Quyết định 13/2004/QĐ-UB về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển ngành trồng trọt
Số hiệu: 13/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Đình Chi
Ngày ban hành: 13/02/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2004/QĐ-UB

Nghệ An, ngày 13 tháng 02 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND-UBND ngày 26/11/2003;

- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An tại Tờ trình số: 2377/NN.CS-TT ngày 30/10/2003 và ý kiến của Sở Tài chính tại công văn số 4136/TC.VG ngày 30/11/2003.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển ngành Trồng trọt".

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 117/2002/QĐ-UB ngày 31/12/2002, Quyết định Số 73/2003/QĐ-UB ngày 15/8/2003 của UBND tỉnh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng HĐND-UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học Công nghệ; Trưởng ban Dân tộc và Miền núi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH NGHỆ AN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

CHÍNH SÁCH

HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 13/2004/QĐ.UB ngày 13/02/2004 của UBND tỉnh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là hộ) sản xuất đầu tư thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng theo quy định được hưởng các chính sách tại quy định này.

Điều 2. Phạm vi áp dụng:

1. Lúa lai, ngô lai, vừng V6, lạc giống mới, đậu tương giống mới được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Các cây: chè giống mới năng suất cao, cà phê chè Catimor, cam sạch bệnh, dứa Cayen, sắn giống mới, dâu tằm áp dụng cho các dự án vùng nguyên liệu nhà máy chế biến theo quy hoạch ngành.

3. Cây mía: Áp dụng cho dự án vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sông Lam, Sông Dinh.

Điều 3. Trong quy định nầy những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Đất khai hoang: Là đất chưa được dùng vào sản xuất hoặc đã bị bỏ hoang ít nhất 5 năm tính đến thời điểm khai hoang đưa vào sản xuất. Đất bãi bồi ven sông dùng vào sản xuất được ngay và đất do đốt nương làm rẫy để sản xuất sẽ không được coi là đất khai hoang.

- Đất phục hóa: Là đất đã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp nhưng đã bỏ hoang trên một năm và dưới 5 năm, nay được phục hóa để sản xuất nông nghiệp.

- Đất chuyển đổi: Là đất lâu nay đã trồng một loại cây trồng nông nghiệp khác, nay, chuyển sang trồng cây nguyên liệu trong vùng quy hoạch.

Chương II

NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

I - Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lúa lai, ngô lai, sắn nguyên liệu

Điều 4. Chính sách trợ giá giống và phân bón NPK:

Hàng năm thực hiện trợ giá giống và phân bón NPK cho hộ sản xuất lương thực như sau:

1. Đối với sản xuất lúa lai, ngô lai vụ Xuân: ngô lai vụ Hè Thu và Thu Mùa:

- Trợ giá 80% giá giống lúa lai, ngô lai; trợ giá 30% giá phân bón NPK cho huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và các xã biên giới vùng cao thuộc huyện Quế Phong (Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Nậm Giải, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ) và các xã Châu Khê, Môn, Sơn huyện Con Cuông.

- Trợ giá 50% giá giống lúa lai, ngô lai và trợ giá 20% giá phân bón NPK đối với các xã, bản miền núi khu vực III và các xã khu vực II thuộc chương trình 135 (CT 135).

- Trợ giá 20% giá giống lúa lai, ngô lai đối với các xã, bản miền núi thuộc khu vực II còn lại.

2. Đối với sản xuất lúa lai vụ Hè Thu và Thu Mùa: Chỉ thực hiện trợ giá đối với giống lúa lai sản xuất tại Nghệ An. Mức trợ giá như khoản 1 - Điều 4 quy định này. Để khuyến khích đơn vị sản xuất giống lúa lai trong tỉnh, giá bán giống lúa lai sản xuất tại Nghệ An được tính thêm chi phí triển khai bằng 5% giá thành sản xuất.

3. Đối với sản xuất ngô lai vụ Đông:

- Trợ giá giống ngô lai và phân bón NPK:

+ Trợ giá 80% giá giống, trợ giá 30% giá phân bón NPK cho miền núi khu vực III và các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

+ Trợ giá 50% giá giống, trợ giá 20% giá phân bón NPK đối với các xã, bản miền núi thuộc khu vực II.

+ Trợ giá 30% giá giống đối với các xã, bản miền núi thuộc khu vực I.

+ Trợ giá 20% giá giống đối với các xã đồng bằng.

- Chính sách khen thưởng: Các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.

+ Có sản lượng ngô vụ Đông năm sau tăng so với vụ Đông năm trước trên 500 tấn thì được xét thưởng 10 triệu đồng và cứ vượt thêm 150 tấn được thưởng 1 triệu đồng.

+ Có diện tích ngô vụ Đông trên đất 2 lúa năm sau cao hơn năm trước 100 ha thì được thưởng 05 triệu đồng và cứ vượt thêm 50 ha được thưởng thêm 01 triệu đồng.

4. Để mở rộng diện tích lúa nước góp phần tự trang trải lương thực tại chỗ, UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ đối với diện tích khai hoang, phục hóa để trồng lúa nước đối với miền núi KV3 và các xã KV2 thuộc CT135; Mức hỗ trợ đối với khai hoang 1.000.000 đ/ha (50.000đ/sào), phục hóa 400.000đ/ha (20.000đ/sào).

5. Đối với cây sắn giống mới năng suất cao cho các huyện: Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn.

- Trợ giá 50% giá giống cho vùng nguyên liệu Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương (trừ Thanh Chương, Nam Đàn). Định mức 15.000 hom/ha, giá giống theo giá thời điểm.

- Hỗ trợ khai hoang 400.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ phục hóa 150.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng 100.000 đồng/ha.

Điều 5. Chính sách cấp bù lãi suất.

1. Đối với vay ứng giống lúa lai, ngô lai:

Hộ sản xuất lúa lai, ngô lai được vay giống không phải trả lãi suất tiền vay (vay đầu vụ sản xuất, hoàn trả sau khi thu hoạch); Ngân sách tỉnh chịu lãi suất tiền vay. Mức vay ứng giống và thời gian vay như sau:

1.1- Đối với vay ứng giống lúa lai:

- Định mức vay đối với 1 ha lúa lai: Được vay 30 kg giống (1,5 kg/sào) đối với vùng đồng bằng và khu vực miền núi thấp; 32 kg giống (1,6 kg/sào) đối với khu vực miền núi cao.

- Thời hạn vay: 6 tháng.

1.2- Đối với vay ứng giống ngô lai:

- Định mức vay đối với 1 ha ngô lai: Được vay 15 kg giống (0,75 kg/sào).

- Thời hạn vay: 6 tháng.

2. Đối với vay ứng phân bón NPK:

Hộ sản xuất lúa lai, ngô lai vùng miền núi khu vực III và khu vực II thuộc CT 135 được vay ứng phân bón NPK không phải trả lãi suất tiền vay (vay đầu vụ sản xuất, hoàn trả sau khi thu hoạch); Ngân sách tỉnh chịu lãi suất tiền vay. Mức vay ứng phân bón NPK và thời gian vay như sau:

2.1- Đối với vay ứng phân bón NPK cho sản xuất lúa lai:

- Định mức vay: Được vay phân bón với mức 600 kg/ha phân NPKvà 300 kg/ha phân hữu cơ sinh học.

- Thời hạn vay: 6 tháng.

2.2- Đối với vay ứng phân bón NPK cho sản xuất ngô lai:

- Định mức vay: Được vay phân bón với mức 600 kg/ha phân NPK và 300 kg/ha phân hữu cơ sinh học; hoặc thay thế phân bón NPK bằng 250 kg/ha phân đạm URÊ (12, 5 kg/sào).

- Thời hạn vay: 6 tháng.

2.3- Đối với cây sắn: Được vay 600 kg NPK/ha và 500 kg/ha phân hữu cơ sinh học trong thời gian 12 tháng đối với các huyện trong vùng quy hoạch trồng sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến bột sắn.

Điều 6. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (gọi chung là UBND các huyện) làm chủ tài khoản của nguồn kinh phí (trừ kinh phí trợ giá phân bón) tại Điều 4 quy định này và chịu trách nhiệm:

1. Hàng năm, xây dựng kế hoạch sản xuất lúa lai, ngô lai và nhu cầu phân bón của từng vụ sản xuất và từng địa phương theo khu vực gửi Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp thành kế hoạch chung toàn tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ tổ chức thực hiện.

2. Về giống lúa lai, ngô lai:

Căn cứ kế hoạch sản xuất lúa lai, ngô lai từng vụ trong năm được UBND tỉnh giao kế hoạch, Chủ tịch UBND các huyện lựa chọn đơn vị cung ứng và ký hợp đồng vay ứng giống lúa lai, ngô lai với Công ty Giống cây trồng Nghệ An hoặc những cơ sở kinh doanh giống cây trồng có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 1 về điều kiện kinh doanh giống cây trồng ban hành kèm theo Quyết định số 34/2001/QĐ-BNN/VP ngày 30/3/2001 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

3. Về phân bón:

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất lúa lai, ngô lai hàng vụ trong năm, Chủ tịch UBND các huyện có miền núi khu vực III và miền núi khu vực II thuộc CT 135 lựa chọn đơn vị cung ứng để ký hợp đồng vay ứng phân bón NPK (hoặc phân URÊ) và phân hữu cơ sinh học với Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty Hóa chất Vinh hoặc những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) phân bón đủ điều kiện theo Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón.

4. Chủng loại giống lúa lai, ngô lai chỉ được thực hiện chính sách này khi tuân thủ quy định của phương án sản xuất do Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành hàng vụ, hàng năm.

5. Chịu trách nhiệm thu hồi vốn khi kết thúc vụ sản xuất để hoàn trả cho ngành hàng, thời gian trả cho ngành hàng không được quá 6 tháng. Ngân sách tỉnh chỉ cấp trả lãi suất tiền vay cho ngành hàng trong thời hạn 6 tháng đối với lúa lai, ngô lai và phân bón. Trường hợp các hộ, nhóm hộ và các tổ chức kinh tế vay tiền của ngân hàng hoặc các đối tượng khác để trả cho đơn vị ngành hàng cung ứng giống lúa lai, ngô lai, phân bón thì Sở Tài chính căn cứ vào biên bản kiểm tra nghiệm thu của Sở Nông nghiệp & PTNT về kết quả nghiệm thu lúa lai, ngô lai của huyện: Hợp đồng vay giống, phân bón: Khế ước (hoặc hợp đồng) vay vốn và thời gian vay ứng để trả lãi suất tiền vay cho UBND huyện để huyện trả cho đối tượng cho vay nhưng tối đa không quá thời gian quy định trên.

Điều 7. Giám đốc Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Công ty Hóa chất Vinh và những đơn vị có đủ điều kiện SXKD giống, phân bón thực hiện cung ứng giống, phân bón đúng chủng loại, chất lượng, giá cả hợp lý và kịp thời vụ. Giao cho Giám đốc Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Công ty Hóa chất Vinh làm chủ tài khoản nguồn kinh phí vay ứng tại Điều 5 và trợ giá phân bón tại Điều 4 quy định này; Trường hợp các huyện chọn đơn vị cung ứng giống, phân bón khác ngoài 03 công ty trên thì Chủ tịch UBND huyện là chủ tài khoản nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất vay ứng (kể cả trợ giá phân bón tại Điều 4 Quy định này). Ngân sách tỉnh cấp bù lãi suất trực tiếp cho UBND huyện.

II - Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cây công nghiệp hàng năm

Điều 8. Hộ sản xuất bằng giống lạc mới, giống đậu tương mới năng suất cao, giống vừng V6, dâu tằm, mía được hưởng các chính sách hỗ trợ như sau:.

1. Đối với sản xuất lạc:

1.1- Ngân sách trợ giá giống lạc mới với mức 2.000 đồng/kg (định mức giống: 180-200kg/ha tùy theo vụ SX). Riêng đối với:

+ Sản xuất lạc vụ Thu - Đông trợ giá 3.000 đ/kg cho tất cả các huyện trong tỉnh.

+ Sản xuất lạc Hè - Thu thực hiện trợ giá 3. 000đ/kg ở khu vực miền núi.

Chủng loại giống mới do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định hàng năm trong đề án sản xuất.

1.2- Hỗ trợ trồng lạc bằng phương pháp phủ nilon:

1.2-1. Được cấp không thu tiền thuốc diệt cỏ loại Dual (Thụy Sĩ) hoặc Rolsta (của pháp) với định mức 1000cc/1ha (50cc/1 sào); hoặc thuốc diệt cỏ Lasso (của Mỹ) với định mức 2600cc/ha (130cc/sào) để xử lý cỏ trước khi phủ Nilon.

1.2-2. Được ngân sách tỉnh trợ giá 30% tiền mua Nilon tấm mỏng loại 0,007mm để tủ luống (riêng đối với sản xuất lạc Thu - Đông được ngân sách tỉnh trợ giá 50% giá Nilon) và được vay không phải trả lãi suất trong thời gian 6 tháng theo định mức: 100kg nilon/ha (5 kg/sào); 600kg NPK/ha (30 kg/sào).

1.3- Chính sách khen thưởng đối với sản xuất lạc:

- Đối với sản xuất lạc Thu Đông: Các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò có diện tích sản xuất lạc Thu - Đông vượt kế hoạch tỉnh giao 100 ha thì được xét thưởng 03 triệu đồng và cứ vượt thêm 50 ha được thưởng 02 triệu đồng.

- Đối với sản xuất lạc bằng phương pháp phủ Nilon: Các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa lò có diện tích năm sau cao hơn năm trước 150 ha thì được thưởng 03 triệu đồng và cứ vượt thêm 100 ha được thưởng thêm 1,5 triệu đồng.

2. Chính sách đối với sản xuất vùng V6 làm nguyên liệu xuất khẩu:

2.1- Được ngân sách tỉnh cấp 100% tiền mua hạt giống vừng V6 để sản xuất theo mức 4 kg/ha (0, 20 kg/sào).

2.2- Được vay phân bón tổng hợp NPKvới định mức 400 kg/ha (20 kg/sào) trong thời gian 3 tháng không phải trả lãi suất.

2.3- Được các doanh nghiệp của tỉnh mua toàn bộ sản phẩm vừng V6 đạt tiêu chuẩn theo giá thị trường từng thời điểm, có thực hiện chính sách giá sàn từng năm.

3. Chính sách đối với sản xuất bằng giống đậu tương mới:

3.1- Được ngân sách tỉnh trợ giá 30% giá đậu tương giống mới năng suất cao; định mức giống: 50 kg/ha, chủng loại giống do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định theo đề án sản xuất hàng năm.

3.2- Được vay phân bón tổng hợp NPK với định mức 400 kg/ha (20 kg/sào) trong thời gian 3 tháng không phải trả lãi suất.

4. Chính sách phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Hộ nông dân có điều kiện về đất đai lao động phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm để sản xuất kén nguyên liệu hoặc kết hợp với ươm tơ dệt lụa theo đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp & PTNT thì được ngân sách tỉnh:

4.1- Hỗ trợ giống dâu:

- Trợ giá 20% giá giống dâu nhập nội (như giống dâu Hà số 7-Trung Quốc, Sa nhị luân,...) và trợ giá 15% giá giống dâu đối với các giống nhân kỳ 1 tại Nghệ An. Đồng thời được vay giống dâu, phân bón trong thời gian 12 tháng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay; Định mức vay ứng giống, phân bón đối với từng loại dâu giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT quy định.

4.2- Đối với trợ giá trứng tằm: Trợ giá 30% giá giống tằm đối với các giống nhập nội. Chủng loại giống dâu, giống tằm do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định hàng năm.

5. Chính sách đầu tư hỗ trợ cho hộ trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường Sông Lam và Sông Dinh:

- Được vay ứng trước 750 kg NPK và 500 kg phân khoáng hữu cơ sinh học, lãi suất trong 12 tháng ngân sách chịu.

- Được trợ giá giống 300.000 đồng/ha

- Hỗ trợ khai hoang 400.000 đồng/ha

- Hỗ trợ phục hóa 150.000 đồng/ha.

Điều 9. Giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị cung ứng và các huyện:

1. Giám đốc Công ty Giống cây trồng Nghệ An hoặc những cơ sở kinh doanh giống cây trồng có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 1 về điều kiện kinh doanh giống cây trồng ban hành kèm theo Quyết định số 34/2001/QĐ-BNN/VP ngày 30/3/2001 của Bộ Nông nghiệp & PTNT thực hiện cung ứng các hạng mục tại khoản 1.1, 2.1, 3.1 Điều 8 Quy định này; Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật thực hiện mục 1.2-1 Điều 8 Quy định này; Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Công ty Hóa chất Vinh và những đơn vị có đủ điều kiện SXKD phân bón theo Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón thực hiện cho vay phân bón theo quy định tại mục 1.2-2, 2.2, 3.2, 4.1 Điều 8 Quy định này; Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Công ty Hóa chất Vinh, Công ty Xuất nhập khẩu Nghệ An, Công ty TNHH XD & DV 320 và các doanh nghiệp có thiết bị, đủ điều kiện sản xuất Nilon màng mỏng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đăng ký với Sở Nông nghiệp & PTNT để thông báo cho các địa phương biết ký hợp đồng cung ứng nilon theo quy định tại mục 1.2-2 Điều 8 Quy định này.

Các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng giống, vật tư, phân bón cho sản xuất phải cung ứng hàng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả đúng quy định và phải chịu trách nhiệm với nông dân về các sản phẩm do đơn vị mình cung ứng.

Giám đốc các Công ty: Giống cây trồng Nghệ An, Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Hóa chất Vinh, Xuất nhập khẩu Nghệ An, TNHH XD & DV 320 là chủ tài khoản nguồn kinh phí vay ứng tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 (trừ giống dâu) Điều 8 Quy định này. Các Công ty: Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Hóa chất Vinh, Xuất nhập khẩu Nghệ An, TNHH XD&DV 320 là chủ tài khoản nguồn kinh phí trợ giá nilon tại mục 1.2-2, khoản 1.2- Điều 8 Quy định này. Trường hợp các huyện chọn đơn vị khác cung ứng giống, vật tư, phân bón ngoài các công ty trên thì giao cho Chủ tịch UBND huyện là chủ tài khoản nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất vay ứng và trợ giá ni lon. Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho các chủ tài khoản để trả lãi suất theo thời gian vay ứng (đối với lạc: 6 tháng, đối với vừng V6 và đậu tương 3 tháng). Trường hợp các hộ, nhóm hộ và các tổ chức kinh tế vay tiền của ngân hàng hoặc các đối tượng khác để trả cho đơn vị cung ứng nilon, phân bón NPK và phân hữu cơ sinh học thì Sở Tài chính căn cứ vào biên bản kiểm tra nghiệm thu của Sở Nông nghiệp & PTNT về kết quả nghiệm thu của huyện; Hợp đồng vay Nilon, phân bón; Khế ước (hoặc hợp đồng) vay vốn và thời gian vay ứng để cấp kinh phí trả lãi suất tiền vay cho UBND huyện để huyện trả cho các đơn vị cho vay nhưng tối đa không quá thời gian quy định nêu trên.

Công ty Dịch vụ BVTV là chủ tài khoản nguồn kinh phí cấp 100% thuốc diệt cỏ không thu tiền tại mục 1.2-1, khoản 1.2- Điều 8 Quy định này.

Điều 10. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò làm chủ tài khoản của các nguồn kinh phí trợ giá tại mục 1.1-khoản 1, mục 1.2 (nếu có) - khoản 1; các khoản 3 và 4 Điều 8 quy định này và chịu trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch sản xuất và nhu cầu kinh phí đối với từng loại cây trồng trong từng vụ và cả năm báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT đề tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Chọn đối tác cung ứng vật tư, phân bón; Ký hợp đồng vay ứng để cung cấp đến các hộ trồng lạc, vừng, đậu tương và thu hồi vốn trả cho ngành hàng kịp thời. Ngân sách tỉnh cấp kinh phí trợ giá và cấp lãi suất tiền vay (nếu có) cho huyện theo các nội dung tại Quy định này.

