Quyết định 1200/1998/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 1200/1998/QĐ-UB-QLĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Vũ Hùng Việt
Ngày ban hành: 07/03/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1200/1998/QĐ-UB-QLĐT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 3 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THUỘC KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Tiếp theo Quyết định số 3596/QĐ-UB-NC ngày 14/7/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đổi tên và bổ sung chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố ;
- Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng thành phố (tờ trình số 1582/KTST-TC ngày 15/10/1997) và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 273/TCCQ ngày 22/11/1997) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh kèm theo quyết định này.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Kiến trúc sư trưởng thành phố và Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1200/1998/QĐ-UB-NC ngày 07/3/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

PHÁP NHÂN VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

Điều 1 : Pháp nhân.

Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Viện) là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán tự cân đối, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước để hoạt động theo quy định.

Tên giao dịch đối ngoại : URBAN PLANNING INSTITUTE OF HO CHI MINH CITY

Gọi tắt là : UPI.

Trụ sở đặt tại : 216 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6 - quận 3 - thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại liên lạc : 8223721 – 8223722 – 8223295.

Số fax : 8223293.

Điều 2 : Nguyên tắc hoạt động

2.1. Viện chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Kiến trúc sư trưởng thành phố và quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có liên quan theo phân công, phân cấp quy hoạch ngành và quản lý tổ chức cán bộ của thành phố.

2.2. Mọi hoạt động của Viện đảm bảo tuân thủ theo luật pháp hiện hành, các văn bản pháp quy có liên quan và các chủ trương, chính sách của thành phố.

2.3. Viện làm theo định hướng cải cách và luôn đổi mới phương pháp hoạt động đáp ứng kịp thời yêu cầu của thành phố và Kiến trúc sư trưởng thành phố đối với công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị. Từng bước nâng cao chuyên môn hóa, hiện đại hóa theo ngành, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu suất công tác.

2.4. Viện được tổ chức quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng, hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chỉ đạo của Kiến trúc sư trưởng thành phố.

2.5. Bảo đảm chế độ báo cáo, thống kê và thực hiện đầy đủ quy định của cơ quan cấp trên về tổ chức và quản lý chuyên ngành.

Chương II

CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ

Điều 3 : Chức năng.

Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chức năng nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học ; lập quy hoạch xây dựng ; giúp Kiến trúc sư trưởng thành phố trong công tác chỉ đạo thực hiện việc quản lý đô thị và kiến trúc đô thị theo quy hoạch trên địa bàn thành phố và thực hiện các hoạt động tư vấn xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng.

Điều 4 : Về nhiệm vụ quy hoạch – thiết kế xây dựng.

4.1- Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước về quy hoạch xây dựng để áp dụng vào lĩnh vực thiết kế quy hoạch xây dựng, quy hoạch môi trường cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.

4.2- Tổ chức nghiên cứu quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tổng thể trên địa bàn thành phố và quận huyện, quy hoạch địa điểm xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị và nông thôn, các công trình xây dựng quan trọng theo chỉ đạo của thành phố Hồ Chí Minh. Trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và phê duyệt các công trình đã được quy hoạch. Cập nhật và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn và tránh được sai lầm trong quy hoạch.

4.3- Lập quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư và các khu chức năng khác theo kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Kiến trúc sư trưởng thành phố giao.

4.4- Giúp Kiến trúc sư trưởng thành phố thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng đô thị và cải cách hành chánh :

1. Thẩm định các đề án quy hoạch xây dựng và lập hồ sơ quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Xác định các tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ quy hoạch và hướng dẫn địa điểm cho các chủ đầu tư nghiên cứu dự án đầu tư.

3. Biên soạn và cụ thể hóa một số văn bản về quy hoạch và quản lý xây dựng thuộc chức năng của Kiến trúc sư trưởng thành phố để trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt theo hướng cải cách thủ tục hành chánh.

4. Nghiên cứu thiết kế xây dựng hoặc cải tạo xây dựng các công trình kiến trúc, các mẫu nhà phù hợp với các khu quy hoạch, các công trình mang đặc thù thẩm mỹ cao, công trình bảo tồn, bảo tàng v.v… trên cơ sở đề tài nghiên cứu ứng dụng do Viện thực hiện.

5. Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch xây dựng đối với các dự án hoặc công trình không thuộc quận huyện cấp phép xây dựng theo phân cấp.

Điều 5 : Về hoạt động dịch vụ.

5.1- Tổ chức thực hiện một số hoạt động dịch vụ tư vấn khi chủ đầu tư có yêu cầu như :

- Hướng dẫn nội dung lập dự án đầu tư xây dựng.

- Hướng dẫn nội dung quy hoạch chi tiết mặt bằng đất đai thuộc dự án.

- Khảo sát, đo đạc địa hình xây dựng.

- Kiểm tra, đánh giá tác động về quy hoạch kiến trúc và môi trường cho các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng ở các khu đô thị, các khu công nghiệp, các địa điểm dân cư và các dự án đầu tư khác khi có yêu cầu của các chủ đầu tư.

5.2- Tổ chức thực hiện dịch vụ thông tin tư liệu, thông tin khoa học kỹ thuật chuyên ngành thông qua việc lưu trữ cập nhật khai thác các tư tài liệu nghiên cứu của Viện phục vụ cho việc lập các dự án đầu tư và công tác quản lý đô thị.

Điều 6 : Các hoạt động khác của Viện.

6.1- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch đô thị và kiến trúc đô thị.

6.2- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về các lĩnh vực hoạt động của Viện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và không trái với pháp luật Việt Nam.

Chương III

HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHKT VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHKT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Điều 7 : Công tác tư vấn khoa học kỹ thuật Quy hoạch xây dựng.

Hội đồng Khoa học kỹ thuật tư vấn giúp Viện trưởng các vấn đề khoa học kỹ thuật và các mặt hoạt động có liên quan của Viện. Thành viên của Hội đồng là những cán bộ chuyên môn có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu quy hoạch đô thị ở trong và ngoài Viện. Thành viên Hội đồng do Viện trưởng chỉ định hoặc mời. Tổ chức, nhiệm vụ và chế độ hoạt động của Hội đồng Khoa học kỹ thuật Viện do Viện trưởng quy định.

Điều 8 : Công tác quản lý khoa học kỹ thuật quy hoạch xây dựng.

8.1- Các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu quy hoạch, khảo sát, thiết kế thực nghiệm, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Viện đều phải tuân thủ theo các quy định, quy trình của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình.

8.2- Tất cả các công trình do Viện thực hiện từ khâu lập đề cương, nhiệm vụ thiết kế, thiết kế, thẩm tra xét duyệt đến nghiệm thu đánh giá đều phải theo quy trình quản lý của Viện. Trước khi lãnh đạo Viện xét duyệt phải được thông qua Hội đồng chuyên ngành thích hợp hoặc Hội đồng Khoa học kỹ thuật theo sự phân cấp của Viện.

8.3- Tất cả sản phẩm (bao gồm các hồ sơ tài liệu – điều tra, bản đồ đo đạc, hồ sơ nghiên cứu quy hoạch, nghiên cứu khoa học, tư vấn xây dựng…) do Viện thực hiện đều phải thống nhất về mẫu mã, hình thức và phải được lưu trữ một bộ tại phòng lưu trữ của Viện.

Điều 9 : Công tác kế hoạch khoa học – kỹ thuật quy hoạch – xây dựng.

9.1- Viện chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của Viện bao gồm : nghiên cứu khoa học, nghiên cứu quy hoạch, khảo sát, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đầu tư chiều sâu, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị… trình Kiến trúc sư trưởng và Ủy ban nhân dân thành phố hàng năm.

9.2- Căn cứ kế hoạch hàng năm do Kiến trúc sư trưởng giao, Viện chủ động đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế đảm bảo cân đối nguồn thu cho các hoạt động phù hợp với chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

9.3- Viện có quy chế thích hợp để thu hút các công trình, dự án, công việc từ các nguồn vốn khác phục vụ yêu cầu phát triển và việc làm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ-công nhân viên.

