Quyết định 1298/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2016
Số hiệu: | 1298/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Khánh Hòa | Người ký: | Lê Xuân Thân |
Ngày ban hành: | 27/05/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1298/QĐ-UBND |
Khánh Hòa, ngày 27 tháng 5 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM Ở NGƯỜI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2014 - 2016
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-BYT ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2014;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 498/TTr-SYT ngày 28 tháng 3 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2016, với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung: Chủ động phòng, chống dịch bệnh ở người trên phạm vi toàn tỉnh; phát hiện sớm để khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng; giảm tỷ lệ người mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Hàng năm, giảm 5% tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây dịch so với năm trước.
- Tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch sốt xuất huyết dengue, tay chân miệng, sốt rét, cúm A (H1N1), cúm gia cầm (H5N1, H7N9), tả, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh mới nổi, khống chế kịp thời không để dịch bùng phát lan rộng.
- Giảm tỷ lệ mắc các bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt sởi, bạch hầu giảm xuống dưới 0,1/100.000 dân, tỷ lệ mắc ho gà dưới 0,05/100.000 dân; phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm trên 95%. Giữ vững kết quả khống chế bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.
- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 95% và giữ vững kết quả tiêm chủng đã đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng, tăng cường đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng. Tăng cường quản lý về an toàn tiêm chủng, an toàn sinh học.
- Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước và tại địa phương đang diễn biến phức tạp, khó lường, cúm gia cầm, trong đó, cúm A (H7N9, H5N1) có xu hướng gia tăng; viêm màng não do não mô cầu đã có một trường hợp tử vong trong tuần đầu tiên của năm 2014; bệnh sởi đang bùng phát tại hai thành phố lớn của cả nước; mặt khác bệnh dịch có diễn biến theo chu kỳ, do vậy dự kiến các chỉ tiêu cụ thể một số bệnh truyền nhiễm như sau:
STT |
Tên bệnh |
Tỷ lệ người mắc/100.000 dân |
|
Năm 2013 |
KH hàng năm (giai đoạn 2014 - 2016) |
||
1 |
Cúm A |
0 |
< 0,05 |
2 |
Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả |
0 |
0 |
3 |
Thương hàn |
0,24 |
< 0,20 |
4 |
Viêm não vi rút |
Mắc: 0,16 Chết/mắc: 0 |
< 0,15 < 0 |
5 |
Viêm màng não do não mô cầu |
0 |
< 0,36 |
6 |
Sốt xuất huyết dengue |
Mắc: 586 Chết/mắc: 0,06% |
< 300 < 0,06% |
7 |
Tay chân miệng |
78,2 |
< 75 |
8 |
Sởi |
0 |
< 8 ca |
9 |
Bạch hầu |
0 |
0 |
10 |
Ho gà |
0 |
0 |
11 |
Uốn ván sơ sinh |
0 |
0 |
12 |
Sốt rét |
1,14/1000 dân |
< 1,0/1000 dân |
1. Công tác truyền thông: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đài, báo, truyền hình, tờ rơi, áp phích, pa-nô, loa truyền thanh,... Đặc biệt chú trọng tuyên truyền phòng chống các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm A và các bệnh mới nổi khác.
2. Công tác giám sát
a) Giám sát phát hiện, bao gồm giám sát bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh, chẩn đoán dịch.
- Giám sát bệnh nhân: Áp dụng với 26 bệnh truyền nhiễm, hội chứng cúm nặng, cúm A và bệnh tay chân miệng,… Thực hiện giám sát bệnh nhân ngay từ tuyến xã, phường theo đúng các quy định của Bộ Y tế.
- Thực hiện giám sát côn trùng và véc tơ truyền bệnh theo đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
b) Giám sát trọng điểm tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế và Đội Y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố theo từng loại dịch bệnh phù hợp với tình hình diễn biến dịch trong thực tế.
3. Củng cố tổ chức, chuẩn bị nguồn lực và xử lý sớm các trường hợp mắc bệnh ban đầu
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp; củng cố, thành lập các đội cơ động phòng chống dịch khi dịch có nguy cơ bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, vật tư... để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo tình hình thực tế.
