Quyết định 1144/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 1144/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Nguyễn Ngọc Thạch
Ngày ban hành: 06/09/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1144/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 06 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 1266/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 793/TTr-SXD ngày 11/7/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm những nội dung sau:

I.Tên Quy hoạch:

Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. Phạm vi và đối tượng quy hoạch

1. Phạm vi quy hoạch là toàn bộ phạm vi Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014, gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp, xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan.

b) Đối tượng lập quy hoạch: Cây xanh công viên đô thị, cây xanh đường phố (đường chính đô thị), cây xanh ven sông hồ, mặt nước.

III. Mục tiêu quy hoạch

1. Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

2. Đến năm 2030 đảm bảo cho đô thị Ninh Bình đạt các chỉ tiêu về cây xanh đô thị loại I theo quy định.

3. Quy hoạch xây dựng hệ thống cây xanh đô thị tạo cảnh quan sạch đẹp, tạo hình ảnh đặc trưng cho đô thị Ninh Bình và từng khu vực trong đô thị, tăng độ che phủ bảo vệ và cải tạo môi trường đô thị, giao thông đô thị.

4. Quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cây xanh để đô thị Ninh Bình phát triển ổn định, bền vững và trở thành một đô thị văn minh, thân thiện, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.

5. Định hướng phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình theo các giai đoạn làm cơ sở cho cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu, phát triển hệ thống không gian xanh mới gắn với các tiềm năng thế mạnh hiện có của đô thị để tạo nên hệ thống cây xanh mang bản sắc đặc trưng riêng.

6. Làm cơ sở pháp lý cho công tác cải tạo chỉnh trang đô thị, thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch gắn với phát triển cây xanh đô thị.

IV. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính

1. Chỉ tiêu về quy hoạch đến năm 2030

- Diện tích tự nhiên đô thị Ninh Bình: 21.052 ha.

- Dân số đô thị Ninh Bình dự báo đến năm 2030: 400.000 người.

- Chỉ tiêu cây xanh công viên đô thị 15 m2/người.

- Chỉ tiêu cây xanh công viên, vườn hoa đơn vị ở: 4,75 m2/người.

- Chỉ tiêu cây xanh đường phố: 2,0 m2/người.

2. Tiêu chí lựa chọn chủng loại cây

a) Cây phải có thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt, không già, không dễ gãy bất thường gây tai nạn; có tán, cành lá gọn; bộ rễ là rễ cọc ăn sâu trong đất, vững chắc và không ăn nổi trên mặt đất gây hư hại vỉa hè và công trình liền kề.

b) Cây trồng trên đường phố: Phải có chiều cao tối thiểu 5m, đường kính thân tối thiểu 10cm; có sức đề kháng cao, thích nghi với khí hậu địa phương (danh mục định hướng các loại cây phù hợp theo Phụ lục kèm theo).

V. Định hướng quy hoạch hệ thống khu cây xanh, công viên, vườn hoa, quảng trường

1. Quan điểm phát triển

a) Hệ thống khu cây xanh, công viên, vườn hoa, quảng trường được tổ chức theo tầng bậc gồm cấp vùng, cấp tỉnh, cấp đô thị và cấp đơn vị ở, được kết nối bởi hệ thống cây xanh đường phố, cây xanh ven các tuyến sông hồ, mặt nước, tạo nên mạng lưới không gian xanh công cộng, hướng đến xây dựng đô thị du lịch và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, mang đặc trưng riêng cho đô thị Ninh Bình.

b) Phát triển đô thị Ninh Bình theo mô hình thành phố vườn, mạng lưới cây xanh được thực hiện đến các nhóm ở, từng công trình kiến trúc cho đô thị, khuyến khích phát triển các giải pháp kiến trúc xanh, tạo không gian xanh trên tường rào, mặt đứng công trình, mái công trình. Hệ thống không gian xanh được sâu chuỗi, kết nối liên hoàn với khung không gian xanh đô thị.

c) Thực hiện kế hoạch huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển môi trường xanh cho đô thị, trồng cây xanh trên các tuyến phố, phát triển các vườn hoa công cộng và đặc biệt là bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị.

