Quyết định 1209/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 1209/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Ao Văn Thinh
Ngày ban hành: 17/05/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1209/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÂY CA CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2678/QĐ-BNN-KH ngày 14/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án Phát triển ca cao đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 689/TTr-SNN-KHTC ngày 07/4/2011, về việc đề nghị phê duyệt chương trình phát triển cây Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình phát triển cây Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển bền vững cây Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhằm tăng khối lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, sơ chế, đến tiêu thụ, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015 trên địa bàn toàn tỉnh phát triển diện tích trồng Ca cao đạt khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích cây Ca cao cho thu hoạch là 2.600 ha; năng suất bình quân đạt 1,5 tấn hạt khô/ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 3.900 tấn/năm.

2. Nội dung

2.1. Kế hoạch trồng mới Ca cao trong giai đoạn 2011 - 2015

ĐVT: Ha

Số TT

Huyện

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng

1

Tân Phú

150

150

150

150

160

760

2

Định Quán

80

80

80

100

130

470

3

Thống Nhất

80

90

30

30

40

270

4

Xuân Lộc

60

60

40

10

160

330

5

Trảng Bom

150

170

240

210

300

1.070

6

Vĩnh Cửu

40

40

40

40

40

200

7

Long Khánh

40

40

20

20

20

140

 

Cộng

600

630

600

560

850

3.240

Tổng diện tích Ca cao 2015 khoảng: 4.000 ha. Trong đó:

- Diện tích trồng mới: 3.240 ha.

- Diện tích trồng trước năm 2011: 800 ha.

2.2. Giống: Sử dụng các giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất và đã trồng phổ biến, thích hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn.

2.3. Đất đai

Diện tích đất thực hiện trồng cây Ca cao được quy hoạch chủ yếu từ diện tích đất có cây lâu năm và trồng xen trong cây lâm nghiệp, chỉ trồng xen cây Ca cao vào những diện tích cây lâu năm, cây lâm nghiệp có điều kiện về nước tưới, không quy hoạch diện tích trồng Ca cao thuần loài. Lưu ý: Tuyệt đối không lấn chiếm, làm mất diện tích đất lâm nghiệp.

2.4. Vốn đầu tư: Hộ nông dân và doanh nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí chuyển giao kỹ thuật (kinh phí khuyến nông hàng năm).

3. Các giải pháp thực hiện

a) Quy hoạch vùng trồng Ca cao

Tập trung phát triển diện tích trồng Ca cao tại các huyện có tiềm năng về đất đai như Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom, theo định hướng như sau:

- Chỉ phát triển cây Ca cao trên cơ sở trồng xen với cây Điều, cây lâm nghiệp (rừng trạng thái Ib, Ic khi chưa) và một số cây ăn trái thích hợp. Không phát triển diện tích cây Ca cao trồng thuần.

- Chỉ phát triển cây Ca cao trên diện tích đất trồng đảm bảo đủ nguồn nước tưới.

- Việc đưa cây Ca cao vào trồng xen dưới tán rừng cần phải xem xét kỹ tránh tình trạng lấn chiếm làm mất đất rừng sau này.

- Vùng quy hoạch Ca cao phải tập trung, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Theo định hướng trên các huyện rà soát lại diện tích cây lâu năm, cây lâm nghiệp để xác định quy mô, diện tích phát triển thích hợp.

b) Về giống

Sử dụng giống tuyển chọn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất. Các dòng cây Ca cao này đã được trồng phổ biến và thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Đồng Nai.

Tiếp tục khảo nghiệm thêm các giống Ca cao có năng suất cao, phẩm chất tốt thích nghi với điều kiện tại tỉnh Đồng Nai.

Tăng cường quản lý chặt chẽ các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh giống, bảo đảm tuân thủ đúng pháp lệnh giống cây trồng.

c) Vốn đầu tư

Vốn đầu tư của chương trình phát triển Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 2011 - 2015 chủ yếu của hộ dân và doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển cần tạo điều cho nông dân và doanh nghiệp vay vốn phục vụ trồng mới, đầu tư máy móc, nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, bảo quản Ca cao.

d) Về kỹ thuật: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng phổ biến, trang bị các kiến thức về quản lý sâu bệnh hại đối với cây Ca cao.

e) Nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật

- Nghiên cứu chọn lọc các giống Ca cao phù hợp với điều kiện sinh thái của Đồng Nai.

- Hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật trồng thâm canh cây Ca cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Đồng Nai.

- Xây dựng và hoàn thiện quy trình sơ chế hạt Ca cao phù hợp với điều kiện nông hộ.

- Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống và tiêu chuẩn cây giống.

- Xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, tập huấn nông dân về kỹ thuật trồng và sơ chế hạt Ca cao, thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng. Các biện pháp kỹ thuật cần chú trọng đến canh tác theo hướng sản xuất bền vững.

4. Tổ chức sản xuất, tiêu thụ, chế biến

- Xây dựng mô hình kinh tế hợp tác và Câu lạc bộ Ca cao. Hỗ trợ, khuyến khích các nhà vườn thành lập hợp tác xã, hay tổ hợp tác sản xuất, tạo điều kiện để các mô hình kinh tế hợp tác phát huy hiệu quả.

- Hình thành các mối liên kết giữa hộ nông dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Ca cao. Các doanh nghiệp thực hiện việc cam kết thu mua sản phẩm ổn định đối với người trồng, ưu tiên cho các đơn vị có sự đầu tư gắn kết với vùng nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến có thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Hình thành ngay từ đầu mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất cây Ca cao: Trồng, sơ chế và tiêu thụ. (Nông dân, doanh nghiệp đầu tư, thu mua).

5. Chính sách phát triển: Thực hiện theo quy định hiện hành.

6. Hiệu quả chương trình

a) Hiệu quả về kinh tế

- Tăng tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác (khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha, so với trồng thuần cây Điều và cây khác) và tăng thu nhập cho người sản xuất.

b) Hiệu quả về xã hội

- Tạo ngành nghề mới và giải quyết việc làm ở nông thôn.

- Duy trì và ổn định diện tích điều hiện có, góp phần bảo vệ rừng trồng.

c) Hiệu quả về môi trường

- Tăng độ che phủ đất góp phần nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường.

- Góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai.

- Đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng kế hoạch phát triển cây Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 theo đúng quy định và chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cây Ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình, giải pháp tổ chức thực hiện chương trình; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, đề xuất giải quyết các vướng mắc, phát sinh.

- Theo dõi, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy trình và mô hình sản xuất, sơ chế phù hợp với điều kiện Đồng Nai. Đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý; tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; thực hiện công tác tư vấn cho các đối tượng tham gia thực hiện sản xuất, sơ chế phù hợp.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết chương trình.

7.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh

- Chủ trì quy hoạch vùng có đủ điều kiện phát triển cây Ca cao, xây dựng kế hoạch phát triển trên địa bàn huyện.

- Lập và triển khai các dự án cụ thể để sản xuất, chế biến, tiêu thụ Ca cao.

- Lồng ghép các chương trình dự án về kinh tế xã hội tại địa phương để xây dựng hạ tầng để phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ tại địa phương.

- Tổng kết, đánh giá kết quả chương trình.

7.3. Sở Công Thương

- Xúc tiến thương mại, liên kết, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ chế biến và tiêu thụ sản phẩm Ca cao.

7.4. Sở Khoa học - Công nghệ

Ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài, dự án về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ ca cao. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm Ca cao.

7.5. Các sở, ngành có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả cao nhất.

Bố trí vốn cho nông dân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm Ca cao.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh