Quyết định 13/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình mục tiêu việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: 13/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Bùi Hồng Phương
Ngày ban hành: 11/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2006/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 11 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VỀ VIỆC LÀM TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND - UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND ngày 09/02/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006;

Căn cứ kết luận Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa VIII) về tình hình kinh tế - xã hội năm 2005 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2006/NQ-HĐND ngày 24/02/2006 của HĐND tỉnh Bạc Liêu về Chương trình Giảm nghèo - Việc làm và Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010 (kèm theo quyết định này) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1- Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010

2- Cơ quan quản lý Chương trình: Sở Lao động - Thương binh & Xã hội

3- Mục tiêu của Chương trình:

a. Mục tiêu chung:

Đảm bảo việc làm có thu nhập và ổn định cuộc sống cho những người đang có việc làm, đồng thời giảm tối đa số người đang thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm cho số người bước vào độ tuổi lao động hàng năm.

b. Các mục tiêu cụ thể:

a/- Phát triển nhịp độ tăng dân số tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2006 - 2010 là 1,16% bình quân tăng khoảng 8.300 người/năm;

b/- Phát triển nguồn lao động:

Bằng phương pháp chuyển tuổi dân số để xác định nguồn lao động toàn tỉnh, với số lượng lao động trong độ tuổi các năm tới như sau:

Như vậy, số người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động từ nay đến 2010 tăng lên khoảng 59.000 người; hàng năm bình quân cần giải quyết việc làm là 12.000 lao động.

c/- Đảm bảo cơ cấu phân công lao động xã hội theo các ngành kinh tế chủ yếu: Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2006 - 2010 với ty

trọng cơ cấu kinh tế - xã hội sẽ chuyển hóa theo hướng phát triển toàn diện công - nông nghiệp và dịch vụ, thương mại.

d/- Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2005 là 4,52% đến năm 2010 xuống dưới 4%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn năm 2005 là 86,13% lên 87% vào năm 2010.

đ/- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển kinh tế đến năm 2010:

+ Nông - lâm - ngư nghiệp: 39,5%.

+ Công nghiệp và xây dựng: 33%

+ Dịch vụ: 27,5%

e/- Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động đi làm việc ở khu công nghiệp và xuất khẩu lao động trong 5 năm 2006 - 2010 là 12.500 người.

4- Nguồn tài chính thực hiện Chương trình:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia (kể cả nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội).

- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện, thị.

- Nguồn vốn huy động trong nhân dân.

5- Thời gian thực hiện:

Thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu về việc làm trong 5 năm, kể từ tháng 01 năm 2006 đến hết tháng 12 năm 2010.

Điều 2. Căn cứ vào nội dung Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010, giao cho Sở Lao động - Thương binh & Xã hội là cơ quan tham mưu trực tiếp quản lý Chương trình có nhiệm vụ tham mưu chủ trì và phối hợp với các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị chức năng liên quan tổ chức triển khai thực hiện toàn diện Chương trình; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Định kỳ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.

Điều 3. Đề nghị MTTQ và các tổ chức Đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền

Triển khai thực hiện Chương trình trong phạm vi hoạt động của mình và tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình đối với chính quyền cùng cấp.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ quyết định thực hiện.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

TM. UBND TỈNH BẠC LIÊU
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hồng Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU

VỀ VIỆC LÀM TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Kèm theo Quyết định số: 13 /2006/QĐ-UBND ngày 11/7/2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Hiện nay, tình trạng thất nghiệp và việc làm đang là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và của mọi người lao động cả nước nói chung, cũng như tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Chương trình mục tiêu XĐGN-Việc làm giai đoạn 2001-2005, đồng thời tổ chức thực hiện có kết quả mục tiêu về việc làm do Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIII đề ra. Trên cơ sở tham mưu đề xuất của Ngành Lao động-TBXH và các ngành chức năng liên quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006-2010 với những nội dung cụ thể sau:

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU VỀ VIỆC LÀM TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU XĐGN-VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2001-2005

I/- Về triển khai tổ chức thực hiện :

Sau khi Chương trình MTQG về Xoá đói giảm nghèo-Việc làm giai đoạn 2001-2005 đã chính thức phê duyệt; cùng với việc lồng ghép với các Chương trình mục tiêu khác; nhìn chung đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện khá đồng bộ. Trước hết từ tỉnh đến huyện, thị và xã, phường, thị trấn đều thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện chương trình; đồng thời có kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của chương trình sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Ngành Lao động-TBXH đã tham mưu tích cực cho UBND tỉnh để tư vấn trực tiếp với người lao động tại xã, phường, thị trấn hơn 71 cuộc (trong đó các tổ chức đoàn thể gần 20 cuộc), có hơn 3.800 lao động tham dự nghe triển khai về điều kiện, tiêu chuẩn, nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động được học nghề gắn việc làm, được làm việc trong, ngoài tỉnh và làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Có thể nói trong 5 năm qua các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân rất đồng tình và tham gia thực hiện chương trình tích cực có hiệu quả. Vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hợp với lòng dân. Trong quá trình thực hiện chương trình thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện. Hàng năm các cấp đều tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khen thưởng điển hình nhân rộng những mô hình, cách làm mới hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bước sang năm 2005 do thực hiện việc điều tra lại hộ nghèo theo tiêu chí mới của Bộ Lao động-TBXH thì số hộ nghèo ở tỉnh Bạc Liêu đã tăng lên là 31.998 hộ, chiếm tỷ lệ 20,08% trong tổng số dân trên địa bàn. Trong tổng số lao động trong độ tuổi, thì tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 4,52%, tỷ lệ lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn cũng khá cao do thời gian sử dụng lao động thấp. Một vấn đề đáng quan tâm trong thời gian gần đây là do tình hình sản xuất đang gặp khó khăn ở những vùng chuyển đổi, giá cả hàng hoá không ổn định, dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả, thu lãi thấp hoặc không có lãi cũng làm phát sinh tình trạng thất nghiệp và tái nghèo.

Từ thực tế trên cho thấy công tác XĐGN nói chung, tạo việc làm nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, cần phải có chương trình kế hoạch thật cụ thể, có những giải pháp kinh tế xã hội hết sức đồng bộ và có sự quyết tâm thật cao để tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm trong giai đoạn 2006-2010 nhằm đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra.

II/- Kết quả thực hiện một số mục tiêu chủ yếu về việc làm trong giai đoạn 2001-2005:

1/- Tình hình dân số - lao động:

- Theo số liệu thống kê năm 2005, Tỉnh Bạc Liêu có 499.500 người trong độ tuổi lao động thì có 492.980 người có khả năng tham gia lao động (chiếm 98,7%), trong đó có việc làm thường xuyên 391.919 người (79,5%), tuy có việc làm nhưng không thường xuyên 22.450 người (4,60%). Điều quan tâm hơn đó là số lao động không có việc làm chiếm 11.654 người (2,36%) và số còn lại làm nội trợ, người tàn tật, mất sức lao động hoặc không có nhu cầu làm việc là 66.957 người (13,6%).

- Trong 5 năm qua thực hiện Chương trình (2001-2005), tổng số lao động được giải quyết việc làm hơn 89.206 người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 17.841 lao động. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 6,5% thời điểm năm 2001 giảm xuống 4,52% vào năm 2005. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn năm 2001 là 68% tăng lên 86,13% năm 2005.

- Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động trong nông - lâm - ngư nghiệp năm 2001 là 69,5% giảm xuống 67% năm 2005; công nghiệp - xây dựng từ 6,8% năm 2001 tăng 8,6% vào năm 2005; dịch vụ từ 14% năm 2001 tăng lên 18,8% vào năm 2005.

- Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 13% vào năm 2001 lên 25% vào năm 2005 (trong đó lao động qua đào tạo trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên khoảng 10%).

2/- Về giải quyết việc làm cho lao động xã hội:

Mấy năm qua, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong ngư - nông - lâm - diêm nghiệp. Gắn liền giữa đầu tư với chương trình khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai thực hiện các dự án của Trung ương và địa phương với việc lồng ghép các chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia, quỹ xóa đói giảm nghèo, các nguồn vốn tín dụng khác, vốn tài trợ quốc tế … Thu hút tổng vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2001- 2005 là 8.893 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh 24,5%); Trong đó vốn ngân sách chiếm 9% (kể cả ngân sách Trung ương và địa phương). Đáng chú ý là vốn đầu tư trong dân tăng nhanh từ 757 tỷ đồng năm 2001 lên 1.220 tỷ đồng năm 2005, tốc độ tăng bình quân 45,8%. Hoạt động đầu tư tín dụng ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Từ các yếu tố thuận lợi trên hàng năm đã tạo ra hàng chục ngàn chỗ làm việc mới, thu hút từ 41.657 lao động vào làm việc trong ngư - nông - lâm - diêm nghiệp và công nghiệp-xây dựng-dịch vụ tại địa phương; cung cấp theo kế hoạch nhà nước 47.549 người, trong đó tuyển quân 3.000 người, tuyển sinh 12.952 người, vào làm việc ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể là 4.706 người, hợp đồng lao động vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại hơn 13.600 người và bổ sung 2.353 giáo viên, thầy thuốc cho hai ngành giáo dục - y tế. Giới thiệu, cung ứng cho hơn 5.800 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở các nước Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2005 được 768 lao động.

III- Đánh giá chung:

1/- Mặt ưu điểm:

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham mưu tích cực của các ngành, các cấp chính quyền ở địa phương, sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đã góp phần cho Chương trình chuyển biến tích cực. Từ đó đã phát triển nhiều mô hình, giải pháp mới góp phần giải quyết việc làm cho lao động có hiệu quả như: Chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển các thế mạnh về kinh tế tại địa phương để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt phân công cấp ủy, cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách chỉ đạo từng xã, phường, thị trấn và sâu sát ấp, khóm để động viên, hỗ trợ trực tiếp cho từng người lao động tìm kiếm hoặc tổ chức sản xuất tự tạo việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống của bản thân, gia đình các hộ nghèo.

Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần tích cực tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới đặc biệt chương trình mục tiêu về việc làm, kể cả xuất khẩu lao động thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đáng kể; đã phát triển nhiều hình thức, mô hình tổ chức tạo việc làm phong phú, đa dạng thu hút nhiều lao động chưa có việc làm, thiếu việc làm, nhóm lao động yếu thế… có việc làm ổn định cuộc sống.

Đào tạo nghề có bước tiến bộ, nâng cao chất lượng nguồn lao động chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, và phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.

Thị trường lao động đã hình thành và phát triển các họat động thúc đẩy thị trường lao động, nhất là kích cầu lao động được quan tâm đầu tư và thực hiện có hiệu quả điều tiết quan hệ cung - cầu, giá cả sức lao động ngày càng được quan tâm hơn; người lao động được tự do di chuyển tìm kiếm việc làm, giá trị thu nhập tiền lương, tiền công hợp lý hơn.

Nhận thức, năng lực, trách nhiệm về tạo việc làm được nâng cao, người lao động đã đứng vào vị trí trung tâm, năng động và chủ động tự tạo việc làm cho mình, hạn chế được sự trông chờ vào nhà nước; người sử dụng lao động được khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm; nhà nước quan tâm đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để mọi người tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội.

2/- Hạn chế, tồn tại:

Nhu cầu có việc làm của người lao động luôn là vấn đề bức xúc của tỉnh do cung về lao động vẫn lớn hơn cầu nhiều; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị còn cao, nông thôn dư thừa lao động còn lớn; chưa xây dựng được tác phong của lao động sản xuất công nghiệp, chất lượng lao động và năng suất lao động thấp, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động yếu, thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động lành nghề.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, song phát triển chưa toàn diện, sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động. Hệ thống cơ sở dạy nghề, dịch vụ việc làm còn yếu kém; công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho lao động ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh tuy triển khai nhưng quán triệt chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nên lao động đi làm việc khu vực này còn quá ít. Công tác đào tạo nghề chuẩn bị nguồn, nhất là cho xuất khẩu lao động chưa làm tốt, do đó lao động sang nước ngoài làm việc những ngành nghề đơn giản, lương thấp, rủi ro cao.

Hoạt động hỗ trợ trực tiếp thông qua các dự án nhỏ từ nguồn Quỹ Chương trình mục tiêu về việc làm hiệu quả chưa cao, mặt khác nguồn Quỹ rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu vay vốn của người dân; vẫn còn hiện tượng cho vay không đúng đối tượng, có các dự án vay sử dụng vốn sai mục đích. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc điều hành nguồn vốn này còn chưa chặt chẽ; khâu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở chưa được thường xuyên.

