Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025
Số hiệu: 127/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 02/02/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM PHÚ YÊN - BẮC KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, ranh giới vùng:

Vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa bao gồm 3 huyện phía Nam của tỉnh Phú Yên: Sông Hinh, Đông Hòa, Tây Hòa và 2 huyện phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa: Vạn Ninh và Ninh Hòa.

Tổng diện tích tự nhiên của vùng khoảng 351.500 ha.

2. Tính chất:

- Là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

- Là vùng lưu trữ bảo tồn bản sắc văn hóa và các di tích lịch sử gắn liền với các cuộc kháng chiến giữ nước.

- Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia.

3. Dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2015 khoảng 71,5 - 72,5 vạn người;

- Dự báo lao động toàn vùng đến năm 2015 khoảng 31 - 32 vạn người; năm 2025 khoảng 39 - 40 vạn người.

- Dân số đô thị năm 2015 khoảng 30 - 31 vạn người; năm 2025 khoảng 51 - 52 vạn người.

- Tỉ lệ đô thị hóa năm 2015 khoảng 42 - 43%; năm 2025 khoảng 61 - 62%.

- Quy mô đất xây dựng đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị đến năm 2015 khoảng 11.000 ha, đến năm 2025 khoảng 20.000 ha.

- Dự báo quy mô đất xây dựng các khu dân cư nông thôn đến năm 2015 khoảng 3.250 ha, đến năm 2025 khoảng 2.700 ha.

4. Định hướng phát triển không gian vùng

a) Các phân vùng phát triển và trục kinh tế động lực chính của vùng:

- Vùng đồng bằng ven biển và đảo: Là khu vực có vị trí và vai trò là động lực phát triển chính của vùng bao gồm: Cảng tổng hợp Vũng Rô, cảng nước sâu Vân Phong - Khánh Hòa. Nam Vân Phong là cảng trung chuyển dầu và sản phẩm dầu; Tây Nam Vân Phong là bến cảng công nghiệp và nhiệt điện và các đô thị: Đông Hòa, Tu Bông, Đầm Môn, Vạn Giã, Ninh Hòa. Phát triển không gian liên kết về kinh tế thương mại tự do quốc tế, phát triển các loại hình công nghiệp gắn với cảng biển và dịch vụ thương mại kho bãi. Xây dựng các tuyến du lịch biển, núi, tham quan di tích… Phát triển các loại hình nuôi trồng thủy hải sản gắn với dân cư tại chỗ.

- Vùng trung du và gò đồi: Tạo dựng hệ thống các đô thị vừa và nhỏ thúc đẩy phát triển vùng núi và vùng gò đồi, xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo các tiêu chí về nông thôn mới. Phát triển hành lang hạ tầng kỹ thuật Đông Tây, gắn kết các khu kinh tế ven biển với các tỉnh Tây Nguyên.

- Vùng miền núi phía Tây: Chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, bảo vệ môi trường. Ổn định và cải thiện điều kiện sống của các nhóm dân cư nông thôn tại khu vực này theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Trục không gian kinh tế động lực Bắc - Nam:

Quốc lộ 1A liên kết vùng Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, gắn kết 2 cực động lực là Khu kinh tế Nam Phú Yên - đô thị Đông Hòa và Khu kinh tế Vân Phong - đô thị Tu Bông, Đầm Môn, Vạn Giã - Ninh Hòa.

- Trục không gian kinh tế động lực Đông - Tây: Là hành lang kết nối giữa vùng kinh tế ven biển với vùng trung du miền núi phía Tây và Tây Nguyên thông qua các tuyến đường giao thông quốc gia và tỉnh lộ gồm tuyến quốc lộ 29 và quốc lộ 26. Trong đó:

+ Quốc lộ 29 (tỉnh Phú Yên) gắn kết các đô thị động lực gồm: Phú Thứ, Sơn Thành, Hai Riêng, Tân Lập.

