Quyết định 121/2004/QĐ-UB ban hành Chương trình: Tập trung phát triển công nghiệp, ưu tiên đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: 121/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Hoàng Tuấn Anh
Ngày ban hành: 15/07/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 121/2004/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH: TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHẤN ĐẤU LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG ĐI ĐẦU TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA.”

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 19 tháng 11 năm 2003 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước;
- Căn cứ Quyết định số 179/2003/QĐ-UB ngày 25 tháng 12 năm 2003 về việc ban hành Chương trình công tác năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng;
- Căn cứ Kết luận số 16-KL/TU ngày 26 tháng 4 năm 2004 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng;
- Theo đề nghị của Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình: Tập trung phát triển công nghiệp, ưu tiên đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Điều 2: Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể các nội dung trong Chương trình này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4.
- Bộ CN, Bộ KH & CN,
- TVTU, TTHĐND,
- Chủ tịch & các P. Chủ tịch,
- CVP, các PVP,
- Lưu VT, TH, KTTH.

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

CHƯƠNG TRÌNH

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHẤN ĐẤU LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG ĐI ĐẦU TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121/2004/QĐ-UB ngày 15 tháng 7 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp và các phân ngành kinh tế kỹ thuật Cơ khí, dệt may, hóa chất-cao su-nhựa, chế biến nông sản đến năm 2010; các Đề án phát triển công nghiệp theo hướng CNH-HĐH; các Nghị quyết của Thành ủy, Đề án của UBND thành phố về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) từ nay đến năm 2005 và 2010.

Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp và CNTT theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND thành phố triển khai Chương trình: Tập trung phát triển công nghiệp, ưu tiên đầu tư đẩy mạnh phát triển CNTT, phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các nội đung cụ thể sau đây:

A. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ CNTT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quy hoạch đã được duyệt và các chủ trương của thành phố về phát triển công nghiệp và CNTT, trong thời gian qua đã đạt được những kết quả:

- Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2003 thực hiện 5.873 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1999-2003 đạt 21%/năm, trong đó: Công nghiệp quốc doanh 23,4% (QDTW 31,3%, QDĐP 8,7%), dân doanh 16,9% và đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 17,9%, với các sản phẩm chủ lực như chế biến hải sản, may mặc, giày, xi măng, cao su..., đưa tỷ trọng công nghiệp ngày càng chiếm tỷ lệ cao (45%) trong cơ cấu GDP thành phố. Năm 2003, tỷ trọng công nghiệp quốc doanh chiếm 63,4% (QD TW 48,7%; QD ĐP 14,6%), dân doanh 17,8%, ĐTNN 18,8%; trong cơ cấu nội bộ ngành, công nghiệp chế biến chiếm 95,6%, điện-nước-khí đốt 3,7% và khai thác mỏ 0,8% (Phụ lục 1).

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2003 đạt 180 triệu USD, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1999-2003 đạt 12,75% với các sản phẩm chủ yếu: thủy sản chế biến, hàng dệt may, da giày, đồ chơi trẻ em, dăm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, săm lốp cao su, vật liệu xây dựng, màn tuyn, thuốc lá. Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Tổng mức đầu tư công nghiệp giai đoạn 1999-2003 đạt hơn 4.153 tỷ đồng, bình quân 830 tỷ đồng/năm. Việc đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ở các DNNN có chuyển biến rõ nét.

- Vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trung ương và doanh nghhiệp có vốn ĐTNN trên 80 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước địa phương khoảng 8 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh nghiệp dân doanh khoảng 1,0-1,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

- Đặc biệt, trong 3 năm lại đây, tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư ở các KCN tập trung đạt chuyển biến tiến bộ, là tiền đề cho bước phát triển về quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố trong các năm đến. Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2004, tại 5 Khu công nghiệp của thành phố có 224 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư là 197.149.000 USD và 8.072 tỷ đồng; trong đó, có 35 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 197.149.000 USD, 189 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 8.072 tỷ đồng. Diện tích đất tại các Khu công nghiệp đã cho các nhà đầu tư thuê là 4.767.394 m2.

- Công tác tin học hóa quản lý hành chính ở các cơ quan chính quyền (Đề án 112) được chú trọng xúc tiến triển khai. Một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã có sự quan tâm đầu tư ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và đổi mới công nghệ sản xuất. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho ứng dụng CNTT được triển khai tích cực. Ngoài các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn, còn có trên 30 đơn vị tham gia đào tạo.

- Công nghiệp CNTT được quan tâm đầu tư. Hiện nay, ở Đà Nẵng có khoảng 30 đơn vị trung ương và địa phương hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm. Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng ra đời và hoạt động bước đầu có hiệu quả. Doanh thu phần mềm của Trung tâm trong năm 2003 đạt hơn 2 tỷ đồng. Các dịch vụ CNTT phát triển khá nhanh. Một số dự án đầu tư trong lĩnh vực phần cứng đã bắt đầu khởi động.

- Cơ sở hạ tầng về CNTT nhanh chóng được xây dựng và từng bước hoàn thiện với việc hình thành 300 mạng LAN ở khối doanh nghiệp, 36 mạng LAN ở cơ quan chính quyền và 13 mạng LAN ở cơ quan Đảng. Hạ tầng viễn thông và Internet phát triển nhanh với đường truyền quốc tế là 355Mbps, đường truyền trong nước là 155Mbps. Trung tâm Công nghệ phần mềm được trang bị hệ thống mạng và cơ sở hạ tầng Internet hiện đại, có Trạm vệ tinh mặt đất (VSAT) với đường truyền 45Mbps.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp và CNTT vẫn còn những tồn tại:

- Công nghiệp phát triển khá cao, nhưng chưa thật vững chắc. Trình độ sản xuất và năng suất lao động đã được cải thiện nhờ đầu tư cả công nghệ và con người, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với một số tỉnh và thành phố lớn, cơ cấu thành phần kinh tế chưa có sự chuyển biến tích cực theo định hướng đã đề ra. Một số ngành công nghiệp quan trọng phát triển chậm và qui mô còn nhỏ, như cơ khí, luyện kim, điện tử, CNTT, ... Tỷ lệ chế biến thô trong các sản phẩm nông, hải sản xuất khẩu còn cao; tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm may mặc, giày da xuất khẩu còn thấp, giá trị gia tăng nhìn chung chưa được cải thiện nhiều.

- Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào nội lực, trong đó khối doanh nghiệp trung ương ngày càng chiếm tỷ trọng ưu thế; ĐTNN tuy có tăng lên, song tỷ trọng vẫn còn thấp (dưới 20%); công nghiệp dân doanh phát triển về số lượng nhưng quy mô quá nhỏ. Sản phẩm xuất khẩu chưa đạt mục tiêu đặt ra. Thị trường nội địa của sản phẩm công nghiệp thành phố còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, nhất là hàng tiêu dùng. Năng lực sản xuất phần mềm ở Đà Nẵng chưa tăng trưởng đáng kể, hoạt động của các công ty phần mềm nước ngoài vẫn dừng ở mức thăm dò.

- Các điều kiện về hạ tầng CNTT - Viễn thông chậm được cải thiện, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển CNTT của thành phố. Các đề án, chương trình, dự án trọng điểm theo Đề án ứng dụng và phát triển CNTT của thành phố chậm được triển khai. Công tác quản lý nhà nước về CNTT còn lúng túng. Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước triển khai chậm so với tiên độ đề ra. Việc ứng dụng CNTT ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp còn rất chậm.

Nguyên nhân của những tồn tại:

- Đầu tư cho công nghiệp tuy đã tăng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng CNH-HĐH. Chưa làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn tạo điều kiện để nhân dân đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh. ĐTNN sau nhiều năm liền giảm liên tục mới có dấu hiệu hồi phục. Hiệu quả của công tác tư vấn đầu tư còn thấp, nhất là trong khâu tư vấn lập dự án. Thủ tục trong đầu tư XDCB vẫn còn rườm rà, qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian.

- Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của thành phố còn chưa mạnh, thiếu thống nhất; đặc biệt, việc phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, các chủ đầu tư để triển khai nhanh các dự án có tác dụng thúc đẩy phát triển công nghiệp của thành phố chưa đạt yêu cầu.

- Lao động lành nghề, các chuyên gia đầu đàn, cán bộ quản lý giỏi vẫn còn rất thiếu. Chưa hình thành các cơ quan nghiên cứu, chưa có các giải pháp gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, đặc biệt là giữa các trường Đại học với các doanh nghiệp.

- Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp còn chồng chéo, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chặt chẽ nên hiệu lực quản lý chưa cao, nhất là trong khâu quy hoạch, xây dựng sản phẩm chiến lược, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh,...

- Các ngành, các cấp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của CNTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nên chưa tích cực chỉ đạo việc ứng dụng CNTT. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về CNTT chậm được kiện toàn, đa số các cơ quan, đơn vị thiếu đội ngũ cán bộ hiểu biết về CNTT để tổ chức việc ứng dụng CNTT. Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho việc phát triển công nghiệp phần mềm. Kinh phí đầu tư cho ứng đụng và phát triển CNTT còn hạn hẹp so với yêu cầu. Chưa có các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CNTT, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Thiếu các qui định pháp lý để các cơ quan công quyền ứng dụng CNTT. Cơ chế, chính sách cho hoạt động của Trung tâm Công nghệ phần mềm bắt đầu biểu hiện những bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển, phát huy tiềm lực của Trung tâm.

B. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

I. Mục tiêu:

Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp, công nghệ thông tin của miền Trung, rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn, đủ sức tham gia AFTA, WTO; thành phố công nghiệp trước năm 2020 và là một trong những địa phương dẫn đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước;

Mục tiêu cụ thể:

1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trong 10 năm tới khoảng 22-24%/năm. Đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong GDP của thành phố; lao động ngành công nghiệp chiếm khoảng 38-40% tổng số lao động có việc làm. Giá trị sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đạt khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố. (Phụ lục 2)

2. Phát triển công nghiệp hướng đến những ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất tư liệu sản xuất, các mặt hàng xuất khẩu. Trước mắt, ưu tiên một số sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp kỹ thuật cao: điện tử, tin học, vật liệu mới ... Hình thành Khu công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường dựa vào lợi thế so sánh của thành phố. Phấn đấu đến năm 2010, có trên 30 doanh nghiệp lớn (doanh thu trên 300 tỷ đồng) cơ bản hoàn thành việc đầu tư công nghệ tiên tiến và tự động hóa, áp dụng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành doanh nghiệp điện tử (e-company); 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt các chỉ tiêu trên.

3. Xây dựng công nghiệp theo hướng mở, đa ngành, tận dụng lợi thế của thành phố và khu vực để củng cố và hình thành doanh nghiệp mới theo nhiều quy mô, nhiều thành phần; trong đó đặc biệt chú ý hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn đủ khả năng cạnh tranh, chuyển đổi mạnh cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010, các doanh nghiệp lớn của thành phố đều có mối liên kết, hỗ trợ trên toàn vùng; khu vực kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 60% GTSXCN trên địa bàn.

4. Phấn đấu thực hiện ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện đại hóa nền hành chính của thành phố trên cơ sở ứng dụng CNTT rộng rãi trong mọi cơ quan, đơn vị, mọi cấp, mọi ngành; đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp để đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý, điều hành, nhằm nâng cao năng lực canh tranh, chủ động hội nhập. Đến năm 2007, cơ bản hoàn thành tin học hoá quản lý hành chính nhà nước; từng bước triển khai xây dựng "Thành phố điện tử".

5. Xây dựng và phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hiệu quả kinh tế cao, và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của thành phố; chú trọng công nghiệp phần mềm, từ nay đến năm 2010 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tối thiểu 50%; trước năm 2005 phải xác định rõ nội dung và bước đi để phát triển công nghiệp phần cứng.

6. Xây đựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất và kỹ thuật, kết cấu hạ tầng CNTT - Viễn thông và Internet. Tập trung đầu tư xây dựng mạng đường trục kết nối mạng máy tính đối với các cơ quan thuộc khối quản lý hành chính nhà nước của thành phố, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển CNTT của thành phố.

II. Giải pháp phát triển công nghiệp:

1. Đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn:

- Trong năm 2004 phải triển khai ngay các dự án lớn có tác dụng thúc đẩy phát triển công nghiệp thành phố như: Dự án săm lốp ôtô, thép, sợi-dệt-nhuộm, đóng tàu, ... Tổ chức các cuộc họp chuyên đề với chủ đầu tư của từng dự án để phối hợp giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án.

- Các ngành liên quan, các quận huyện phải có chương trình, kế hoạch kêu gọi đầu tư, tổ chức các hội thảo kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, xúc tiến quảng bá hình ảnh Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thống nhất công tác quản lý và kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính. Cử cán bộ cụ thể hỗ trợ cho các dự án lớn. Đề xuất cơ chế cho Cảng Đà Nẵng để giảm giá cước và rút ngắn thời gian vận chuyển.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để vận động các dự án lớn đầu tư tại thành phố. Thuê các công ty tư vấn có năng lực nghiên cứu xây dựng các dự án khả thi trên địa bàn để hướng dẫn và kêu gọi đầu tư. Mạnh dạn hình thành các doanh nghiệp mới có quy mô, có khả năng cạnh tranh theo hình thức công ty cổ phần. Tranh thủ nguồn vốn vay dài hạn trả chậm hàng năm của Nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ đầu tư cho công nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và phát triển các làng nghề, triển khai ngay chương trình khuyến công, thành lập Trung tâm khuyến công trực thuộc Sở Công nghiệp, bố trí nhân lực và nguồn vốn cho công tác khuyến công.

2. Rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố:

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù thống nhất, đồng bộ, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy sự gia tăng nhanh, mạnh của nền kinh tế trên nguyên tắc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp.

- Thống nhất cơ chế, chính sách cho các thành phần kinh tế và bổ sung các mức ưu đãi.

3. Về sản xuất và thị trường:

- Thành phố hàng năm tăng cường nguồn cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp từng bước đổi mới, hiện đại hoá thiết bị, đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất. Chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, đánh giá chiến lược kinh doanh, phương án sản xuất (mục tiêu cụ thể, sản xuất hàng hóa nhằm vào đối tượng nào, thị trường nào, bước đi cụ thể ra sao, sẽ phải cạnh tranh với ai ...).

- Xây dựng các nội dung cần làm và tiến độ cụ thể để hội nhập AFTA, WTO, xác định sản phẩm chủ lực. Giữ vững thị trường hiện có bằng cách nâng cao uy tín sản phẩm, tạo dựng thương hiệu riêng, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất và chất lượng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, phát triển thương mại điện tử, nâng cao kiến thức thương mại quốc tế, hình thành các Trung tâm phân phối hàng hóa ở các địa bàn có sức mua lớn và điều kiện thuận lợi.

4. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất:

- Trong 2 năm 2004-2005, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN) tập trung để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Sắp xếp lại các cơ sở hiện có, cải tạo, chuyển hướng sản xuất và có kế hoạch di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm, kỹ thuật giản đơn đến khu vực xa dân cư. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng KCN Hòa Cầm, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi một vài tập đoàn lớn (Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan) đầu tư hình thành một Khu công nghệ cao, không ô nhiễm tại KCN này. Tiếp nhận và đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Liên Chiểu.

- Xác định nhu cầu phát triển trong giai đoạn 2005-2020, trước mắt đến 2010, từ đó Quy hoạch quỹ đất dự phòng cho phát triển thêm 4 KCN với tổng diện tích khoảng 1300 ha; phân bố mạng lưới các KCN tập trung đảm bảo khai thác các lợi thế về quỹ đất nguồn cung ứng nguyên liệu và lao động, đặc biệt chú trọng việc kết hợp phát triển các KCN với quy hoạch, chỉnh trang lại đô thị, hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông. Xây dựng riêng các KCN cho phát triển CNTT, Khu công nghệ cao. (Phụ lục 3)

- Quy hoạch và phát triển 3-4 Cụm công nghiệp vừa và nhỏ từ nay đến năm 2010 trên địa bàn các xã vùng tây Hòa Vang, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lao động thành phố, khai thác và tận dụng nguồn vốn, khả năng về kỹ thuật, quản lý trong nhân dân. Đến năm 2005, ít nhất phải hoàn chỉnh được 01 Cụm công nghiệp nhỏ.

- Tranh thủ nguồn vốn vay dài hạn trả chậm hàng năm của Nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng; lập phương án khai thác vốn từ quỹ đất ven các KCN để đầu phát triển hạ tầng KCN.

