Quyết định 121/2008/QĐ-BNN về "Quy chế chứng nhận cơ sở thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong"
Số hiệu: | 121/2008/QĐ-BNN | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Vũ Văn Tám |
Ngày ban hành: | 17/12/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 03/01/2009 | Số công báo: | Từ số 5 đến số 6 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/2008/QĐ-BNN |
Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chăn nuôi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế chứng nhận cơ sở thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121/2008/QĐ-BNN ngày 17 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chứng nhận cơ sở thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong.
2. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chứng nhận và tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong.
Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân về thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi, về quản lý con giống, thức ăn, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công tác thú y, chăn nuôi nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
2. Tổ chức chứng nhận Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong (sau đây gọi là Tổ chức chứng nhận) là tổ chức có đủ điều kiện theo quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
3. Cơ sở sản xuất là tổ chức, cá nhân chăn nuôi đăng ký chứng nhận thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong.
4. Chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho bò sữa, lợn, gia cầm, ong (sau đây gọi là chứng nhận VietGAHP) là việc đánh giá và xác nhận việc thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi của cơ sở sản xuất phù hợp với Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho bò sữa, lợn, gia cầm, ong.
Điều 3: Phí chứng nhận VietGAHP
Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận VietGAHP trả chi phí cho việc chứng nhận theo thoả thuận với Tổ chức chứng nhận. Chi phí cho quá trình thẩm định đánh giá chứng nhận, thử nghiệm phải được thông báo công khai, minh bạch và bảo đảm không phân biệt đối xử.
1. Kiểm tra lần đầu được thực hiện khi cơ sở sản xuất lần đầu tiên đăng ký kiểm tra và chứng nhận VietGAHP.
2. Kiểm tra lại được thực hiện khi cơ sở sản xuất được kiểm tra lần đầu nhưng chưa đủ điều kiện được chứng nhận VietGAHP.
3. Kiểm tra giám sát được thực hiện để kiểm tra việc duy trì quy trình thực hành chăn nuôi tốt của cơ sở sản xuất được chứng nhận VietGAHP. Kiểm tra giám sát có thể thực hiện định kỳ (báo trước) hoặc đột xuất (không báo trước).
4. Kiểm tra đột xuất được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau:
a) Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất không tuân thủ quy trình thực hành chăn nuôi tốt;
b) Khi phát hiện sản phẩm được chứng nhận chăn nuôi theo VietGAHP không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm;
c) Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
5. Kiểm tra nội bộ do cơ sở sản xuất tự thực hiện hoặc thuê kiểm tra viên để tự đánh giá thực hành chăn nuôi, ghi chép và lưu trữ hồ sơ theo VietGAHP cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong.
Điều 5. Đăng ký chứng nhận VietGAHP
1. Cơ sở sản xuất đáp ứng VietGAHP cho bò sữa, lợn, gia cầm, ong gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận VietGAHP về Tổ chức chứng nhận. Hồ sơ đăng ký gồm:
a) Giấy đăng ký chứng nhận VietGAHP theo mẫu tại Phụ lục 1 của Quy chế này. Trong trường hợp cơ sở sản xuất đăng ký kiểm tra chứng nhận VietGAHP là tổ chức có nhiều thành viên thì cần gửi kèm theo Danh sách thành viên (họ tên, địa chỉ, địa điểm và quy mô chăn nuôi);
b) Bản thuyết minh về thiết kế, bố trí mặt bằng khu vực chăn nuôi, quy mô sản xuất, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường;
c) Kết quả kiểm tra nội bộ theo quy định tại Điều 8 Quy chế này;
d) Bản xác nhận đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Tổ chức chứng nhận xem xét hồ sơ, hướng dẫn bằng văn bản cho cơ sở sản xuất bổ sung hồ sơ còn thiếu hoặc chưa đúng quy định (nếu có).
3. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ, Tổ chức chứng nhận thoả thuận để ký hợp đồng chứng nhận VietGAHP với cơ sở sản xuất. Hợp đồng cần bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của hai bên trong hoạt động chứng nhận VietGAHP.
Điều 6. Kiểm tra chứng nhận VietGAHP
1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng chứng nhận, Tổ chức chứng nhận thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra lần đầu tại địa điểm chăn nuôi của cơ sở sản xuất theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Thông báo quyết định kiểm tra;
b) Kiểm tra theo nội dung và phương pháp đánh giá tại Phụ lục 3 của Quy chế này; lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định;
c) Lập biên bản kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 4 của Quy chế này;
d) Thông báo kết quả kiểm tra cho cơ sở sản xuất. Trường hợp đại diện cơ sở sản xuất từ chối ký vào biên bản kiểm tra, biên bản vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong đoàn kiểm tra.
2. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra, Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận VietGAHP cho cơ sở sản xuất đủ điều kiện.
Nếu cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện để chứng nhận VietGAHP thì Tổ chức chứng nhận thông báo sai lỗi cho cơ sở sản xuất để khắc phục trong một thời hạn nhất định. Sau khi khắc phục sai lỗi, cơ sở sản xuất gửi báo cáo khắc phục sai lỗi theo mẫu tại Phụ lục 2 của Quy chế này về Tổ chức chứng nhận để kiểm tra lại.
3. Giấy chứng nhận VietGAHP phải có các nội dung bắt buộc theo Phụ lục 5 của Quy chế này.
4. Giấy chứng nhận VietGAHP có hiệu lực không quá 02 năm kể từ ngày cấp.
1. Tổ chức chứng nhận kiểm tra giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc duy trì thực hiện VietGAHP của cơ sở sản xuất. Tần suất kiểm tra giám sát được xác định căn cứ trên việc duy trì thực hiện VietGAHP cho bò sữa, lợn, gia cầm, ong của cơ sở sản xuất.
2. Thủ tục, nội dung kiểm tra giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế này.
3. Kết quả kiểm tra giám sát là căn cứ để Tổ chức chứng nhận quyết định duy trì, cảnh cáo, đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP.
1. Cơ sở sản xuất phải tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần để tự đánh giá sự phù hợp của thực hành chăn nuôi, ghi chép và lưu trữ hồ sơ theo Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm, ong.
2. Kiểm tra nội bộ phải thực hiện theo bảng kiểm tra đánh giá tại Phụ lục 3 và phải ghi chép rõ các sai phạm và hành động khắc phục.
3. Cơ sở sản xuất phải lưu trữ và báo cáo kết quả kiểm tra nội bộ khi có yêu cầu của Tổ chức chứng nhận hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 9. Thay đổi, bổ sung, gia hạn chứng nhận VietGAHP
1. Trước khi Giấy chứng nhận VietGAHP hết hiệu lực 01 tháng, cơ sở sản xuất có yêu cầu gia hạn Giấy chứng nhận phải đăng ký gia hạn với Tổ chức chứng nhận.
2. Khi có yêu cầu thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận VietGAHP, cơ sở sản xuất phải đăng ký với Tổ chức chứng nhận các nội dung đề nghị thay đổi, bổ sung kèm theo các tài liệu liên quan.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận VietGAHP của cơ sở sản xuất, Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ và thông báo cho cơ sở sản xuất hoặc trong trường hợp không chấp nhận đề nghị thay đổi, bổ sung và gia hạn phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều 10. Giết mổ, khai báo xuất xứ
1. Cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP lập giấy khai báo xuất xứ cho từng loại sản phẩm, từng đợt sản phẩm được chứng nhận VietGAHP khi xuất bán sản phẩm. Giấy khai báo xuất xứ phải có các nội dung sau: tên sản phẩm, khối lượng, tên, địa chỉ, mã số chứng nhận của cơ sở sản xuất; số giấy chứng nhận VietGAHP, ngày cấp và tên Tổ chức chứng nhận; tên, địa chỉ nơi mua sản phẩm; ngày xuất bán sản phẩm (tham khảo Phụ lục 7).
2. Giấy khai báo xuất xứ được lập làm 02 bản: 01 bản được chuyển kèm theo lô sản phẩm trong quá trình lưu thông; 01 bản lưu tại cơ sở sản xuất.
Điều 11. Sử dụng logo VietGAHP
Cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP được Tổ chức chứng nhận uỷ quyền bằng văn bản về việc sử dụng logo VietGAHP hoặc logo của Tổ chức chứng nhận theo quy định.
Điều 12. Điều kiện đối với Tổ chức chứng nhận
1. Là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoặc chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
2. Có đủ các điều kiện để tham gia hoạt động chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi theo quy định của Cục Chăn nuôi.
3. Cục Chăn nuôi chịu trách nhiệm ban hành quy định về các điều kiện đối với Tổ chức chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
Điều 13. Trình tự, thủ tục đăng ký và chỉ định Tổ chức chứng nhận
1. Cơ quan chỉ định Tổ chức chứng nhận được quy định như sau:
a) Trường hợp Tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động tại 02 tỉnh, thành phố trở lên thì Cục Chăn nuôi là cơ quan chỉ định.
Cục Chăn nuôi thành lập Hội đồng gồm đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận.
b) Trường hợp Tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động tại 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chỉ định Tổ chức chứng nhận.
a) Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAHP theo mẫu tại Phụ lục 8 của Quy chế này;
b) Bản sao hợp pháp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Các tài liệu chứng minh hệ thống quản lý và năng lực hoạt động chứng nhận phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 12 Quy chế này;
d) Mẫu Giấy chứng nhận VietGAHP;
đ) Kết quả hoạt động chứng nhận đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký 2 năm gần nhất (nếu có).
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Cơ quan chỉ định xem xét hồ sơ, hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức đăng ký bổ sung hồ sơ còn thiếu hoặc chưa đúng quy định.
4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan chỉ định xem xét, thẩm định hồ sơ, nếu cần thành lập đoàn kiểm tra đánh giá điều kiện thực tế của tổ chức đăng ký, và ra Quyết định chỉ định Tổ chức chứng nhận nếu tổ chức đăng ký đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Trường hợp tổ chức đăng ký không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, Tổ chức chỉ định phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký và nêu rõ lý do.
Hồ sơ đăng ký được lưu tại Cơ quan chỉ định và Tổ chức chứng nhận để làm căn cứ thẩm tra, kiểm tra.
5. Thời hạn hiệu lực của Quyết định chỉ định không quá 05 năm. Tổ chức chứng nhận khi có yêu cầu thay đổi, bổ sung, gia hạn quyết định phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 14. Kiểm tra giám sát hoạt động của Tổ chức chứng nhận
1. Hàng năm, Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, Cục Thú y và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động của Tổ chức chứng nhận trong phạm vi cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động của Tổ chức chứng nhận tại địa phương.
2. Kiểm tra giám sát được thực hiện tại Tổ chức chứng nhận và tại ít nhất 01 cơ sở sản xuất được Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận VietGAHP. Kết quả kiểm tra giám sát là căn cứ để Cơ quan chỉ định quyết định duy trì, cảnh cáo, hoặc thu hồi Quyết định chỉ định Tổ chức chứng nhận.
Điều 15. Xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất
1. Hình thức xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP gồm: nhắc nhở, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Tổ chức chứng nhận thông báo bằng văn bản đến cơ sở sản xuất khi phát hiện cơ sở sản xuất có bất kỳ sai phạm nào không tuân thủ VietGAHP. Khi bị nhắc nhở, cơ sở sản xuất phải thoả thuận với Tổ chức chứng nhận về thời hạn khắc phục sai phạm và phải có hành động khắc phục đúng thời hạn. Sau khi những sai phạm được khắc phục, cơ sở sản xuất phải gửi thông báo bằng văn bản về Tổ chức chứng nhận.
3. Trường hợp cơ sở sản xuất bị nhắc nhở không có hành động khắc phục đúng thời hạn, Tổ chức chứng nhận ra quyết định đình chỉ chứng nhận VietGAHP và quy định thời hạn để cơ sở sản xuất khắc phục sai phạm.
4. Cơ sở sản xuất bị Tổ chức chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP trong những trường hợp sau đây:
a) Không có hành động khắc phục sai phạm đúng thời hạn sau khi bị đình chỉ chứng nhận VietGAHP;
b) Từ chối kiểm tra giám sát của Tổ chức chứng nhận;
c) Xin hoãn kiểm tra giám sát của Tổ chức chứng nhận 02 (hai) lần liên tiếp không có lý do chính đáng;
d) Sử dụng logo VietGAHP không đúng với nội dung văn bản uỷ quyền sử dụng logo VietGAHP.
5. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP có hiệu lực, cơ sở sản xuất không được chứng nhận VietGAHP.
Điều 16. Xử lý vi phạm đối với Tổ chức chứng nhận
1. Cơ quan chỉ định ra quyết định thu hồi quyết định chỉ định Tổ chức chứng nhận VietGAHP trong những trường hợp sau:
a) Tổ chức chứng nhận không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
b) Kết quả kiểm tra giám sát của Cơ quan chỉ định cho thấy Tổ chức chứng nhận không đảm bảo đúng thực tế, trung thực, khách quan trong hoạt động kiểm tra, chứng nhận.
2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi quyết định chỉ định hoạt động chứng nhận VietGAHP, Tổ chức chứng nhận không được đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAHP.
Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở sản xuất
1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng thủ tục đăng ký kiểm tra chứng nhận VietGAHP và chấp hành việc kiểm tra theo Quy chế này;
b) Thực hiện VietGAHP theo đúng phạm vi được chứng nhận. Khi có thay đổi ảnh hưởng đến VietGAHP, phải thông báo ngay cho Tổ chức chứng nhận để theo dõi, giám sát;
c) Có hành động khắc phục sai phạm đúng thời hạn khi bị nhắc nhở hoặc đình chỉ chứng nhận VietGAHP;
d) Sử dụng logo VietGAHP theo đúng nội dung trong văn bản ủy quyền sử dụng logo VietGAHP;
đ) Trả chi phí cho Tổ chức chứng nhận thực hiện chứng nhận VietGAHP theo quy định tại Điều 3 Quy chế này;
e) Chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các sản phẩm được công bố sản xuất theo VietGAHP.
g) Khi phát hiện lô sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: phải tạm dừng phân phối, tiêu thụ lô sản phẩm; thu hồi sản phẩm nếu đã đưa ra lưu thông trên thị trường; điều tra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và tiến hành biện pháp khắc phục.
