Quyết định 1198/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giai đoạn 2011 - 2015
Số hiệu: 1198/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Triệu Đức Lân
Ngày ban hành: 06/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1198/QĐ UBND

Bắc Kạn, ngày 06 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MÔ HÌNH CAN THIỆP LÀM GIẢM TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ KẾT HÔN CẬN HUYẾT THỐNG GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2688/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011;

Căn cứ Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 18/3/2011 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu vốn trái phiếu Chính phủ và dự toán chi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011;

Thực hiện Công văn số: 833/BYT-TCDS ngày 18/02/2011 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 708/TTr-SYT ngày 04/7/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống góp phần nâng cao chất lượng dân số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2015 do Sở Y tế xây dựng, với các nội dung chính như sau:

1. Tên mô hình: Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống góp phần nâng cao chất lượng dân số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015.

2. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

3. Cơ quan quản lý: Sở Y tế Bắc Kạn.

4. Đơn vị thực hiện: Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bắc Kạn.

5. Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị tham gia Ban Quản lý Mô hình tỉnh và các cơ quan có liên quan.

6. Mục tiêu của Mô hình:

6.1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng và triển khai thí điểm Mô hình làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại một số huyện, xã, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

6.2. Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Tăng cường sự cam kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín tại địa bàn triển khai Mô hình trong việc tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và tham gia thực hiện các hoạt động của Mô hình.

Mục tiêu 2: Tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng về các nội dung chính: Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; tầm quan trọng và các nội dung về chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ; hậu quả tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; quyền, trách nhiệm và lợi ích trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ...

Mục tiêu 3: Xây dựng và tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm làm giảm tỷ lệ các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết tại địa bàn triển khai mô hình.

7. Địa bàn triển khai

- Huyện Ba Bể: Xã Phúc Lộc, xã Hà Hiệu, xã Bành Trạch.

- Huyện Pác Nặm: Xã Nghiên Loan, xã An Thắng, xã Xuân La.

8. Các hoạt động chính:

Hoạt động 1: Đánh giá thực trạng tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn triển khai Mô hình; xác định chỉ báo đầu vào.

Hoạt động 2: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hoạt động 3: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề để cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động đối với nhóm đối tượng mô hình 1 và 2.

Hoạt động 4: Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, vận động, chuyển đổi hành vi.

Hoạt động 5: Tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã.

Hoạt động 6: Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động của mô hình với các hoạt động văn hoá, xã hội thường xuyên như lễ hội tại cộng đồng, các cuộc hội họp của chính quyền, đoàn thể.

Hoạt động 7: Tổ chức đưa các qui định của Luật Hôn nhân và Gia đình và nội dung chăm sóc SKSS/bà mẹ trẻ em v.v... vào hương ước, quy ước bản làng, tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

Hoạt động 8: Thành lập các điểm truyền thông, tư vấn (ưu tiên thí điểm tại một số trường nội trú của tỉnh).

Hoạt động 9: Thành lập và tổ chức các nhóm sinh hoạt (ưu tiên thí điểm tại một số trường nội trú của tỉnh).

Hoạt động 10: Xây dựng đội ngũ nhân viên thường trực, cộng tác viên tình nguyện.

Hoạt động 11: Hỗ trợ hoạt động Tư pháp cho UBND xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn.

Hoạt động 12: Hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thành niên, sức khoẻ bà mẹ trẻ em tại xã.

Hoạt động 13: Thiết lập hệ thống sổ sách mẫu biểu ghi chép, theo dõi đối tượng, thống kê, báo cáo.

Hoạt động 14: Tập huấn, triển khai hoạt động cho cán bộ tham gia thực hiện mô hình.

Hoạt động 15: Kiểm tra, giám sát.

Hoạt động 16: Hội nghị sơ kết hàng năm, hội thảo khác.

Hoạt động 17: Tổng kết giai đoạn thử nghiệm mô hình.

9. Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 đến năm 2015.

10. Kinh phí đầu tư: Ngân sách Trung ương hỗ trợ, từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Kinh phí năm 2011 (ngân sách Trung ương cấp): 220.000.000 đồng.

Điều 2. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Dân số/KHHGĐ triển khai, thực hiện mô hình theo đúng mục tiêu, kinh phí được giao, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân