Quyết định 1212/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư
Số hiệu: 1212/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành: 10/08/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1212/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TUYẾN CAO TỐC ĐỒNG ĐĂNG (TỈNH LẠNG SƠN) - TRÀ LĨNH (TỈNH CAO BẰNG) THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý và sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng (Tờ trình số 941/TTr-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2019 và Văn bản số 566/UBND-KT ngày 09 tháng 3 năm 2020); ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Văn bản số 9865/BC-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2019 và Văn bản số 4200/BKHĐT-KTĐPLT ngày 30 tháng 6 năm 2020 về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư với những nội dung sau:

1. Mục tiêu đầu tư dự án: Đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia. Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng; thay đổi tình trạng quốc lộ 4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

2. Phạm vi, quy mô đầu tư dự án

a) Phạm vi dự án: Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115 km, trong đó: Trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km, đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hòa (huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cũ), huyện Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua các huyện Quảng Hòa (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

b) Quy mô dự án:

- Giai đoạn 1: Đầu tư khoảng 93 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến Km93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 quốc lộ 3, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) với quy mô nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe (4 x 3,5 m), lề gia cố rộng 0,5 m (2 x 0,25 m), dải phân cách và dải án toàn rộng 1,5 m (0,5 m + 2 x 0,5 m), lề đất rộng 1,0 m (2 x 0,5 m). Trong bước tiếp theo cần nghiên cứu châm chước về quy mô và hướng tuyến để phù hợp với các đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện tự nhiên đặc biệt khó khăn trên nguyên tắc vòng tránh các khu vực có nguy cơ cao về sụt trượt hay chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, giữ gìn cảnh quan non nước Cao Bằng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phù hợp về kinh tế - kỹ thuật.

- Giai đoạn 2 (hoàn thiện): Đầu tư tiếp khoảng 22 km (từ Rm93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 quốc lộ 3 xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô bề rộng nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe (4 x 3,5 m), lề gia cố rộng 0,5 m (2 X 0,25 m), dải phân cách và dải an toàn rộng 1,5 m (0,5 m + 2 x 0,5 m), lề đất rộng 1,0 m (2 x 0,5 m) làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.

- Loại cấp công trình: Đường ô tô theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN5729-2012).

- Tốc độ thiết kế Vtk = 80 km/h, đối với đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế với vận tốc 60km/h.

3. Nhóm dự án: Nhóm A.

4. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến: 20.939 tỷ đồng, trong đó:

- Tổng mức đầu tư giai đoạn 1: 12.546 tỷ đồng;

- Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 (hoàn thiện): 8.393 tỷ đồng.

5. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án (giai đoạn 1): Nguồn vốn thực hiện dự án gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư phù hợp với quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và phần vốn nhà nước tham gia trong dự án, cụ thể như sau:

- Vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn hợp pháp khác): 7.546 tỷ đồng.

- Nhà nước tham gia trong dự án bằng vốn góp và vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư: 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 2.500 tỷ đồng.

- Trong trường hợp cần thiết, được phép điều chỉnh bổ sung phần vốn góp của Nhà nước tối đa theo quy định.

6. Dự án thành phần: Dự án được chia thành 3 dự án thành phần để thực hiện, cụ thể như sau:

a) Dự án thành phần Văn Lãng - Thạch An: từ Km+00 đến Km58+00, dài 58 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.163 tỷ đồng.

b) Dự án thành phần Thạch An - Quảng Hòa: Từ Km58+00 đến Km79+300, dài 21,3 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.724 tỷ đồng.

c) Dự án thành phần Quảng Hòa - thành phố Cao Bằng: Từ Km79+300 đến Km93+00, dài 13,7 km tuyến chính và 15,5 km tuyến nối với thành phố Cao Bằng tổng mức đầu tư khoảng 4.659 tỷ đồng.

7. Địa điểm thực hiện dự án: Tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

8. Thời gian triển khai dự án:

- Giai đoạn 1: Thời gian thực hiện (từ khi ký hợp đồng dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng): Năm 2020 - 2024. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm (từ năm 2024 đến năm 2040).

- Giai đoạn 2: Thực hiện sau năm 2025.

9. Nhu cầu sử dụng đất (quy mô hoàn thiện): Khoảng 788 ha; Trong đó tỉnh Lạng Sơn khoảng 319 ha, tỉnh Cao Bằng khoảng 469 ha.

10. Loại hợp đồng dự án: Hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT) theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP;

11. Phương án tài chính dự án: Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc. Mức phí thu theo các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng, nhà đầu tư. Phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án thực hiện theo Điều 11 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

12. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng

- Công bố danh mục dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Tổ chức giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Tổ chức giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 59/2015/NĐ-CPĐiều 49 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

- Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nghiên cứu phương án sử dụng thêm nguồn lực của địa phương, trung ương để tăng tính khả thi tạo sự hấp dẫn nhằm kêu gọi đầu tư và thu xếp tín dụng.

- Tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

- Tổ chức lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán từ nguồn vốn của dự án, làm cơ sở cho việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

- Tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng trong quá trình triển khai dự án.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan cân đối bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: CA, QP, KH&ĐT, TC, GTVT, XD, TN&MT, NN&PTNT, VHTT&DL;
- UBND các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, NN;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

Điều 10. Vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.

2. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau:

a) Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư;

b) Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

3. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại Khoản 2 và 4 Điều 11 Nghị định này không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

4. Đối với hợp đồng BT, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.

Xem nội dung VB
Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
...

3. Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xem nội dung VB
Điều 11. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP

1. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP được thực hiện theo một hoặc các hình thức sau đây:

a) Vốn góp của Nhà nước;

b) Vốn thanh toán cho nhà đầu tư;

c) Quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT;

d) Vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

2. Vốn góp của Nhà nước:

a) Vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án;

b) Vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công;

c) Vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT.

3. Vốn thanh toán cho nhà đầu tư:

a) Vốn thanh toán cho nhà đầu tư được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BLT, BTL;

b) Vốn thanh toán cho nhà đầu tư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công.

4. Vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.

5. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ để làm phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP, việc sử dụng nguồn vốn này thực hiện theo quy định của pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này chỉ được bố trí khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Xem nội dung VB
Điều 9. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng
...

5. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có yêu cầu về bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, người quyết định đầu tư căn cứ điều kiện cụ thể của dự án có thể quyết định tách hợp phần công việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và tái định cư để hình thành dự án riêng giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Việc lập, thẩm định, phê duyệt đối với dự án này được thực hiện như một dự án độc lập.

Xem nội dung VB
Điều 49. Chuẩn bị mặt bằng xây dựng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, hợp đồng dự án và các hợp đồng liên quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 9. Trình tự thực hiện dự án PPP
...

4. Trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu thực tế của dự án PPP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (theo điểm c Khoản 1 Điều này) sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán nhưng phải bảo đảm tính cạnh tranh rộng rãi trong đấu thầu. Các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện nội dung này trong phạm vi quản lý của mình.

Xem nội dung VB
Điều 49. Chuẩn bị mặt bằng xây dựng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, hợp đồng dự án và các hợp đồng liên quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB