Quyết định 1255/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 1255/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Đức Chính
Ngày ban hành: 09/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1255/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:

1. Vị trí, phạm vi, ranh giới, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch

* Phạm vi nghiên cứu trực tiếp: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà trên phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố hiện tại với diện tích khoảng 73 km2:

- Phía Bắc giáp huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ;

- Phía Nam giáp huyện Triệu Phong;

- Phía Đông giáp huyện Gio Linh và Triệu Phong;

- Phía Tây giáp huyện Cam Lộ.

* Phạm vi nghiên cứu mở rộng: Trên cơ sở ranh giới hành chính của thành phố, nghiên cứu đề xuất hợp lý đảm bảo tính kết nối giữa đô thị Đông Hà với các đô thị lân cận như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong; đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố Đông Hà trong tương lai.

2. Tính chất

Là đô thị tỉnh lỵ; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh; là thành phố có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ, một trong các đô thị động lực trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

3. Một số chỉ tiêu dự báo cơ bản

* Dân số:

Năm 2014, dân số thành phố Đông Hà khoảng 87.000 người. Dự kiến đến năm 2030, dân số khoảng 150.000 người; đến năm 2050 khoảng 300.000 người.

* Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

Áp dụng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm ban hành về quy hoạch xây dựng được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN: 01/2008/BXD tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng và các quy định hiện hành; đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại II.

4. Nội dung nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch

a) Đánh giá hiện trạng

- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị;

- Rà soát, đánh giá các đồ án quy hoạch chung thành phố, quy hoạch phân khu các phường đã phê duyệt, phân tích các ưu điểm và hạn chế để đề xuất giải pháp điều chỉnh;

- Rà soát, cập nhật, nghiên cứu các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã phê duyệt, các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch.

b) Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển của giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn đến năm 2050.

c) Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn. d) Định hướng phát triển không gian đô thị, bao gồm:

- Mô hình và hướng phát triển đô thị:

Lấy trung tâm thành phố Đông Hà hiện tại làm hạt nhân để mở rộng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Đề xuất hướng phát triển không gian của thành phố Đông Hà trong tương lai không chỉ trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố. Ưu tiên phát triển về phía Bắc sông Hiếu, kết nối với các đô thị lân cận như Gio Linh, Cam Lộ, Ái Tử, Cửa Việt và các thị tứ đang phát triển như ngã Tư Sòng, Quán Ngang, Cùa...

Quan điểm chủ đạo về phát triển không gian đô thị Đông Hà là triệt để phát huy các lợi thế về địa hình, cảnh quan, đặc trưng văn hóa vùng miền để quy hoạch, định hướng phát triển đô thị một cách hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giữ vững cân bằng sinh thái, môi trường. Trong đó phải giải quyết được các vấn đề về định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan gắn với phát triển bền vững đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị xanh và hiện đại, phát huy tiềm năng và lợi thế của thành phố trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển đô thị mới với các khu dân cư hiện hữu và mối liên hệ với đô thị lân cận, đảm bảo an ninh lương thực, môi trường, khai thác sử dụng quỹ đất hợp lý hiệu quả, bền vững;

- Quy hoạch phát triển không gian đô thị:

+ Thành phố Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông”. Khai thác triệt để cảnh quan các dòng sông, lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan chính đô thị, kết hợp với sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Phước làm không gian sinh thái đô thị; trong đó, ưu tiên lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển không gian thành phố, tối đa hóa, khai thác giá trị của sông Hiếu. Xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông dọc hai bên sông Hiếu kết hợp kè sông Hiếu, cây xanh đường phố, các vườn hoa mini và hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ tạo điểm nhấn cảnh quan trong khu vực. Dành quỹ đất dọc hai bên bờ sông để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và kiến trúc đẹp, dự kiến việc tạo lập một khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh kết hợp với quảng trường đô thị phía Bắc, hướng về bờ sông;

+ Khai thác yếu tố thiên nhiên, tận dụng yếu tố địa hình khu vực, có giải pháp để phát huy hiệu quả địa hình đa dạng của đô thị bao gồm gò đồi, sông ngòi, hồ nước để phát triển và tạo lập nét bản sắc riêng của thành phố;

+ Xây dựng không gian mở, có vai trò thẩm mỹ trong việc hướng tới tạo dựng cảnh quan đô thị đối với các hồ đập phân bố đều khắp trên địa bàn thành phố như hồ Trung Chỉ, hồ Khe Mây, hồ Đại An, hồ Khe Sắn, hồ Km6;

