Quyết định 1222/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Kế hoạch phát triển cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2025
Số hiệu: 1222/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Võ Văn Cảnh
Ngày ban hành: 29/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1222/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn

Căn cứ Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”;

Căn cứ Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 09/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 07/01/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tỉnh Đắk Lắk 5 năm giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Công văn số 211/UBND-CN ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh về việc chủ trương phân vùng phục vụ cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma thuột;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 140/TTr-SXD ngày 14/5/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025.

Điều 2. Giám đốc các Sở, ngành; Thủ trưởng đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Giao Sở Xây dựng tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ về tình hình thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Xây dựng (b/c)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Như Điều 3;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Các phòng: TH, NNMT, KT;
- Lưu VT, CN (HvC2i).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cảnh

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 29/5/2020 của UBND tỉnh)

I. Mục đích

Triển khai cụ thể hóa công tác quản lý cấp nước sinh hoạt theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu về môi trường bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 định hướng 2025.

Làm cơ sở để các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền phối hợp với các đơn vị cấp nước hoạt động trên địa bàn thực hiện các chỉ tiêu cấp nước theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương được duyệt; phối hợp thực hiện chương trình cấp nước an toàn.

Đánh giá sơ bộ nhu cầu cấp nước sạch đô thị, xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn trung hạn. Áp dụng các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị, đầu tư phát triển mạng lưới mở rộng vùng phục vụ cấp nước sạch đô thị.

II. Đánh giá tình hình quản lý cấp nước sạch đô thị trong thời gian qua

1. Hiện trạng cấp nước sạch đô thị

a) Thông tin về các nhà máy cấp nước và phạm vi cấp nước:

TT

Nhà máy nước/ Đơn vị quản lý

Công suất thiết kế (m3/ng.đ)

Công suất thực tế (m3/ng.đ)

Nguồn nước

Phạm vi phục vụ

I

Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk

112.400

60.640

 

 

1

Chi nhánh cấp nước Buôn Ma Thuột

93.000

47.900

Nước ngầm, nước mặt, nước mạch xuất lộ

Thành phố Buôn Ma Thuột, các xã: Hòa Thắng, Cư Ebur, Ea Tu, Hòa Thuận

2

Chi nhánh cấp nước thị xã Buôn Hồ

9.800

6.972

Nước ngầm, nước mặt

Thị xã Buôn Hồ, trung tâm xã Pơng Drang

3

Chi nhánh Phước An, huyện Krông Pắc

2.000

2.388

Nước mạch xuất lộ

Thị trấn Phước An, các xã: Ea Yông, Hòa An, Hòa Tiến

4

Chi nhánh cấp nước huyện Cư M'gar

2.500

1.163

Nước ngầm

Thị trấn: Quảng Phú, Ea Pốk; xã Quảng Tiến

5

Chi nhánh Krông Năng

1.600

-

Nước mặt

Thị trấn Krông Năng

6

Chi nhánh cấp nước huyện Ea Súp

2.000

1.982

Nước mặt

Thị trấn Ea Súp, xã Cư Mlan

7

Chi nhánh cấp nước huyện Ea Kar

500

235

Nước mặt

Khu vực trung tâm thị trấn Ea Kar

8

Chi nhánh Buôn Đôn

1.000

-

Nước mặt

Xã Ea Wer

II

Cty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột

20.000

200

 

 

1

Bổ sung nguồn nước thành phố Buôn Ma Thuột

15.000

-

Nước mạch xuất lộ

Bổ sung cấp nước thành phố Buôn Ma Thuột

2

Cấp nước huyện Cư Kuin

5.000

200

Nước mạch xuất lộ

Trung tâm huyện lỵ huyện Cư Kuin

III

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

3.912

2.716

 

 

1

Công trình cấp nước thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo

2.482

1.800

Nước ngầm

Thị trấn Ea Drăng và các xã

1

Công trình cấp nước thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông

600

516

Nước mặt

Thị trấn Krông Kmar

3

Công trình cấp nước thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana

830

400

Nước ngầm

Thị trấn Buôn Trấp và các xã

IV

Huyện quản lý

950

336

 

 

1

Huyện Lắk

250

136

Giếng đào

Thị trấn Liên Sơn

2

Huyện M’Drak

700

200

Nước mặt

Thị trấn M’Drắk

 

TỔNG CỘNG

137.262

63.892

 

 

b) Thực trạng cấp nước tập trung tại các đô thị chưa đảm bảo:

Tổng công suất thiết kế của các công trình cấp nước tập trung đô thị trên địa bàn tỉnh 137.262m3/ng.đ. Công suất thực tế chiếm 46,55%. Riêng địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột chiếm 78,68% trên tổng công suất thiết kế toàn tỉnh. Các công trình cấp nước tập trung khu vực đô thị do các đơn vị cấp nước đang quản lý, khai thác đến hộ dùng nước, gồm:

- Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk: Thực hiện cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, 06 thị trấn và một số xã trên địa bàn tỉnh.

- Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn: Phủ vùng phục vụ cấp nước đến địa bàn 3 thị trấn thuộc huyện. Tỷ lệ cấp nước đô thị do đơn vị thực hiện chiếm ≈3% trên tổng công suất cấp nước đô thị theo thiết kế của toàn tỉnh.

- Công trình cấp nước tập trung do UBND huyện quản lý: Thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk; thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk. Các công trình này được đầu tư từ Chương trình nước sạch nông thôn, có công suất nhỏ, vận hành không ổn định, lạc hậu, chất lượng nước chưa đạt QCVN 01:2009/BYT nên cần được đầu tư mới.

Các đô thị chưa có công trình cấp nước tập trung, gồm: Thị trấn Ea Knốp thuộc huyện Ea Kar; Trung tâm huyện lỵ Krông Búk.

2. Những khó khăn thách thức ảnh hưởng đến công tác quản lý cấp nước

Công ty TNHH MTV cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk (từ tháng 7/2019). Vì vậy, công tác quản lý nhà nước về cấp nước đô thị có những điều chỉnh nhất định trong phối hợp giữa hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc cam kết cấp nước giữa đơn vị bán buôn, bán lẻ trước khi cổ phần hóa không được thực thi đầy đủ. Việc độc quyền trong dịch vụ cấp nước đô thị ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà đầu tư về cấp nước. Công tác quản lý nhà nước trong xử lý về quan hệ sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn khó khăn, thiếu hiệu quả.

Việc kêu gọi nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước đối với các đô thị nhỏ (loại V) tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thực hiện phát triển kinh tế xã hội địa phương về tỷ lệ các đô thị có hệ thống cấp nước tập trung (chưa đạt 100%).

Việc theo dõi, quản lý chất lượng nước còn khó khăn do đặc thù địa bàn tỉnh không có nguồn khai thác nước tập trung như sông, hồ đủ lưu lượng. Nguồn cấp nước đô thị sử dụng phân tán từ nhiều nguồn (nước ngầm từ nhiều giếng khoan, mạch lộ thiên; nước mặt từ hồ, sông); chi phí thực hiện mẫu kiểm tra chất lượng lớn hơn các địa phương khác nên ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các đơn vị cấp nước.

III. Định hướng phát triển cấp nước giai đoạn 2020 - 2025

1. Mục tiêu tổng quát:

- Cụ thể hóa chỉ tiêu cấp nước đô thị theo Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 09/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ vê phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đề ra các giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nước; phát triển hệ thống cấp nước đô thị một cách bền vững và ổn định, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và giảm thiểu thất thoát, thất thu nước.

- Cụ thể hóa Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước với nhà đầu tư và người dân.

- Định hướng phân vùng cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, làm cơ sở để lựa chọn đơn vị cấp nước theo phân vùng cấp nước, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ cấp nước đến hộ dùng nước, đẩy nhanh đầu tư mở rộng mạng lưới phân phối (cấp III), góp phần thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ cấp nước sạch đô thị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư (hoặc có dự án đầu tư) hệ thống cấp nước sạch tập trung;

- Tỷ lệ cấp nước sạch bình quân tại các đô thị đạt 92,5% (riêng thành phố Buôn Ma Thuột đạt 95%; khu vực ngoại thị thành phố đạt trên 80%);

- Tiêu chuẩn cấp nước sạch đô thị bình quân 130 lít/người/ngày.đêm (riêng thành phố Buôn Ma Thuột 180 lít/người/ngày.đêm);

- Chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định tại tất cả các đô thị trong tỉnh, dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24h/ngày;

- Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt ≥75%;

- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị ≤ 15%; áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định;

- Khu Công nghiệp Hòa Phú, Cụm công nghiệp Tân An thành phố Buôn Ma Thuột có triển khai dự án cấp nước tập trung, đáp ứng dịch vụ cơ bản theo yêu cầu về áp lực và lưu lượng;

- Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm hợp lý. Đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỷ lệ khai thác nước ngầm đến năm 2025 không quá 30% so với công suất khai thác.

3. Các chương trình, dự án trọng tâm đến năm 2025

a) Các dự án cấp nước đô thị đang triển khai:

TT

Tên dự án

Chủ đầu tư

Nguồn nước

Quy mô, công suất thiết kế (m3/ng.đ)

Tổng mức đầu tư (tỷ đồng)

I

Dự án đã đầu tư

 

 

60.000

1.035

1

Dự án Cấp nước thành phố Buôn Ma Thuột và 03 thị trấn thuộc các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Kar (đang nghiệm thu)

Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk

Nước mặt

35.000

685

2

Dự án cấp nước Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước thành phố Buôn Ma Thuột

Cty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột

Nước mạch xuất lộ

20.000

320

3

Nhà máy cấp nước Đạt Lý

Công ty Cổ phần Cấp nước Đạt Lý

Nước mặt

5.000

30

II

Dự án chuẩn bị và đang đầu tư

 

 

1.353

109

1

Dự án nâng cao hiệu quả cấp nước thị xã Buôn Hồ

UBND thị xã Buôn Hồ (KOICA tài trợ)

Nước mặt

Tuyến ống phân phối cấp III; dài khoảng 8,8km

20

2

Mở rộng mạng lưới phân phối và nâng công suất hệ thống cấp nước xã Pơng Drang, huyện Krông Búk

Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk (kêu gọi đầu tư mở rộng hệ thống)

Nước mật

Tuyến ống chuyển tải, dài khoảng 6 km; tuyến ống phân phối cấp III, dài khoảng 15.0km

50

3

Nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung Krông Kmar, Krông Bông

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nước mặt

753

27

4

Hệ thống cấp nước sạch Khu Công nghiệp Hòa Phú

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh

Nước mặt

600

12

 

Tổng cộng

 

 

61.353

1.144

b) Danh mục các công trình cấp nước ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020 - 2025:

TT

Tên dự án

Phạm vi phục vụ

Nguồn nước

Công suất (m3/ng.đ)

Tổng mức đầu tư (tỷ đồng)

I

Đầu tư xây dựng mới

 

 

6.700

165,00

1

Nâng cấp hệ thống cấp nước huyện Cư M’gar

Thị trấn Ea Pốk và vùng phụ cận huyện Cư M’gar

Nước mặt

3.200

30

2

Hệ thống cấp nước thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar

Thị trấn Ea Knốp và vùng phụ cận huyện

Nước mặt

2.000

45

3

Hệ thống cấp nước liên xã và thị trấn M’Drắk

Thị trấn M’Drắk và các xã Cư Króa, Cư M'ta, Krông Jing

Nước mặt

1.500

90

II

Nâng cấp từ hệ thống cấp nước hiện có

 

 

11.500

310,00

1

Nâng cấp hệ thống cấp nước thị trấn Ea Drăng

Bổ sung công suất phục vụ thị trấn Ea Drăng

Nước mặt

500

10,00

2

Nâng cấp hệ thống cấp nước thị trấn Krông Năng

Bổ sung công suất phục vụ thị trấn Krông Năng

Nước mặt

300

6,00

3

Nâng cấp hệ thống cấp nước Phước An

Thị trấn Phước An và vùng phụ cận, trung tâm xã Ea Phê

Nước mặt

700

14,00

4

Nâng cấp hệ thống cấp nước thị trấn Buôn Trấp

Thị trấn Buôn Trấp và vùng phụ cận huyện Krông Ana

Nước mặt

3.000

60,00

5

Nâng cấp hệ thống cấp nước thị trấn Liên Sơn

Thị trấn Liên Sơn, xã Đăk Nuê, Đăk Liêng và vùng phụ cận huyện Lắk

Nước mặt

2.000

120,00

6

Nâng cấp hệ thống cấp nước thị xã Buôn Hồ

Bổ sung công suất phục vụ thị xã Buôn Hồ

Nước mặt

5.000

100,00

 

Tổng cộng

 

 

18.200

475,00

c) Các yêu cầu chủ yếu:

- Các công trình cấp nước đô thị thuộc danh mục nêu tại Điểm b Mục này được xác định công suất tối thiểu, làm cơ sở kêu gọi các nguồn lực đầu tư;

- Ưu tiên các dự án cấp nước đô thị sử dụng nguồn nước mặt;

- Bên cạnh việc kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng mới công trình cấp nước sạch đô thị, các đơn vị quản lý công trình cần rà soát, đề xuất nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, bảo trì công trình hiện có theo quy định về bảo dưỡng, bảo trì công trình.

4. Phân vùng cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột

Phân vùng cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở xác định khu vực Nội thành (có 04 vùng phục vụ cấp nước từ AHA4); Ngoại thành (có 03 vùng phục vụ cấp nước từ B1-B3), cụ thể như sau:

Ký hiệu

Tên vùng

Tổng dân số (người)

Dự báo dân số đến 2025

Dân số cấp nước (người)

Khối lượng bổ sung (m3/ng.đ)

A

NỘI THÀNH (phường)

244.431

288.428

274.006

23.268

A1

Vùng trung tâm

47.438

55.976

53.177

3.005

1

Thống Nhất

5.239

6.182

5.873

-

2

Thắng Lợi

7.441

8.780

8.341

-

3

Thành Công

15.418

18.193

17.283

-

4

Tự An

19.340

22.821

21.680

-

A2

Vùng Đông Bắc

57.422

67.757

64.369

6.260

5

Tân Lợi

28.422

33.538

31.861

-

6

Tân An

29.000

34.219

32.508

-

A3

Vùng Nam - Đông Nam

62.220

73.420

69.749

5.188

7

Tân Lập

23.364

27.569

26.191

-

8

Tân Hòa

13.175

15.547

14.769

-

9

Ea Tam

25.681

30.304

28.789

-

A4

Vùng Tây - Tây Nam

77.351

91.275

86.711

8.815

10

Tân Tiến

18.288

21.580

20.501

-

11

Thành Nhất

16.623

19.615

18.634

-

12

Tân Thành

20.459

24.142

22.935

-

13

Khánh Xuân

21.981

25.938

24.641

-

B

NGOẠI THÀNH (xã)

125.789

143.902

122.318

19.032

B1

Vùng Đông - Đông Bắc

49.161

56.239

47.804

6.707

1

Ea Tu

16.425

18.790

15.972

-

2

Hòa Thuận

14.589

16.689

14.186

-

3

Hòa Thắng

18.147

20.760

17.646

-

B2

Vùng Nam

58.890

67.371

57.265

11.543

4

Ea Kao

17.806

20.370

17.314

-

5

Hòa Khánh

16.274

18.618

15.825

-

6

Hòa Phú

17.532

20.056

17.048

-

7

Hòa Xuân

7.278

8.327

7.078

-

B3

Vùng Tây

17.738

20.292

17.249

782

8

Cư Êbur

17.738

20.292

17.249

-

 

TỔNG CỘNG

370.220

432.330

396.324

42.300

Trên cơ sở phân vùng cấp nước theo đơn vị hành chính cấp xã, phường, UBND thành phố Buôn Ma Thuột nghiên cứu phân nhỏ khu vực cấp nước theo lưu vực, hiện trạng hệ thống tuyến ống cấp nước (mạng cấp I) đảm bảo thuận tiện tiếp cận nguồn nước và tránh chồng lan vùng cấp nước giữa các đơn vị cấp nước.

Căn cứ phân vùng cấp nước trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp Sở Xây dựng thực hiện thủ tục liên quan, trình cơ quan thẩm quyền tổ chức lựa chọn đơn vị cấp nước theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ.

5. Giải pháp huy động nguồn lực thực hiện

a) Vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn:

- Ưu tiên sử dụng làm vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; hỗ trợ công tác chuẩn bị mặt bằng khu vực dự án: Giải phóng mặt bằng và tái định canh, định cư (nếu có);

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

b) Huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư xây dựng công trình cấp nước:

- Các nguồn vốn khác được ưu tiên sử dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, chống thất thoát, thất thu nước sạch; thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các hình thức đầu tư khác; đăng ký các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; thực hiện cơ chế cho phép doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; định hướng phát triển cấp nước đô thị; các chương trình, đề án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trên địa bàn; các chương trình, dự án khác hỗ trợ có mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Xây dựng:

a) Là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh về quản lý nhà nước đối với các hoạt động cung cấp nước sạch ở các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch phát triển cấp nước sạch đô thị giai đoạn 2020 - 2025, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ về tình hình thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện xã hội hóa, chuyển giao cho các doanh nghiệp có năng lực, đủ trình độ quản lý đối với các hệ thống cấp nước theo quy định.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các dự án công trình, các đơn vị cấp nước trong quá trình thi công, giám sát các công trình hạ tầng kỹ thuật, tránh gây sự cố đường ống và phối hợp khắc phục sự cố nhằm cung cấp nước nhanh nhất cho nhân dân.

d) Phối hợp các đơn vị cấp nước nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước phù hợp quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch đô thị, trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư.

b) Đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để tạo mọi điều kiện huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh.

c) Căn cứ nhu cầu đầu tư công trình cấp nước đô thị, bổ sung danh mục dự án cấp nước đô thị trong danh mục dự án vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài (giai đoạn 2020 - 2025).

d) Thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các dự án, công trình do tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo quy định.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá được đăng ký hoặc theo dự án. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định giá tiêu thụ nước sinh hoạt, tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý phần vốn của nhà nước đầu tư vào các dự án, công trình từ khi đầu tư xây dựng và trong quá trình vận hành, khai thác theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, trình UBND tỉnh phê duyệt.

b) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; thẩm định, hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định. Quản lý các hoạt động khai thác sử dụng nước mặt, nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước; tham gia ý kiến đối với các dự án cấp nước, ưu tiên khai thác sử dụng nước mặt, khai thác sử dụng nước ngầm hợp lý, đảm bảo tài nguyên nước bền vững.

c) Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành của nhà nước.

5. Sở Y tế: Tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ chất lượng nước tại các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Y tế.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cấp nước sinh hoạt cho các điểm dân cư nông thôn.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Xây dựng, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông, xây dựng ý thức cộng đồng về việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, an toàn...

8. Công an tỉnh: Tổ chức các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi làm ô nhiễm nguồn nước và các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp luật.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hàng năm do đơn vị cấp nước lập trên địa bàn quản lý; ưu tiên quỹ đất xây dựng các công trình cấp nước sạch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, các đơn vị cấp nước bảo vệ nguồn nước và an toàn hệ thống cấp nước.

b) Thực hiện ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước; giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước; giám sát chất lượng dịch vụ và giá cung cấp nước sạch theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BXD .

c) Thỏa thuận nội dung kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước trên địa bàn; triển khai thực hiện và tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã được phê duyệt trên địa bàn quản lý.

d) Phối hợp tốt với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước sạch, theo dõi tỷ lệ cấp nước sạch đô thị trên địa bàn để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của địa phương.

e) Phối hợp chủ đầu tư quản lý công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu đô thị, khu dân cư, phải đầu tư đồng bộ các công trình tuyến ống phân phối và đủ điều kiện đấu nối vào hệ thống cấp nước toàn đô thị..., đảm bảo hệ thống cấp nước đồng bộ với công trình hạ tầng khác.

g) Thực hiện công tác thông tin giáo dục truyền thông của các cấp, các ngành có liên quan để giáo dục cộng đồng ý thức về sử dụng nguồn tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

10. Các tổ chức, đơn vị thực hiện cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh

a) Xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện cấp nước an toàn. Trong đó, lồng ghép Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 theo Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Xây dựng phương án và lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo Điều 53 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ và cam kết với nhà tài trợ (nếu có).

c) Căn cứ phương án và lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, quy chế tính giá, nguyên tắc và phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch xây dựng phương án giá nước sạch, trình Sở Tài chính chủ trì thẩm định.

d) Các đơn vị cấp nước là chủ đầu tư các dự án cấp nước từ nguồn vốn vay ODA tổ chức thực hiện quản lý dự án theo đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ.

e) Tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước cho từng đô thị, đề xuất mở rộng nguồn, vùng phục vụ. Mở rộng các hình thức đầu tư góp vốn, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân của nước ngoài bằng các hình thức ODA, BOT, BT... để phát triển cấp nước đô thị.

Trên đây là Kế hoạch phát triển cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) để được hướng dẫn, giải quyết./.