Quyết định 1208/QĐ-UBND năm 2019 quy định về phân công quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: | 1208/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Huỳnh Khánh Toàn |
Ngày ban hành: | 23/04/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1208/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 23 tháng 4 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ Công Thương Quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 447/TTr-SCT ngày 09/4/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh về phân công nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Thông tư 58/2014/TT-BCT và Thông tư số 57/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1208 /QĐ-UBND ngày 23 / 4 /2019 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này phân công quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Các nội dung không quy định tại Quy định này thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm trên; cơ sở kinh doanh trong các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại (trừ chợ đầu mối) trên địa bàn tỉnh.
3. Các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phân công quản lý
1. Đảm bảo sự tập trung, thống nhất, toàn diện trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh.
2. Đảm bảo nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của một cơ quan quản lý nhà nước.
3. Đảm bảo tính khoa học, đầy đủ và khả thi trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
4. Phân công quản lý gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan quản lý cấp trên đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công.
Chương II
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) phân công nhiệm vụ cho UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) và các phòng, ban có liên quan, như sau:
1. UBND cấp xã
Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ hạng 3 trên địa bàn, phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng quản lý chợ hạng 1 và hạng 2 trên địa bàn.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm.
Tổng hợp báo cáo kết quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý về UBND cấp huyện theo dõi, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo cấp trên.
2. Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng
Là cơ quan đầu mối giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn, có nhiệm vụ:
Quản lý, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cấp xã về quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp đăng ký kinh doanh.
Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ hạng 1 và hạng 2; theo dõi, chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chợ hạng 3 trên địa bàn.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật an toàn thực phẩm.
Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quy định này trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố về Sở Công Thương để theo dõi, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo cấp trên.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu, bố trí kinh phí hằng năm cho các đơn vị triển khai thực hiện công tác này tại địa phương.
Điều 5. Sở Công Thương
1. Kiểm tra, thẩm định, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đối với các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật theo Chương II Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 Quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Chương IV Luật An toàn thực phẩm.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh. Có văn bản hướng dẫn cụ thể Phòng Kinh tế (Kinh tế và Hạ tầng) các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quy định này.
3. Thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho các đối tượng được giao quản lý.
Điều 6. Sở Tài chính
Thẩm định, trình phê duyệt kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo đúng quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được phân cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy định này.
2. Sở Công Thương có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quy định này và hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính hướng dẫn Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã lập dự toán và bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định và theo phân công.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Thông tư 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương Ban hành: 15/11/2018 | Cập nhật: 27/11/2018
Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm Ban hành: 02/02/2018 | Cập nhật: 02/02/2018
Thông tư 57/2015/TT-BCT Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương Ban hành: 31/12/2015 | Cập nhật: 04/03/2016
Thông tư 58/2014/TT-BCT quy định cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương Ban hành: 22/12/2014 | Cập nhật: 02/02/2015