9.4- Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Viện có các phương thức giao việc thích hợp, vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thành phố, Kiến trúc sư trưởng và Viện, vừa đảm bảo công việc và thu nhập hài hòa giữa các đơn vị và cá nhân trong Viện.

Chương IV

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ

Điều 10 : Về cán bộ quản lý.

10.1- Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh do Viện trưởng quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Kiến trúc sư trưởng thành phố về toàn bộ kết quả hoạt động của Viện, giúp Viện trưởng có một số Viện phó được Viện trưởng phân công quản lý chỉ đạo một số mặt tác nghiệp chuyên môn.

10.2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bổ nhiệm (hoặc miễn nhiệm), khen thưởng (hoặc kỷ luật) Viện trưởng theo đề nghị của Kiến trúc sư trưởng thành phố thông qua Ban Tổ chức Chính quyền thành phố.

10.3- Kiến trúc sư trưởng thành phố quyết định bổ nhiệm (hoặc miễn nhiệm), khen thưởng (hoặc kỷ luật) Phó Viện trưởng (hoặc chức danh tương đương) theo đề nghị của Viện trưởng và văn bản thỏa thuận của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố (thông qua Kiến trúc sư trưởng thành phố) theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ của thành phố.

10.4-Viện trưởng quyết định bổ nhiệm (hoặc miễn nhiệm), khen thưởng (hoặc kỷ luật) các chức danh trưởng, phó các bộ phận trực thuộc theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ của thành phố (kể cả công chức viên chức trong tổng biên chế của Viện).

Điều 11 : Tổ chức bộ máy của Viện.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện gồm có :

11.1- Các đơn vị nghiên cứu, quản lý, phục vụ :

- Phòng Quản lý kỹ thuật và thẩm định

- Phòng Tổng hợp (Kế hoạch + Tổng hợp)

- Phòng Tài vụ

- Phòng Tổ chức – Hành chánh

- Tổ nghiên cứu ứng dụng vi tính (lâu dài phát triển thành phòng nghiên cứu ứng dụng vi tính).

11.2- Các đơn vị nghiên cứu thiết kế, khảo sát hoàn thiện :

- Phòng Quy hoạch 1

- Phòng Quy hoạch 2

- Phòng Quy hoạch 3

- Phòng Đo đạc và hoàn thiện.

  (Đính kèm phụ lục sơ đồ tổ chức)

Chương V

QUẢN LÝ TÀI CHÁNH – KẾ TOÁN

Điều 12 : Chế độ thu, chi tài chánh.

Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chế độ thu chi tài chính theo qui định của Nhà nước và quy chế quản lý tài chính của ngành, của thành phố.

Điều 13 : Nguồn thu tài chánh của Viện bao gồm :

13.1- Nguồn thu từ vốn Ngân sách Nhà nước :

1. Ngân sách cấp cho nghiên cứu thiết kế quy hoạch thông qua hợp đồng với Ban Quản lý dự án - Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh hàng năm.

2. Ngân sách cấp cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư chiều sâu nhằm từng bước hiện đại hóa công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

3. Ngân sách cấp để thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và một số hoạt động kinh tế khác theo chức năng (từ các nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học).

13.2- Nguồn thu từ hoạt động có thu : nguồn thu chủ yếu từ các hoạt động về tư vấn xây dựng và dịch vụ theo các hợp đồng kinh tế, trong phạm vi chức năng – nhiệm vụ đã được xác định.

13.3- Các nguồn thu khác.

Điều 14 : Các khoản chi phí của Viện gồm.

- Đầu tư xây dựng cơ bản :        + Xây dựng cơ sở vật chất

                                                + Đầu tư chiều sâu trang thiết bị

- Chi cho các hoạt động về nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án.

- Chi cho các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, dịch vụ : Lương, công tác phí, vật tư, vật liệu, máy móc, chi phí quản lý…

- Các khoản nộp ngân sách Nhà nước.

- Chi khác.

Điều 15 : Công tác Kế toán.

Viện thực hiện chế độ kế toán của Nhà nước ban hành thống nhất cho các đơn vị hành chánh sự nghiệp có thu, ngoài ra nếu được ngân sách cấp vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật thì Viện thực hiện chế độ kế toán đối với các đơn vị có vốn đầu tư do ngân sách nhà nước cấp theo chế độ kế toán đơn vị đầu tư.

Điều 16 : Quản lý tài sản, trang thiết bị.

Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Kiến trúc sư trưởng và Ủy ban nhân dân thành phố trong việc quản lý toàn bộ tài sản và sử dụng các nguồn kinh phí của Viện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương VI

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG

Điều 17 : Về quản lý công chức viên chức và tuyển dụng hợp đồng lao động.

Căn cứ tiêu chuẩn, chức danh nghiệp vụ công chức viên chức Nhà nước, Viện có kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bố trí hợp lý theo chức danh và theo công việc phải đảm nhận ; quản lý công chức viên chức và lao động theo quy định của Nhà nước và theo phân công phân cấp quản lý cán bộ của thành phố ; đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và xếp lương, nâng lương đối với các chức danh công chức viên chức Nhà nước do Viện quản lý.

Viện trưởng được tuyển dụng hợp đồng lao động dài hạn, ngắn hạn hoặc cộng tác viên để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo từng giai đoạn.

Điều 18 : Chế độ lao động tiền lương.

Việc thực hiện đầy đủ chế độ lao động-tiền lương theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương VII

CÁC MỐI QUAN HỆ

Điều 19 : Quan hệ nội bộ Viện.

19.1- Viện được tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, cấp ủy Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo và kiểm tra các mặt hoạt động của Viện nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo đường lối, chính sách của Đảng và chủ trương của Nhà nước, của thành phố ; tạo điều kiện thuận lợi cho Viện trưởng hoàn thành trách nhiệm được giao.

19.2- Đối với các đoàn thể trong Viện – là tổ chức quần chúng quan trọng, cùng kết hợp trong việc vận động tổ chức, rèn luyện, giáo dục công chức viên chức thi đua công tác và tham gia đóng góp quản lý cơ quan. Viện trưởng phải lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

19.3- Đối với các bộ phận trực thuộc Viện, Viện trưởng có trách nhiệm quản lý toàn diện, thực hiện kiểm tra, chỉ đạo hoạt động theo các qui định của ngành và nội qui của Viện. Các bộ phận này phải báo cáo thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất mọi hoạt động hoặc phát sinh trong lĩnh vực nghiệp vụ được giao với Viện trưởng một cách trung thực, kịp thời và đúng quy định.

Điều 20 : Quan hệ với Kiến trúc sư trưởng thành phố.

- Viện hoạt động dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Kiến trúc sư trưởng thành phố.

- Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Kiến trúc sư trưởng thành phố về toàn bộ kết quả hoạt động của Viện.

Điều 21 : Quan hệ với các cơ quan chức năng có liên quan.

21.1- Với sở, ban ngành có liên quan công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố, Viện trực tiếp quan hệ trao đổi, phối hợp nhằm mục đích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

21.2- Với các ngành và quận, huyện, Viện quan hệ chặt chẽ và trực tiếp để lập và thực hiện kế hoạch về công tác thiết kế, quy hoạch cải tạo và xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể của thành phố đã được trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố duyệt.

Điều 22 : Quan hệ với các tổ chức, cá nhân là khách hàng.

Viện được quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để khai thác hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch xây dựng theo quy định của Nhà nước và đảm bảo bí mật quốc gia.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23 : Hiệu lực thi hành.

Quy chế này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định phê duyệt.

Tất cả công chức viên chức của Viện có trách nhiệm thi hành theo nội dung bản Quy chế này.

Điều 24 : Sửa đổi, bổ sung quy chế.

Ủy ban nhân dân thành phố có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Quy chế khi cần thiết theo đề nghị của Kiến trúc sư trưởng thành phố.

Các nội dung trong bản Quy chế này không được giải thích trái với các quy định hiện hành có liên quan của nhà nước và của thành phố.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 






Hiện tại không có văn bản nào liên quan.