PHẦN THỨ HAI

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VỀ VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2006-2010

I- Một số chỉ tiêu thời kỳ 2006 - 2010 về phát triển KT-XH có liên quan đến Chương trình việc làm:

1/- Về tốc độ phát triển kinh tế:

- Phấn đấu tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm là 8,2%; trong đó khu vực nông nghiệp tăng từ 4-6%, công nghiệp-xây dựng 18-20%, dịch vụ từ 18-20% .

- Cơ cấu GDP: Khu vực nông nghiệp khoảng 39,7% (trong đó thuỷ sản 29,35%), công nghiệp - xây dựng 32,3% (công nghiệp 17,6%), dịch vụ 28%.

- GDP đến năm 2010 đạt 0,990 tỷ USD, bình quân GDP đầu người khoảng 1.100 USD.

- Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách 10%.

- Giá trị xuất khẩu tăng từ 130 triệu USD năm 2005 lên 360 triệu USD năm 2010, bình quân hàng năm tăng 22,5%.

- Vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Bạc Liêu đạt khoảng 33% GDP.

2/- Về xã hội:

- Phấn đấu đến năm 2010, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; cao đẳng, đại học và trên đại học khoảng 85-90 sinh viên/vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 35% tổng số lao động toàn tỉnh (có 15% qua đào tạo nghề trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên).

- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 (theo tiêu chỉ mới) giảm còn 8 – 10%.

- Tỷ lệ phòng học, phòng chức năng đạt chuẩn nhà cấp III là 50%- 55%.

- 100% hộ dân có nhà ở, tỷ lệ người sử dụng điện thoại đạt 22% dân số (bình quân 1 máy/hộ).

- Tỷ lệ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh 95%, trong đó khu vực nông thôn 90%.

- Tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ 7,24/10.000 dân.

- Tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia 100%.

- Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao phù hợp với mức tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu nhu cầu dân cư. Phát triển các công trình hạng mục văn hoá (có 50% xã có thiết chế văn hóa) nhằm làm cho cuộc sống tinh thần của nhân dân phong phú hơn, hài hòa với trình độ phát triển kinh tế. Kết hợp xây dựng các khu du lịch, tuyến du lịch với tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, đảm bảo các nguồn vốn lâu dài cho hoạt động văn hoá.

- Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống và làm việc văn minh, theo pháp luật. Kiên quyết chống các tệ nạn xã hội và các biểu hiện phá hoại kinh tế.

II/- Quan điểm nhiệm vụ mục tiêu phát triển dân số, lao động - việc làm giai đoạn 2006 – 2010:

1. Giải quyết việc làm là yêu cầu bức xúc để phát triển lực lượng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của nhân dân; "Mọi hoạt động lao động tạo thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm".

2. "Giải quyết việc làm là mục tiêu xã hội hàng đầu"; là nhiệm vụ công tác trọng tâm cấp bách thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp theo điều 55 hiến pháp nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam đã xác định: ''Lao động là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân".

3. Giải quyết việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của bản thân người lao động và toàn xã hội. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động; bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm, và phải được thực hiện trên cơ sở phát triển toàn diện ngư-nông- lâm- diêm nghiệp, công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Lấy xã, phường, ấp, khóm là địa bàn trực tiếp giải quyết việc làm và phân công lại lao động xã hội.

4. Kết hợp tốt giữa giải quyết việc làm tại chỗ, với cung ứng lao động cho các khu công nghiệp tập trung ngoài tỉnh. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án xuất khẩu lao động, tạo cơ hội cho lao động của tỉnh tiếp cận với nền sản xuất công nghiệp hiện đại, qua đó rèn luyện tác phong sản xuất công nghiệp; góp phần XĐGN và tạo đội ngũ lao động mới đáp ứng cho sự nghiệp CNH-HĐH.

5. Công tác dạy nghề phải đi trước một bước, là tiền đề cho việc thu hút, cung ứng đội ngũ lao động có tay nghề cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu công tác dạy nghề phải bám sát nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đáp ứng thị trường lao động ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.

6. Có chính sách hỗ trợ người nghèo học nghề và những người đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc tham gia xuất khẩu lao động. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế tham gia dạy nghề, tạo việc làm. Đồng thời, huy động tối đa và phát huy có hiệu quả nguồn lực sẵn có trong dân để tạo thêm nhiều việc làm mới.

III/- Mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình việc làm giai đoạn 2006-2010:

1/- Mục tiêu chung:

Đảm bảo việc làm có thu nhập và ổn định cuộc sống cho những người đang có việc làm, đồng thời giảm tối đa số người đang thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm cho số người bước vào độ tuổi lao động hàng năm.

2/- Các mục tiêu cụ thể:

a/- Phát triển nhịp độ tăng dân số tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2006 – 2010 là 1,16% bình quân tăng khoảng 8.300 người/năm;

b/- Phát triển nguồn lao động: Bằng phương pháp chuyển tuổi dân số để xác định nguồn lao động toàn tỉnh, với số lượng lao động trong độ tuổi các năm tới như sau:

Năm

2005

2006

2010

Lao động trong độ tuổi

499.500

509.722

560.832

- Không tham gia lao động:

+ LĐ còn đang học phổ thông

+ Làm nội trợ

+ LĐ đang học chuyên môn, học nghề

+ Mất khả năng lao động

+ Không có nhu cầu làm việc

- Số người có nhu cầu làm việc

- Quân nhân + HSSV ra trường

80.389

19.185

32.000

10.903

12.211

6.090

419.111

3.190

80.156

20.752

30.000

12.403

11.711

5.290

429.566

3.190

79.424

27.020

22.000

18.403

8.711

3.290

481.408

9.570

Tổng nguồn lao động của tỉnh

422.301

432.756

490.978

Như vậy, số người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động từ nay đến 2010 tăng lên khoảng 59.000 người; hàng năm bình quân cần giải quyết việc làm là 12.000 lao động.

c/- Đảm bảo cơ cấu phân công lao động xã hội theo các ngành kinh tế chủ yếu:

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu, thời kỳ 2006 – 2010 với tỷ trọng cơ cấu kinh tế - xã hội sẽ chuyển hoá theo hướng phát triển toàn diện công - nông nghiệp và dịch vụ, thương mại.

d/- Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2005 là 4,52% đến năm 2010 xuống dưới 4%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn năm 2005 là 86,13% lên 87% vào năm 2010.

đ/- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển kinh tế đến năm 2010:

+ Nông - lâm - ngư nghiệp:                                             39,5%.

+ Công nghiệp và xây dựng:                                           33%.

+ Dịch vụ:                                                                      27,5%.

e/- Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động đi làm việc ở khu công nghiệp và xuất khẩu lao động trong 5 năm 2006 – 2010 là 12.500 người.

IV/- Phạm vi hoạt động của chương trình:

1/- Phạm vi về không gian:

Chương trình mục tiêu về việc làm được thực hiện trong tỉnh Bạc Liêu.

2/- Phạm vi về nội dung bao gồm 6 vấn đề chính sau:

Đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với tạo mở chỗ làm việc cho lực lượng lao động xã hội.

Cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi đối với các dự án tạo thêm việc làm mới.

Hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm mới trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã, trang trại, nhận lao động vào làm việc ổn định từ một năm trở lên.

Hỗ trợ xuất khẩu lao động: Dạy nghề cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, và nâng cao năng lực Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thưong binh và Xã hội; đưa 2 Trung tâm giới thiệu việc làm của Liên đoàn Lao động và Hội Nông dân đi vào hoạt động có hiệu quả.

Hỗ trợ để tổ chức hội chợ việc làm, ứng dụng tin học vào việc thu thập thông tin thị trường lao động, điều tra lao động - việc làm hàng năm.

Nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, quản lý sự nghiệp và người sử dụng lao động từ tỉnh đến huyện, thị và xã, phường, thị trấn.

V/- Các giải pháp để thực hiện chương trình:

1/ - Về phát triển dân số́: Muốn đảm bảo việc làm và ổn định đời sống của nhân dân, cần tiếp tục giảm nghịp độ tăng dân số đến mức hợp lý bằng cách hạ thấp tỷ lệ sinh tự nhiên, ổn định tỷ lệ tăng dân số để có số dân theo dự kiến đến năm 2010 là 863.475 người.

2/ - Thu hút lao động cho phát triển các ngành kinh tế:

- Đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; chú trọng phát triển hạ tầng đô thị các thị trấn và trung tâm cụm xã; thu hút thêm khoảng 3.000 lao động cho yêu cầu xây dựng cơ bản.

- Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại thủy sản, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả, triển khai thực hiện dự án khai thác đất bãi bồi ven biển kết hợp với bảo vệ nguồn thủy sản. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ các cơ sở sản xuất con giống trong tỉnh. Đẩy mạnh đánh bắt thủy sản xa bờ, đồng thời phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác biển; tăng thêm khoảng 4.000 lao động.

- Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu tăng thêm khoảng 9.000 lao động, đáp ứng cho đa dạng các loại ngành nghề ở nông thôn; nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích; qui hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.Thực hiện liên kết công nông nghiệp ngày càng chặt chẽ để tăng nhanh chất lượng, khối lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa, vừa phục vụ trực tiếp cho thị trường nội địa, vừa có thể xuất khẩu.

- Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp chế biến sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều quy mô, nhiều trình độ. Chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp. Hỗ trợ phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương thu hút từ 12.000 đến 15.000 lao động vào đây làm việc, bình quân mỗi năm tăng khoảng 3.000 lao động.

- Phát triển mạnh dịch vụ phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các chợ đầu mối cụm xã, các Trung tâm thương mại ở các thị trấn. Phát triển dịch vụ ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu bổ sung thêm 6.000 lao động.

3/ - Tạo việc làm cho lao động từ nguồn quỹ chương trình:

- Tạo điều kiện cho những người lao động chưa có việc làm, người lao động thất nghiệp, người thiếu việc làm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khả năng tạo mới nhiều chỗ việc làm để thu hút người lao động vào làm việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua nguồn quỹ chương trình này góp phần tạo việc làm mới cho 18.000 lao động; trong đó 40% việc làm được tạo ra từ các dự án vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 15% từ các trang trại, 10% từ các làng nghề và 20% từ các dự án hộ gia đình tự tạo việc làm. Ngoài ra, ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm các đối tượng như: Mất việc làm do bị thu hồi đất nông nghiệp, thủy sản và các đối tượng hết thời hạn cai nghiện ở trung tâm, mãn hạn tù, lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số.

- Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho 12.500 lao động; trong đó 4.000 lao động vào làm việc các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trang trại, hợp tác xã, các làng nghề trong tỉnh, cung ứng khoảng 12.000 lao động (có 50% qua đào tạo nghề), làm việc trong các công ty xí nghiệp, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ngoài tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Cà Mau, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Tăng cường số lượng và chất lượng công tác xuất khẩu lao động, mở rộng thị trường trong 5 năm tới, có khoảng từ 3.500 đến 5.000 lao động sang làm việc có thời hạn ở các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác có thu nhập cao và ổn định.

- Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đảm bảo cung cấp, thu nhận thông tin đầy đủ, chính xác kịp thời những hiểu biết về thị trường lao động. Đây là cơ sở cho việc hoạch định và điều chỉnh kế hoạch chính sách việc làm.

4/ - Bố trí lao động hợp lý vào làm việc ở khu vực hành chánh - sự nghiệp thêm 2.300 lao động đáp ứng cho yêu cầu lao động quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể, ưu tiên bổ sung cho các huyện, xã mới tách. Đảm bảo đúng định mức giáo viên cho các cấp học và tăng cường cán bộ y tế cho các tuyến cơ sở.

5/ - Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình: Nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và người sử dụng lao động nhằm chuẩn hóa và phổ biến kiến thức và kỹ năng quản lý lao động, điều hành và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm, pháp luật lao động và các văn bản liên quan cho 2.800 lượt cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến huyện, thị và xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

6/- Về chính sách, cơ chế:

a/- Về chính sách:

- UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện các văn bản chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về việc làm, loại bỏ các cản trở và tạo điều kiện môi trường kinh doanh bình đẳng, hiệu quả và có tính cạnh tranh, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động.

- Huy động các nguồn lực trong, ngoài tỉnh và của Trung ương, nước ngoài cho đầu tư phát triển sản xuất, nhất là quan tâm những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động vào làm việc. Đồng thời, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các trang trại, các làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục xây dựng hoàn thành các dự án trụ sở làm việc của Trung Tâm Giới thiệu việc làm, Trường dạy nghề của tỉnh; các Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông Dân tỉnh và các Trung tâm dạy nghề Huyện Hồng Dân, Đông Hải, Hòa Bình, Vĩnh Lợi; nâng cấp Trung tâm dạy nghề các huyện Giá Rai, Phước Long. Nâng cao năng lực các Trung tâm, Trường dạy nghề trong tỉnh Bạc Liêu, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp lên trình độ cao nhằm nâng cao số lượng, chất lượng nguồn lao động cung cho thị trường lao động trong tỉnh, các khu công nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

- Tổ chức các kênh giao dịch trên thị trường lao động như: Thông tin quảng cáo, trang tìm việc làm trên các báo, đài, hội chợ việc làm.

b) - Về cơ chế:

- Phân bổ nguồn lực theo quy mô lực lượng lao động ưu tiên các huyện, thị đạt hiệu quả cao trong hoạt động sử dụng vốn vay, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, vùng có diện tích thu hồi đất nông nghiệp lớn.

- Phối hợp tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể trong mọi hoạt động của chương trình.

-Tiếp tục phân cấp mạnh cho các huyện, thị trong việc quản lý và tổ chức thực hiện chương trình (thẩm định và phê duyệt dự án);

- Giám sát, đánh giá: Thường xuyên giám sát từ trên xuống, giám sát từ cơ sở, tự giám sát và thuê giám sát độc lập…trên cơ sở khung giám sát, đánh giá chương trình đầu vào, đầu ra kết quả và tác động thông qua thực hiện các hoạt động của dự án, các chỉ tiêu đề ra.

-Thực hiện chế độ thu thập, báo cáo thông tin về tình hình thực hiện chương trình từ cấp cơ sở lên tỉnh theo định kỳ (quý, năm và giữa kỳ). Căn cứ vào cơ quan quản lý chương trình mục tiêu về việc làm của tỉnh, các huyện, thị gửi về cơ quan thường trực chương trình (Sở Lao động - TB&XH) để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Lao động-TB & Xã hội.

7/- Nguồn tài chính đảm bảo thực hiện Chương trình Việc làm giai đoạn 2006-2010:

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010 cần thiết phải huy động và sử dụng các nguồn lực cho thực hiện Chương trình :

a)- Phương thức huy động:

Ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, các huyện, thị trích ra và nguồn vốn huy động trong nhân dân khoảng 40-50% tổng nguồn quỹ của chương trình.

b)- Nguồn vốn huy động từ ngân sách nhà nước là 129,5 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thu hồi từ các dự án cho vay tạo việc làm cho lao động xuất khẩu đang vay 27 tỷ đồng trong đó của ngân sách trung ương 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng (tiếp tục cho vay quay vòng đến năm 2010 nguồn vốn này tăng lên 68 tỷ đồng).

- Huy động mới 61,5 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách trung ương hỗ trợ trong 5 năm: 2006 - 2010 là 53 tỷ đồng (chiếm 40,9%); bình quân hàng năm 10,6 tỷ đồng.

+ Ngân sách tỉnh chi trong 5 năm: 2006 - 2010 là 5 tỷ đồng (chiếm 3,9%); bình quân hàng năm là 1 tỷ đồng.

+ Ngân sách các huyện, thị chi trong 5 năm: 2006 - 2010 là 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,7%); bình quân hàng năm 700 triệu đồng.

c/ - Kế hoạch sử dụng nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước: 129,5 tỷ.

- Các dự án vay vốn tạo việc làm (nguồn Trung ương) 77 tỷ đồng.

- Dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động 39 tỷ đồng, (UBND tỉnh xem xét quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động, dự kiến vốn pháp lệnh của Quỹ này ngân sách tỉnh cấp 15 tỷ đồng); trong đó trung ương 20 tỷ đồng, tỉnh 17,5 tỷ đồng và huyện, thị 1,5 tỷ đồng

- Dự án hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm mới 11,5 tỷ đồng; trong đó trung ương 7 tỷ đồng, tỉnh 2,5 tỷ đồng và các huyện, thị 2 tỷ đồng.

- Kinh phí hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến cơ sở: 2 tỷ đồng (trung ương đầu tư).

- Kinh phí quản lý trung ương cấp hàng năm nằm ngoài dự toán nêu trên là 580 triệu (3% tổng nguồn vốn bổ sung hàng năm).

VI/ Tổ chức thực hiện:

Để Chương trình Việc làm giai đoạn 2006-2010 đạt được kết quả theo yêu cầu đề ra; ngoài việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, các chính sách, các dự án , cần tập trung một số vấn đề sau:

1/ Các bước triển khai thực hiện Chương trình:

- Cấp uỷ, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, luôn gắn Chương trình Việc làm với phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.

- Sau khi Chương trình Việc làm của tỉnh được phê duyệt, các mục tiêu của Chương trình việc làm phải được cụ thể hoá bằng Chương trình kế hoạch thực hiện hàng năm từ tỉnh đến cơ sở.

- Các cấp, các ngành có liên quan tuỳ theo chức năng nhiệm vụ được giao có nhiệm vụ phối hợp thật chặt chẽ với các địa phương để có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, Dự án có liên quan đến Chương trình.

- Định kỳ sáu tháng, năm có sở tổng kết tình hình thực hiện Chương trình, kịp thời phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp để Chương trình việc làm thật sự đi vào chiều sâu, đạt kết quả cao hơn.

2/ - Tổ chức cán bộ :

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp đủ sức tham mưu cho cấp ủy-chính quyền chỉ đạo thực hiện Chương trình việc làm và đảm bảo cho các hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành tham gia thực hiện Chương trình.

- Tạo cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình.

3/ -Trách nhiệm của các cấp, các ngành:

- Sở Lao động-TB&XH : Là cơ quan trực tiếp quản lý Chương trình có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì và phối hợp với các Sở, Ngành, Đoàn thể có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện toàn diện Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình. Hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội để theo dõi chỉ đạo.

- Sở Kế hoạch-Đầu tư : Giúp UBND tỉnh cân đối nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và cân đối nguồn chi từ ngân sách và các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình. Phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, dự án thuộc Chương trình việc làm của tỉnh.

- Sở Tài chính: Có trách nhiệm bố trí, cấp phát nguồn kinh phí từ ngân sách; hướng dẫn cơ chế chính sách và giám sát chi tiêu tài chính phục vụ cho Chương trình mục tiêu về việc làm của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Các Sở, ban ngành có chức năng liên quan, các doanh nghiệp : Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động-TBXH xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình .

- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh : Quản lý nguồn vốn XĐGN-Việc làm, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và nguồn vốn đầu tư xuất khẩu lao động tổ chức giải ngân kịp thời các dự án hỗ trợ việc làm, đầu tư hộ nghèo theo thẩm quyền được giao.

- UBND các huyện, thị : Căn cứ nội dung Chương trình có kế hoạch cụ trhể hoá các mục tiêu để triển khai thực hiện trong từng giai đoạn ở cấp mình. Tổ chức huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của UBND tỉnh, hướng dẫn chuyên môn của các cơ quan chức năng. Định kỳ báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Lao-TBXH) về tình hình thực hiện Chương trình.

- Các cơ quan thông tin đại chúng : Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình Việc làm; kịp thời phổ biến những kinh nghiệm hay, những mô hình có hiệu quả về giải quyết việc làm, những hạn chế cần khắc phục của từng địa phương để phát huy và động viên tinh thần của cộng đồng tham gia Chương trình.

- Đề nghị MTTQ và các tổ chức Đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội: Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền triên khai thực hiện Chương trình trong phạm vi hoạt động của mình và tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình đối với chính quyền cùng cấp.

Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010 đã được HĐND tỉnh thông qua theo Nghị quyết 25/2006/NQ-HĐND ngày 24/02/2006. Trong quá trình thực hiện có gì thuận lợi hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị các cấp, các ngành kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và cơ quan quản lý Chương trình để uốn nắn, chỉ đạo kịp thời góp phần cho Chương trình thực sự đi vào cuộc sống và đạt yêu cầu đề ra./.

UBND TỈNH BẠC LIÊU