+ Quốc lộ 26 (tỉnh Khánh Hòa) gắn kết Khu kinh tế Vân Phong với các đô thị động lực gồm: Ninh Sim, Ninh Hòa các trung tâm cụm xã như Ninh Tây, Ninh Xuân, Ninh Thuận.

b) Phát triển hệ thống đô thị, dân cư nông thôn và dịch vụ hạ tầng xã hội:

- Hệ thống đô thị Nam Phú Yên: Đô thị Đông Hòa là đô thị mới loại III, phát triển kinh tế tổng hợp, trung tâm lớn của vùng; thị trấn Hai Riêng đô thị loại IV là trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật và dịch vụ thương mại của huyện Sông Hinh; thị trấn Tân Lập là đô thị loại V có chức năng phát triển dịch vụ du lịch. Thị trấn Phú Thứ là đô thị loại IV là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật và dịch vụ thương mại của huyện Tây Hòa; thị trấn Sơn Thành Đông là đô thị loại V của huyện Tây Hòa, có chức năng phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch.

- Hệ thống đô thị Bắc Khánh Hòa: Đô thị tổng hợp Đầm Môn - Tu Bông - Đại Lãnh - Vạn Giã sẽ phát triển thành đô thị loại II, là trung tâm đô thị tổng hợp của Khu kinh tế Vân Phong và trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội dịch vụ của huyện Vạn Ninh. Đô thị Ninh Hòa - Lạc An là đô thị loại III cải tạo nâng cấp, cung cấp các dịch vụ về thương mại, văn hóa giáo dục hỗ trợ cho hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong. Ninh Sim là đô thị mới loại IV, là đô thị huyện lỵ của huyện Ninh Hòa.

- Định hướng tổ chức hệ thống dân cư nông thôn: Hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư. Địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn phải thuận tiện trong kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã liên vùng, phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo đúng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Định hướng hệ thống dịch vụ thương mại - y tế vùng: Xây dựng tại Khu kinh tế Nam Phú Yên 01 bệnh viện đa khoa khoảng 900 giường và một số bệnh viện chuyên ngành khác. Tại khu vực Bắc Khánh Hòa dự kiến sẽ xây dựng một số bệnh viện đa khoa hoặc chuyên ngành quy mô khoảng 500 giường đặt tại Khu kinh tế Vân Phong. Xây dựng các bệnh viện đa khoa huyện, trung tâm y tế khu vực (liên huyện) tại các đô thị cấp tiểu vùng như Ninh Hòa, Hai Riêng, Ninh Sim.

Tại hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong xây dựng các trung tâm dịch vụ thương mại - dịch vụ quy mô lớn phục vụ nhu cầu của các khu kinh tế và khu vực lân cận. Tại các đô thị tiểu vùng như Ninh Hòa, Ninh Sim, Hai Riêng xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối với vai trò phân luồng, điều hòa phân phối hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận.

- Định hướng các công trình văn hóa - thể dục thể thao cấp vùng: Xây dựng các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao tại Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong, các đô thị có chức năng tổng hợp. Xây dựng mạng lưới công trình sân bãi thể dục thể thao kết hợp với các trung tâm văn hóa cấp thị trấn huyện lỵ.

- Định hướng hệ thống đào tạo vùng: Xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp trong Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong, các trung tâm dạy nghề tại các đô thị, thị trấn huyện lỵ.

c) Tổ chức không gian công nghiệp vùng:

- Vùng công nghiệp Nam Phú Yên: Gồm các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, hiện đã bố trí hai khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và Hòa Hiệp 2 với các ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến nông lâm hải sản, vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí điện tử, đồ dùng và đồ may mặc. Dự kiến đến giai đoạn 2015 - 2025 sẽ hình thành thêm nhà máy lọc hóa dầu và các khu công nghiệp đa ngành với tổng quy mô khoảng 2.682 ha. Bao gồm: Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và Hòa Hiệp 2 có tổng diện tích khoảng 207 ha. Các khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm khoảng 1.080 ha, khu công nghiệp lọc dầu khoảng 170 ha, các khu công nghiệp đa ngành khoảng 855 ha và khu công nghệ cao khoảng 370 ha và khu dịch vụ hậu cần và các ngành khác phù hợp quy hoạch chung.

