Quyết định 1205/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang”
Số hiệu: | 1205/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang | Người ký: | Dương Văn Thái |
Ngày ban hành: | 02/08/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1205/QĐ-UBND |
Bắc Giang, ngày 02 tháng 08 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT TỔNG HỢP DUY TRÌ, NÂNG CAO ĐỘ PHÌ ĐẤT GÓP PHẦN TĂNG NĂNG SUẤT VÀ ỔN ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VẢI THIỀU TỈNH BẮC GIANG”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 58/TTr-KHCN ngày 27/7/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang”, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đề tài: Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang.
2. Cơ quan chủ trì: Viện Địa lý - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
3. Chủ nhiệm đề tài: Thạc sỹ Nguyễn Đức Thành
4. Thời gian thực hiện: 24 tháng (từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018).
5. Mục tiêu đề tài
- Xác định được thực trạng độ phì đất trồng vải và yếu tố hạn chế chính đến năng suất, chất lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
- Đề xuất các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm duy trì và nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất, ổn định chất lượng vải thiều.
- Xây dựng 05 mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, năng suất vải thiều tăng tối thiểu 10%.
6. Nội dung thực hiện
6.1. Điều tra, nghiên cứu và đánh giá thực trạng canh tác, tính bền vững vùng trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
6.1.1. Đánh giá thực trạng canh tác và tính bền vững vùng trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên
- Điều tra thu thập và tổng hợp các tài liệu, dữ liệu thứ cấp hiện có; phân tích các tính chất vật lý, hóa học của đất đã thực hiện từ các kết quả đã nghiên cứu trước.
- Xây dựng 01 mẫu phiếu điều tra và tổ chức điều tra về tình hình sản xuất; biện pháp kỹ thuật canh tác; năng suất; hiệu quả kinh tế sử dụng đất trồng vải thiều; tính bền vững...tại huyện Tân Yên với 250 phiếu, huyện Lục Ngạn với 750 phiếu điều tra.
- Báo cáo tổng hợp và phân tích xử lý kết quả.
6.1.2. Thu thập mẫu đất phục vụ đánh giá độ phì đất trồng vải thiều
- Thu thập mẫu đất, đánh giá độ phì đất trồng vải thiều tại 2 huyện Tân Lục Ngạn và Tân Yên: Thu thập, phân tích 200 mẫu đất để đánh giá độ phì đất với các chỉ tiêu vật lý (Dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, độ ẩm, thành phần cơ giới, ...); các chỉ tiêu hóa học (Độ chua: pHH2O và pHKCL; Carbon hữu cơ (OC); N, P, K tổng số; P, K dễ tiêu; Ca2+ Mg2+, K+, Na+; Độ bão hòa bazơ (BS); Khả năng trao đổi cation (CEC); Fe tổng số, Fe3+, Al3+ hòa tan; Các nguyên tố vi lượng (Cu, Zn, Bo, Mn);...).
- Nghiên cứu chuyên đề: Thực trạng canh tác và tính bền vững của các vùng trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên
6.2. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng độ phì và xác định các yếu tố hạn chế độ phì đất ảnh hưởng đến năng suất chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang
6.2.1. Phân tích, đánh giá thực trạng độ phì đất trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên.
- Từ kết quả phân tích mẫu đất và áp dụng thang đánh giá độ phì đất, đánh giá thực trạng độ phì đất trồng vải thiều.
- Ứng dụng công nghệ GIS thành lập bản đồ độ phì đất trồng vải thiều cho 2 huyện Lục Ngạn và Tân Yên ở tỷ lệ 1:25.000.
6.2.2. Nghiên cứu, đánh giá mối tương quan các tính chất đất đai với năng suất, chất lượng vải thiều
- Nghiên cứu, xác định mức độ tác động của các yếu tố dinh dưỡng đất, chế độ bón phân đến năng suất và chất lượng vải thiều.
- Phân tích một số chỉ tiêu về chất lượng vải thiều như độ đồng đều, trọng lượng quả hàm lượng đường; Vitamin C, Bo, Zn, Fe trong quả vải thiều.
- Nghiên cứu chuyên đề: Phân tích, đánh giá thực trạng độ phì của đất và mối tương quan giữa các tính chất đất đai với năng suất và chất lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên.
6.2.3. Phân tích, xác định các yếu tố hạn chế độ phì đất ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vải thiều thiều ở huyện Lục Ngạn và Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
- Phân tích tương quan giữa các tính chất đất với năng suất và các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vải để xác định các yếu tố trong độ phì đất trồng vải có tác động đến năng suất và chất lượng vải thiều.
- So sánh giữa thang đánh giá các tính chất đất và mức độ tác động của các tính chất đất đến năng suất, chất lượng vải thiều để xác định yếu tố hạn chế.
- Nghiên cứu chuyên đề: Phân tích, xác định các yếu tố hạn chế độ phì trong đất ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vải thiều ở huyện Lục Ngạn và Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
6.3. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì và nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất, ổn định chất lượng vải thiều
- Nghiên cứu xác định thời gian và kỹ thuật chăm sóc vải thiều (tỉa cành, tạo tán, khống chế lộc đông...) phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh Bắc Giang.
- Xây dựng công thức và hướng dẫn bón phân hợp lý cho vải thiều trên một số loại đất chính tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên:
+ Xây dựng công thức phân bón hiệu quả theo nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện khí hậu - thổ nhưỡng khu vực nghiên cứu.
+ Xây dựng công thức và quy trình kết hợp bón các loại phân trung, vi lượng, bổ sung chất giữ ẩm,... để khắc phục các yếu tố hạn chế độ phì và đặc điểm của giống vải thiều thông qua bố trí các thí nghiệm đồng ruộng.
+ Xây dựng công thức và biện pháp sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phế phụ phẩm nông nghiệp vùi lại để bổ sung chất hữu cơ cho đất.
- Xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm tăng năng suất và chất lượng vải thiều.
- Nghiên cứu chuyên đề: Các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm duy trì và nâng cao độ phì của đất góp phần tăng năng suất, ổn định chất lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên.
6.4. Xây dựng mô hình trình diễn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên.
- Địa điểm: tại huyện Lục Ngạn và huyện Tân Yên
- Quy mô, địa điểm: 05 mô hình, với quy mô 15 ha tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Các mô hình được xây dựng trên các tiểu vùng khác nhau để so sánh, đánh giá.
- Giải pháp về khoa học và công nghệ:
+ Từ kết quả xác định các yếu tố hạn chế, áp dụng các giải pháp về phân bón và phế phụ phẩm nhằm khắc phục các yếu tố hạn chế do tính chất vật lý - nước, thiếu hụt các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng tại các mô hình.
+ Phân tích 50 mẫu đất tại 05 mô hình đã áp dụng các giải pháp để phân tích đánh giá sự thay đổi độ phì đất.
+ Phân tích 100 mẫu quả vải thiều về hàm lượng dinh dưỡng, đánh giá chất lượng vải thiều trước và sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp.
6.5. Đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
- Tổ chức 02 hội thảo khoa học về nội dung nghiên cứu của đề tài.
- Tổ chức 04 lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 240 lượt người dân vùng trồng vải tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn.
7. Sản phẩm của đề tài
- Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài;
- Báo cáo tổng thuật tài liệu, dữ liệu về thực trạng canh tác của các vùng trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
- 04 chuyên đề nghiên cứu;
- 01 bản đồ độ phì đất trồng vải thiều cho 2 huyện Lục Ngạn và Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1:25.000;
- 05 mô hình trình diễn với quy mô 15 ha tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều, năng suất vải thiều tăng tối thiểu 10%.
- Kết quả phân tích 200 mẫu đất về các chỉ tiêu các chỉ tiêu vật lý, hóa học của đất trước nghiên cứu; kết quả phân tích 50 mẫu đất về các chỉ tiêu vật lý, hóa học của đất sau nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật.
- Kết quả phân tích 100 mẫu quả vải về các chỉ tiêu dinh dưỡng trước và sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì, nâng cao độ phì đất.
- 02 kỷ yếu hội thảo khoa học;
- 04 lớp tập huấn kỹ thuật cho 240 lượt người dân;
- Các sản phẩm khác: Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, 01 mẫu phiếu điều tra và 1.000 phiếu điều tra điền đầy đủ thông tin.
8. Kinh phí thực hiện dự án
- Tổng kinh phí: 1.910.120.000 đồng (Một tỷ, chín trăm mười triệu, một trăm hai mươi nghìn đồng)
- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệm khoa học Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng).
- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh: 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng).
- Kinh phí đối ứng của dân: 510.120.000 đồng (Năm trăm mười triệu, một trăm hai mươi nghìn đồng).
Điều 2. Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm triển khai thực hiện đề tài đúng tiến độ và nội dung đã được phê duyệt.
Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và nghiệm thu đề tài theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND huyện Lục Ngạn, UBND huyện Tân Yên, Chủ nhiệm đề tài và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ Ban hành: 27/01/2014 | Cập nhật: 05/02/2014