+ Xây dựng thành phố Đông Hà theo cấu trúc đô thị đa trung tâm: ngoài trung tâm chính còn có các trung tâm vệ tinh, hỗ trợ có quy mô nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của khu vực đó; dành quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn phòng, y tế, giáo dục phục vụ dân cư trong khu vực và là vệ tinh sẵn sàng phát triển lan toả khi hội tụ đủ điều kiện về nhu cầu xã hội, địa giới hành chính;

- Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: khu hiện có hạn chế phát triển; khu chỉnh trang, cải tạo; khu cần bảo tồn, tôn tạo; các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới và khu vực khó phát triển (khu vực dự trữ sau năm 2050); các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm;

- Xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng;

- Xác định hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên, cây xanh; bố trí quỹ đất cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; bố trí các không gian cộng đồng, quảng trường lễ hội cho các sinh hoạt cộng đồng của cư dân, hình thành các dãy phố chuyên biệt;

- Định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn và/hoặc ngoại thành (nếu mở rộng địa giới hành chính);

- Thiết kế đô thị: Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô thị; tổ chức không gian cây xanh, mặt nước.

e) Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị

- Chuẩn bị kỹ thuật: Đánh giá về địa hình, các tai biến địa chất, xác định khu vực cấm xây dựng, hạn chế xây dựng; xác định lưu vực và phân lưu vực tiêu thoát nước chính; hướng thoát nước, vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho đô thị và từng khu vực;

- Giao thông: Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại và giao thông đô thị liên hoàn, thông suốt, thuận tiện, an toàn, đảm bảo phát triển bền vững. Xác định vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông như: cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga đường sắt, bến xe đối ngoại; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe. Đối với hệ thống giao thông trong đô thị cần tôn trọng các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng cơ bản, đang phát huy có hiệu quả tại các khu dân cư cũ, mật độ xây dựng phù hợp, từng bước thực hiện chỉnh trang đô thị; đối với các khu đô thị mới thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ. Quy hoạch và thực hiện việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực trung tâm; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị và hệ thống hào, Tuynen kỹ thuật;

- Cấp nước, thoát nước: Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước cho các khu vực. Xác định tổng lượng nước thải; vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước, xử lý nước thải. Lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố: khu vực đã có hệ thống thoát chung dần dần tách thành hệ thống thoát nước riêng. Các khu mới xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Quy hoạch các vị trí trạm xử lý nước thải, trạm bơm thoát nước mưa và các điểm xả nước, trên cơ sở tôn trọng địa hình hiện trạng. Phân vùng và có kế hoạch bảo vệ các nguồn nước, cây xanh;

- Cấp điện, chiếu sáng, thông tin truyền thông: Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp năng lượng; vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối chính của hệ thống cấp điện. Hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng đô thị, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải hướng tới môi trường bền vững. Định hướng quy hoạch hệ thống thông tin truyền thông;

- Xử lý nước thải, vệ sinh môi trường: Lựa chọn hệ thống thu gom và xử lý nước thải; xác định vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn; quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ với vị trí và quy mô thích hợp.

g) Đánh giá môi trường chiến lược.

h) Đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư phát triển, tiến độ và nguồn lực thực hiện.

5. Nội dung nhiệm vụ khảo sát địa hình

Phạm vi khảo sát bao gồm toàn bộ ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà, diện tích đo vẽ khoảng 7.296 ha, tỷ lệ 1/5.000.

Tư vấn lập đề cương nhiệm vụ khảo sát địa hình và dự toán khảo sát địa hình trên cơ sở tận dụng các số liệu, bản đồ địa hình đã có trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

6. Danh mục hồ sơ sản phẩm đồ án quy hoạch

a) Hồ sơ bản vẽ

- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng; tỷ lệ 1/50.000 hoặc 1/250.000;

- Bản đồ hiện trạng tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng; tỷ lệ 1/10.000;

- Các bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tỷ lệ 1/10.000;

- Sơ đồ cơ cấu phát triển đô thị;

- Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị; tỷ lệ 1/10.000;

- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch; tỷ lệ 1/10.000;

- Các bản đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tỷ lệ 1/10.000;

- Các bản vẽ thiết kế đô thị; tỷ lệ thích hợp.

b) Hồ sơ văn bản

- Thuyết minh tổng hợp (đính kèm các sơ đồ, bản vẽ in màu thu nhỏ khổ A3, bảng biểu thống kê, phụ lục tính toán, hình ảnh minh họa và các văn bản pháp lý liên quan);

- Dự thảo quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị;

- Dự thảo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị.

c) Đĩa CD ghi toàn bộ nội dung hồ sơ bản vẽ, thuyết minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính