Quyết định 1158/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” của Sở Thương mại Ninh Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành
Số hiệu: 1158/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Nguyễn Tiến Thành
Ngày ban hành: 23/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1158/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 23 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” CỦA SỞ THƯƠNG MẠI NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Bình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” của Sở Thương mại, bao gồm:

- Quy chế Tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Thương mại (có bản chi tiết kèm theo).

- Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tại Sở Thương mại (có bản chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giám đốc Sở Thương mại có trách nhiệm triển khai, thực hiện nội dung đã được phê duyệt tại Điều 1, Quyết định này. Trong quá trình thực hiện có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thương mại, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu VT-VP7

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Thành

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ THUỘC SỞ THƯƠNG MẠI NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thương mại và những yêu cầu để thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Điều 2. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Thương mại có nhiệm vụ tiếp, hướng dẫn tổ chức, công dân đến liên hệ về những công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của Sở Thương mại, nhận hồ sơ đã đủ thủ tục theo quy định, viết giấy nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, công dân.

Điều 3. Tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết những công việc thuộc quy định tại Điều 7 Quy chế này chỉ liên hệ với công chức phụ trách lĩnh vực công việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, công dân hoàn chỉnh những hồ sơ thuộc lĩnh vực phụ trách nhưng chưa đầy đủ theo quy định và chỉ tiếp nhận những hồ sơ đầy đủ thủ tục theo quy định.

Công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chỉ tiếp nhận hồ sơ và tiếp tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết công việc tại phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Chương 2.

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ

Điều 4. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Thương mại trực thuộc Văn phòng Sở;

Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Giám đốc Sở.

Điều 5. Nhiệm vụ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

1. Tiếp tổ chức, công dân tại phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khi tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết công việc trong phạm vi thẩm quyền của Sở;

2. Hướng dẫn tổ chức, công dân hoàn tất các thủ tục hành chính, giấy tờ, biểu mẫu theo quy định. Việc hướng dẫn này được thực hiện theo nguyên tắc một lần, đầy đủ, theo đúng quy định đã niêm yết công khai;

3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định thì tiếp nhận, viết phiếu hẹn trả kết quả vào sổ theo dõi

- Trường hợp hồ sơ chưa hoàn chỉnh thì hướng dẫn để tổ chức, công dân bổ sung, hoàn chỉnh;

- Trường hợp hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thì hướng dẫn để tổ chức, công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;

4. Xử lý hồ sơ của tổ chức, công dân theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình;

Trường hợp hồ sơ của tổ chức, công dân có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các công chức khác trong Sở, công chức phụ trách hồ sơ chủ động phối hợp với các công chức khác cùng xử lý hồ sơ, sau đó trình lãnh đạo Sở giải quyết;

5. Nhận lại kết quả đã giải quyết, trả lại cho tổ chức, công dân, thu phí, lệ phí theo quy định (nếu có).

Điều 6. Trách nhiệm của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các công chức khác thuộc Sở

1. Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm:

- Giúp Giám đốc Sở: Điều hành, điều phối hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đảm bảo cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 5 Quy chế này;

- Phối hợp cùng các Phòng chuyên môn thuộc Sở triển khai thực hiện Quyết định của Giám đốc Sở về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; quy định về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa”;

- Theo dõi, tổng hợp tình hình tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ của công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, báo cáo kết quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cuộc họp giao ban hàng tuần.

2. Phụ trách công tác văn thư, lưu trữ có trách nhiệm:

- Căn cứ lịch trực, thông báo cho công chức các phòng chuyên môn tiếp nhận hồ sơ, công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách (quy định tại Điều 7), vào sổ tiếp nhận hồ sơ khi công chức chuyên môn tiếp nhận hồ sơ.

- Nhận lại hồ sơ kết quả đã giải quyết từ công chức chuyên môn, trả kết quả đã giải quyết cho tổ chức, công dân.

3. Công chức chuyên môn có trách nhiệm:

- Thực hiện các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực chuyên môn theo quy định tại Điều 7 Quy chế này;

- Hướng dẫn, tiếp công dân, tổ chức đến liên hệ về những công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền giải quyết;

- Xử lý, trình lãnh đạo Sở giải quyết các hồ sơ thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyển hồ sơ đã giải quyết cho công chức văn thư để trả kết quả cho tổ chức, công dân;

- Phối hợp với các bộ phận chuyên môn, các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết các công việc có liên quan đến các bộ phận, cơ quan, đơn vị đó.

4. Công chức khác thuộc Sở có trách nhiệm:

Phối hợp chặt chẽ với công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trong quá trình xử lý các công việc có liên quan, đảm bảo đúng thời gian quy định.

Chương 3.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 7. Công việc thuộc các lĩnh vực sau đây được giải quyết theo cơ chế “một cửa” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

1. Phòng Quản lý thương mại:

- Cấp giấy chứng nhận kinh doanh khí đốt hóa lỏng;

- Cấp giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu;

- Cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá điếu;

- Cấp giấy phép kinh doanh rượu (trên 30 độ cồn);

- Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại tỉnh Ninh Bình;

- Cấp giấy phép nhượng quyền thương mại;

- Cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp;

- Đăng ký tổ chức khuyến mại.

2. Phòng kế hoạch thống kê: Thẩm định điều kiện, năng lực sản xuất kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu.

3. Trung tâm thông tin xúc tiến thương mại: Lập kế hoạch xúc tiến thương mại tháng, quý, năm.

4. Thanh tra Sở: Giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 8. Lịch làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhận hồ sơ và giải quyết công việc của tổ chức, công dân quy định tại điều 7 Quy chế này vào tất cả các ngày làm việc trong tuần, trừ sáng thứ hai và chiều thứ sáu.

- Đối với lĩnh vực Thanh tra (giải quyết khiếu nại, tố cáo) làm việc vào tất cả các ngày trong tuần trừ sáng thứ hai và chiều thứ sáu.

Chương 4.

QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ HÀNH CHÍNH GIẢI QUYẾT THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA”

Điều 9. Các quy định về thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế “một cửa” được niêm yết công khai tại phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Điều 10. Quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết và giao trả hồ sơ như sau:

1. Tiếp nhận hồ sơ

Khi tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, công dân, công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm kiểm tra kỹ các loại giấy tờ cần thiết của từng loại hồ sơ, hướng dẫn cho tổ chức, công dân kê khai, bổ sung (nếu thiếu).

Sau khi kiểm tra, nếu hồ sơ đã đúng nội dung và đủ số lượng các loại giấy tờ theo quy định thì công chức nhận hồ sơ và viết phiếu hẹn.

2. Xử lý, giải quyết hồ sơ

- Công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả căn cứ vào lĩnh vực chuyên môn đã được phân công thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trực tiếp xử lý hồ sơ, trình ký, và chuyển lại cho công chức văn thư để trả lại cho tổ chức, công dân theo quy định.

- Trường hợp việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ phận chuyên môn, công chức phụ trách hồ sơ chuyển hồ sơ cho các bộ phận chuyên môn để giải quyết và hoàn thành các thủ tục cần thiết theo đúng thời gian quy định.

- Trường hợp việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc các quy định tại Điều 7 Quy chế này, công chức hướng dẫn tổ chức, công dân liên hệ với công chức, bộ phận chuyên môn có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Thẩm quyền ký giải quyết hồ sơ

- Đối với những loại hồ sơ theo Quy chế làm việc quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc, thì Giám đốc giải quyết, sau đó chuyển lại cho công chức phụ trách hồ sơ.

- Đối với những loại hồ sơ theo Quy chế làm việc của Sở quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Phó Giám đốc Sở thì Phó Giám đốc giải quyết, sau đó chuyển lại cho công chức phụ trách hồ sơ.

4. Trả hồ sơ

Khi nhận hồ sơ đã được Lãnh đạo Sở giải quyết, công chức chuyên môn phụ trách hồ sơ chuyển hồ sơ cho công chức văn thư để đóng dấu, vào sổ theo dõi, sau đó trả kết quả hoặc thông báo kết quả đã giải quyết cho tổ chức, công dân theo phiếu hẹn.

Điều 11. Trường hợp không thể giải quyết hồ sơ theo đúng thời gian quy định như đã hẹn, thì công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm giải thích cho tổ chức, công dân biết lý do và phải viết phiếu hẹn lần 2 trong phiếu ghi rõ lý do viết phiếu và thời gian trả kết quả.

(Lưu ý: thực hiện nguyên tắc 1 lần, trường hợp không đúng hẹn lần đầu thì chỉ diễn ra 1 lần tiếp theo).

Chương 5.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các công chức khác thuộc Sở làm trái quy định của pháp luật và Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, công dân trong quá trình yêu cầu giải quyết công việc phải chấp hành các quy định của cơ quan hành chính nhà nước về việc bảo đảm trật tự, an ninh, thực hiện theo đúng quy định của Quy chế này và các văn bản pháp luật khác. Nếu phát hiện thấy những dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân của công chức của Sở, cần thông báo ngay với Giám đốc Sở hoặc cấp có thẩm quyền để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức thuộc Sở tổ chức thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc hoặc cần góp ý bổ sung, điều chỉnh thì báo cáo Giám đốc Sở xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

QUY ĐỊNH

VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ THƯƠNG MẠI NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tại Sở Thương mại được quy định như sau:

1. Tổ chức, công dân nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Thương mại nhận giải quyết hồ sơ thuộc các lĩnh vực.