- Xử lý sớm các trường hợp ban đầu, ổ dịch nhỏ, không để dịch lan truyền và bùng phát.
4. Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, an toàn cho các bệnh truyền nhiễm có vắc xin. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng; tuyệt đối không để xảy ra tai biến nặng do tiêm chủng.
5. Công tác điều trị
- Các đơn vị hệ điều trị trên địa bàn tỉnh chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, cơ số thuốc, phương tiện nhằm bảo đảm tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân.
- Tăng cường năng lực chẩn đoán; nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo điều trị đúng phác đồ hướng dẫn, chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra.
6. Công tác đào tạo: Tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cho cán bộ y tế và những người liên quan từ tuyến tỉnh đến tuyến xã về các biện pháp phòng chống, xử lý các bệnh dịch nguy hiểm; tập huấn về công tác giám sát, quản lý thông tin, báo cáo các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
1. Công tác chỉ đạo, phối hợp
a) Kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người
- Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người từ cấp tỉnh đến cơ sở.
- Xây dựng Quy chế, phân công nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm, phát huy tốt vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh hàng năm theo đúng quy định.
- Kiểm tra, đôn đốc, huy động các cấp, các ngành, các tổ chức tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Định kỳ sơ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
b) Thiết lập đường dây nóng, tổ chức trực báo dịch từ tỉnh đến cơ sở
- Ngành y tế thiết lập đường dây nóng từ tỉnh đến cơ sở nhằm thu thập thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh cũng như trả lời những thắc mắc liên quan đến dịch bệnh cho các cơ quan, tổ chức và người dân; thông báo công khai các số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
- Hệ thống y tế phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở phải tổ chức trực 24/24 giờ, làm đầu mối tiếp nhận thông tin và báo cáo tình hình dịch, bệnh theo quy định tại Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
c) Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh
- Ngành y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương đưa nội dung tìm hiểu giáo dục phòng chống dịch bệnh vào hoạt động ngoại khóa như: Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, cúm A,…, xây dựng phong trào thi đua diệt bọ gậy và lăng quăng tại hộ gia đình, thi đua gìn giữ vệ sinh sạch sẽ tại gia đình và khu phối, vệ sinh môi trường,…
- Huy động các cơ quan, tổ chức và người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh trong các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; tổ chức các chiến dịch thu gom rác thải, phế thải, phế liệu, xác gia súc, gia cầm chết,...; diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, khu dân cư...
- Các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt việc vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng theo đúng độ tuổi quy định.
2. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe
- Xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh, tập trung chủ yếu tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như: Trường học, chợ, khu công nghiệp,…
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng dân cư.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức người dân và tình hình thực tế của tỉnh như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; thực hiện tuyên truyền trực quan (panô, tờ rơi, tờ gấp,…) và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng.
- Tần suất truyền thông:
+ Khi không có dịch: 2 lần/tuần.
+ Khi có dịch: 1-2 lần/ngày và tại thời điểm triển khai chiến dịch.
- Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện đối với mọi người dân. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các biểu hiện bệnh, tác nhân gây bệnh, đường lây truyền và cách phòng chống cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm ở người.
3. Biện pháp chuyên môn
a) Công tác tập huấn
- Tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp về Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh Khánh Hòa liên quan đến phòng, chống từng dịch bệnh cụ thể...
- Tập huấn cho cộng tác viên về những kiến thức trong giám sát, phát hiện ca bệnh dịch; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và trang bị kỹ năng truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng.
- Tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý dịch; chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh dịch.
- Tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia làm công tác dự phòng và điều trị và những người liên quan khác từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường về cách phòng chống, xử lý bệnh dịch.
- Tập huấn cho cán bộ phụ trách thống kê báo cáo, giám sát chủ động về công tác giám sát, quản lý thông tin, báo cáo các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
- Số lượng các lớp tập huấn: Tùy theo tình hình từng loại dịch bệnh trên thực tế, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động báo cáo, đề xuất số lượng tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh cho phù hợp.
b) Giải pháp về giảm số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm
- Các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng chủ động giám sát tình hình dịch bệnh để tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác giám sát phát hiện và xử lý sớm các ca mắc tại cộng đồng, nhất là tại các khu vực đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao như: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lễ hội, hội chợ, khu công nghiệp… nhằm ngăn chặn không để lây lan thành dịch.
- Củng cố hệ thống giám sát và báo cáo dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, các ca bệnh cần được phát hiện, phản hồi sớm và xử lý kịp thời.
- Tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch theo đúng các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur Nha Trang đề xuất việc triển khai các điểm giám sát trọng điểm.
- Đối với công tác tiêm chủng vắc xin, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
+ Thực hiện tốt các quy định về tiêm chủng vắc xin phòng dịch bệnh ở người: Đảm bảo đủ mũi, đúng đối tượng và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.
+ Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn tiêm chủng theo Quyết định 23/2008/QĐ-BYT ngày 07 tháng 7 năm 2008 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị và Quyết định 3029/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng.
c) Giải pháp về giảm tử vong
- Thực hiện theo đúng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế như: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Y tế; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Y tế; hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người theo Quyết định số 30/QĐ-BYT ngày 19 tháng 8 năm 2008 của Bộ Y tế,… Và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật khác của Bộ Y tế.
- Hệ điều trị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân sớm, theo dõi sát diễn biến bệnh, triệt để tuân thủ phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế; bảo đảm nhân lực; tăng cường năng lực chẩn đoán; nâng cao chất lượng điều trị, sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ hệ thống hành nghề y tư nhân trong công tác khám và chữa bệnh; yêu cầu các cơ sở hành nghề y tư nhân phải kịp thời chuyển cơ sở điều trị tuyến huyện, tỉnh khi bệnh nhân có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời điều trị, tuyệt đối không để tử vong xảy ra.
- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết; kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi địa phương; tập huấn và hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh truyền nhiễm.
- Kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Trong trường hợp cần thiết, ngành Y tế thành lập hoặc kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch, các đội cấp cứu sẵn sàng ứng phó với tình hình diễn biến của dịch; xây dựng cơ chế phối hợp hành động cụ thể để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống dịch bệnh xảy ra.
- Thường xuyên tuyên truyền để người dân biết triệu chứng và các dấu hiệu diễn biến nặng của bệnh để đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị kịp thời.
- Thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thu thập thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định.
- Phối hợp thực hiện thu thập mẫu bệnh phẩm, thu thập thông tin đánh giá nguy cơ trong việc triển khai giám sát trọng điểm quốc gia.
4. Công tác hậu cần và cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Đảm bảo bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men cho công tác phòng chống dịch; cung ứng đủ vắc xin phòng dịch ở người.
- Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc men sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh.
5. Công tác kiểm tra
- Kiểm tra định kỳ: Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch ở người cấp tỉnh kiểm tra huyện, thị xã, thành phố ít nhất 1 năm/lần; Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh cấp huyện kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn ít nhất 6 tháng/lần; cấp xã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn ít nhất một quý/lần.
- Kiểm tra đột xuất: Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Hàng năm, các đơn vị, địa phương có liên quan lập dự toán kinh phí, gửi Sở Y tế và Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
1. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu kế hoạch và các phương án phòng, chống từng loại dịch bệnh ở người hàng năm trên địa bàn tỉnh.
- Làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh ở người; điều phối hoạt động liên ngành, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.
- Hàng năm, tổng hợp, đề xuất kinh phí phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh, phù hợp với tình hình diễn biến dịch trong thực tế.
- Chủ động dự trữ, phân phối vật tư, trang thiết bị, thuốc và hóa chất phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xây dựng nội dung, hình thức các tài liệu tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cung cấp cho tất cả các ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư.
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành trong phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động:
+ Thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh;
+ Giám sát chặt chẽ các đối tượng từ vùng có dịch trở về, đối tượng có tiếp xúc với người bệnh;
+ Phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch;
+ Chuẩn bị các khu vực cách ly điều trị;
+ Trong trường hợp cần thiết, thành lập các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu, điều trị cơ động;
+ Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; báo cáo dịch hàng ngày qua đường dây nóng.
- Phối hợp và huy động sự tham gia của các cấp, các ban ngành, đoàn thể (Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, các Hội Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên, Cựu Chiến binh, Hội Thầy thuốc trẻ,…) phối hợp với ngành Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch ở địa phương.
- Phối hợp với ngành Y tế xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn và các phương án hành động ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và phối hợp với ngành Y tế xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh tại địa phương.
- Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch; chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các ban, ngành có liên quan chuẩn bị sẵn nơi cách ly người bệnh, kiểm soát chặt chẽ khu vực cách ly, thực hiện vệ sinh môi trường.
- Trường hợp xảy ra đại dịch, chỉ đạo việc chuẩn bị đầy đủ và huy động tối đa nhân lực, vật lực, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác ứng phó khẩn cấp; thành lập các đội đặc nhiệm, lực lượng cơ động phòng, chống dịch; xây dựng các phương án trưng dụng trường học, công sở, khách sạn trên địa bàn làm bệnh viện dã chiến; phối hợp với Sở Y tế có phương án chôn cất tử thi bao gồm địa điểm, phương pháp xử lý, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, người tham gia thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định tại Thông tư 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động chuyên môn thú y, đồng thời phối hợp cùng Sở Y tế trong công tác phòng chống các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh cúm gia cầm (AH5N1, AH7N9), bệnh liên cầu lợn,…
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung cấp nước sạch để sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác xử lý, đảm bảo đủ điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh nước trước khi cung cấp cho người dân, nhất là khi xuất hiện các bệnh dịch lây truyền qua nguồn nước như: Tả, lỵ, thương hàn,…
4. Sở Thông tin – Truyền thông, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa
- Phối hợp với Sở Y tế và các địa phương xây dựng kế hoạch và các phương án truyền thông phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
- Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ thông suốt trong các tình huống có dịch xảy ra.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng chuyên trang, chuyên mục định kỳ trên báo, đài; tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trước và trong mùa cao điểm của bệnh theo đề nghị của Sở Y tế.
5. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, khu công nghiệp,…; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
+ Thực hiện dán áp - phích tuyên truyền, cảnh báo dịch bệnh tại tất cả các khách sạn, các khu du lịch và các khu vực văn hóa, thể thao, giải trí.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các công ty du lịch, đơn vị lữ hành theo dõi khách du lịch, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải báo cáo cho cơ quan y tế gần nhất để có sự hỗ trợ và phối hợp triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
+ Tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, nhân viên.
- Phối hợp và tạo điều kiện cho Sở Y tế trong việc trưng dụng khách sạn, khu du lịch làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly điều trị khi có tình huống đại dịch xảy ra.
6. Sở Công thương
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua thực phẩm (thịt heo, thị gia cầm,…), phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm có thể lây truyền bệnh sang người.
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng phương án tổ chức hệ thống lưu động phân phối, mua bán hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trong tình huống đại dịch xảy ra.
7. Sở Tài chính
- Thẩm định kinh phí kế hoạch đảm bảo hậu cần, vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và các nhu cầu khác trong các tình huống dịch.
- Thẩm định dự toán và bố trí kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
- Ngoài nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh bố trí trong dự toán đầu năm, nếu có dịch xảy ra trên diện rộng, Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế tham mưu đề xuất bổ sung kinh phí kịp thời, đảm bảo phục vụ cho công tác xử lý ổ dịch.
8. Sở Ngoại vụ
- Thông báo và phối hợp với Sở Y tế trong tổ chức giám sát sức khỏe khách nước ngoài đến Khánh Hòa làm việc, du lịch, nhất là những khách nước ngoài đến từ vùng có dịch.
- Cung cấp danh sách những cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh xuất cảnh đến các nước có dịch trở về cho Sở Y tế để cử cán bộ y tế theo dõi, kiểm tra sức khỏe theo quy định giám sát dịch.
9. Sở Giao thông Vận tải
- Phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động phương tiện vận tải tham gia thực hiện phương án vận chuyển trong tình huống đại dịch xảy ra.
- Chỉ đạo các bến xe, bến tàu, bến cảng thủy nội địa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho giáo viên và học sinh theo tài liệu tuyên truyền của ngành Y tế; triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong nhà trường.
- Tăng cường hoạt động y tế học đường, hướng dẫn và khuyến khích học sinh chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo, cần định kỳ vệ sinh bề mặt, dụng cụ, đồ chơi trẻ em bằng dung dịch khử khuẩn, đặc biệt là khi có dịch bệnh tay chân miệng, cúm A (H1N1) xảy ra trên địa bàn.
- Các trường có tổ chức nội trú, bán trú phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc cung cấp bữa ăn cho học sinh.
- Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng; thông báo kịp thời cho cơ quan y tế về các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm xảy ra trong trường học.
- Trong trường hợp có đại dịch xảy ra, phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các trường học cho học sinh tại vùng dịch tạm thời nghỉ học, sau khi dịch an toàn tổ chức giảng dạy thêm để bảo đảm chương trình. Trong thời gian xảy ra dịch, học sinh phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như: Ngủ màn (kể cả ngủ trưa đối với học sinh nội trú, bán trú), rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang y tế,…
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc trưng dụng trường học để triển khai bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị khi cần thiết.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Y tế trong hướng dẫn công tác xử lý môi trường trong vùng có dịch.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn và giám sát việc xử lý môi trường các khu vực chôn cất người tử vong do dịch bệnh tại địa phương; cũng như tại các vùng tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đề án, chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do dịch bệnh bùng phát gây ra.
- Hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho các đơn vị trong việc xử lý chất thải y tế nguy hại, chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh.
- Quản lý môi trường, nguồn nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra, theo dõi báo cáo kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh nước thải thuộc cấp quản lý, kịp thời nhắc nhở, xử lý những cơ sở xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
12. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
- Chỉ đạo các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho giáo viên và học sinh, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc trưng dụng các đơn vị trực thuộc làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly điều trị khi có tình huống đại dịch.
13. Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống dịch và ổn định an ninh trật tự khi có đại dịch xảy ra.
14. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án kết hợp quân dân y trong các tình huống dịch.
- Chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh hỗ trợ địa phương ở những nơi thiếu nhân lực khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch, chuyển thương, chôn cất người tử vong.
15. Cục Hải Quan
- Thông báo kịp thời cho ngành Y tế những hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ có yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là thực phẩm tươi sống.
- Chỉ đạo Chi cục Hải quan nơi có cửa khẩu sân bay, bến cảng và các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xử lý hàng hóa nhập khẩu bị ô nhiễm.
16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể
Phối hợp với ngành Y tế huy động sự tham gia của các cấp, các ban ngành, đoàn thể triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; vận động các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1003/QĐ-BYT năm 2019 về "Mẫu Hồ sơ Khám giám định y khoa" Ban hành: 15/03/2019 | Cập nhật: 21/03/2019
Quyết định 759/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2014 Ban hành: 06/03/2014 | Cập nhật: 29/07/2014
Quyết định 458/QĐ-BYT năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế Ban hành: 08/02/2014 | Cập nhật: 21/02/2014
Quyết định 3029/QĐ-BYT năm 2013 phê duyệt “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” Ban hành: 21/08/2013 | Cập nhật: 29/08/2013
Quyết định 1003/QĐ-BYT năm 2012 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay-chân-miệng Ban hành: 30/03/2012 | Cập nhật: 07/04/2012
Quyết định 458/QĐ-BYT năm 2011 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue Ban hành: 16/02/2011 | Cập nhật: 24/03/2011
Thông tư 48/2010/TT-BYT hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm Ban hành: 31/12/2010 | Cập nhật: 06/01/2011
Thông tư 02/2009/TT-BYT hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng Ban hành: 26/05/2009 | Cập nhật: 09/06/2009
Quyết định 23/2008/QĐ-BYT về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị Ban hành: 07/07/2008 | Cập nhật: 10/07/2008