Quyết định 12/2014/QĐ-UBND về chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: | 12/2014/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Lê Xuân Đại |
Ngày ban hành: | 25/01/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Văn thư, lưu trữ, Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2014/QĐ-UBND |
Nghệ An, ngày 25 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI VÀ BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG TÁC LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 25/TTr-SNV ngày 23/01/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2.
1. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 35/2001/QĐ-UBND ngày 25/4/2001 của UBND tỉnh Nghệ An về giải quyết chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức làm công tác lưu trữ.
2. Chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh được thực hiện kể từ ngày 01/01/2014.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI VÀ BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG TÁC LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi áp dụng
Bản Quy định này quy định chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Đối tượng điều chỉnh
a) Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được thực hiện đối với công chức, viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
b) Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được thực hiện đối với công chức, viên chức chuyên trách làm công tác lưu trữ, hoặc kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ; người lao động, kể cả học sinh, sinh viên thực tập, học nghề, tập nghề (sau đây gọi chung là người lao động) trực tiếp tham gia làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An; trừ người lao động làm việc trong các ngành, nghề được hưởng chế độ ăn định lượng ban hành kèm theo Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước và Quyết định số 72/2008/QĐ-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chương 2.
MỨC HƯỞNG, CÁCH TÍNH VÀ NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT
Điều 2. Mức hưởng và cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm
1. Mức hưởng
Công chức, viên chức chuyên trách làm công tác lưu trữ, hoặc kiêm nhiệm công tác lưu trữ (có quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị) được hưởng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm như sau:
a) Hệ số 0,2 tính theo mức lương cơ sở đối với công chức, viên chức trực tiếp làm công việc lựa chọn, phân loại, bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu trong kho lưu trữ (hệ số 0,2 x mức lương cơ sở hiện hành).
b) Hệ số 0,3 tính theo mức lương cơ sở đối với công chức, viên chức trực tiếp làm công việc khử trùng tài liệu, tu sửa phục chế tài liệu hư hỏng (hệ số 0,3 x mức lương cơ sở hiện hành).
2. Cách tính
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; được trả cùng kỳ tiền lương hàng tháng và không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Điều 3. Mức hưởng và cách tính chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật
1. Mức hưởng
Các đối tượng theo quy định tùy thuộc vào điều kiện thực tế được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo các mức sau:
a) Mức 1 bằng 10.000 đồng, áp dụng cho một ca hoặc một ngày làm việc thực tế đối với các công việc: Phân loại, kiểm tra giá trị hồ sơ tài liệu lưu trữ; lựa chọn để bảo quản và tiêu hủy hồ sơ tài liệu lưu trữ hết giá trị; phân nhóm đánh giá giá trị hồ sơ, sắp xếp tài liệu lập hồ sơ mới, hệ thống hóa, mô tả phiếu tin; vận chuyển hồ sơ tài liệu lưu trữ; chỉnh lý tài liệu hồ sơ lưu trữ; nhập dữ liệu, xây dựng công cụ tra tìm hồ sơ tài liệu lưu trữ; sưu tầm bổ sung hồ sơ tài liệu lưu trữ; xử lý kỹ thuật hồ sơ tài liệu lưu trữ; kiểm kê tài liệu lưu trữ; lựa chọn để công bố, giới thiệu hồ sơ tài liệu lưu trữ; kiểm kê, lựa chọn, bảo quản xử lý kỹ thuật tài liệu lưu trữ ở các kho lưu trữ hiện hành.
b) Mức 2 bằng 15.000 đồng, áp dụng cho một ca hoặc một ngày làm việc thực tế đối với các công việc: tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ; vận hành, bảo quản, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật trong kho lưu trữ; xử lý tài liệu phim, ảnh ghi âm lưu trữ trong buồng kín; vệ sinh tài liệu, giá tủ để tài liệu, nền tường kho lưu trữ.
c) Mức 3 bằng 20.000 đồng, áp dụng cho một ca hoặc một ngày làm việc thực tế đối với công việc khử trùng tài liệu lưu trữ.
2. Cách tính
a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính bằng cách chấm công làm thực tế trong kho lưu trữ hoặc tiếp xúc với tài liệu lưu trữ. Nếu làm việc từ 50% thời gian trở lên của ngày làm việc thì được hưởng toàn bộ định suất; nếu làm việc dưới 50% thời gian của ngày làm việc thì được hưởng 1/2 định suất.
b) Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện và vệ sinh. Không được trả bằng tiền và thực hiện theo quy trình: lịch công tác, hàng tháng lập bảng kê chi tiết số ngày thực tế trực tiếp tham gia bằng cách chấm công (ngày/giờ/công) và có xác nhận của cán bộ quản lý trực tiếp.
c) Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được trả theo tháng và không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Điều 4. Nguồn kinh phí và việc thanh, quyết toán chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật
1. Nguồn kinh phí
a) Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật chi trả từ nguồn kinh phí khoán được giao hàng năm của đơn vị.
b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo một phần kinh phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ của đơn vị.
c) Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, việc chi trả chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
d) Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng các học sinh, sinh viên thực tập hoặc học nghề, thử việc thuộc cơ quan nào sử dụng lao động thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả chế độ.
2. Thanh, quyết toán
Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán nguồn kinh phí chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có sử dụng người làm công tác lưu trữ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm xét duyệt danh sách hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật để chi trả theo Quy định này.
2. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về UBND tỉnh Nghệ An (qua Sở Nội vụ) để xem xét, điều chỉnh./.
Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ban hành Ban hành: 30/05/2012 | Cập nhật: 07/06/2012
Quyết định 72/2008/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 234/2005/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước Ban hành: 30/05/2008 | Cập nhật: 02/06/2008
Quyết định 234/2005/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước Ban hành: 26/09/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Thông tư 07/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức Ban hành: 05/01/2005 | Cập nhật: 04/05/2011
Quyết định 35/2001/QĐ-UBND giải quyết chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức làm công tác lưu trữ Ban hành: 25/04/2001 | Cập nhật: 31/03/2014