Quyết định 1232/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015” do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: 1232/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Trọng Thừa
Ngày ban hành: 12/05/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1232/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 12 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2015”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 13/TTr-SKHCN ngày 10 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015” gồm những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu đề án:

1.1. Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng cho các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; đặc biệt là nhận thức về việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ;

1.2. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệp hội, làng nghề trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

1.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm/dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương;

1.4. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng của Đề án:

2.1. Đối tượng áp dụng:

- Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009; hộ kinh doanh cá thể đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các Hợp tác xã, Hiệp hội ngành nghề thành lập hợp pháp; các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề;

- Tổ chức, đơn vị sự nghiệp được thành lập hợp pháp thuộc mọi lĩnh vực hoạt động trên địa bàn tỉnh.

2.2 Phạm vi áp dụng:

- Hoạt động đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

- Quảng bá, phát triển thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, hiệp hội ngành nghề và cho một số sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

- Đào tạo, tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xác lập quyền; cung cấp thông tin, tra cứu sơ bộ các đối tượng sở hữu công nghiệp và các hoạt động hỗ trợ cho công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

- Khảo sát, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng thương hiệu cho các Hiệp hội ngành nghề và một số sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương

- Nghiên cứu, trao đổi, khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước.

3. Nội dung đề án:

3.1. Đổi mới, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ;

3.2. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp;

3.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh;

3.4. Xây dựng và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các Hiệp hội ngành nghề và cho một số đặc sản, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

3.5. Hỗ trợ khai thác thông tin, nâng cao năng lực quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 đến 2015.

5. Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 4.000.000.000 đồng (Bốn tỷ đồng chẵn). Trong đó:

- Năm 2011: 520 triệu đồng.

- Năm 2012: 780 triệu đồng

- Các năm từ 2013 – 2015: mỗi năm khoảng 900 triệu đồng.

6. Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh.

(Chi tiết có Đề án kèm theo)

Điều 2. Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Nguyễn Trọng Thừa

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1232 /QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng cho các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; đặc biệt là nhận thức về việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ;

2. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệp hội, làng nghề trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm/dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương;

4. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG ĐỀ ÁN

1. Đối tượng áp dụng

- Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ; hộ kinh doanh cá thể đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các Hợp tác xã, Hiệp hội ngành nghề thành lập hợp pháp; các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề;

- Tổ chức, đơn vị sự nghiệp được thành lập hợp pháp thuộc mọi lĩnh vực hoạt động trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi áp dụng

Các hoạt động hỗ trợ thuộc phạm vi của đề án bao gồm:

1. Hoạt động đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp sau đây:

- Nhãn hiệu, bao gồm cả nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chứng nhận.

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Chỉ dẫn địa lý.

2. Quảng bá, phát triển thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, hiệp hội ngành nghề và cho một số sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

3. Đào tạo, tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xác lập quyền; cung cấp thông tin, tra cứu sơ bộ các đối tượng sở hữu công nghiệp và các hoạt động hỗ trợ cho công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

4. Khảo sát, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng thương hiệu cho các Hiệp hội ngành nghề và một số sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương

5. Nghiên cứu, trao đổi, khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Đổi mới, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng một cách thường xuyên, sâu rộng, bằng nhiều hình thức khác nhau;

- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp cho các đối tượng là cán bộ quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ; các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, Hiệp hội và các làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng, biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.

2. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp

2.1. Hỗ trợ trực tiếp

2.1.1. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở trong nước

- Đối với nhãn hiệu:

+ Mỗi doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu công nghiệp tối đa 05 nhãn hiệu. Mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ tối đa 02 nhóm sản phẩm/dịch vụ.

+ Định mức hỗ trợ: 4.000.000đ/1 nhãn hiệu có 1 nhóm bảo hộ; 5.000.000đ/1 nhãn hiệu có 2 nhóm bảo hộ. Định mức hỗ trợ trên bao gồm các chi phí phục vụ việc đăng ký xác lập quyền, trừ chi phi tra cứu nhãn hiệu.

- Đối với kiểu dáng công nghiệp:

+ Mỗi doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho tối đa 05 kiểu dáng công nghiệp.

+ Định mức hỗ trợ: 5.000.000đ/kiểu dáng công nghiệp. Định mức hỗ trợ trên bao gồm các chi phí phục vụ cho việc đăng ký xác lập quyền, trừ chi phí tra cứu kiểu dáng công nghiệp.

- Đối với chỉ dẫn địa lý: Mỗi chỉ dẫn địa lý được hỗ trợ kinh phí cho việc tư vấn, xác định và chứng minh tính đặc thù của sản phẩm; chi phí thiết lập hồ sơ bảo hộ, lệ phí nộp đơn và cấp giấy chứng nhận bảo hộ; chi phí xây dựng hệ thống nhận diện và quản lý chỉ dẫn địa lý. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ được xác định theo nội dung thuyết minh và dự toán kinh phí xây dựng chỉ dẫn địa lý cụ thể được duyệt.

2.1.2. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài

- Mỗi doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở được hỗ trợ không quá 02 nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp ở quốc gia nơi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ.

- Mức hỗ trợ 100% lệ phí quốc gia của nước đăng ký bảo hộ (gồm: lệ phí đăng ký, phí thẩm định cấp văn bằng bảo hộ) và chi phí thiết lập hồ sơ.

2.1.3. Phương thức hỗ trợ

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hỗ trợ hàng năm; tổ chức thẩm định và cấp kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí do đề án quy định.

- Đối với đăng ký bảo hộ trong nước: kinh phí hỗ trợ được xét giải quyết một lần sau khi doanh nghiệp, đơn vị đã thực hiện thủ tục tra cứu tình trạng bảo hộ và đã nộp đơn đăng ký bảo hộ.

- Đối với bảo hộ ở nước ngoài: kinh phí hỗ trợ được xét, giải quyết một lần sau khi doanh nghiệp, đơn vị đã thực hiện thủ tục tra cứu tình trạng bảo hộ và có quyết định chấp nhận đơn bảo hộ của nước sở tại.

2.2. Hỗ trợ gián tiếp

Ngoài các nội dung hỗ trợ trực tiếp kinh phí xác lập quyền, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở còn được hưởng một số chế độ hỗ trợ gián tiếp sau:

- Được tư vấn, hướng dẫn thiết lập hồ sơ thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

- Tra cứu sơ bộ tình trạng bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ cho việc nộp đơn đăng ký xác lập quyền;

- Hỗ trợ giới thiệu các đối tượng sở hữu công nghiệp đã bảo hộ trên Website, Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Sở Khoa học và Công nghệ.

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, đơn vị như hướng dẫn xây dựng, thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tránh hành vi xâm phạm quyền SHCN các tổ chức, cá nhân khác...

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị, cơ sở tham gia trưng bày sản phẩm, giới thiệu, quảng bá thương hiệu tại các hội chợ nhằm phát triển thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các đơn vị, doanh nghiệp;

- Tổ chức các hoạt động sự kiện nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, đơn vị.

4. Xây dựng, phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các Hiệp hội ngành nghề và cho một số đặc sản, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương

- Tổ chức rà soát các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh làm cơ sở cho việc xác định và lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp;

- Tổ chức rà soát, đánh giá, kiện toàn các hiệp hội ngành nghề đã thành lập; nghiên cứu, đề xuất và thành lập thêm các Hiệp hội ngành nghề mới;

- Xây dựng thương hiệu cho các hiệp hội và thương hiệu cho một số đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng thế mạnh của các địa phương.

- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội, các địa phương trong việc thiết lập, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giá trị của các tài sản trí tuệ đã được xác lập bảo hộ.

- Hỗ trợ áp dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ.

5. Hỗ trợ khai thác thông tin, nâng cao năng lực quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, sản phẩm thông tin khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh;

- Hướng dẫn tra cứu, khai thác các nguồn thông tin về sở hữu trí tuệ;

-Tổ chức cung cấp thông tin khoa học – công nghệ, sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ cho các hoạt động khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Phù hợp với lộ trình thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010, Đề án được triển khai thực hiện trong 5 năm, từ 2011 – 2015. Trong đó:

1. Năm 2011

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của năm 2010 đã xác định và các nhiệm vụ sau:

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ;

- Tổ chức các nội dung tiếp theo của Chương trình Bình chọn thương hiệu mạnh lần thứ 2;

- Tiếp tục thực hiện việc biên tập, xuất bản và phát hành kỷ yếu “Phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010”;

- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu tại các hội chợ;

- Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp ở phạm vi trong nước.

2. Các năm tiếp theo

Tập trung triển khai các công việc sau:

- Tổ chức rà soát xây dựng danh mục các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương để lựa chọn xây dựng thương hiệu. Rà soát, đánh giá, kiện toàn các Hiệp hội đã thành lập; nghiên cứu, đề xuất và thành lập thêm các Hiệp hội ngành nghề mới;

- Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn và đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp;

- Tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, đơn vị;

- Bổ sung cơ sở dữ liệu thông tin khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ; đồng thời triển khai các hoạt động khai thác thông tin khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước

- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ từng năm; tổ chức xây dựng thương hiệu cho các Hiệp hội ngành nghề, cho một số đặc sản, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và triển khai các hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước đối với các đối tượng nêu ở mục 2.1.