2. Đối với Quần thể danh thắng Tràng An

a) Bảo tồn và phát triển Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng phát triển hệ thống cây xanh mặt nước tự nhiên theo mô hình công viên rừng, tạo môi trường phát triển đa dạng tạo nên hệ sinh thái tự nhiên cho các loại thực vật, động vật, thủy sản, chim,...

b) Phát triển trong Quần thể danh thắng Tràng An hệ thống cây đại mộc với các chủng loại cây đa dạng, cây có giá trị, hệ thống các vườn ươm kết hợp trồng rừng tự nhiên, nhân tạo mới, đặc biệt là cây bồ đề và các cây phù hợp với tính chất tâm linh tại một số khu vực như chùa Bái Đính, đền Trần,.... Chủng loại cây và cách thức trồng cây tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An được thiết kế gắn với dự án riêng.

c) Phát triển các trục cây xanh tiếp cận, dẫn dắt từ khu vực đô thị Ninh Bình về phía khu vực Quần thể danh thắng Tràng An; theo các trục đường với các tuyến đi bộ, đi xe đạp, giao thông công cộng để người dân và du khách có thể tiếp cận dễ dàng đối với công viên rừng.

d) Phát triển, trồng mới, trồng lấp đầy những khu vực không sử dụng canh tác bằng những cây đại mộc; trồng mới, tạo vành đai cây xanh bao quanh các khu dân cư hiện hữu, bao quanh khu vực ranh giới Quần thể danh thắng Tràng An tạo nên vùng cách ly bằng cây xanh.

3. Đối với các khu cây xanh, công viên, quảng trường đô thị

a) Các khu cây xanh, công viên, quảng trường cấp đô thị vị trí, diện tích theo Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch phân khu được phê duyệt; các khu cây xanh, công viên, quảng trường, vườn hoa cấp khu vực theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

b) Hệ thống công viên tầng bậc từ cấp đô thị đến cấp khu vực và khu ở được xây dựng theo chủ đề để đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân và du khách như: vui chơi, giải trí đan xen các hoạt động văn hóa và dịch vụ nhỏ, đi dạo, vườn ươm,...

c) Khai thác hệ thống các núi đá vôi hiện có trong không gian đô thị, kết hợp với các yếu tố mặt nước, cây xanh, không gian công cộng tạo nên cụm không gian mở trong các khu vực phát triển đô thị, tạo nên hình ảnh đặc trưng cho đô thị Ninh Bình.

d) Xây dựng công viên, vườn hoa theo hướng tạo lập không gian công cộng, phục vụ nhu cầu tập trung đông người, lấy những không gian trống và các công năng sử dụng của chúng làm chủ, trên cơ sở đó bố trí trồng cây để hỗ trợ.

đ) Cây xanh trồng tại quảng trường, khu cây xanh sử dụng cây đại mộc, có tán rộng đảm bảo che nắng cho khu vực nhưng không gây ảnh hưởng đến đến không gian và tầm nhìn dưới mặt đất.

e) Cây xanh trồng tại công viên là sự kết hợp giữa cây đại mộc, trung mộc và tiểu mộc tạo nên quần thể không gian mở cây xanh mặt nước tiếp cận đa hướng, phục vụ cho các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao; đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của cư dân đô thị. Cây đại mộc sử dụng loài thân cao, tán rộng che nắng, cây trung mộc và tiểu mộc có hoa đẹp tạo điểm nhấn.

Về chủng loại cây: Áp dụng một số chủ đề mang tính nâng cao nhận thức cho người sử dụng (như: Cây gỗ quý, cây thuốc, cây có giá trị văn hóa,...). Ưu tiên trồng các loài cây có hoa tạo điểm về màu sắc như: Phượng vĩ, bằng lăng, giáng hương, vàng anh, osaka,... để tạo điểm nhấn cho đô thị.

Các công viên lấy sinh thái làm nguyên lý chủ đạo, với chủ yếu là các loài cây bản địa, được trồng thành những vùng sinh thái đặc trưng, như: Vùng sinh thái ven nước, sinh thái khô hạn, sinh thái vườn nhiệt đới,... Đặc biệt, khu vực ven nước ưu tiên áp dụng công nghệ kè mềm để tạo ra những dải sinh thái linh động.

Đối với cây xanh trồng tại các điểm tập trung, công viên vườn hoa, lựa chọn loài thích hợp theo các tiêu chí đã đề ra, đồng thời phải thiết kế cây xanh chi tiết mang tính thẩm mỹ và ứng dụng cao.

g) Cây xanh vườn hoa phát triển theo quy hoạch chi tiết tiểu cảnh, vườn dạo công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí của người dân trong khu vực, góp phần nâng cao tổng diện tích cây xanh toàn thành phố.

Danh mục các công viên, quảng trường, vườn hoa chính trong đô thị:

TT

Danh mục

Kí hiệu

Vị trí

Tính chất

Diện tích (ha)

1

Công viên văn hóa Tràng An

V2

Xã Ninh Nhất, phường Tân Thành, Ninh Khánh, xã Ninh Nhất và và xã Ninh Xuân (Hoa Lư)

Công viên văn hóa tổng hợp

355,00

2

Quảng trường, công viên văn hóa

Q1

Phường Ninh Khánh

Quảng trường trung tâm

22,64

3

Trung tâm thể dục thể thao

V4

Các phường: Ninh Sơn, Ninh Phong

Công viên thể dục thể thao

82,52

4

Lâm viên núi Cánh Diều

V1

Phường Thanh Bình

Lâm viên

48,10

5

Công viên Thúy Sơn

V5

Phường Thanh Bình

Công viên vui chơi giải trí

13,12

6

Công viên hồ Bạch Cừ

V8

Xã Ninh Khang

Công viên sinh thái

96,50

7

Công viên Tháng 8

V3

Xã Ninh Tiến

Công viên sinh thái

32,59

(Trong quá trình triển khai thực hiện, vị trí, ranh giới, diện tích các khu vực được xác định chính xác theo các quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo tính chất theo quy hoạch này).

VI. Định hướng quy hoạch hệ thống cây xanh đường phố

1. Định hướng chung đối với cây xanh đường phố

a) Để xây dựng thành phố vườn cần những tuyến phố có chiều cao cây xanh lớn, cây trồng trên đường phố chính phải là các loại cây đại mộc - khả năng sinh trưởng cao trên 15m, xen lẫn là cây xanh theo chủ đề, đảm bảo duy trì phát triển bền vững hàng trăm năm sẽ tạo nên chất lượng cho không gian xanh đô thị;

b) Giải pháp cải tạo cây xanh trên các tuyến đường chính đô thị hiện hữu gắn với đặc điểm hiện trạng về không gian, hạ tầng của từng đoạn tuyến, quản lý chặt chẽ giải pháp trồng mới cây xanh trên các tuyến đường mở rộng tương lai, đặc biệt là tạo môi trường để các loại cây đại mộc phát triển sinh trưởng dài hạn để tạo nên khung đô thị xanh;

c) Sử dụng các loại cây đặc trưng, sinh trưởng tốt tại khu vực Ninh Bình, kết hợp nghiên cứu thử nghiệm các loại cây mới, để lựa chọn loại cây có giá trị, tạo nên thương hiệu đặc trưng riêng cho đô thị Ninh Bình;

đ) Giải pháp trồng cây cho các truyến có chức năng khác nhau được thực hiện khác nhau, trên cơ sở kết hợp với các lớp cây thảm cỏ, cây bụi tầng thấp, cây trang trí tạo cảnh quan ở tầng giữa;

e) Kết hợp cải tạo hệ thống cây xanh với cải tạo chỉnh trang đô thị, vỉa hè trên các tuyến phố chính để tạo không gian công cộng, tiện ích cho người đi bộ, đặc biệt là mở rộng vỉa hè để tạo hành lang cho người đi bộ, yếu tố quan trọng cho đô thị du lịch và phát triển giao thông công cộng trong tương lai;

2. Cải tạo hệ thống cây xanh đường phố hiện có

a) Việc trồng thay thế cây xanh cho các tuyến phố hiện hữu phải đảm bảo nguyên tắc: Tránh thay đổi đột ngột cây trồng đã có trên 10 năm; thay thế từng bước, không thay thế quá 10 cây liên tục, cây thay lần trước phải đảm bảo bóng mát mới chặt hạ đợt cây tiếp;

b) Ưu tiên cải tạo chỉnh trang về cây xanh cho các tuyến phố chính trước;

c) Không được thay thế các loại cây xanh có trong Danh mục tại Phụ lục số 1 kèm theo nếu cây đang sinh trưởng tốt, không cong vênh, còi cọc;

d) Việc cải tạo, chỉnh trang, thay thế cây phải lập thành đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng và thiết kế chi tiết) để phục vụ quản lý sau này;

e) Đối với các tuyến phố có vỉa hè nhỏ hơn 5m phải ưu tiên lựa chọn cây có tán thuỗn, thân cao và thẳng, ít cành thấp để đảm bảo không gian sinh trưởng cho tán cây, phù hợp với công trình hiện hữu;

f) Đối với các tuyến đường hiện trạng giữ nguyên loại cây đã trồng theo dự án được duyệt, ưu tiên trồng các loại cây xanh trong bảng trên nếu thay thế hoặc trồng mới bổ sung.

