Quyết định 1318/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn
Số hiệu: | 1318/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Huỳnh Đức Thơ |
Ngày ban hành: | 13/04/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1318/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 13 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ ĐÁ CHẺ HÒA SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Thực hiện nội dung Thông báo số 197-TB/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Đà Nẵng về kết luận của Thường trực Thành ủy tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang;
Căn cứ Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2017 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4235/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2017 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng đá chẻ Hòa Sơn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 561/TTr-SCT ngày 06 tháng 4 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mở rộng không gian phát triển đảm bảo quy hoạch chung và góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới;
- Hình thành khu sản xuất tập trung với cơ sở hạ tầng thuận lợi, có điều kiện xử lý và bảo vệ môi trường, gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động;
- Khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương; tiếp nhận các hộ sản xuất đá chẻ là đối tượng phải giải tỏa, di dời dọc tuyến đường DH2, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu vực đông dân cư;
- Phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đặc trưng của địa phương theo hướng bền vững đi đối với giải quyết các vấn đề xã hội khác;
- Tạo môi trường ổn định để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác và sử dụng đất có hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ; tăng thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.
b) Mục tiêu cụ thể
- 100% các hộ sản xuất đá chẻ trên địa bàn xã Hòa Sơn, xã Hòa Nhơn; các hộ bị ảnh hưởng giải tỏa dự án làng đá chẻ có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề được bố trí, sắp xếp vào sản xuất tập trung tại làng nghề đá chẻ Hòa Sơn;
- Hoàn thiện mở rộng, đầu tư hạ tầng cụm làng nghề đá chẻ đảm bảo hoạt động sản xuất cho nhân dân;
- 100% nhà xưởng của các cơ sở sản xuất được xây dựng theo đúng các quy định quản lý kiến trúc, xây dựng công trình, đảm bảo tính đồng bộ và các tiêu chuẩn an toàn của quá trình sản xuất; đảm bảo cách ly khu dân cư theo quy định và bảo đảm môi trường.
2. Diện tích, vị trí, ranh giới
- Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch mở rộng: 119.509 m2 (Đất bố trí sản xuất đá chẻ là 41.769 m2; tương đương 202 lô). Trong đó:
+ Diện tích đã phê duyệt: 76.551 m2;
+ Diện tích quy hoạch mở rộng: 42.958 m2.
- Vị trí: Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
- Ranh giới:
+ Phía Đông giáp: Đất hành lang an toàn tuyến điện và đất cây xanh;
+ Phía Tây giáp: Đường Hòa Sơn - Hòa Nhơn B=20,5m (5,0+10,5+5,0) và khu dân cư hiện hữu;
+ Phía Nam giáp: Đất dự án khu đô thị sinh thái và biệt thự nhà vườn Hoàng Văn Thái;
+ Phía Bắc giáp: Đất Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn và Khu dân cư hiện hữu.
3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
a) Giải pháp về quy hoạch
Bổ sung mở rộng diện tích để tiếp tục di dời tất cả các hộ sản xuất vào khu vực tập trung, đồng thời quy hoạch khu xử lý nước thải, bãi chứa đá thải, nhà máy xử lý và tái chế đá thải, khoảng cách ly,… đảm bảo hoạt động sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường và khu dân cư xung quanh trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế về sản xuất và dự báo phát triển làng nghề đá chẻ trong tương lai.
b) Giải pháp về quản lý
- Triển khai điều tra, cập nhật toàn bộ thông tin số hộ, cơ sở, đơn vị tham gia sản xuất đá chẻ trên địa bàn hai xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn, xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể về công tác bố trí, sắp xếp và di dời các hộ sản xuất, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng theo mục tiêu đã đề ra; phân loại xem xét quy mô của từng cơ sở để phân bổ số lô hợp lý, đảm bảo cho hoạt động sản xuất một cách thuận lợi;
- Căn cứ vào diện tích quy hoạch, để đảm bảo kết cấu quy hoạch và đáp ứng được số lượng lô sản xuất cũng như quy mô sản xuất, nguyên tắc bố trí được quy định; tiến hành tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để bố trí cho hộ sản xuất trong danh sách và được niêm yết công khai;
- Thực hiện hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng nhà xưởng của các hộ được bố trí, đảm bảo yêu cầu quy định kỹ thuật đề ra; hộ sản xuất đá chẻ phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như; có cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên thu gom đá thải đổ đúng nơi quy định; không để đá thải, nước thải tràn ra đường, môi trường xung quanh; nước thải, bột dăm đá phải qua hệ thống bể lắng trước khi chảy ra hệ thống ống thu gom nước thải;
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành đối với tất cả các cơ sở khai thác, chế biến sản xuất đá, từ đó kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Hình thành Tổ quản lý hoạt động cụm làng nghề nhằm đảm bảo cho làng nghề đi vào nề nếp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý làng nghề liên quan đến quá trình sản xuất, xử lý các vấn đề về môi trường và hạ tầng kỹ thuật khu vực sản xuất.
c) Các giải pháp về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, khai thác; thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nội dung trong hồ sơ bảo vệ môi trường;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất; hướng dẫn các cơ sở này thực hiện đúng, đủ công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng bền vững;
- Tổ chức định kỳ nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh trong khu vực làng đá chẻ, tập trung vào hệ thống thu gom để tiến hành xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước chung khu vực;
- Thiết kế nhà xưởng đảm bảo công tác: thông gió; thu gom và xử lý nước thải; thu gom và xử lý bụi, khí thải phát sinh, giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình sản xuất; lưu giữ chất thải rắn; vệ sinh nhà xưởng, kho bãi thường xuyên để thu gom sản phẩm và nguyên liệu rơi vãi tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.
d) Giải pháp về ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất
- Tập trung vào công tác ổn định, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất, có các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất nguồn nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng ngay từ khâu đầu vào;
- Thực hiện gia hạn, cấp mới các mỏ đá trên địa bàn theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt để tạo thuận lợi cho việc cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí, giá thành cho hộ sản xuất.