- Vùng công nghiệp Bắc Khánh Hòa: Trung tâm là các khu công nghiệp trong khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong với các ngành công nghiệp chủ chốt là công nghiệp đóng sửa chữa tàu biển quy mô lớn, công nghiệp cảng, dịch vụ cảng, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp đa ngành… Tổng diện tích đất công nghiệp khu vực Bắc Khánh Hòa khoảng 2.504 ha.

d) Tổ chức hệ thống du lịch vùng:

Không gian du lịch sinh thái biển bố trí tại dải ven biển thuộc Đầm Môn, Dốc Lết; không gian du lịch sinh thái rừng núi gắn liền với vùng bảo tồn thiên nhiên Krôngtrai; không gian du lịch văn hóa - lịch sử bố trí ở khu vực Vạn Giã, khu vực Núi Đá Bia, vịnh Vũng Rô; các khu du lịch suối khoáng nóng và hồ thủy điện sẽ tập trung ở vùng phía tây cùng các điểm du lịch rải rác trên địa bàn.

5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng

a) Chuẩn bị kỹ thuật

Đô thị loại 2: Đối với các khu vực dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế > mực nước tính toán ứng với P=2,5%; khu cây xanh > mực nước tính toán ứng với P=10%;

Đô thị loại 3: Đối với các khu vực dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế > mực nước tính toán ứng với P=2,5%; khu cây xanh > mực nước tính toán ứng với P=10%;

Đô thị loại 4: Đối với các khu vực dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế > mực nước tính toán ứng với P=5%; khu cây xanh > mực nước tính toán ứng với P=10%;

Đô thị loại 5: Đối với các khu vực dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế > mực nước tính toán ứng với P=10%; cây xanh > mực nước tính toán ứng với P=50%;

Đối với khu dân cư nông thôn: Đối với các khu vực dân dụng > Hmax hàng năm; công trình công cộng > Hmax hàng năm + 0,3 m;

Những khu vực dự kiến xây mới có độ dốc địa hình > 10% cần chọn giải pháp thích hợp: San giật cấp, chỉ tạo mặt bằng lớn khi thật cần thiết.

Những khu vực xây dựng gần hồ chứa, đê đập phải tuân thủ quy định của luật đê điều.

b) Quy hoạch giao thông

- Đường bộ

+ Trục dọc Bắc - Nam:

. Đường cao tốc Bắc Nam - xây dựng mới: Chiều dài đoạn tuyến đi qua vùng khoảng 120 km, lộ giới tuyến giai đoạn định hình là 100 - 120 m.

. Quốc lộ 1A - nâng cấp cải tạo: Tuyến quốc lộ 1A qua các đô thị Tu Bông, Vạn Giã, Ninh Hòa được nắn tuyến ra khỏi đô thị, đoạn qua đô thị Hòa Vinh (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên) không nắn tuyến sẽ xây dựng đường gom hai bên để đảm bảo an toàn giao thông. Dự kiến quốc lộ 1A đoạn qua vùng đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe. Tuyến đường cao tốc Bắc Nam sẽ gặp tuyến quốc lộ 1A tại phía Tây Bắc của Biển Hồ và đi chung hầm đường bộ đèo Cả.

. Trục dọc phía Tây - xây dựng mới và nâng cấp cải tạo: Hình thành trục dọc phía Tây (nối 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắc) xây dựng trên cơ sở các tuyến đường tỉnh lộ 638, 641, 642, 643, 646, 649, 693 và một số đoạn tuyến xây dựng mới, đi qua vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa khoảng 130 km, đường được xây dựng theo cấp IV, khu vực khó khăn cấp V và khu vực thuận lợi, lưu lượng giao thông lớn đạt cấp III.

. Trục dọc ven biển - đường kinh tế ven biển: Toàn tuyến được xây dựng theo cấp IV và III (kiến nghị dự phòng hành lang có thể nâng cấp đường trong tương lai). Một số đoạn qua khu kinh tế Nam Phú Yên, đô thị Tu Bông - Vạn Giã được xây dựng theo quy hoạch chung như đường Hùng Vương (Phú Yên), đường tỉnh lộ ĐT 651B ven biển Vạn Ninh - Ninh Hòa (Khánh Hòa).

. Hành lang an ninh quốc phòng: Đường Đông Trường Sơn (đường Z114 - Bộ Quốc phòng) từ Thạnh Mỹ đến thành phố Đà Lạt, đoạn nằm trong vùng có chiều dài 20 km thuộc tỉnh Phú Yên sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp V - IV tùy theo khu vực:

+ Trục ngang Đông - Tây:

. Trục ngang hiện có nâng cấp cải tạo: Quốc lộ 25 nối Tuy Hòa với Gia Lai. Toàn tuyến được nâng cấp đạt đường cấp IV (dài hạn đạt đường cấp III), chiều dài qua vùng 70,18 km. Quốc lộ 26: Chiều dài toàn tuyến là 165 km, đoạn qua vùng là 32 km. Dự kiến cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 26 qua vùng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III đồng bằng. Đường nối Quốc lộ 1A đi cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có lộ giới 100 m bao gồm đường vận tải, đường sắt chuyên dùng. Nâng cấp quốc lộ 26B, từ quốc lộ 1 đến nhà máy tàu biển Hyunđai Vinashin đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe; nối quốc lộ 26B với quốc lộ 26 theo quy hoạch chung thị trấn Ninh Hòa đã được phê duyệt.

. Trục ngang kiến nghị mới: Quốc lộ 29 được nâng cấp từ đường tỉnh 645, chiều dài toàn tuyến khoảng 280,28 km, đoạn trong vùng dài 109,79 km/280,28 km toàn tuyến, kiến nghị xây dựng với tiêu chuẩn cấp III, đoạn khó khăn là cấp IV. 05 tuyến đường Đông - Tây khu kinh tế Nam Phú Yên và tuyến đường Bắc Ninh Hòa là các trục Đông - Tây quan trọng cho việc phát triển kinh tế Vùng.

+ Hệ thống giao thông nội vùng:

. Các tuyến đường tỉnh: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III - cấp IV.

. Đường giao thông nông thôn: Đến năm 2015: 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ rải mặt đạt 40 - 50%, đến năm 2025 hầu hết các tuyến đạt tiêu chuẩn đường loại A hoặc B, tỷ lệ rải mặt đạt 80%.

. Đường sắt: Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam. Nâng cấp các ga địa phương trong vùng ga Vạn Giã, Ninh Hòa, Hảo Sơn…

Xây dựng các tuyến đường sắt đi cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và khu phi thuế quan Nam Phú Yên.

- Đường hàng không: Cảng hàng không Tuy Hòa quy hoạch đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, quy mô 700 ha. Quy hoạch sân bay phục vụ huấn luyện quốc phòng tại xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

- Đường thủy:

+ Đường biển:

Các tuyến vận tải quốc tế và vận tải biển nội địa: Đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển; nâng cấp hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển (bao gồm các hoạt động hàng hải, du lịch, thủy sản, thăm dò khai thác dầu khí,…).

Nâng cấp cải tạo cảng Vũng Rô, Hòn Khói, cảng nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin, xây dựng mới cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng Bãi Gốc, đưa vào hoạt động cảng và kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang.

+ Đường thủy nội địa: Xây dựng cảng hành khách tại vị trí giữa Hòn Ông và tiếp giáp núi Khải Lương. Cảng công vụ Sơn Đừng đến năm 2020 sẽ chuyển thành cảng du lịch; xây dựng các cảng hành khách tại khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, Khu kinh tế Nam Phú Yên, khu đô thị Tu Bông, Vạn Giã; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, tập trung các tuyến chính trên sông Ba, Đà Rằng, Bàn Thạch, sông Cái.

- Giao thông đô thị

Hoàn thiện toàn bộ mạng lưới theo hệ thống, có tính chất hỗ trợ nhau, kết hợp tốt với mạng lưới giao thông quốc gia, các loại hình giao thông khác như: Đường thủy, đường sắt, đường không và giao thông tại khu đô thị, khu công nghiệp.

Bến xe: Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới bến xe đối ngoại trong vùng theo cấp vùng, cấp tỉnh và mạng lưới bến xe cấp huyện. Các bến xe đối ngoại này bố trí tại các đô thị lớn, đầu mối giao thông quan trọng của vùng. Quy mô dự kiến 2,5 - 4,5 ha cho một bến; hệ thống bến xe liên, nội tỉnh: Bố trí tại các đô thị huyện lỵ, các đầu mối giao thông lớn của các huyện. Quy mô dự kiến khoảng 1 - 1,5 ha cho một bến.

c) Quy hoạch cấp nước

Nhu cầu và nguồn nước:

Tổng nhu cầu dùng nước vùng Nam Phú Yên đến năm 2015 là 140.200 m3/ngày đêm, đến năm 2025 là 169.520 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Bàn Thạch và nước ngầm ven sông Đà Rằng, sông Hinh, sông Con.

Tổng nhu cầu dùng nước vùng Bắc Khánh Hòa đến năm 2015 là 128.400 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt các hồ Đồng Điền, hồ Đá Bàn, hồ Hoa Sơn, hồ Suối Sim. Nhu cầu đến năm 2025 là 174.500 m3/ngày đêm, theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, khả năng khai thác tối đa của các hồ chứa vùng Bắc Khánh Hòa cho nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp với tổng trữ lượng khoảng 215.000 m3/ngày đêm.

+ Phương án 1: Với nhu cầu tính toán 174.500 m3/ngày đêm, nguồn nước khu vực Bắc Khánh Hòa đủ cung cấp nếu liên hồ Đồng Điền Bắc và Nam hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng.

+ Phương án 2: Trường hợp mới chỉ có hồ Đồng Điền Nam hoàn thành, khi đó tổng trữ lượng các hồ là 105.000 m3/ngày đêm, so với nhu cầu vùng Bắc Khánh Hòa còn thiếu 70.000 m3/ngày đêm, dự kiến nguồn cung cấp nước là sông Bàn Thạch - tỉnh Phú Yên.

Công trình đầu mối vùng:

- Đợt đầu đến năm 2015: Dự kiến xây mới nhà máy nước Nam Phú Yên phục vụ khu kinh tế và một phần huyện Đông Hòa, công suất 125.000 m3/ngày đêm, nguồn nước sông Bàn Thạch, diện tích khoảng 5 - 7 ha. (Có tính đến diện tích mở rộng nâng công suất nhà máy nước cấp cho khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa).

- Dài hạn đến năm 2025: Dự kiến nâng công suất nhà máy nước Nam Phú Yên lên thành 150.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn này nếu cấp nước bổ sung cho khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa, nâng công suất nhà máy nước Nam Phú Yên lên thành 220.000 m3/ngày đêm.

d) Định hướng cung cấp điện

- Nguồn điện: Dự kiến sẽ có các nhà máy thủy điện: Sông Hinh (70 MW), Sông Ba Hạ (220 MW), Krong H’Nang (64 MW), Ea Krong Rou (28 MW), Trung tâm nhiệt điện Vân Phong công suất 2.640 MW cung cấp điện cho lưới điện khu vực quy hoạch.

- Lưới điện cao áp 500 kV, 200 kV: Khu vực Phú Yên - Khánh Hòa sẽ được xây dựng tuyến 500 kV từ Dốc Sỏi về Nha Trang để hoàn thiện kết cấu lưới điện 500 kV quốc gia đoạn Nam miền Trung. Các tuyến điện 500 kV, 220 kV đấu nối trung tâm nhiệt điện Vân Phong. Xây mới tuyến 220 kV từ Quy Nhơn - Nha Trang, xây mới các nhánh rẽ 220 kV cấp điện cho các trạm Vân Phong (2 x 125 MVA), Ninh Hòa (1 x 125 MVA).

- Lưới 110 kV: Hoàn thiện kết cấu lưới 110 kV trong khu vực; xây mới nâng cấp các trạm 110 kV đảm bảo cấp điện an toàn tin cậy cho phụ tải.

- Lưới trung thế: Kết cấu lưới trung thế trong từng khu phải tuân thủ nguyên tắc xây dựng dạng mạch vòng kín vận hành hở. Trong chế độ làm việc bình thường, khả năng tải không vượt quá 70% công suất để đảm bảo dự phòng vận hành.

đ) Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường

- Quy hoạch thoát nước thải: Nước thải sinh hoạt tại các thành phố và thị xã, thị trấn được thu gom xử lý trước khi xảy ra nguồn. Tại các thị tứ và các cụm dân cư nông thôn xử lý bằng phương pháp tự làm sạch; khuyến khích người dân sử dụng hố xí tự hoại và xí thấm.

Đối với các đô thị mới dùng hệ thống thoát nước riêng, khu cải tạo dùng hệ thống thoát nước nửa riêng. Các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường hiện hành trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Định hướng quy hoạch thu gom xử lý chất thải rắn:

+ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Tuy Hòa tại xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa có quy mô 30 ha; phục vụ cho khu vực Tây Hòa, Đông Hòa (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên) và thành phố Tuy Hòa.

+ Bãi chôn lấp chất thải rắn Đông Hòa tại xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa có quy mô diện tích 15 ha; tổng công suất chôn lấp 2 triệu m3, phục vụ khu vực Đông Hòa (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên).

+ Bãi chất thải rắn huyện Sông Hinh tại thị trấn Hai Riêng có quy mô 10 ha; tổng công suất chôn lấp 1,5 triệu m3, phục vụ cho thị trấn Hai Riêng và vùng phụ cận.

+ Bãi chất thải rắn huyện Vạn Ninh tại xã Tân Dân, phục vụ đô thị Tu Bông - Đầm Môn - Vạn Giã và vịnh Vân Phong.

+ Bãi chất thải rắn huyện Ninh Hòa tại xã Ninh An, có quy mô 20 ha; tổng công suất chôn lấp 2 triệu m3, phục vụ cho Khu đô thị Ninh Hòa.

- Công nghệ áp dụng cho từng trường hợp được chọn lựa tùy theo loại hình chất thải rắn, môi trường nơi đặt khu vực xử lý và điều kiện đầu tư áp dụng công nghệ mới. Dự kiến trong khu vực quy hoạch sẽ lựa chọn các loại hình công nghệ xử lý chủ yếu sau: Công nghệ tái chế và chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ ép kín, công nghệ lò đốt…

- Định hướng quy hoạch nghĩa trang tập trung:

+ Quy mô sử dụng đất nghĩa trang được dự báo trên cơ sở dự báo về dân số. Diện tích nghĩa trang cho khu vực quy hoạch giai đoạn 2015 là khoảng 40 ha, giai đoạn 2025 là 46 ha. Xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang phục vụ các đô thị, thị xã, thị trấn trong vùng với quy mô từ 5 - 20 ha; tùy thuộc mức độ phục vụ. Công nghệ sử dụng: Địa táng, thời hạn sử dụng từ 30 - 50 năm.

