Quyết định 119/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
Số hiệu: 119/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Đỗ Hữu Nghị
Ngày ban hành: 05/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 119/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 05 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ ĐIỆN TỬ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 phê duyệt quy hoạch bưu chính Việt Nam đến năm 2010; Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến 2010; Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2006 phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông, internet Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 10/QĐ-UB ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 3338/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Ninh Thuận phê duyệt đề cương quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 62/TTr-STTTT ngày 07 tháng 4 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2010:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; đồng thời là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành trong tỉnh, là cơ sở để Nhà nước xem xét quyết định đầu tư các dự án, các công trình bưu chính, viễn thông;

- Làm cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh bưu chính, viễn thông lập kế hoạch phù hợp với quy hoạch chung của ngành và của tỉnh. Thúc đẩy phát triển và phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân;

- Xác định những mục tiêu, định hướng phát triển, đề ra các lĩnh vực, những dự án cần ưu tiên đầu tư tập trung để nhanh chóng phát huy hiệu quả, đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện thành công các dự án cấp thiết về bưu chính, viễn thông.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Về phát triển bưu chính: đến năm 2010, giảm chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân xuống mức dưới 7.000 người/điểm; bán kính phục vụ một điểm phục vụ trên toàn tỉnh dưới 3 km. Đạt 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính hoạt động;

- Phát triển viễn thông: phổ cập dịch vụ điện thoại và internet, cung cấp dịch vụ viễn thông công ích gắn với các chương trình y tế, giáo dục, khoa học, thương mại, hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí. Đến năm 2010 đảm bảo 25% dân số được sử dụng internet băng rộng;

- Về công nghệ thông tin: phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, bảo đảm cho phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và quốc phòng an ninh. Phát triển rộng rãi mạng không dây trên cơ sở bảo mật và an toàn thông tin: 100% cơ quan cấp xã được trang bị máy tính và mạng LAN. Triển khai có hiệu quả các dịch vụ cơ bản, các dịch vụ hành chính công của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, công dân điện tử. Xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin đủ mạnh đáp ứng tốt việc triển khai các ứng dụng tích hợp, quản trị an ninh hệ thống thông tin của tỉnh. Đảm bảo 100% cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức có hộp thư điện tử, có kỹ năng sử dụng thành thạo máy tính và internet để làm việc. Triển khai ứng dụng đồng bộ các phần mềm dùng chung, các chương trình hỗ trợ quản lý và điều hành tác nghiệp. Đối với doanh nghiệp: 100% doanh nghiệp và trang trại đầu tư máy tính, ứng dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp. Trên 50% doanh nghiệp có website và khoảng 20% doanh nghiệp tham gia giao dịch thương mại điện tử.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Phát triển bưu chính: hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh. Ứng dụng tin học hóa cấp bưu cục, điểm phục vụ thực hiện trong giai đoạn từ 2015 đến 2020. Tập trung triển khai và phát triển các dịch vụ mới tới nhiều đối tượng khách hàng. Công nghệ tự động hoá sẽ có các thiết bị chấp nhận và phát bưu phẩm, bưu kiện tự động đặt tại các nơi công cộng, hoạt động liên tục 24/24.

2. Phát triển viễn thông: đầu tư đồng bộ thiết bị hiện đại để nâng tốc độ truy nhập nhanh, dung lượng lớn, đáp ứng yêu cầu băng thông các dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và truyền hình. Cáp quang hoá từ chuyển mạch đến thuê bao. Truy nhập quang và vô tuyến. Phát triển mạng theo thế hệ tích hợp đa dịch vụ công nghệ IP.

3. Phát triển công nghệ thông tin: đầu tư hạ tầng hiện đại đồng bộ với nguồn nhân lực và các ứng dụng phần mềm để phổ cập chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, giáo dục điện tử, y tế điện tử. Bảo đảm đáp ứng thực hiện 100% dịch vụ công cơ bản trên mạng ở mức độ IV.

Phấn đấu công nghiệp công nghệ thông tin phát triển và trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tỷ trọng nhất định trong cơ cấu GDP của tỉnh.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về nhân lực: quy hoạch tốt nguồn nhân lực để có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành thông tin và truyền thông thông qua các kênh: đào tạo tại chỗ, đào tạo trong ngoài nước. Định hướng, tạo cơ chế và biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi cho doanh nghiệp. Tạo môi trường làm việc tốt để phát huy năng lực của giới trẻ.

2. Về vốn đầu tư: đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn của xã hội và của doanh nghiệp. Đối với vốn ngân sách, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư, cơ chế khuyến khích việc đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan Nhà nước.

3. Về phát triển thị trường:

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát, phát hành báo chí, mở rộng mạng lưới phục vụ;

- Nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người dân;

- Đảm bảo tốc độ, chỉ tiêu thời gian theo yêu cầu của khách hàng;

- Hiện đại hoá nơi giao dịch, cải tiến quy trình khai thác phục vụ, chăm sóc khách hàng.

4. Về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ:

- Thực hiện đầu tư công nghệ hiện đại theo chiến lược đi tắt đón đầu;

- Xây dựng cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh;

- Ứng dụng chữ ký điện tử, thanh toán điện tử, phát triển thương mại điện tử;

- Ứng dụng các giải pháp về bảo mật thông tin trên đường truyền và cơ sở dữ liệu;

- Hỗ trợ tài chính cho các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Điều 2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị