Quyết định 1219/2011/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: | 1219/2011/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cao Bằng | Người ký: | Nguyễn Hoàng Anh |
Ngày ban hành: | 01/07/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1219/2011/QĐ-UBND |
Cao Bằng, ngày 01 tháng 7 năm 2011 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 1104/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc ban hành Quy chế quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1219 /2011/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Quy định này quy định chi tiết về nội dung quản lý hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; tiết kiệm điện; điều kiện phát điện, truyền tải điện, kinh doanh cung ứng điện; sản xuất, phân phối và sử dụng điện; mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện; an toàn trong cung ứng và sử dụng điện; kiểm tra, giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng điện; thanh tra, kiểm tra điện lực.
Quy định này áp dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
1. Hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
2. Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện, máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận hành, được phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối.
3. Điều độ hệ thống điện là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy phạm kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định.
4. Đơn vị điện lực là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
5. Đơn vị phân phối và bán lẻ điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, mua buôn điện từ đơn vị phân phối điện để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện.
6. Khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.
7. Biểu giá điện là bảng kê các mức giá và khung giá điện cụ thể áp dụng cho các đối tượng mua bán điện theo các điều kiện khác nhau.
8. Khung giá điện là phạm vi biên độ dao động cho phép của giá điện giữa giá thấp nhất (giá sàn) và giá cao nhất (giá trần).
9. Giảm mức cung cấp điện là việc giảm cung cấp công suất, sản lượng điện so với mức công suất, sản lượng đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện do hệ thống điện thiếu nguồn, sự cố hoặc quá tải.
10. Thiết bị đo đếm là các thiết bị bao gồm công tơ, máy biến dòng điện, máy biến điện áp và các thiết bị phụ trợ phục vụ đo đếm điện năng.
Điều 4. Phân cấp quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện
1. Cấp tỉnh: Sở Công Thương Cao Bằng là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, chịu sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công Thương.
2. Cấp huyện, thị: Phòng Công Thương hoặc phòng Kinh tế huyện, thị xã là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Công Thương Cao Bằng.
QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC
Điều 5. Quy hoạch phát triển điện lực
1. Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả quy hoạch phát triển điện lực huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh được lập cho từng giai đoạn 5 năm và có định hướng cho 5 năm tiếp theo.
2. Mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 6. Lập, phê duyệt và công bố quy hoạch phát triển điện lực
1. Quy hoạch phát triển điện lực và Quy hoạch về khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Sở Công Thương Cao Bằng chủ trì, chỉ đạo tổ chức lập (phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan trong tỉnh), trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Công Thương Cao Bằng có nhiệm vụ công bố, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng trong việc cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 7. Kinh phí cho công tác lập quy hoạch (L-10)
Kinh phí cho công tác lập quy hoạch do ngân sách tỉnh cấp để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực địa phương.
Điều 8. Đầu tư phát triển điện lực (L-11)
1. Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt. Các dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép. Chủ đầu tư dự án điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.
2. Mở rộng các hình thức đầu tư trên địa bàn tỉnh: Độc lập (IPP), liên doanh (JV), cổ phần (CP)... để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia. Đẩy mạnh và khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
3. Các nhà máy điện, đường dây, trạm biến áp xây dựng mới phải được thiết kế và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến phù hợp với các quy phạm, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam và phù hợp với đặc điểm địa hình, dân cư... miền núi của tỉnh Cao Bằng.
Điều 9. Tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở và quản lý chất lượng công trình điện
1. Sở Công Thương Cao Bằng tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các dự án đầu tư chuyên ngành điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Các cơ quan quản lý Nhà nước khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến công trình điện lực phải có ý kiến bằng văn bản của Sở Công Thương trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư.
2. Sở Công Thương Cao Bằng có trách nhiệm tổ chức hoặc tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình chuyên ngành điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (không phân biệt nguồn vốn).
Điều 10. Sử dụng đất cho các công trình điện lực (L12)
1. Căn cứ quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình điện lực phải xác định rõ diện tích đất cần sử dụng, trong đó nêu rõ diện tích chiếm dụng vĩnh viễn dùng để xây dựng các hạng mục trong dự án và diện tích hành lang bảo vệ an toàn đường dây tải điện, trạm biến áp và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng xây dựng công trình.
2. Sau khi dự án đầu tư điện lực đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất hoặc cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Uỷ ban nhân dân các cấp trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án điện lực, các tổ chức, cá nhân có liên quan lập và thực hiện kế hoạch giao đất; xác định mốc giới, bảo vệ diện tích đất dành cho dự án và hành lang an toàn theo quy định của công trình điện lực.
Điều 11. Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện phải đáp ứng các điều kiện
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt và kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật hiện hành.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, sản xuất phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện ít nhất 5 năm.
3. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy trình an toàn.
4. Phải có giấy phép hoạt động điện lực.
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy phạm hiện hành đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý, vận hành các tuyến đường dây tải điện, các trạm biến áp, các thiết bị đồng bộ kèm theo... trong hệ thống truyền tải, phân phối và kinh doanh điện.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, sản xuất phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực truyền tải, phân phối và kinh doanh điện ít nhất 5 năm.
3. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy trình an toàn.
4. Phải có giấy phép hoạt động điện lực.
1. Người trực tiếp quản lý, vận hành, sửa chữa điện phải được đào tạo chuyên ngành điện, có giấy chứng nhận do cơ sở dạy nghề cấp, có năng lực chuyên môn, được huấn luyện, sát hạch về an toàn điện và được Sở Công Thương cấp thẻ an toàn điện.
2. Phải có giấy phép hoạt động điện lực khi kinh doanh mua điện từ lưới điện phân phối với tổng công suất máy biến áp lớn hơn 50KVA để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện.
Tổ chức tư vấn về: Lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, lập báo cáo đầu tư, thiết kế, đấu thầu, giám sát thi công công trình chuyên ngành điện phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có đội ngũ chuyên gia phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn.
2. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chính của tổ chức tư vấn phải có trình độ đại học trở lên, có thời gian làm việc trong lĩnh vực tư vấn ít nhất 5 năm.
3. Phải có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn.
4. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết phù hợp với lĩnh vực tư vấn.
5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã thực hiện.
Điều 15. Cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Sở Công Thương Cao Bằng là đầu mối thụ lý hồ sơ, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Nhà nước.
2. Điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp và Quyết định số 09/2007/QĐ-BCN ngày 06 tháng 02 năm 2007 của Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 23 Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.
SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 16. Điều kiện đấu nối công trình điện lực (ND105-33sua doi)
Công trình điện lực đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật và có sự thoả thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện về điểm đấu nối và đáp ứng đầy đủ các quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BCT ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối.
Phương án đấu nối các thiết bị điện, lưới điện và nhà máy điện mới vào lưới điện phân phối phải tuân thủ theo quy hoạch phát triển điện lực đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 17. Trách nhiệm của đơn vị phát điện
1. Đơn vị phát điện phải tuân thủ các quy trình, quy phạm về vận hành nhà máy điện, lưới điện. Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động phát điện.
2. Đơn vị phát điện phải bảo đảm: Điện áp, tần số dòng điện phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng.
3. Đơn vị phát điện phải đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải, phân phối điện hoặc bên mua điện.
Điều 18. Trách nhiệm của đơn vị truyền tải và phân phối điện (L40)
1. Đơn vị truyền tải và phân phối điện có trách nhiệm đảm bảo lưới điện và các trang thiết bị truyền tải, phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Đảm bảo cung cấp dịch vụ truyền tải và phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng và liên tục.
2. Đơn vị truyền tải và phân phối điện cần xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh. Đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên mua điện.
Điều 19. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt có trách nhiệm
1. Thực hiện sử dụng hợp lý nhu cầu dùng điện để giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm cho hệ thống điện. Hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm.
2. Cải tiến, hợp lý hoá quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện. Bảo đảm hệ số công suất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế tối đa việc sử dụng non tải thiết bị điện.
3. Chịu trách nhiệm đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ mua điện đến nơi sử dụng. Bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện.
MUA BÁN ĐIỆN VÀ DỊCH VỤ CUNG CẤP ĐIỆN
Điều 20. Đo đếm điện (N105-10)
1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Giao dịch mua bán điện phải sử dụng thiết bị đo đếm điện và thông qua hợp đồng mua bán điện có thời hạn được thể hiện bằng văn bản.
3. Thiết bị đo đếm điện phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Chỉ những tổ chức có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường mới được phép kiểm định và niêm phong thiết bị đo đếm điện.
4. Công tơ phải được lắp đặt trong khu vực quản lý của bên mua điện, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Vị trí lắp đặt và việc lắp đặt công tơ phải đảm bảo an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số công tơ và bên bán điện ghi chỉ số công tơ.
5. Bên mua điện có trách nhiệm bảo vệ công tơ lắp đặt trong khu vực quản lý của mình, không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác phải được sự đồng ý của bên bán điện. Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện công tơ bị mất hoặc bị hỏng. Bên bán điện có trách nhiệm bảo vệ công tơ lắp đặt ở ngoài khu vực quản lý của bên mua điện.
6. Bên mua điện sử dụng điện vào nhiều mục đích có giá điện khác nhau được lắp đặt công tơ điện riêng cho từng mục đích sử dụng. Trường hợp chưa lắp đặt công tơ điện riêng, hai bên phải thoả thuận cách tính tỉ lệ điện năng theo từng loại giá.
7. Trường hợp công tơ điện bị mất hoặc hư hỏng gây mất điện thì hai bên lập biên bản để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên có liên quan. Nếu không xác định được nguyên nhân do lỗi của bên mua điện thì bên bán điện có trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế công tơ mới và tiếp tục cấp điện cho bên mua điện.
8. Khi thay đổi công tơ điện, bên mua điện và bên bán điện phải cùng ký biên bản xác nhận chỉ số công tơ điện.
Điều 21. Kiểm định thiết bị đo đếm (L-25 -N13)
1. Chỉ những tổ chức có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường mới được phép kiểm định thiết bị đo đếm điện.
2. Bên bán điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường quy định.
3. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị Sở Công Thương Cao Bằng tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, Sở Công Thương Cao Bằng có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định.
4. Chi phí cho việc kiểm định thiết bị đo đếm điện theo quy định tại Khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên mua điện phải trả phí kiểm định.
b) Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên bán điện phải trả phí kiểm định.
c) Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định chỉ số đo đếm của thiết bị đo đếm điện vượt quá số lượng điện sử dụng thực tế thì bên bán điện phải hoàn trả khoản tiền thu thừa cho bên mua điện.
Điều 22. Hợp đồng mua bán điện có thời hạn (L22)
Hợp đồng mua bán điện có thời hạn phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau:
1. Chủ thể hợp đồng.
2. Mục đích sử dụng.
3. Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
5. Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán.
6. Điều kiện chấm dứt hợp đồng.
7. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
8. Thời hạn của hợp đồng.
9. Các nội dung khác do hai bên thoả thuận.
2. Bên bán điện phải có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
3. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc khi bên mua điện đã đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 05 ngày làm việc trong đó nêu rõ thời gian dự kiến cấp điện được.
4. Mẫu Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt: Áp dụng theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BCN ngày 12 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Điều 24. Ghi chỉ số công tơ điện (N11+N14)
1. Đối với điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bên bán điện ghi chỉ số công tơ điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số công tơ trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng.
2. Đối với điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt, việc ghi chỉ số công tơ điện của bên bán điện được quy định như sau:
a) Dưới 50.000 kWh/tháng, ghi chỉ số một lần trong một tháng;
b) Từ 50.000 đến 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số hai lần trong một tháng;
c) Trên 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số ba lần trong một tháng.
3. Đối với bên mua điện sử dụng điện năng ít hơn 15 kWh/tháng, chu kỳ ghi chỉ số công tơ do hai bên thoả thuận.
4. Đối với việc mua bán buôn điện, thời điểm ghi chỉ số công tơ do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
5. Bên bán điện phải bảo đảm tính chính xác của chỉ số công tơ điện đã ghi.
1. Bên mua điện phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hoá đơn cho bên bán điện theo biểu giá điện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hoá đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện.
3. Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 03 lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.
4. Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị với Sở Công Thương Cao Bằng để tổ chức hoà giải theo quy định của Luật Điện lực. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố dụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện.
5. Trường hợp công tơ điện chạy nhanh hơn so với tiêu chuẩn quy định, tiền điện phải thanh toán theo quy định tại Khoản 4 Điều này được xác định như sau:
a) Nếu xác định được thời gian chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện năng thực tế đã thu vượt của bên mua điện;
b) Nếu không xác định được chính xác thời gian chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện đã thu vượt trội theo thời hạn tính toán là bốn chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện, kể cả kỳ đang sử dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số.
6. Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất hoặc ngừng hoạt động thì tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của ba chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện. Số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất đến ngày công tơ điện được phục hồi hoạt động.
7. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 của Luật Điện lực là Sở Công Thương Cao Bằng hoặc cơ quan, tổ chức khác do hai bên thoả thuận.
Bên bán điện phải đảm bảo chất lượng điện năng cung cấp cho bên mua điện theo các tiêu chuẩn sau đây:
1. Về điện áp: Trong điều kiện bình thường, độ lệch điện áp cho phép trong khoảng ±5% so với điện áp danh định của lưới điện và được xác định tại vị trí đặt thiết bị đo đếm điện hoặc tại vị trí khác do hai bên thoả thuận. Đối với lưới điện chưa ổn định sau sự cố, độ lệch điện áp cho phép từ +5% đến -10%.
2. Về tần số: Trong điều kiện bình thường, độ lệch tần số hệ thống điện cho phép trong phạm vi ±0,2 Hz so với tần số danh định. Trường hợp sự cố, độ lệch tần số cho phép là ±0,5Hz.
Trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch
Bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch trong các trường hợp:
1. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khi bên bán điện có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, xây lắp các công trình điện; điều hoà, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch.
2. Ngừng cấp điện theo yêu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.
3. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.
Điều 28. Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch
1. Trong trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất năm ngày, bằng hình thức:
a) Gửi văn bản (hoặc bằng hình thức thông báo khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng) cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng, các đơn vị sản xuất liên tục 3 ca, các đơn vị chế biến khoáng sản biết.
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng điện còn lại.
2. Bên bán điện phải cấp điện trở lại theo đúng thời hạn đã thông báo. Trường hợp thời hạn cấp điện trở lại bị chậm so với thời hạn đã thông báo từ 01 giờ trở lên, bên bán điện phải thông báo bằng điện thoại cho các khách hàng nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này biết thời gian cấp điện trở lại.
Điều 29. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Trong trường hợp sự cố, bên bán điện phải khôi phục việc cấp điện chậm nhất là 2 giờ kể từ khi phát hiện sự cố hoặc nhận được thông báo của bên mua điện. Trường hợp không thực hiện được, trong thời hạn 24 giờ phải thông báo ngay cho bên mua điện biết nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại.
Điều 30. Trách nhiệm của bên mua điện
1. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện của mình hoạt động an toàn để không gây ra sự cố cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp của lưới điện.
2. Bên mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công suất sử dụng cực đại từ 80 kW hoặc máy biến áp có dung lượng từ 100 kVA trở lên có trách nhiệm:
a) Đăng ký biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện với bên bán điện;
b) Đảm bảo hệ số cosj ≥ 0,85 tại điểm đặt thiết bị đo đếm điện trong điều kiện hệ thống điện đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định tại Điều 26 quy định này;
c) Lắp đặt thiết bị bù công suất phản kháng trong trường hợp hệ số cosj < 0,85 để nâng hệ số cosj ≥ 0,85 hoặc mua thêm công suất phản kháng thông qua hợp đồng.
3. Trường hợp bên mua điện có khả năng phát công suất phản kháng lên hệ thống điện, hai bên có thể thoả thuận việc mua, bán công suất phản kháng thông qua hợp đồng.
1. Giá phát điện và giá bán buôn, bán lẻ điện thông qua hợp đồng có thời hạn theo giá do hai bên thoả thuận nhưng không vượt quá khung giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phải tuân thủ các quy định về thị trường điện lực của Luật Điện lực và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện mua buôn điện năng thông qua hệ thống điện quốc gia để bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện thực hiện theo mức giá trong biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Giá bán lẻ điện do đơn vị phát điện độc lập bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện do hai bên thoả thuận nhưng không vượt quá khung giá trong biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Giá bán lẻ điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn thực hiện theo mức giá trong biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 32. Các hành vi vi phạm các quy định của bên bán điện
1. Trì hoãn việc cấp điện sau khi hợp đồng mua bán điện đã ký.
2. Không đảm bảo chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng.
3. Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng quy định.
4. Không thông báo theo quy định cho bên mua điện về sự cố lưới điện và trì hoãn việc sửa chữa lưới điện khi có sự cố, trừ trường hợp bất khả kháng.
5. Trì hoãn việc đóng điện cho công trình của khách hàng đã có đủ điều kiện vận hành.
6. Ghi sai chỉ số công tơ, tính sai tiền điện trong hoá đơn, bán giá sai quy định.
7. Sử dụng thiết bị đo đếm không đạt tiêu chuẩn quy định.
8. Tự ý sử dụng công trình điện của bên mua điện để cấp điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác.
9. Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng thuộc diện không phải hạn chế khi thiếu điện.
10. Trì hoãn hoặc không chịu bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
11. Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
Điều 33. Các hành vi vi phạm các quy định của bên mua điện
1. Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
2. Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng.
3. Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng.
4. Sử dụng quá công suất đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm.
5. Tự ý sử dụng thêm nguồn điện khác của bên bán điện ngoài nguồn đã ghi trong hợp đồng.
6. Đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển các thiết bị và công trình lưới điện của bên bán điện.
7. Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện.
8. Làm hư hỏng thiết bị điện hoặc công trình điện của bên bán điện.
9. Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng.
10. Gây sự cố đối với lưới điện của bên bán điện.
11. Gian lận sử dụng điện dưới mọi hình thức.
12. Trì hoãn không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
13. Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
AN TOÀN TRONG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 34. Quy định chung về an toàn đối với trang thiết bị điện và công trình điện lực (Dieu 29 N105)
1. Việc thiết kế, chế tạo, xây dựng công trình điện phải thực hiện theo quy phạm, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam và phù hợp với đặc điểm địa hình, thời tiết, dân cư của tỉnh Cao Bằng, được cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sau đây:
a) An toàn về điện;
b) An toàn về xây dựng;
c) An toàn về công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp (nước, than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và các dạng năng lượng khác);
d) An toàn về phòng chóng cháy nổ;
đ) An toàn về môi trường sinh thái và vệ sinh lao động.
2. Các vật tư, thiết bị điện phải có chứng chỉ chất lượng, các thông số kỹ thuật và có nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của pháp luật.
3. Các công trình điện chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được thử nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn.
1. Khi xây dựng, cải tạo và mở rộng công trình công cộng hoặc công trình khác có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của trang thiết bị điện, công trình điện lực và hành lang an toàn điện, chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý cấp giấy phép phải phối hợp đơn vị điện lực để giải quyết.
2. Khi sửa chữa, cải tạo, xây dựng và lắp đặt trang thiết bị điện và công trình điện lực có khả năng ảnh hưởng đến công trình công cộng hoặc công trình khác thì đơn vị điện lực phải phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết. Trường hợp các bên liên quan không thoả thuận được thì yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết và triển khai thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 36. Bảo vệ an toàn nhà máy điện (L54)
Nhà máy điện, trạm phát điện phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào bảo vệ, biển báo an toàn về điện; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và các quy định an toàn khác thuộc phạm vi nhà máy, trạm phát điện.
Hồ chứa nước phục vụ nhà máy thuỷ điện phải được bảo vệ an toàn để đáp ứng yêu cầu tích nước của nhà máy. Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm lòng hồ và làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến khả năng phát điện.
Điều 37. An toàn trong sử dụng điện cho sản xuất (L57)
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định về an toàn điện và quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam. Có đầy đủ các tài liệu về quy phạm, tiêu chuẩn an toàn điện. Biên soạn, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy trình, quy tắc, nội quy về an toàn điện áp dụng trong phạm vi cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật hiện hành.
2. Các thiết bị, hệ thống thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện. Thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng, duy tu, nâng cấp chất lượng, đảm bảo điều kiện an toàn vận hành thiết bị.
3. Trạm điện, trang thiết bị điện cao áp và đường dây cao áp nội bộ phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
4. Các đường dây dẫn điện, dây điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hoá học có thể gây hư hỏng. Không được dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại để làm dây "trung tính làm việc", trừ trường hợp đặc biệt phải có thiết kế riêng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ, hệ thống điện phải được thiết kế, lắp đặt theo quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Chỉ được sử dụng các loại thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy, nổ chuyên dùng.
6. Các thiết bị dùng trong khai thác khoáng sản, dụng cụ điện, thiết bị điện di động, máy hàn, điện phân, mạ điện phải phù hợp với quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn có liên quan.
7. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ, chính sách của nhà nước về bảo hộ lao động. Phải đảm bảo các điều kiện làm việc, dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc an toàn khi tiếp xúc với điện.
Điều 38. An toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ
1. Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng sau khi thiết kế đã được duyệt.
2. Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải đảm bảo các điều kiện về an toàn điện, mỹ quan và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.
3. Trong mạch điện ba pha bốn dây: Áp tô mát, cầu dao, cầu chì và các thiết bị đóng cắt điện khác không được đấu vào dây trung tính.
4. Trong mạch điện một pha hai dây: Cầu chì và công tắc phải đấu vào dây pha, không được đấu vào dây trung tính. Khuyến khích lắp đặt áp tô mát, cầu dao 2 cực để đóng cắt đồng thời cả 2 dây.
5. Các trang thiết bị điện phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về điện và không gây nguy hiểm cho người sử dụng. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy, nổ.
6. Tổng công suất sử dụng của các thiết bị điện dùng trong văn phòng, gia đình phục vụ sinh hoạt và dịch vụ... Phải phù hợp với công suất thiết kế; dây dẫn điện phải có tiết diện và độ bền cách điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật.
7. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện.
Điều 39. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp để bảo vệ tài sản của mình, bẫy chim, bẫy chuột, bảo vệ hoa màu hoặc phục vụ các mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống.
Việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp (là dùng nguồn điện đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản... Che chắn khu vực muốn bảo vệ) phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và được quy định tại Quyết định số 07/2006/QĐ-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp về việc Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
ĐIỆN PHỤC VỤ NÔNG THÔN, MIỀN NÚI
Điều 40. Chính sách phát triển điện nông thôn, miền núi
1. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động phát điện, phân phối điện, kinh doanh điện tại vùng nông thôn nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lưới điện hoặc các trạm phát điện tại chỗ để cung cấp điện cho vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện ở khu vực nông thôn.
Điều 41. Giá bán lẻ điện nông thôn, miền núi
1. Giá bán lẻ điện nông thôn được thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Quy định này.
2. Giá bán lẻ điện sinh hoạt tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế do Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định, nhưng không được ngoài khung giá trong biểu giá bán lẻ điện do Chính phủ quy định.
Điều 42. An toàn điện ở nông thôn, miền núi
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện ở nông thôn phải thực hiện nghiêm túc các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
2. Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
a) Đủ 18 tuổi trở lên;
b) Được cơ quan y tế chứng nhận đủ sức khoẻ để làm việc;
c) Có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp chuyên ngành điện do cơ sở dạy nghề cấp;
d) Có thẻ an toàn do cơ quan quản lý Nhà nước cấp.
Điều 43. Điện phục vụ thuỷ nông (L63)
1. Ưu tiên cung cấp điện đầy đủ, kịp thời cho các trạm bơm thuỷ nông phục vụ tưới tiêu, chống úng, chống hạn.
2. Thời hạn thanh toán tiền điện của doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi sử dụng để tưới, tiêu... Do hai bên mua, bán điện thoả thuận nhưng tối đa không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo thanh toán tiền điện.
KIỂM TRA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 44. Hình thức kiểm tra cung ứng, sử dụng điện
1. Việc kiểm tra cung ứng và sử dụng điện đối với tổ chức, cá nhân được tiến hành theo hình thức kiểm tra định kỳ có báo trước và kiểm tra đột xuất không báo trước. Bên cung ứng điện (bên bán điện) và bên sử dụng điện (bên mua điện) có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra cung ứng và sử dụng điện.
2. Khi kiểm tra sử dụng điện đột xuất, bên kiểm tra chỉ được phép vào nhà dân kiểm tra những việc liên quan đến sử dụng điện như: An toàn điện, mục đích sử dụng điện, trộm cắp điện và những khoản đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện. Nếu kiểm tra trong khoảng từ 23 giờ đến 6 giờ sáng, bên kiểm tra phải phối hợp với cảnh sát khu vực hoặc chính quyền địa phương và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 45. Công tác kiểm tra cung ứng và sử dụng điện bao gồm các nội dung sau
1. Kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong việc chấp hành các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện.
2. Kiểm tra các đơn vị sản xuất, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh trong việc cung ứng điện an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng và số lượng điện năng theo hợp đồng mua bán điện.
3. Kiểm tra các đơn vị cung ứng điện trong việc chấp hành “Quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện” và việc thực hiện đóng cắt điện theo kế hoạch báo trước đúng thời gian quy định.
4. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trong phân phối và sử dụng điện thuộc phạm vi tỉnh Cao Bằng.
5. Kiểm tra các thiết bị điện và công trình điện của bên sử dụng điện về tình trạng kỹ thuật, vận hành an toàn theo các quy phạm kỹ thuật hiện hành.
6. Tham gia điều tra các vụ sự cố nghiêm trọng về điện. Các tai nạn về điện liên quan trong lĩnh vực cung ứng và sử dụng điện.
7. Giải quyết các tranh chấp về cung ứng và sử dụng điện.
8. Tham gia kiểm tra và nghiệm thu các công trình điện được đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 46. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực
1. Nhiệm vụ, quyền hạn Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương và Kiểm tra viên điện lực của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình, bao gồm:
a) Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện theo quy định tại Khoản 2 Điều 39, Khoản 2 Điều 40, Khoản 2 Điều 41, Khoản 2 Điều 43, Khoản 2 Điều 44, Khoản 2 Điều 46, Khoản 2 Điều 47 của Luật Điện lực;
b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn điện;
c) Phát hiện và ngăn chặn các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 7 của Luật Điện lực;
d) Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực;
đ) Yêu cầu đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị theo quy định của pháp luật;
e) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý;
g) Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra;
h) Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động điện lực, sử dụng điện.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện
a) Kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình;
b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện;
c) Thông báo kịp thời cho đơn vị trực tiếp quản lý vận hành trong trường hợp phát hiện có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị;
d) Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện
a) Kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình;
b) Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện;
c) Kiểm tra việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả;
d) Kiểm tra việc cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện theo quy định của pháp luật;
đ) Kiểm tra và ngăn chăn kịp thời các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện;
e) Yêu cầu bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị;
g) Yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra;
h) Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.
Điều 47. Nội dung kiểm tra và giải quyết tranh chấp trong cung ứng, sử dụng điện (QD31 -BCN)
Nội dung kiểm tra và giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng điện được thực hiện theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện và Quyết định số 12/2007/QĐ-BCN ngày 06 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện; Thông tư số 11/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Điều 10 của quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực thực hiện theo Thông tư số 40/2010/TT-BCT ngày 13 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương.
Điều 48. Tổ chức của thanh tra điện lực
Thanh tra điện lực là bộ phận của thanh tra Sở Công Thương Cao Bằng, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành điện lực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 49. Nhiệm vụ của Thanh tra điện lực
1. Thanh tra việc tranh chấp pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện của tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện.
2. Tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước khác và các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền giáo dục việc chấp hành pháp luật và trong quá trình thanh tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
4. Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện.
5. Tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi và quyết định của mình trong lĩnh vực thanh tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
6. Thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình thanh tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
7. Lập kế hoạch công tác thanh tra, trình Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt và tổ chức thực hiện.
8. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác thanh tra theo quy định.
Điều 50. Quyền hạn của Thanh tra điện lực
1. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu, báo cáo bằng văn bản, trả lời các câu hỏi về những vấn đề cần thiết có liên quan trực tiếp đến thanh tra.
2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra. Trưng cầu giám định, thu thập, xác minh chứng cứ có liên quan đến nội dung thanh tra. Trường hợp cấn thiết, được thủ trưởng cấp trên đồng ý có thể đề nghị cơ quan, đơn vị hữu quan cử người tham gia, phối hợp trong việc thanh tra.
3. Quyết định niêm phong tài liệu, kê biên hoặc tịch thu tang vật theo quy định của pháp luật nếu có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định đó là những phương tiện, công cụ được sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện.
4. Đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc tổ chức, cá nhân xâm phạm công trình điện lực gây nguy hiểm cho tính mạng con người, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
5. Xử lý vi phạm trong hoạt động điện lực và xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền giải quyết nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
7. Kiến nghị biện pháp bảo đảm thi hành các quy định khác của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm khác có liên quan.
Điều 51. Chế độ, thủ tục, thanh tra
Thực hiện theo Nghị định số 103/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra điện lực và Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực.
Sở Công Thương thực hiện chức năng kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện gồm các nội dung sau:
1. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra cung ứng và sử dụng điện, xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Tham gia thẩm định các giải pháp kỹ thuật an toàn điện và tham gia nghiệm thu về kỹ thuật an toàn điện theo quy định đối với các công trình điện trong phạm vi quản lý của địa phương.
3. Tham gia điều tra các sự cố, tai nạn điện trong các cơ sở sản xuất và trong nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
4. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm về kỹ thuật an toàn điện trong phạm vi tỉnh Cao Bằng. Tham gia đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy phạm về kỹ thuật an toàn điện với các cấp có thẩm quyền ban hành.
5. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và sát hạch kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận về công tác an toàn cho cán bộ an toàn điện của các huyện, thị xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý của tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng cấp thẻ an toàn điện cho công nhân, nhân viên quản lý vận hành điện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức quản lý điện trong phạm vi tỉnh Cao Bằng.
6. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về an toàn sử dụng điện.
Điều 53. Trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân
Tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu của Thanh tra, kiểm tra điện lực theo quy định của Nhà nước. Có nghĩa vụ tôn trọng, tạo mọi điều kiện cần thiết để hoạt động của Thanh tra, kiểm tra điện lực được thuận lợi, có hiệu quả.
1. Sở Công Thương Cao Bằng chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai và thực hiện Quy định quản lý hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, Thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Thông tư 11/2011/TT-BCT sửa đổi Điều 10 của Quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện kèm theo Quyết định 31/2006/QĐ-BCN Ban hành: 30/03/2011 | Cập nhật: 05/04/2011
Thông tư 40/2010/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực Ban hành: 13/12/2010 | Cập nhật: 14/12/2010
Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối Ban hành: 30/07/2010 | Cập nhật: 04/08/2010
Nghị định 68/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực Ban hành: 15/06/2010 | Cập nhật: 19/06/2010
Quyết định 09/2007/QĐ-BCN sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 23 Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực kèm theo Quyết định 32/2006/QĐ-BCN Ban hành: 06/02/2007 | Cập nhật: 13/02/2007
Quyết định 12/2007/QĐ-BCN sửa đổi quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện Ban hành: 06/03/2007 | Cập nhật: 24/03/2007
Quyết định 32/2006/QĐ-BCN về điều kiện,trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực Ban hành: 06/09/2006 | Cập nhật: 09/09/2006
Quyết định 31/2006/QĐ-BCN Quy định Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện Ban hành: 06/09/2006 | Cập nhật: 13/09/2006
Quyết định 08/2006/QĐ-BCN ban hành mẫu Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt Ban hành: 12/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 07/2006/QĐ-BCN quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp Ban hành: 11/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 105/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật điện lực Ban hành: 17/08/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 103/2004/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra Điện lực Ban hành: 01/03/2004 | Cập nhật: 10/12/2009