+ Tại các khu vực dân cư nông thôn: Mỗi xã xây dựng 1 nghĩa trang tập trung quy mô 1 ha/xã. Công nghệ sử dụng: Địa táng. Thời hạn sử dụng: 20 năm.

e) Định hướng về bảo vệ môi trường:

- Xây dựng hệ thống quản lý môi trường vùng, gắn với việc quản lý, phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ở các lưu vực sông, các hồ chứa nước trong vùng và các vùng lân cận khác. Bảo vệ môi trường nguyên sinh tại các khu rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn ở cửa sông ven biển. Bảo vệ đa dạng sinh học: Hệ sinh thái biển, sinh thái rừng và sinh thái vùng đồng bằng ven biển. Có kế hoạch và biện pháp đối phó với tai biến, thảm họa và rủi ro về môi trường.

- Tăng cường quản lý và trồng rừng đầu nguồn để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trồng, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông chính.

6. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

a) Các dự án công nghiệp động lực phát triển vùng

- Đẩy nhanh tốc độ xây dựng Khu kinh tế Vân Phong và Khu kinh tế Nam Phú Yên là hạt nhân, trung tâm phát triển vùng.

- Xây dựng cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng Bãi Gốc, nâng cấp cảng Vũng Rô.

- Thiết lập các hành lang thương mại dọc ven biển và các trục Đông Tây quốc lộ 29, quốc lộ 26, quốc lộ 26B.

- Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Nam Trung bộ tại Khu kinh tế Vân Phong.

- Chương trình đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu du lịch tổng hợp Tu Bông - Đại Lãnh - Đầm Môn - Vũng Rô - Biển Hồ - Bãi Môn - Mũi Điện.

- Đẩy nhanh tiến độ dự án lọc, hóa dầu Vũng Rô, dự án khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm, Khu công nghiệp dầu khí Hòn Khói, các nhà máy đóng tàu trong khu vực.

- Hoàn thành dự án hầm đường bộ Đèo Cả để tạo sự kết nối thuận tiện về giao thông.

- Hoàn thành tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, xây dựng tuyến đường sắt đi Tây Nguyên, xây dựng các nhà ga lập tàu tại Tu Bông và Hòa Vinh, xây dựng các tuyến đường sắt nội bộ vào các khu kinh tế.

- Xây dựng các đô thị động lực gắn liền với các khu kinh tế: Đô thị Đông Hòa và đô thị Đầm Môn - Tu Bông - Vạn Giã.

- Xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu lên Tây Nguyên, tuyến cấp nước từ sông Bàn Thạch qua Đèo Cả, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu đô thị.

- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Các dự án phát triển hạ tầng khung vùng:

- Quy hoạch các đô thị động lực (Đầm Môn - Tu Bông - Vạn Giã và Hòa Vinh).

- Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong.

- Hoàn thiện quy hoạch các khu chức năng: Quy hoạch chi tiết khu dịch vụ thương mại đặc biệt, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp Dầu khí Hòn Khói, khu công nghiệp Lọc Hóa dầu Hòa Tâm, khu cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, cảng Hòn Khói, các khu đô thị - dịch vụ ven biển, các khu du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang, Bãi Cát Thắm, Biển Hồ, Bãi Môn - Mũi Điện, Đại Lãnh, quy hoạch phân khu các khu dân cư Phú Lâm - Hòa Thành, các khu đô thị trong khu kinh tế…

- Quy hoạch dọc các tuyến hành lang cao tốc, quốc lộ, đường liên tỉnh gắn với các cụm đô thị dọc trục; chú trọng việc quy hoạch đưa dân cư lên các khu vực phía Tây, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Điều 2. Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa được phê duyệt.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác theo nội dung của Quy hoạch chung xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa được phê duyệt.

Các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí vốn cho các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (4b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012