Quyết định 12/2007/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Số hiệu: | 12/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Võ Văn Một |
Ngày ban hành: | 05/02/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2007/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29/11/2005;
Căn cứ kết quả cuộc họp liên tịch Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND tỉnh ghi tại Thông báo số 8021/TB-UBND ngày 21/11/2006 của UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của UBND tỉnh)
Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với cải cách hành chính Nhà nước nên đã thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực.
Các Sở, ban, ngành, các địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của ngành, địa phương và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động chống tham nhũng, đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện Đảng viên, cán bộ, công chức gắn với tuyên truyền đấu tranh chống tham nhũng nên đã từng bước phát huy được sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác này. Các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở; công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo nhất là về các hành vi tiêu cực, tham nhũng được chú trọng, các phản ánh của công luận, báo chí được nhanh chóng xác minh, kết luận giải quyết đúng quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra luôn gắn liền với việc phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng nên đã chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực tham nhũng.
Các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát huy được sức mạnh truyền thông trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, vận động thực hành tiết kiệm chống lãng phí qua đó góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ có biểu hiện tiêu cực tham nhũng được dư luận hoan nghênh, ủng hộ.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số mặt hạn chế cần khắc phục như:
- Việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nhất là quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản còn có những mặt yếu kém, sơ hở.
- Ban Chỉ đạo thực hiện công tác này của một số Sở, ban, ngành, địa phương tuy được kiện toàn, củng cố nhưng hoạt động có lúc chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân chưa được kịp thời và sâu rộng (vùng sâu, vùng xa) nên phần nào chưa thực sự phát huy hết sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng.
- Vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của các Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế; nên hiệu quả giám sát phát hiện tiêu cực, tham nhũng còn thấp.
- Số vụ tham nhũng phát hiện ít, chưa phản ảnh đúng tình hình thực tế đang diễn ra hiện nay, tài sản thất thoát, bị chiếm dụng khá lớn nhưng kết quả thu hồi đạt thấp.
- Kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra nhìn chung còn chậm so với quy định của pháp luật về thanh tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị của một số đơn vị chưa nghiêm.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, song chủ yếu là:
+ Công tác quản lý cán bộ, quản lý kinh tế - tài chính của một số cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, sơ hở, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các đơn vị cấp dưới trong quản lý Nhà nước hiệu quả không cao, những bất cập về chính sách ít được quan tâm kiến nghị sửa đổi, dẫn đến một số cán bộ lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản, tiền của Nhà nước.
+ Công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, Đảng viên chưa được coi trọng đúng mức. Một số cán bộ, Đảng viên thiếu rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, tha hóa biến chất, cố tình vi phạm pháp luật để mưu lợi cá nhân nhưng không được kịp thời phát hiện. Những sai phạm được phát hiện qua thanh tra, điều tra xử lý đôi lúc chưa kịp thời, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở cá nhân trực tiếp sai phạm mà chưa xử lý cá nhân, tổ chức và cơ quan có trách nhiệm cấp trên thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới sai phạm.
+ Trình độ đội ngũ cán bộ của các cấp, nhất là cấp cơ sở hiện nay còn yếu và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Ở một số nơi có biểu hiện thiếu dân chủ trong việc quản lý kinh tế - xã hội, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội chưa được phát huy đúng mức. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định về quản lý kinh tế, tài chính, đất đai... còn hạn chế, đó cũng là sơ hở để những người thoái hóa biến chất lợi dụng vòi vĩnh, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của nhân dân.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, thiếu sót, thực hiện nghiêm và đạt hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng; UBND tỉnh đề ra Chương trình hành động cụ thể như sau:
1. Mục tiêu
- Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ công chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác phòng, chống tham nhũng.
- Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức thành viên phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, làm nền tảng quan trọng phát hiện và đẩy lùi tình trạng tham nhũng.
- Định hướng cho các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Yêu cầu
- Triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình hành động của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
- Triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức hành động của các cấp, các ngành trong tỉnh đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
1. Tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng
a) Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức quần chúng có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của UBND tỉnh đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến trong phòng, chống tham nhũng.
b) Sở Tư pháp phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai, có kế hoạch hướng dẫn triển khai các đợt học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng trong cán bộ công chức, viên chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức thích hợp và có hiệu quả. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những gương người tốt trong việc tố cáo, phát hiện các hành vi tham nhũng, đồng thời thông báo kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; đồng thời với việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi bao che cho tội phạm.
c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tổ chức học tập, phổ biến nội dung cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư.
2. Ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Căn cứ vào nội dung Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm có liên quan đến các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, để có kế hoạch ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, ban hành mới; đề xuất, kiến nghị loại bỏ các quy định không phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, cụ thể là:
a) Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; về kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
b) Sở Nội vụ chủ trì soạn thảo văn bản chỉ đạo thực hiện nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức; về thời hạn cán bộ, công chức, viên chức được phép kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ.
c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh soạn thảo văn bản chỉ đạo thực hiện đề án của Chính phủ về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ ban hành. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức chính trị, xã hội do Bộ Nội vụ ban hành. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan có văn bản chỉ đạo các tổ chức, xã hội, nghề nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, thành viên của mình theo quy định của pháp luật.
d) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế của Chính phủ quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức.
đ) Các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách Nhà nước căn cứ thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định cụ thể về công khai, minh bạch trên từng lĩnh vực; về quan hệ, phối hợp trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng; về quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; về những việc phải làm, không được làm; về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
3. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách và công khai
a) Các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực cơ quan, đơn vị mình quản lý; đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ những nội dung, quy định không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, chồng chéo, tạo điều kiện quan liêu, nhũng nhiễu, gây khó khăn, mất thời gian của nhân dân và doanh nghiệp.
b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy trình làm việc, công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cho phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể và trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Trước hết tập trung vào các lĩnh vực sau: Quản lý nhà đất; xây dựng cơ bản; cấp giấy chứng nhận đầu tư; xét duyệt dự án, cấp vốn vay ngân sách, tín dụng ngân hàng, xuất nhập khẩu, quản lý tài chính và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; xuất cảnh, nhập cảnh; quản lý hộ khẩu; thuế, hải quan; bảo hiểm. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện yêu cầu này.
4. Phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng
a) UBND cấp huyện, cấp xã, các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp và công dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên yêu cầu.
b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm làm rõ, trả lời cơ quan báo chí đối với các nội dung đăng, phát tin về tham nhũng liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình; có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, đề nghị của cơ quan báo chí về nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Xây dựng quy định cụ thể trong việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với người có công; tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và quy chế giám sát cộng đồng. Đối với những dự án đầu tư xây dựng tại các địa phương phải thực hiện theo quy chế giám sát đầu tư tại cộng đồng.
c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, tổ chức thành viên và các ngành liên quan phát động thành phong trào toàn dân phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết 03 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị. Chính quyền các cấp có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức thành viên hoạt động.
5. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng
a) Thanh tra tỉnh nghiên cứu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội năm 2007 cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực cho lực lượng tham gia phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng đã phát hiện, đồng thời cùng các Sở, ban, ngành, địa phương, tập trung thanh tra 4 lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư xây dựng cơ bản (chú ý thanh tra ngân sách đầu tư xã hội hóa giao thông nông thôn), quản lý sử dụng đất đai (chú ý việc quản lý và sử dụng đất công của các đơn vị nông, lâm trường, quân đội, công an), quản lý thu chi ngân sách và quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm được dư luận quan tâm, thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất tái định cư. Đặc biệt tập trung thanh tra các chương trình, dự án dư luận bức xúc và các doanh nghiệp lớn có dấu hiệu tiêu cực, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận sau thanh tra; kiểm tra, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và kết quả xử lý.
b) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, công vụ ở một số lĩnh vực: Quản lý nhà đất; cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan; đăng kiểm; đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy phép lái xe cơ giới; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.
c) UBND cấp huyện, cấp xã, các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng tồn đọng và phát sinh; xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là bất kỳ ai, đang đương chức, chuyển công tác hay đã nghỉ hưu.
d) Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan thành lập một số đoàn liên ngành trực tiếp kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo ở địa phương, nhất là ở những địa phương có nhiều đơn, thư vượt cấp, khiếu nại đông người; kiểm tra việc giải quyết các đơn, thư tố cáo hành vi tham nhũng.
đ) Công an tỉnh phải có chương trình, kế hoạch cụ thể để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xác định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; thông qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tìm ra những nguyên nhân, điều kiện, những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội dễ bị lợi dụng tham nhũng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, loại trừ tham nhũng; phát động phong trào quần chúng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để sớm phát hiện tội phạm tham nhũng tại cơ sở; xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để tham nhũng.
1. Căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình công tác hàng năm của UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động của Sở, ban, ngành, địa phương mình. Kế hoạch phải cụ thể thời hạn và phân công người chịu trách nhiệm từng lĩnh vực, hàng quý báo cáo kiểm tra tình hình thực hiện lên Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và UBND các huyện hàng quý, 6 tháng, 01 năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Chương trình này, đồng thời gửi Chánh Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện chương trình này./.