đ) Giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ
- Nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm và chú trọng thực hiện công tác bao bì, nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ;
- Khuyến khích ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất để tăng hàm lượng công nghệ, giá trị sản phẩm; chú trọng việc đào tạo và có chính sách nhằm thu hút đội ngũ lao động có kỹ thuật cao đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, tiến đến cung cấp sản phẩm mỹ nghệ từ đá, không chỉ dừng ở cung cấp đá vật liệu xây dựng, sản phẩm thô sơ;
- Xây dựng mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở, doanh nghiệp thuộc làng nghề, đảm bảo các cam kết về chất lượng, thời gian giao hàng,...;
- Thực hiện tái chế, tận dụng nguồn đá phế phẩm, bột đá để tái sử dụng, sản xuất các sản phẩm khác, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường;
- Tổ chức tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ hợp tác xã, các chủ cơ sở sản xuất và người lao động nhằm giúp họ tiếp cận công nghệ mới, mẫu mã mới, trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và cách cải tiến, quản lý trong sản xuất kinh doanh.
4. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí huy động của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở tham gia Đề án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
5. Tiến độ thực hiện
- Năm 2020: Thực hiện công tác giải tỏa đền bù;
- Năm 2021-2022: Đầu tư hoàn thiện hạ tầng dự án;
- Từ năm 2023 trở đi: Thực hiện bố trí, sắp xếp các hộ, cơ sở sản xuất vào làng nghề đá chẻ Hòa Sơn sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào quản lý, hoạt động.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. UBND huyện Hòa Vang
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đúng tiến độ, yêu cầu đặt ra;
- Chủ trì xây dựng dự toán đầu tư hạ tầng kỹ thuật và giải tỏa của dự án thực hiện phân kỳ đầu tư theo lộ trình sau khi Đề án được phê duyệt; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 làng nghề đá chẻ Hòa Sơn, thể hiện rõ khoảng cách ly vệ sinh đảm bảo quy chuẩn hiện hành; huy động vốn đóng góp từ các hộ sản xuất kinh doanh và vốn hợp pháp khác để thực hiện các hạng mục nhiệm vụ theo kế hoạch và phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất của làng nghề;
- Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp và di dời các cơ sở sản xuất vào làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đảm bảo theo mục tiêu, kế hoạch đề ra;
- Nghiên cứu các nội dung quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để chuẩn bị các thủ tục thành lập cụm công nghiệp làng nghề này và thực hiện công tác quản lý theo đúng quy định.
2. Sở Công Thương
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại;
- Hướng dẫn UBND huyện Hòa Vang chuẩn bị các thủ tục thành lập cụm công nghiệp làng nghề đá chẻ Hòa Sơn và thực hiện công tác quản lý theo đúng quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng từ ngân sách thành phố.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng đảm bảo triển khai nội dung của Đề án.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thẩm định; trình UBND thành phố phê duyệt phương án giá thuê đất sản xuất kinh doanh đối với khu quy hoạch làng nghề đá chẻ Hòa Sơn;
- Thực hiện gia hạn, cấp lại cho các mỏ đá trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt để tạo thuận lợi cho nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí giá thành cho hộ sản xuất. Hướng dẫn các hộ sản xuất, nhà đầu tư vào làng nghề đá chẻ thực hiện các thủ tục về môi trường.
6. Sở Xây dựng
Thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết TL1/500 làng nghề đá chẻ Hòa Sơn, trình duyệt theo quy định để làm cơ sở triển khai các nội dung liên quan dự án; hướng dẫn quy hoạch kiến trúc, cảnh quan làng nghề đảm bảo quy chuẩn, hiệu quả và mỹ quan.
7. Sở Khoa học và Công nghệ
Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho hoạt động sản xuất đá, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát tán bụi bẩn tại làng nghề.
8. Các cơ sở, đơn vị, hộ sản xuất đá chẻ
- Đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất để tăng hàm lượng công nghệ, giá trị sản phẩm; nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm và chú trọng thực hiện công tác bao bì, nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ;
- Thực hiện tái chế, tận dụng nguồn đá phế phẩm, bột đá để tái sử dụng, sản xuất các sản phẩm khác, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường;
- Các cơ sở, doanh nghiệp của làng nghề phải xây dựng ý thức về một cộng đồng kinh doanh uy tín, đẩy mạnh hợp tác, liên kết; trong quan hệ thương mại phải đảm bảo các cam kết về chất lượng, thời gian giao hàng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp Ban hành: 25/05/2017 | Cập nhật: 26/05/2017