Quyết định 1243/2000/QĐ-BTM về Quy chế công tác của công chức quản lý thị trường
Số hiệu: 1243/2000/QĐ-BTM Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Thương mại Người ký: Hồ Huấn Nghiêm
Ngày ban hành: 06/09/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1243/2000/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 1243/2000/QĐ-BTM NGÀY 06 THÁNG 09 NĂM 2000 VỆ BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC CỦA CÔNG CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23/1/1995 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Quản lý thị trường và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 696/CP-KTTH ngày 2/8/2000 giao chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành Thương mại cho lực lượng Quản lý thị trường.
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ công chức số 01/1998/PLK-UBTNQH ngày 26/2/1998;
Căn cứ Quyết định số 1211/2000/QĐ-BTM ngày 28/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc giao chức nặng, nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành Thương mại cho lực lượng Quản lý thị trường;
Xét đề nghị của Cục ttrưởng Cục Quản lý thị trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Thương mại;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế công tác của công chức Quản lý thị trường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy chế công tác của công chức kiểm soát thị trường ban hành kèm theo Quyết định số 880/TM/QLTT ngày 5/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Thương mại, Sở Thương mại - Du lịch và Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện Quyết định này.

 

Hồ Huấn Nghiêm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC CỦA CÔNG CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1243/2000/QĐ-BTM ngày 06 tháng 9 năm 2000 của Bộ Thương mại)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản qui chế này áp dụng đối với công chức quản lý thị trường các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Điều 2: Công chức quản lý thị trường là cán bộ, nhân viên thuộc biên chế Nhà nước đang công tác tại tổ chức Quản lý thị trường các cấp.

Điều 3: Những công chức quản lý thị trường (viết tắt là QLTT) có đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 269-TM/QLTT ngày 30/3/1995 của Bộ Thương mại thì được cấp Thẻ kiểm tra thị trường. Khi được cấp Thẻ kiểm tra thị trường, công chức QLTT có thẩm quyền kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại và dịch vụ theo qui định của pháp luật hiện hành. Những công chức QLTT chưa được cấp Thẻ thị trường tham gia kiểm tra với tư cách là người giúp việc.

Điều 4: Công chức QLTT phải thực hiện các qui định về điều kiện, tiêu chuẩn công chức Nhà nước, đồng thời phải nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về thương mại và dịch vụ thương mại; nắm vững nghiệp vụ về kiểm tra, kiểm soát thị trường và thực hiện đúng những qui định của pháp luật, qui chế công tác của ngành, giữ bí mật kế hoạch công tác, hồ sơ các vụ việc.

Điều 5: Công chức QLTT phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm trong công tác, chấp hành sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Chương 2

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6: Chỉ có Đội trưởng, Chi cục trưởng, Cục trưởng hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản mới được ra Quyết định kiểm tra và xử lý.

6.1. Khi ra Quyết định kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải căn cứ vào chương trình kế hoạch, phương án công tác của đơn vị đã được duyệt. Trừ trường hợp kiểm tra bất thường qui định tại văn bản số 6873 TM/QLTT ngày 8/12/1998 của Bộ Thương mại.

6.2 Chỉ có công chức QLTT có Thẻ kiểm tra do Cục QLTT cấp mới được quyền kiểm tra. Khi tiến hành kiểm tra phải có ít nhất từ hai công chức QLTT trở lên.

6.3. Trường hợp vi phạm quả tang, khẩn cấp và có căn cứ để nhận định rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì đối tượng vi phạm có thể tẩu thoát và tang vật vi phạm có thể bị tẩu tán, công chức QLTT có quyền tiến hành kiểm tra ngăn chặn hoặc phối hợp với các lực lượng khác để ngăn chặn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình, đồng thời phải báo cáo ngay cho thủ trưởng đơn vị biết bằng các phương tiện thông tin nhanh nhất. (Giao Cục trưởng Cục QLTT hướng dẫn cụ thể).

Điều 7: Khi tiến hành kiểm tra công chức QLTT phải:

7.1. Mặc trang phục của QLTT, đeo biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu.

7.2. Xuất trình Thẻ kiểm tra (chủ doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất kinh doanh được quyền từ chối kiểm tra trong trường hợp Kiểm soát viên QLTT không xuất trình Thẻ kiểm tra).

7.3. Công bố Quyết định kiểm tra.

7.4. Tiến hành kiểm tra hàng hoá, phương tiện và giấy tờ, sổ sách có liên quan đến vụ việc kiểm tra, kiểm tra hiện trường nơi sản xuất, buôn bán hàng hoá vi phạm pháp luật.

7.5. Thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong Quyết định kiểm tra.

7.6. Kết thúc kiểm tra phải lập Biên bản theo qui định. Chậm nhất sau 3 ngày phải báo cáo thủ trưởng đơn vị.

7.7. Khi cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng thẩm quyền, thủ tục qui định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các qui định của pháp luật hiện hành có liên quan, đặc biệt cần chú ý:

- Phải làm đúng, đủ thủ tục tạm giữ hàng hoá, tang vật phạm pháp trong trường hợp vắng chủ hoặc vô thừa nhận.

- Việc quản lý, bảo quản hàng hoá, tang vật phải đảm bảo an toàn về mọi mặt, chống mất mát, chống cháy nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Việc kiểm tra phương tiện, nơi cất giấu hàng hoá đặc biệt nhà ở cũng là nơi bán hàng, cất giấu hàng hoá phải thực hiện đúng qui định của pháp luật.

Điều 8: Trong trường hợp thật cần thiết, công chức QLTT được quyền sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, các phương tiện chuyên dùng khác và phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 9: Khi ra quyết định xử lý, công chức QLTT phải:

9.1. Có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm.

9.2. Kết luận khách quan, đúng hành vi vi phạm, xử lý đúng hình thức, mức độ vi phạm và đúng thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo lãnh đạo cấp trên; Những vụ việc xét thấy cần chuyển cho các cơ quan khác xử lý, Đội trưởng đội QLTT phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của chi cục trưởng Chi cục QLTT. Những hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ và tang vật cho cơ quan pháp luật có thẩm quyền để giải quyết theo chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục, Cục.

Điều 10: Trong kiểm tra và xử lý, công chức QLTT phải sử dụng các loại ấn chỉ do cục QLTT phát hành, phải quản lý, bảo quản chặt chẽ theo Quyết định số 05TM/QLTT ngày 5/11/1996 của Bộ Thương mại, tổ chức lưu trữ, bảo quản chặt chẽ các hồ sơ, tang vật theo qui định hiện hành.

Điều 11: Công chức QLTT phải ghi đầy đủ, đều đặn những công việc đã làm và kết quả kiểm tra vào Sổ nhật ký kiểm tra theo đúng qui định tại Quyết định số 1070QĐ/TM-QLTT ngày 15/9/1999 của Bộ Thương mại; phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo công tác QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép ban hành kèm theo Quyết định số 1170QĐ/TM-QLTT ngày 11/10/1999 của Bộ Thương mại.

Điều 12: Công chức QLTT không được:

12.1. Trốn tránh trách nhiệm, tự ý bỏ nhiệm vụ, thoái thác nhiệm vụ, gây bè phái, phát ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu xây dựng gây mất đoàn kết nội bộ.

12.2. Có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc bao che, dung túng các hành vi vi phạm của đối tượng kiểm tra để tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

12.3. Lợi dụng chức trách được giao, cố ý làm trái vụ việc, sai lệch hồ sơ vụ việc dẫn đến hậu quả xử lý sai pháp luật.

12.4 Tham dự ăn, uống hoặc vay mượn tiền bạc, mua hàng của đương sự.

12.5 Trong tình trạng say bia, rượu khi làm nhiệm vụ; đánh bài hoặc các hình thức chơi khác có tính chất cờ bạc, sử dụng các loại ma tuý.

12.6 Chiếm đoạt, sử dụng trái phép tang vật tạm giữ hoặc tịch thu, hoặc có hành vi tiêu cực khác xâm phạm tài sản của Nhà nước, của công dân.

12.7 Tiết lộ bí mật hoặc cung cấp số liệu, tài liệu và những thông tin nội bộ ra ngoài khi chưa dược phép của lãnh đạo đơn vị.

Chương 3

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 13: Công chức QLTT có thành tích trong công tác, tuỳ theo mức độ sẽ được xét khen thưởng theo chế độ hiện hành. Nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ ưu đãi theo qui định tại khoản 1 Điều 7 phần II của Nghị định số 10/CP ngày 23/1/1995 của Chính phủ.

Điều 14: Công chức QLTT vi phạm qui chế công tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các qui định của pháp luật, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước hoặc của người kinh doanh, bao che các hành vi vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền bạc, tang vật, phương tiện thu giữ hoặc có hành vi tiêu cực khác thì tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ, cụ thể: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc. Ngoài ra, còn phải bồi dưỡng thiệt hại vật chất do mình gây ra. Nếu phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố phải kịp thời xem xét và tiến hành kiểm điểm nghiên túc, tạm thời đình chỉ công tác và tạm thời thu hồi thẻ kiểm tra thị trường đối với các công chức QLTT có dầu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm qui chế công tác và các biểu hiện tiêu cực khác đồng thời phải báo cáo về Cục QLTT trong thời gian sớm nhất bằng văn bản.

- Những công chức QLTT có một trong các hành vi sau: Sách nhiều, gây khó khăn phiền hà cho cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh; tham ô, nhận hối lộ, sử dụng trái phép tiền, hàng, tang vật... tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên và bị thu hội Thẻ kiểm tra thị trường, bố trí làm công việc khác không trực tiếp liên quan đến hoạt động kiểm tra kiểm soát và quản lý tiền, hàng; buộc thôi việc, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng để công chức QLTT nắm vững và thực hiện đúng những qui định của pháp luật về kinh doanh thương mại, các qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QLTT các cấp; những qui trình, qui phạm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và các qui định khác có liên quan; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện qui chế này của công chức QLTT trong đơn vị mình, kịp thời biểu dương, khen thưởng những công chức có thành tích; xử lý nghiêm nhưng hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 16: Giao Cục QLTT chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng QLTT trong cả nước thực hiện qui chế này. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 25/1999/CT-BTM ngày 17/8/1999 của Bộ Thương mại. Thường xuyên giám sát, kiểm tra để phát hiện và biểu dương những điển hình tốt, uốn nắn những sai sót, kịp thời xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm, thu hồi thẻ kiểm tra thị trường đối với công chức QLTT bị kỷ luật.