- Tiến hành rà soát quy mô các doanh nghiệp đã thuê đất ở các KCN, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án đầu tư; ban hành quy định quản lý chặt chẽ, thống nhất việc quyết định cho thuê đất ở các KCN tập trung (việc bố trí doanh nghiệp vào các KCN phải được UBND thành phố đồng ý).

Các dự án trọng điểm đầu tư phát triển công nghiệp (Phụ lục 4 và 5)

5. Chương trình đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý và công nhân lành nghề:

- Đẩy mạnh việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH thành phố; xây dựng chính sách lưu giữ và phát huy trình độ, năng lực của cán bộ, chuyên viên, công nhân tại chỗ có chuyên môn, tay nghề cao ở các - ngành công nghiệp quan trọng.

- Xây dựng yêu cầu cụ thể về trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp, rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp của địa phương để đào tạo chuẩn hóa, phổ cập kiến thức thường xuyên, đảm bảo tất cả cán bộ quản lý doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trình độ quy định. Trong 2 năm 2004 và 2005 phải đào tạo lại 50% các giám đốc doanh nghiệp hiện có, đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp. Tiến hành tuyển chọn và thí điểm thuê giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển công nhân lành nghề cho các ngành công nghiệp thành phố. Quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề, thành lập 01 Trung tâm đánh giá chất lượng dạy nghề. Nghiên cứu quy định mức học phí dạy nghề phù hợp. Hoàn thiện cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách, doanh nghiệp, học viên, các nguồn khác; hình thành Quỹ học bổng dạy nghề của địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề của các cơ sở dạy nghề, thành lập Trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề Miền Trung đặt tại thành phố Đà Nẵng. Kết hợp tốt giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành; tổ chức thi tay nghề nâng bậc thợ, bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao trình độ công nhân; tăng cường liên kết đào tạo giữa các doanh nghiệp với các trường, các trung tâm đào tạo nghề theo các cấp độ đào tạo; gắn kết giữa đào tạo trong nước và gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Trước mắt, phải phân loại các doanh nghiệp để xác định yêu cầu, trình độ về nguồn nhân lực. Chỉ đạo cho các giám đốc doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực (cơ chế, xây dựng quỹ đào tạo ...).

6. Giải pháp khoa học và công nghệ:

- Liên kết và đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm hiện đại; tạo lập thị trường khoa học - công nghệ; gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và sản xuất.

- Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư công nghệ mới, hỗ trợ vốn để đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và hoạt động quản lý.

- Xây dựng cơ chế thu hút tài năng, khuyến khích lao động sáng tạo, phát huy tiềm lực khoa học - công nghệ. Xây dựng, ban hành chính sách đối với người có trình độ nghề cao, doanh nghiệp sử dụng lao động có tay nghề cao.

7. Dự kiến kinh phí thực hiện:

- Đầu tư thành lập Quỹ khuyến công: 2 tỷ đồng.

- Xây dựng 10 dự án khả thi có quy mô lớn: 1,5 tỷ đồng.

- Chương trình đào tạo: 1 tỷ đồng.

- Triển khai các quy hoạch: 0,5 tỷ đồng.

- Hỗ trợ thu hút chuyên gia, nhân tài: 2 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây dựng các hệ thống quản lý: 2 tỷ đồng.

III. Giải pháp phát triển công nghệ thông tin:

1. Nâng cao nhận thức về CNTT trong toàn xã hội, đặc biệt là đối với các cán bộ lãnh đạo và quản lý nhà nước:

- Xây dựng các chương trình truyền thông cụ thể phù hợp với từng đối tượng, nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn xã hội.

- Tổ chức các hình thức thông tin thích hợp, các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao nhận thức về CNTT cho lãnh đạo các cấp - những người có vai trò quyết định sự thành công của việc ứng dụng và phát triển CNTT của thành phố.

2. Ứng dụng nhanh, rộng rãi và có hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố:

- Tập trung thực hiện tốt mục tiêu hiện đại hóa quản lý hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT vào cộng tác quản lý hành chính nhà nước và các cơ quan Đảng theo Đề án 112 và Đề án 47. Từng bước xây dựng để đến năm 2010 hoàn thành các hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo của Thành ủy, điều hành của UBND thành phố và các ngành thống kê, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục của thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Bưu chính Viễn thông để triển khai Dự án "Chính phủ điện tử cho thành phố Đà Nẵng", gồm 3 nội dung: Xây dựng Cổng giao tiếp điện tử, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT, Trung tâm giao dịch thương mại điện tử, trong khuôn khổ Dự án quốc gia "Phát triển CNTT và truyền thông ở Việt Nam" do Ngân hàng thế giới tài trợ và bắt đầu thực hiện từ năm 2005.

- Triển khai nhanh ứng dụng và phát triển CNTT trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình quản lý, công nghệ sản xuất.

- Nhanh chóng triển khai Dự án thị trường khoa học & công nghệ trên mạng theo kế hoạch đã đề ra để đưa vào vận hành vào năm 2005.

- Phối hợp với Bộ Thương mại triển khai Dự án xây dựng Sàn giao dịch điện tử tại Đà Nẵng.

- Ứng dụng CNTT trong Giáo dục - Đào tạo từ xa, phổ cập tin học cho học sinh, giáo viên, từng bước tiến tới tin học hóa giảng dạy.

- Ứng dụng rộng rãi CNTT hỗ trợ công tác quản lý sức khỏe và các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Phát triển mạng Medinet vững chắc và có hiệu quả nhiều mặt.

- Phấn đấu đến năm 2006 thực hiện quản lý hạ tầng kỹ thuật (đường, nước, điện, viễn thông) bằng hệ thống thông tin địa lý GIS.

3. Xây dựng và phát triển công nghiệp phần cứng:

- Trong năm 2004, hoàn thành việc xây dựng lộ trình phát triển ngành công nghiệp phần cứng, bao gồm sản xuất, lắp ráp máy tính, linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp và thiết bị truyền thông để làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp máy vi tính mang thương hiệu Đà Nẵng, trên cơ sở liên doanh với các nhà cung cấp linh kiện chuyên nghiệp như Intel, IBM,...

- Có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ sở lắp ráp máy tính và các thiết bị CNTT hiện có trên địa bàn thành phố.

4. Xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm:

- Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Công nghệ phần mềm; hoàn thành xây dựng cơ sở 2 của Trung tâm vào năm 2005 và có phương án sử dụng hợp lý để phát huy hiệu quả đầu tư; xây dựng hoàn chỉnh công viên phần mềm Đà Nẵng vào năm 2010. Tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia đầu đàn và chuyên gia hệ thống trong công nghiệp phần mềm. Có chính sách ưu đãi để thu hút và giữ các chuyên gia giỏi thực sự về làm việc tại thành phố. Triển khai nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phần mềm theo chuẩn CMMI.

- Tăng cường hợp tác, liên doanh với Nhật Bản thông qua các dự án cụ thể để phát triển công nghiệp phần mềm và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật về phần mềm và CNTT của thành phố; đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác khác.

- Có chính sách sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước, nhất là các sản phẩm sản xuất trên địa bàn thành phố, trong các dự án ứng dụng CNTT của thành phố, các cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Có chính sách đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các công ty đa quốc gia, đặc biệt các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNTT và truyền thông đầu tư lâu dài tại Đà Nẵng và chuyển giao công nghệ.

- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm về vay vốn, đào tạo nguồn nhân lực và tạo cơ hội tham gia vào các dự án CNTT của thành phố.

5. Xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT:

- Xây dựng Cổng kết nối Internet trực tiếp riêng của thành phố, đảm bảo dung lượng và các loại dịch vụ gia tăng phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm và nhu cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Nhanh chóng xây dựng mạng trục thành phố. Đến 2005, kết nối 100% doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và 15% hộ dân vào Internet.

- Sớm ban hành chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp CNTT, trên nguyên tắc thành phố dành những ưu đãi tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển CNTT ở Đà Nẵng. Tích cực xúc tiến các hoạt động hợp tác quốc tế để thực hiện các dự án CNTT của thành phố.

- Có cơ chế phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho phát triển CNTT, nhất là công nghiệp CNTT. Thành phố đảm bảo đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho ứng dụng và phát triển CNTT.