3. Những hồ sơ không thuộc các lĩnh vực được quy định tại Chương II Quy định này mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thương mại thì tổ chức, công dân liên hệ trực tiếp với công chức, bộ phận chuyên môn có liên quan thuộc Sở Thương mại để giải quyết.

4. Những hồ sơ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thương mại, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để tổ chức, công dân biết liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 2. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho tổ chức, công dân thực hiện đúng các quy định về hồ sơ liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Sở Thương mại.

Chương 2.

CÁC LĨNH VỰC THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA”

Điều 3. Lĩnh vực quản lý thương mại

I. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU

1. Hồ sơ tiếp nhận để thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu gồm có các bản sao phải được thị thực.

- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp).

- Bản sao giấy xác nhận môi trường (Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp).

- Bản sao cấp giấy phép xây dựng: bản sao văn bản chấp thuận của UBND huyện, thị, thành phố chấp thuận cho mở điểm kinh doanh.

- Hồ sơ thiết kế cửa hàng xăng dầu (cơ quan tư vấn thiết kế) và bản sao biên bản hoàn công công trình (cơ quan cấp phép xây dựng cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (Phòng Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy tỉnh cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận Công nhân Kỹ thuật xăng dầu (do các trường đào tạo chuyên ngành cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận kiểm định cột bơm (Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh cấp).

- Giấy chứng nhận sức khỏe của người kinh doanh (cơ quan y tế huyện, thị, thành phố trở lên cấp).

Riêng đối với các điểm kinh doanh trên tàu, thuyền cần phải có thêm:

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện kỹ thuật thủy nội địa (Sở Giao thông vận tải cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận an toàn phương tiện kỹ thuật thủy nội địa (Chi nhánh Đăng kiểm tỉnh cấp).

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Quy định tại Thông tư số 72/TT/LB ngày 08/11/1996 của liên Bộ: Tài chính - Thương mại, cụ thể:

(Đơn vị tính: đồng/giấy)

Đối tượng

Thành phố, thị xã

Tại huyện

Phí thẩm tra

Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Phí thẩm tra

Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Doanh nghiệp

300.000

50.000

150.000

25.000

Hộ Tư thương

100.000

50.000

50.000

25.000

II. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH GAS.

1. Hồ sơ tiếp nhận để thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng gồm có các bản sao phải được thị thực.

- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (do cơ quan có thẩm quyền cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (Phòng Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy tỉnh cấp).

- Bản sao giấy chứng nhận học lớp nghiệp vụ kinh doanh gas (do các trường đào tạo chuyên ngành cấp).

- Giấy chứng nhận sức khỏe của người kinh doanh (do cơ quan y tế huyện, thị, thành phố trở lên cấp).

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Như mức thu cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu.

III. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH THUỐC LÁ

1. Hồ sơ tiếp nhận để thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá gồm có các bản sao phải được thị thực.

a) Trường hợp giấy phép bán lẻ, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

b) Trường hợp giấy phép đại lý được mua thuốc lá của các nhà máy sản xuất thuốc lá, chỉ kinh doanh thuốc lá trong phạm vi 01 tỉnh, thành phố gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá trong đó ghi rõ nơi mua, nơi bán thuốc lá, kèm theo đề nghị của nhà máy về địa bàn Doanh nghiệp phân phối thuốc lá cho nhà máy.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Bản kê địa chỉ các điểm kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc lá thuộc doanh nghiệp.

- Phương án kinh doanh thuốc lá và tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường phòng cháy chữa cháy.

2. Thời gian thẩm định và cấp: 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Như mức thu cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu.

IV. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH RƯỢU

1. Hồ sơ tiếp nhận để thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh rượu gồm có các bản sao phải được thị thực:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh rượu.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Các tài liệu về địa điểm kinh doanh rượu và việc đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Bản kê các loại rượu kinh doanh và nguồn mua các loại rượu đó.

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Như mức thu cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu.

V. CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm có các bản sao phải được thị thực.

- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại.

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư.

- Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.

- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Hiện nay chưa thực hiện.

VI. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

1. Hồ sơ tiếp nhận để cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.

- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận. Trong trường hợp giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm.

- Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác với giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.

- Bản sao điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế.

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Lệ phí: Quy định tại Thông tư số 73/TT-BTC của Bộ Tài chính là 1.000.000 đồng/giấy (một triệu đồng).

VII. CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ TỔ CHỨC BÁN HÀNG ĐA CẤP

1. Hồ sơ đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp bao gồm có các bản sao phải được thị thực.

- Đơn đề nghị cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp theo mẫu của Bộ Thương mại.