Trường hợp không khắc phục được nguy cơ gây mất an toàn, phải chủ động thông báo cho Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức chứng nhận để có biện pháp xử lý.
2. Quyền hạn:
a) Được bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết luận của đoàn kiểm tra;
b) Khiếu nại về kết quả kiểm tra, chứng nhận VietGAHP theo quy định của pháp luật;
c) Được sử dụng logo, mã số chứng nhận VietGAHP để quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn của Tổ chức chứng nhận
1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện hoạt động chứng nhận VietGAHP theo đúng quy định tại Quy chế này;
b) Trên cơ sở trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận VietGAHP cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong an toàn tại Quy chế này, xây dựng chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận VietGAHP cho từng sản phẩm cụ thể theo đúng quy định do Cục Chăn nuôi ban hành.
c) Bảo đảm tính khách quan và công bằng trong hoạt động chứng nhận VietGAHP;
d) Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả đánh giá sự phù hợp trong quá trình thực hiện kiểm tra, chứng nhận, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
đ) Không cung cấp các dịch vụ tư vấn về VietGAHP cho cơ sở sản xuất đăng ký chứng nhận VietGAHP tại Tổ chức chứng nhận;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chứng nhận VietGAHP;
g) Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo việc cấp, nhắc nhở, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Chăn nuôi;
h) Thông báo cho Cơ quan chỉ định khi có thay đổi ảnh hưởng tới năng lực hoạt động chứng nhận VietGAHP trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.
i) Hoạt động đúng địa bàn đã đăng ký làm Tổ chức chứng nhận.
2. Quyền hạn:
a) Cấp mới, gia hạn, nhắc nhở, đình chỉ hoặc thu hồi chứng nhận VietGAHP theo quy định tại Quy chế này;
b) Giám sát việc thực hiện VietGAHP của cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận.
Điều 19. Trách nhiệm và quyền hạn của Cục Chăn nuôi
1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện các thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận theo quy định tại Quy chế này;
b) Bảo mật các thông tin, số liệu trong quá trình thực hiện kiểm tra, đánh giá Tổ chức chứng nhận;
c) Công bố trên Website:www.cucchannuoi.gov.vn; trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách Tổ chức chứng nhận, danh sách cơ sở sản xuất được cấp, bị nhắc nhở, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP trong phạm vi cả nước;
d) Tổ chức đào tạo, tập huấn về kiểm tra, chứng nhận VietGAHP cho các Tổ chức chứng nhận;
đ) Giải quyết khiếu nại liên quan đến chứng nhận VietGAHP theo quy định của pháp luật.
2. Quyền hạn:
a) Cấp mới, gia hạn, cảnh cáo, thu hồi Quyết định chỉ định Tổ chức chứng nhận theo quy định;
b) Giám sát hoạt động kiểm tra, chứng nhận VietGAHP của Tổ chức chứng nhận.
Điều 20. Trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị liên quan thuộc Bộ
1. Phối hợp với Cục Chăn nuôi trong đánh giá, chỉ định, giám sát hoạt động kiểm tra, chứng nhận VietGAHP của Tổ chức chứng nhận.
2. Tham gia đào tạo, tập huấn về kiểm tra, chứng nhận VietGAHP cho các Tổ chức chứng nhận và cơ sở sản xuất.
Điều 21. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Trách nhiệm:
a) Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý đơn vị, cơ sở, trang trại chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm, ong theo VietGAHP trong địa bàn quản lý;
b) Hướng dẫn xây dựng tổ chức liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã,…) trong chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm, ong theo VietGAHP;
c) Thực hiện đúng thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận; giám sát việc thực hiện hoạt động kiểm tra, chứng nhận VietGAHP của Tổ chức chứng nhận theo quy định tại Quy chế này;
d) Định kỳ hàng tháng, quý, hoặc đột xuất báo cáo danh sách Tổ chức chứng nhận, danh sách cơ sở sản xuất được cấp, nhắc nhở, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP về Cục Chăn nuôi;
đ) Công bố trên Website của Sở; trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách Tổ chức chứng nhận, danh sách cơ sở sản xuất được cấp, bị nhắc nhở, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận VietGAHP trong phạm vi quản lý.
2. Quyền hạn:
a) Cấp, thu hồi Quyết định chỉ định Tổ chức chứng nhận theo quy định;
b) Giám sát hoạt động kiểm tra, chứng nhận VietGAHP của Tổ chức chứng nhận.
Trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến hoạt động chứng nhận VietGAHP cần phản ánh về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 05/01/2008