Quyết định 12/2020/QĐ-UBND Quy định về lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Số hiệu: 12/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Phạm Vũ Hồng
Ngày ban hành: 01/06/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2020/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 01 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CỦA CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 33/2018/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 237/TTr-STNMT ngày 11 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 6 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của Quyết định;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang;
- UBMTTQ VN tỉnh Kiên Giang;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Website Kiên Giang;
- LĐVP, P.KTCN;
- Lưu: VT, STN&MT (5b). dtnha.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Vũ Hồng

 

QUY ĐỊNH

LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CỦA CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2020/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng, bến thủy nội địa, cơ sở, dự án và cơ sở kinh doanh xăng dầu (gọi chung là cơ sở) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Dầu và các sản phẩm của dầu bao gồm:

a) Dầu thô là dầu từ các mỏ khai thác chưa qua chế biến.

b) Dầu thành phẩm là các loại dầu đã qua chế biến như xăng, dầu hỏa, dầu máy bay, dầu Diesel (DO), dầu mazút (FO), và các loại dầu bôi trơn bảo quản, dầu thủy lực.

c) Các loại khác là dầu thải, nước thải lẫn dầu từ hoạt động súc rửa, sửa chữa tàu của tàu biển, tàu sông, các phương tiện chứa dầu.

Dầu trong Quy định này được hiểu là tất cả các loại nói trên.

2. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu cùng các phương án ứng phó trong tình huống dự kiến đó, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực nhằm kịp thời ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra trên thực tế.

4. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.

5. Dự án là dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở, cảng có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm lập, thời điểm lập và nội dung cơ bản của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Trách nhiệm lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

a) Các cảng, bến thủy nội địa, cơ sở; dự án có hoạt động về khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên đất liền, sông, hồ và vùng biển Kiên Giang.

b) Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền (dưới 20 tấn) hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Thời điểm lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

Đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu quy định tại khoản 1 Điều này lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và nộp cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và phê duyệt cùng với thủ tục đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường (nếu có) trước khi triển khai các hoạt động của cơ sở.

3. Nội dung cơ bản của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

a) Mô tả thông tin chung về cơ sở và những hoạt động liên quan đến dầu và các sản phẩm của dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.

b) Đánh giá rủi ro nguồn dầu tràn, khả năng tác động, phạm vi ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu.

c) Nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu: lực lượng, trang thiết bị ứng phó; phương án phối hợp với các đơn vị xung quanh hoặc hợp đồng thuê dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu; cơ cấu tổ chức và phân công trách nhiệm, quyền hạn, kế hoạch trang bị, đào tạo, cam kết đảm bảo tài chính.

d) Quy trình triển khai ứng phó: xử lý thông tin, báo cáo, thông báo; tổ chức triển khai các phương án ứng phó; hoạt động khắc phục và giải quyết hậu quả sau sự cố tràn dầu.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết Đề cương Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở.

Điều 4. Trình tự, thủ tục, thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Cơ quan tiếp nhận

Cơ sở đề nghị phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gián tiếp (qua đường bưu điện) cho cơ quan thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ thẩm định: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết thành phần cũng như số lượng cụ thể của từng loại Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Cơ quan thẩm định

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với hoạt động của các cơ sở quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6 của Quy định này.

b) Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; Phòng Kinh tế Hạ tầng - Tài nguyên và Môi trường huyện Kiên Hải (sau đây gọi chung là Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đối với hoạt động của các cơ sở quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 6 của Quy định này.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thông qua Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 5. Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu để thẩm định các Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt (gọi tắt là Hội đồng thẩm định cấp tỉnh), gồm các thành phần sau:

a) Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ tịch Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết có thể có thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện các phần việc liên quan.

b) Các thành viên

- Đại diện các sở, ngành: Công Thương (thành viên phản biện), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang;

- Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang;

- Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh;

- Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường (PC05) - Công an tỉnh;

- Đại diện lãnh đạo Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở hoạt động.

- Thư ký Hội đồng: Công chức Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể mời Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam làm thành viên phản biện và các chuyên gia chuyên ngành cùng tham dự, tư vấn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu để thẩm định các Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt (gọi chung là Hội đồng thẩm định cấp huyện), gồm các thành phần sau:

a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết có thể có thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện các phần việc liên quan.

b) Các thành viên

- Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (thành viên phản biện);

- Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường;

- Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện;

- Đại diện Công an cấp huyện;

- Đại diện các phòng, ban liên quan: Công Thương (thành viên phản biện), Kinh tế (Kinh tế - Hạ tầng), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các cơ sở hoạt động tại địa bàn các huyện);

- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở hoạt động.

- Thư ký Hội đồng: Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể mời thêm các chuyên gia chuyên ngành cùng tham dự, tư vấn.

3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp tỉnh/cấp huyện ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp mình.

4. Kết quả thẩm định

a) Trường hợp Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Hội đồng thẩm định thông qua nhưng có chỉnh sửa, bổ sung thì Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện) có văn bản đề nghị chủ cơ sở chỉnh sửa Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo ý kiến Hội đồng thẩm định.

b) Trường hợp Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Hội đồng thẩm định thông qua, không phải chỉnh sửa, bổ sung thì Chi cục Biển và Hải đảo tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (đối với Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (đối với Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Điều 6. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Hồ sơ trình phê duyệt

a) Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường/Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (bản chính).

b) Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (bản giấy và tập tin điện tử).

c) Biên bản hợp thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Hội đồng thẩm định (bản chính).

d) 05 (năm) bản Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở đã chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan phê duyệt

a) Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu do các cảng, bến thủy nội địa, cơ sở, dự án lập theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Quy định này.

b) Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu do các cơ sở kinh doanh xăng, dầu lập theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy định này trên phạm vi toàn tỉnh:

- Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở theo Quy định này;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ngành liên quan thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Hướng dẫn và tham gia thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc và xử lý hoặc đề nghị xử lý đối với các cơ sở vi phạm Quy định này theo quy định;

b) Hàng năm tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở; kiểm tra việc cam kết thực hiện kế hoạch ứng phó tràn dầu của cơ sở đã xây dựng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.

c) Điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của các sở, ngành, địa phương, chủ cơ sở hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan về những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.

d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện Kế hoạch phục hồi môi trường do tràn dầu.

đ) Báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn định kỳ 01 lần/năm (trước ngày 30 tháng 01 của năm kế tiếp) và báo cáo đột xuất khi có tình huống sự cố tràn dầu.

e) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 3 và khoản 2, Điều 4 của Quy định này; tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy định này đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan

a) Triển khai thực hiện Quy định này trong phạm vi ngành quản lý.

b) Tham gia Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của sở theo phân cấp thẩm quyền tại Quyết định này; phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, các địa phương kiểm tra, đôn đốc chủ cơ sở xây dựng và triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 6 của Quy định này trên địa bàn cấp huyện; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương.

2. Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức việc ứng phó và báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn quản lý; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chính hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở bồi thường thiệt hại.

3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.

4. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy định này của địa phương gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trước ngày 30 tháng 12 hàng năm.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở

1. Các cơ sở phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó (khi có thông báo).

3. Có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cơ sở theo quy định; trong trường hợp cơ sở chưa đủ khả năng tự ứng phó phải ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị thích hợp để triển khai khi có tình huống.

4. Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.

5. Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư xây dựng như thay đổi quy mô đầu tư, thay đổi thiết kế dẫn đến thay đổi nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt, chủ cơ sở phải báo cáo cơ quan đã phê duyệt Kế hoạch và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải được lưu trữ tại cơ sở.

7. Kịp thời báo cáo sự cố tràn dầu xảy ra; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường đối với kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với Kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt Ủy ban nhân dân cấp huyện, định kỳ 02 lần/năm, trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các cơ sở đã hoạt động trước thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành nhưng không có quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trong thời hạn không quá 01 (một) năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường (qua Chi cục Biển và Hải đảo) để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.