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Văn bản xác nhận của ngân hàng về số tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ.

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong trường hợp kinh doanh hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện.

- Danh sách và lý lịch của những người đứng đầu doanh nghiệp có ảnh và xác nhận của công an xã, phường nơi cư trú. Đối với người nước ngoài, phải có xác nhận của Đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự tại Việt Nam của nước người đó mang quốc tịch.

- Chương trình bán hàng có các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

- Chương trình đào tạo người tham gia có các nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Thời gian thẩm định và cấp: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Phí và lệ phí: Theo Quyết định số 92/2005/QĐ-BTC ngày 9 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cụ thể:

- Cấp mới: 300.000 đồng/giấy;

- Cấp bổ sung: 200.000 đồng/giấy;

- Cấp lại: 100.000 đồng/giấy;

VIII. HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ XÁC NHẬN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MẠI

1. Đối với hình thức khuyến mại theo Điều 12 của Nghị định 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ “Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi”, hồ sơ gồm có các bản sao phải được thị thực.

- Văn bản đề nghị thực hiện chương trình khuyến mại.

- Thể lệ chi tiết chương trình khuyến mại.

- Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình có phát hành vé số dự thưởng.

- Hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại.

- Mẫu bằng chứng trúng thưởng hoặc mẫu phiếu dự thưởng (nếu có).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu tổ chức lần đầu).

- Bản sao Giấy xác nhận chất lượng của hàng hóa khuyến mại, hàng hóa dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Giấy ủy quyền làm dịch vụ khuyến mại (nếu công ty thực hiện khuyến mại thuê một đơn vị thứ 3 làm dịch vụ khuyến mại).

- Báo cáo kết quả và xác nhận thực hiện đợt khuyến mại gần nhất (nếu có).

2. Điều chỉnh nội dung chương trình khuyến mại, thương nhân phải nộp hồ sơ điều chỉnh gồm:

- Văn bản đề nghị.

- Bản sao xác nhận chương trình khuyến mại lần đầu.

3. Đối với hình thức khuyến mại theo các Điều 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ gồm:

- Thông báo thực hiện chương trình khuyến mại.

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu tổ chức khuyến mại lần đầu).

- Bản sao Giấy xác nhận chất lượng của hàng hóa khuyến mại, hàng hóa dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Báo cáo kết quả thực hiện đợt khuyến mại gần nhất (nếu có).

4. Thời gian giải quyết là: 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

* Lưu ý:

- Thương nhân đăng ký tổ chức khuyến mại chậm nhất 7 ngày trước ngày dự kiến bắt đầu tổ chức khuyến mại.

- Thương nhân phải thông báo công khai kết quả nhận thưởng trên ít nhất 1 phương tiện thông tin đại chúng nơi tổ chức chương trình khuyến mại và tại các địa điểm bán hàng thuộc chương trình khuyến mại.

Điều 4. Lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân

1. Thủ tục tiếp nhận đơn thư

- Trường hợp tổ chức, công dân đến phản ánh thông qua đơn thư:

Bộ phận “một cửa” có nhiệm vụ tiếp nhận đơn thư, chuyển về Thanh tra Sở để vào sổ theo dõi. Thanh tra Sở có trách nhiệm xem xét, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Sở về quy trình và hướng giải quyết.

- Trường hợp tổ chức, công dân đến phản ánh trực tiếp:

Bộ phận “một cửa” có trách nhiệm hướng dẫn công dân, tổ chức làm việc trực tiếp với Thanh tra Sở.

2. Về thời gian giải quyết đơn thư

Thanh tra Sở có trách nhiệm phân loại đối với từng đơn thư, xem xét giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Cụ thể:

- Đối với đơn khiếu nại:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Thanh tra Sở tiến hành thụ lý để giải quyết khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, công dân (sau đây gọi là người khiếu nại) biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.

- Đối với các khiếu nại đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, nhưng người khiếu nại không nhất trí tiếp tục khiếu nại thì thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

+ Đối với các khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết: Trong thời hạn 10 ngày, Thanh tra Sở chuyển đơn đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo và chỉ dẫn cho người khiếu nại biết để liên hệ giải quyết.

+ Đối với các khiếu nại đã hết thời hiệu giải quyết, việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết cuối cùng, đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án. Thanh tra Sở không xem xét, giải quyết nhưng phải thông báo cho người khiếu nại biết về lý do không giải quyết.

- Đối với đơn tố cáo:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Thanh tra Sở tiến hành thụ lý để giải quyết.

- Thời hạn giải quyết: không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết: đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết.

Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì làm thủ tục chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo nếu có yêu cầu./.