Hiệp hội, thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam trong năm 2017.

2. Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc phê duyệt Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam theo quy định.

3. Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai có hiệu quả Đề án.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội công chứng viên; tạo điều kiện thành lập Hội công chứng viên đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa thành lập Hội công chứng viên theo quy định của Luật công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các t
nh, thành phố trực thuộc trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TCCV, NC, KTTH;
- Lưu: VT, PL (3b).
105

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Hòa Bình

 

Điều 30. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

1. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và theo quy định của pháp luật.

2. Kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

3. Ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát hội viên trong việc tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và quy định của pháp luật về công chứng.

4. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tổ chức mình để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường; quản lý Quỹ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định của pháp luật.

7. Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội công chứng viên trái với Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội công chứng viên trái với quy định của pháp luật.

8. Báo cáo Bộ Tư pháp về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án nhân sự, kết quả Đại hội; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

9. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Xem nội dung VB