Quyết định 13/QĐ-LTNN năm 2001 về thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu của các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia
Số hiệu: | 13/QĐ-LTNN | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Cục Lưu trữ Nhà nước | Người ký: | Dương Văn Khảm |
Ngày ban hành: | 23/02/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn thư, lưu trữ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CỤC LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/QĐ-LTNN |
Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ VÀ SƯU TẦM, THU THẬP TÀI LIỆU CỦA CÁC TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA
CỤC TRƯỞNG CỤC LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Nghị định số 34/HĐBT ngày 01/3/1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Lưu trữ Nhà nước;
- Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30/11/1982;
- Căn cứ Điều lệ về công tác công văn, giấy tờ và công tác lưu trữ ban hành kèm theo Nghị định số 142/CP ngày 28/9/1963 của Hội đồng Chính phủ;
- Để phân định thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu giữa các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia;
- Theo đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ Trung ương và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Lưu trữ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu của các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia”.
Điều 2. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III và Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
CỤC TRƯỞNG CỤC LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC |
QUY ĐỊNH
VỀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ VÀ SƯU TẦM, THU THẬP TÀI LIỆU CỦA CÁC TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/QĐ-LTNN ngày 23 tháng 02 năm 2001 của Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia được quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ theo đúng thẩm quyền quy định tại văn bản này. Mọi trường hợp điều chỉnh về thẩm quyền quản lý tài liệu của các Trung tâm phải được phép bằng văn bản của Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước.
Điều 2. Các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia được tiếp nhận bảo quản tài liệu của các cá nhân, gia đình, dòng họ nếu họ yêu cầu.
Điều 3. Các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia được sưu tầm, thu thập các tư liệu bổ trợ cho tài liệu lưu trữ thuộc thẩm quyền quản lý mình.
Chương II.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I có thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của:
1. Các cơ quan, tổ chức thuộc thời kỳ Phong kiến đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam (trừ tài liệu Mộc bản).
2. Các cơ quan, tổ chức của thực dân Pháp có trụ sở đóng trên lãnh thổ Bắc Kỳ từ 1858 đến 1945 và Bắc Việt từ 1945 đến 1954.
3. Các cơ quan, tổ chức thân phát xít Nhật có trụ sở đóng trên lãnh thổ Bắc Kỳ từ 1940 đến 1945.
Điều 5. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II có thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu Mộc bản và tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của:
1. Các cơ quan, tổ chức của thực dân Pháp có trụ sở đóng trên lãnh thổ Trung Kỳ, Nam Kỳ từ 1858 đến 1945 và Trung Việt, Nam Việt từ 1945 đến 1954.
2. Các cơ quan, tổ chức thân phát xít Nhật có trụ sở đóng trên lãnh thổ Trung Kỳ và Nam Kỳ từ 1940 đến 1945.
3. Các cơ quan, tổ chức trung ương của Chế độ Việt Nam Cộng hoà từ 1954 đến 1975.
4. Các cơ quan, tổ chức của đế quốc Mỹ và các nước chư hầu có trụ sở đóng trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.
5. Các cơ quan, tổ chức trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và các tổ chức cách mạng khác có trụ sở đóng trên lãnh thổ từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam trước tháng 4 năm 1975.
6. Các cơ quan, tổ chức trung ương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trụ sở đóng trên lãnh thổ từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam từ sau tháng 5 năm 1975.
Điều 6. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III có thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của:
1. Các cơ quan, tổ chức trung ương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trụ sở đóng trên lãnh thổ từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc.
2. Các cơ quan, tổ chức cấp Kỳ, cấp Liên Khu, cấp Khu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tồn tại từ năm 1945 đến 1976.
3. Hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp nộp lưu theo Nghị định số 119/CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ, Thông tư số 28/TCCB-ĐP ngày 17/3/1995 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và Hướng dẫn số 220/NVĐP ngày 12/5/1996 của Cục Lưu trữ Nhà nước.
Chương III.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Mọi quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Điều 8. Các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia có nhiệm vụ:
1. Căn cứ Quy định này và các quy định hiện hành của Nhà nước, lập danh mục cụ thể các phông, sưu tập tài liệu của các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý và sưu tầm, thu thập của mình trình Cục Lưu trữ Nhà nước phê duyệt.
2. Lập kế hoạch và tiến hành bàn giao những phông, sưu tập tài liệu hiện bảo quản trong kho nhưng không thuộc phạm vi thẩm quyền quy định ở trên cho các Trung tâm tương ứng./.