V. KINH PHÍ CỦA ĐỀ ÁN

1. Kinh phí, phân bổ kinh phí hàng năm

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 4.000.000.000đ (Bốn tỷ đồng). Trong đó, kinh phí phân bổ theo từng năm như sau:

- Năm 2011: 520 triệu đồng;

- Năm 2012: 780 triệu đồng;

- Năm 2013-2015: mỗi năm khoảng 900 triệu đồng;

2. Nội dung chi theo từng hạng mục của đề án

2.1. Chi cho các hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ:

- Nội dung chi:

+ Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ

+ Đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ;

+ Xây dựng, biên tập, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền sở hữu trí tuệ;

+ Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ và các nội dung chi khác phục vụ cho việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Kinh phí: khoảng 60 triệu/năm

2.2. Chi hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp

- Nội dung chi: hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng quy định tại mục 2.1.

- Kinh phí: khoảng 300 triệu/năm

2.3. Chi phục vụ các hoạt động quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đơn vị

- Nội dung chi:

+ Tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp, đơn vị;

+ Hỗ trợ tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp, đơn vị;

+ Tổ chức các hoạt động mang tính sự kiện phục vụ việc quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các đơn vị, doanh nghiệp

+ Chi khác phục vụ cho việc tham gia hội chợ: thiết kế, trang trí khu gian hành; tổ chức đoàn của tỉnh tham gia khai mạc, tham quan gian hàng; thuê xe, liên hệ, nghiệm thu, rút kinh nghiệm..

- Kinh phí: khoảng 150 triệu/năm

2.4. Chi cho hoạt động xây dựng, phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các Hiệp hội ngành nghề và cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương

- Nội dung chi:

+ Rà soát, thu thập thông tin về sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề và sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương;

+ Rà soát, đánh giá, kiện toàn các Hiệp hội đã thành lập; nghiên cứu, đề xuất và thành lập thêm các Hiệp hội ngành nghề mới;

+ Tổ chức xây dựng thương hiệu cho các Hiệp hội ngành nghề và một số đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

+ Thiết lập, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giá trị của các tài sản trí tuệ đã được xác lập bảo hộ.

+ Hỗ trợ áp dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm

+ Tổ chức hội thảo, tư vấn, hướng dẫn và các khoản chi khác phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu

- Kinh phí: khoảng 100 triệu/năm

2.5. Chi cho khai thác thông tin, nâng cao năng lực quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ

- Nội dung chi:

+ Thu thập, cập nhật thông tin về sở hữu công nghiệp

+ Hướng dẫn khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp;

- Hỗ trợ hoạt động khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước

- Kinh phí: khoảng 90 triệu/năm

2.6. Chi cho hoạt động quản lý, chỉ đạo và triển khai đề án

- Nội dung chi:

+ Chi công chủ nhiệm đề án;

+ Chi công cho các thành viên tham gia thực hiện đề án;

+ Quản lý đề án;

+ Công cán bộ hợp đồng thực hiện đề án;

+ Kiểm tra tiến độ, hội thảo, sơ kết, tổng kết đề án;

+ Văn phòng phẩm và các chi khác phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện đề án;

- Kinh phí: khoảng 100 triệu/năm.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã

1.1. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì và phối hợp với các sở ngành thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân;

- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp;

- Xây dựng thương hiệu cho một số đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương;

- Khai thác thông tin; nâng cao năng lực quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tham gia xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo nội dung của đề án;

- Tham gia thẩm định, xét duyệt kinh phí hỗ trợ xác lập quyền cho các tổ chức cá nhân đăng ký xác lập quyền;

- Phối hợp trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của đề án.

1.3. Sở Công thương

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tham gia xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo nội dung của đề án;

- Chủ trì rà soát, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hiệp hội ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, đề xuất và thành lập thêm hiệp hội ngành nghề cần thiết, phù hợp;

- Tham gia xây dựng thương hiệu cho các Hiệp hội ngành nghề, các sản phẩm làng nghề của địa phương;

- Tham gia thẩm định, xét duyệt kinh phí hỗ trợ xác lập quyền cho các tổ chức cá nhân đăng ký xác lập quyền;

- Phối hợp trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của đề án.

1.4. Sở Xây dựng

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tham gia xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo nội dung của đề án;

- Tham gia thẩm định, xét duyệt kinh phí hỗ trợ xác lập quyền cho các tổ chức cá nhân đăng ký xác lập quyền;

- Phối hợp trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của đề án.

1.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tham gia xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo nội dung của đề án;

- Tham gia thẩm định, xét duyệt kinh phí hỗ trợ xác lập quyền cho các tổ chức cá nhân đăng ký xác lập quyền;

- Phối hợp trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của đề án.

1.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tham gia xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo nội dung của đề án;

- Tham gia rà soát, xác định các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu;

- Phối hợp trong việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương

2. Tổ chức thực hiện

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án; định kỳ báo cáo kết qủa với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2011 – 2015./.