- Các huyện trồng dâu nuôi tằm: Căn cứ kế hoạch sản xuất hàng năm, UBND các huyện chọn đối tác cung ứng giống dâu và trứng tằm (trước mắt, cho phép thực hiện qua đường tiểu ngạch) đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước về công tác giống để cung ứng cho hộ nông dân theo giá đã được phê duyệt. UBND các huyện chịu trách nhiệm về chất lượng giống, quản lý nguồn kinh phí trợ giá chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng đúng chế độ; kinh phí trợ giá chỉ thực hiện khi các đơn vị của huyện mua giống dâu, trứng tằm của những đơn vị đủ điều kiện kinh doanh giống cây trồng vật nuôi quy định tại khoản 1 Điều 1 - Quyết định số 34/2001/QĐ-BNN-VP ngày 30/3/2001 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

- Thanh toán nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng quy định của tỉnh.

Điều 11. Giao Giám đốc Công ty Mía đường Sông Lam, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Dinh làm chủ tài khoản của nguồn kinh phí hỗ trợ tại khoản 5 Điều 8 Quy định này và chịu trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch trồng mía và nhu cầu kinh phí từng vụ, hàng năm báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT, để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Trực tiếp ký hợp đồng vay ứng phân bón với Công ty VTNN, Công ty Hóa chất Vinh hoặc những đơn vị có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón để cung ứng cho hộ trồng mía.

- Tổ chức tập huấn quy trình trồng mía cho hộ trồng mía.

- Thu hồi tiền trả vay ứng vật tư phân bón để trả cho đơn vị cung ứng đúng thời gian quy định.

- Thanh toán nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng.

III - Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả

Điều 12. Hộ được giao, thuê đất hoặc nhận khoán đất nông nghiệp để trồng chè công nghiệp, cà phê Catimor, trồng cam bằng giống sạch bệnh và dưa Cayen được hưởng các chính sách như sau:

1. Đối với phát triển cây chè.

Hộ trồng chè công nghiệp bằng các giống có năng suất chất lượng cao LDP1, LDP2 và một số giống mới nhập nội đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất đại trà được trợ giá 100 đồng/bầu. Mật độ trồng là 16.000 bầu/ha.

2. Đối với phát triển cà phê chè Catimor.

Hộ trồng cà phê Catimor được hỗ trợ 100% giá trị bầu giống. Mật độ trồng là 5.000 bầu/ha.

3. Đối với cây cam bằng giống cam sạch bệnh.

Hộ trồng cam bằng giống sạch bệnh được trợ giá 30% giá trị bầu giống. Mật độ trồng là 600 cây/ha, chủng loại giống do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định hàng năm.

4. Đối với cây dứa nguyên liệu: Hộ trồng dứa bằng giống Cayen để bán nguyên liệu cho Nhà máy chế biến nước dứa cô đặc:

- Được trợ giá 15% giá trị chồi giống theo giá thời điểm.

- Hỗ trợ khai hoang 400.000 đồng/ha.

- Được vay vốn mua chồi giống (trừ phần đã được trợ giá) cho trồng mới 1 ha dứa trong thời gian 18 tháng không phải chịu lãi suất. Mật độ trồng dứa Cayen từ 45.000 - 50.000 chồi/ha (tùy theo loại đất).

5. Chính sách vay ứng phân bón:

Hộ trồng mới và chăm sóc cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả được vay ứng phân bón không phải trả lãi suất; Ngân sách tỉnh cấp bù lãi suất cho ngành cung ứng phân bón. Định mức cho 1 ha và thời gian vay đối với từng loại cây trồng như sau:

- Đối với cây chè, cà phê, cam: Được vay để trồng mới, chăm sóc năm thứ 1, năm thứ 2 với mức 600 kg NPKvà 700 kg phân khoáng hữu cơ sinh học; Thời gian vay là 24 tháng kể từ ngày vay.

- Đối với cây dứa được vay để trồng mới 400 kg NPK và 500 kg phân khoáng hữu cơ sinh học; Thời gian vay là 18 tháng kể từ ngày vay.

6. Chính sách tín dụng:

Được vay vốn của các ngân hàng Thương mại để đầu tư xây dựng hệ thống tưới đã có nguồn nước (như sông, suối, hồ đập...), phục vụ trồng mới, chăm sóc năm thứ nhất, năm thứ 2 đối với các cây chè công nghiệp, cà phê Catimo, cam sạch bệnh và trồng mới dứa Cayen. Ngân sách tỉnh cấp bù 50% lãi suất tiền vay cho chủ đầu tư các dự án được duyệt.

Điều 13.

1. Giao các đơn vị là chủ tài khoản nguồn kinh phí vay ứng tại khoản 5, khoản 6 và nguồn kinh phí trợ giá tại các khoản của Điều 12 Quy định này.

1.1- Hàng năm lập kế hoạch toàn diện (cả kinh phí) trồng mới chè, cà phê, cam và dứa, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng mới đối với từng loại cây trồng và tự tạo giống từ năm trước trình các ngành chức năng thẩm định phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện (bao gồm cả thẩm định và phê duyệt giá giống); đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng giống sản xuất ra.

1.2- Quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, thực hiện cấp phát đúng chế độ quy định và kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng. Đối với vốn vay ngân hàng cho đầu tư trồng mới, chăm sóc và xây dựng hệ thống tưới đã có nguồn nước thực hiện theo phương thức chủ đầu tư vay vốn để cho hộ nhận trồng mới theo hợp đồng vay và thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng.

2. Công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty Hóa chất Vinh làm chủ tài khoản nguồn kinh phí cấp bù lãi suất vay ứng và chịu trách nhiệm cung ứng phân bón cho các huyện và các đơn vị tại khoản 5 - Điều 12 quy định này; Ngân sách tỉnh cấp bù lãi suất cho ngành cung ứng vật tư.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các ngành liên quan thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các dự án được hưởng chính sách tín dụng tại khoản 6 - Điều 12 quy định này.

4. Các ngân hàng Thương mại căn cứ diện tích trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả (hoặc sản phẩm) tiếp tục cho các hộ vay vốn để trồng mới và chăm sóc.

IV - Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất cây, con theo quy trình công nghệ cao.

Điều 14. Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ cao:

1. Đối tượng và địa điểm áp dụng:

1.1- Đối tượng áp dụng: Các tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất cây trồng theo quy trình công nghệ cao được hưởng các chính sách tại qui định này.

1.2- Quy mô và địa điểm áp dụng (Mô hình phải bố trí liền vùng, liền khoảnh, khép kín, thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh,...) Theo kế hoạch hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

2. Chính, sách hỗ trợ đầu tư: Thực hiện chính sách trợ giá và cấp bù lãi suất vay ứng vật tư cho từng loại cây trồng theo quy định tại Quyết định này. Riêng đối với trồng mới mía theo quy trình công nghệ cao được trợ giá 30% giá giống sản xuất bằng bầu và trợ giá 20% giá giống mới trồng bằng hom; đối với giống dâu hà số 7 trợ giá 50% giá giống.

3. Chính sách hỗ trợ kinh phí tập huấn, tuyên truyền, chỉ đạo xây dựng mô hình: Thực hiện theo định mức khuyến nông quy định hiện hành.

4. Ngân sách cấp 100% phần chênh lệch vật tư đầu tư sản xuất giữa công nghệ cao với sản xuất đại trà.

Điều 15. Giao cho các đơn vị là chủ các mô hình sản xuất theo công nghệ cao sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ tại khoản 2 - Điều 14 của Quyết định này chịu trách nhiệm:

1. Xây dựng kế hoạch cho từng mô hình cây trồng cụ thể gửi Sở Nông nghiệp & PTNT phê duyệt, làm căn cứ tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện mô hình theo quy định, sơ kết và tổng kết mô hình theo từng vụ sản xuất (hoặc từng năm).

3. Quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo chế độ tài chính hiện hành.

V - Chính sách bảo vệ thực vật

Điều 16. Khi có dịch hại xẩy ra, các hộ nông dân miền núi sản xuất lúa lai, ngô lai được hưởng chính sách đối với từng loại cụ thể như sau:

1. Đối với miền núi KV3 và các xã miền núi KV2 thuộc Chương trình 135:

a) Được cấp không 100% thuốc diệt chuột.

b) Được trợ giá 80% giá thuốc BVTV.

2. Đối với miền núi KV1 và các xã miền núi KV2 còn lại: Được trợ giá 50% giá thuốc BVTV.

Điều 17. Giao Giám đốc Công ty Dịch vụ BVTV tiếp nhận quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ tại Điều 16 - Quy định này và chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hỗ trợ thuốc diệt chuột và thuốc BVTV (có dự phòng) để cung ứng khi dịch bệnh xẩy ra. Thực hiện cung ứng đầy đủ kịp thời thuốc diệt chuột và các loại thuốc BVTV khi sâu hại xẩy ra và quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ với ngân sách Nhà nước.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CÁC NGÀNH VÀ CÁC CHỦ ĐẦU TƯ

Điều 18. Trách nhiệm các ngành:

Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch sản xuất các loại cây trồng ở từng huyện, từng đơn vị do UBND tỉnh giao.

1. Sở Nông nghiệp & PTNT:

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư; Sở Tài chính, Ban Dân tộc & Miền núi lập và phân bổ dự toán kinh phí đầu tư hỗ trợ theo quy định này trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật và kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với các huyện, các đơn vị thụ hưởng chính sách này.

- Kiểm tra nghiệm thu kết quả (trước khi thu hoạch đối với cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, sau trồng mới đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả) của các huyện và các đơn vị trực thuộc.

- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các huyện, các đơn vị liên quan thực hiện những nội dung cụ thể của quy định này về lĩnh vực tài chính.

2. Các ngân hàng Thương mại trên địa bàn đảm bảo đủ nguồn vốn cho các đơn vị có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất các loại cây trồng theo các nội dung tại quy định này.

3. Các đơn vị được các huyện chọn làm cơ quan cung cấp giống, vật tư, phân bón phải cung ứng kịp thời, đúng chủng loại, đúng địa điểm đảm bảo chất lượng theo quy định và chịu trách nhiệm về phẩm cấp chất lượng đối với các sản phẩm do đơn vị mình cung ứng nếu vi phạm mà làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất thì phải đền cho nông dân.

4. Sở Tài chính:

- Căn cứ dự toán ngân sách đã được UBND tỉnh phê duyệt cấp ứng kịp thời kinh phí cho các huyện và các đơn vị thụ hưởng theo đúng quy định.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Ban Dân tộc & Miền núi:

+ Thẩm định phê duyệt giá giống lúa lai, ngô lai, giống lạc, giống vừng V6, giống đậu tương, giống dâu, trứng tằm, giống mía, giống cam, giống dứa Cayen, giống cà phê, giống keo lai, vật tư và phân bón trước khi các đơn vị ngành hàng cung ứng, cho vay.

+ Thẩm định số lượng và giá trị giống, phân bón mà từng huyện đã vay của các đơn vị cung ứng làm căn cứ cấp kinh phí trợ giá và cấp bù lãi suất tiền vay cho các huyện, các đơn vị kịp thời.

+ Thẩm tra quyết toán kinh phí hàng năm của các huyện và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT.

- Hướng dẫn trình tự thủ tục cho vay đối với từng hạng mục cho vay tại Quy định này.

Điều 19. Trách nhiệm của các chủ đầu tư:

1. Tổ chức nghiệm thu kết quả sản xuất các loại cây trồng và chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu đó. Đồng thời quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo chế độ tài chính hiện hành.

2. Các huyện, các đơn vị trả nợ tiền vay không đúng thời gian quy định theo hợp đồng ký kết với các đơn vị ngành hàng thì các ngành hàng có quyền từ chối việc cho vay ứng tiếp.

Điều 20. Hàng năm, ngân sách tỉnh trích một phần kinh phí hỗ trợ công tác chỉ đạo thực hiện, kiểm tra nghiệm thu cho các sở, ngành cấp tỉnh liên quan trong việc thực hiện chính sách này.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc các ngành, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Nghệ An để xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.