- Trong Quí I/2005, hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển CNTT của thành phố.

6. Phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài CNTT:

- Thúc đẩy nhanh chương trình đào tạo theo Đề án 112 và xúc tiến chương trình đào tạo tin học riêng cho cán bộ quản lý doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2005 hoàn thành việc phổ cập CNTT cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT chủ chốt cho các cơ quan, đơn vị.

- Nâng cấp cơ sở đào tạo của Trung tâm Công nghệ phần mềm thành Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế với nhiều cấp độ đào tạo; mở rộng địa bàn đào tạo bên ngoài thành phố. Cho phép Trung tâm được thuê người nước ngoài vào làm việc, giảng dạy về CNTT.

- Xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp đào tạo giữa các cơ sở có đào tạo về CNTT trên địa bàn, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT của thành phố.

- Xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về CNTT về thành phố làm việc. Chú trọng việc mời chuyên gia giỏi về CNTT, nhất là công nghệ phần mềm, giảng viên tiếng Anh CNTT về làm việc, giảng dạy ở các cơ sở của thành phố. Duy trì thường xuyên hàng năm Hội thi tin học trẻ không chuyên của thành phố nhằm phát hiện học sinh giỏi và có chính sách bồi dưỡng đào tạo để cung cấp nguồn lực cho thành phố.

Các đề án, dự án, chương trình trọng điểm về CNTT (Phụ lục 6)

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

I. Chỉ đạo thực hiện Chương trình:

- Các ngành liên quan và địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong kế hoạch công tác hàng năm và 5 năm.

- Củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động Ban chỉ đạo công nghệ thông tin thành phố.

II. Phân công công việc cụ thể:

Trong năm 2004, các đơn vị phải hoàn thành các công việc được phân công dưới đây:

1. Sở Công nghiệp:

- Là cơ quan thường trực phần Chương trình phát triển công nghiệp thuộc Chương trình này, có trách nhiệm tổ chức thực hiện và định kỳ sáu tháng một lần báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND thành phố kết quả thực hiện và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

- Chủ trì Chương trình tăng tốc các sản phẩm công nghiệp chủ lực; Chương trình Phát triển công nhân lành nghề cho ngành công nghiệp, xúc tiến chương trình khuyến công; Chương trình xây dựng và phát triển công nghiệp phần cứng.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Là cơ quan thường trực phần Chương trình phát triển CNTT thuộc Chương trình này, có trách nhiệm tổ chức thực hiện và định kỳ sáu tháng một lần báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố, Ban chỉ đạo CNTT thành phố kết quả thực hiện và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

- Chủ trì Chương trình xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm, Dự án thị trường khoa học và công nghệ trên mạng, Chương trình phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài CNTT.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì xúc tiến, đẩy mạnh các dự án đầu tư phát triển công nghiệp đến năm 2010 và Dự án xây dựng hệ thống thông tin điện tử của thành phố.

4. Ban Quản lý các KCN và chế xuất: Chủ trì Chương trình đẩy mạnh xây dựng các KCN và phát triển một số KCN mới.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tham gia Chương trình phát triển công nhân lành nghề cho ngành công nghiệp.

6. Sở Nội vụ: Chủ trì Chương trình đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý doanh nghiệp.

7. Sở Thương mại: Chủ trì Chương trình xây dựng thương hiệu công ty và sản phẩm, Dự án thương mại điện tử.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì Chương trình tin học hóa ngành giáo dục đào tạo.

9. Bưu điện Đà Nẵng: Có kế hoạch xây dựng và nâng cấp để hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng viễn thông và internet của thành phố.

10. Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng: Chủ trì Dự án Chính phủ điện tử cho thành phố Đà Nẵng, gồm 3 nội dung: Xây dựng Cổng giao tiếp điện tử, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT, Trung tâm giao dịch thương mại điện tử trong khuôn khổ Dự án quốc gia "Phát triển CNTT và truyền thông ở Việt Nam" do Ngân hàng thế giới tài trợ và bắt đầu thực hiện từ năm 2005 .

11. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra, trình UBND thành phố phê duyệt.

Trên cơ sở các nhiệm vụ đã được đề ra, các ngành nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ để Chương trình đạt kết quả tốt./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.