3. Hệ thống cây xanh cho các tuyến đường mới

a) Việc trồng cây xanh phải được lập thành quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng và thiết kế chi tiết) riêng để thuận tiện quản lý; phải đảm bảo mỹ quan đô thị, phát huy hiệu quả cao nhất đối với môi trường; ưu tiên lựa chọn các cây hiện sinh trưởng tốt và lâu năm trên địa bàn tỉnh để tạo thương hiệu đặc trưng riêng cho tỉnh Ninh Bình.

b) Các tuyến đường phố chính, các tuyến đường có vỉa hè rộng ≥ 5m trồng các cây thân gỗ lớn và cây gỗ trung bình, thân cao, tán lá rộng. Các tuyến đường có vỉa hè nhỏ 3m đến dưới 5m chỉ được trồng cây gỗ nhỏ, trung bình; thân thẳng, ít cành thấp, tán thuỗn. Các tuyến đường nhỏ, vỉa hè < 3m tận dụng cây hiện có và sử dụng các cây thân leo có hoa theo trụ hoặc đặt chậu cây để tránh gây cản trở giao thông.

c) Trên cùng một tuyến đường phố chỉ trồng một đến hai loại cây nhất định cho đoạn ≤ 500m (hoặc đoạn đường phố giữa 2 nút giao thông).

d) Giải phân cách có chiều rộng lớn hơn 2m trồng các loại cây thân thẳng với chiều cao cành tối thiểu 5m. Giải phân cách có chiều rộng ≤ 2m chỉ được trồng các loại cây bụi, cây thấp dưới 1,5m.

4. Bảng quy hoạch cây xanh ưu tiên trồng trên một số tuyến đường chính đô thị và một số đường phụ khu vực có ảnh hưởng đến cảnh quan

a) Nguyên tắc lựa chọn cây trồng: Phải được nghiên cứu trồng để đại diện đặc trưng cho 01 khu vực trong đô thị, tạo bản sắc và cảnh quan riêng cho khu vực đó.

b) Quy hoạch định hướng cây trồng cụ thể cho một số khu vực:

- Khu dân cư phía Bắc được đại diện bởi các tuyến đường phố Đinh Tiên Hoàng, Trịnh Tú, Vạn Hạnh: Trồng các loại cây Giáng hương, Muồng tím, Vàng anh.

- Khu vực dân cư phía Tây giáp với Quần thể Danh thắng Tràng An đại diện bởi các tuyến đường tránh QL.1 (đường Nguyễn Minh Không), Kênh đô thiên, Tràng An: Trồng các loại cây Chò chỉ, Muồng tím, Bồ đề để tạo bản sắc riêng cho tỉnh Ninh Bình.

- Khu dân cư phía Nam đô thị đại diện bởi các tuyến đường phố Trần Nhân Tông, Lý Nhân Tông, Triệu Việt Vương, Lê Duẩn: Trồng các loại cây Muồng tím, Sao đen, Lim xẹt... đây là những tuyến phố có mặt cắt rộng, không gian lớn cần trồng cây cao, đại mộc, tán lớn.

- Khu dân cư hiện hữu, phố cũ của thành phố Ninh Bình đại diện bởi các tuyến đường Lương Văn Thắng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo (đoạn chạy qua đô thị): Trồng các loại cây như Ban hoàng hậu, Sao đen...

(Cụ thể tại Phụ lục 2 - Bảng quy hoạch cây xanh trồng trên một số tuyến đường kèm theo)

VII. Định hướng quy hoạch hệ thống cây xanh ven sông hồ, mặt nước

1. Hệ thống các tuyến mặt nước trong đô thị được khai thác để tạo nên mạng mặt nước liên thông phục vụ tiêu thoát nước mặt và tạo cảnh quan đô thị.

2. Hạn chế sử dụng các biện pháp kè "cứng" 2 bên các tuyến kênh, sử dụng các giải pháp kè cây xanh, bố trí hệ thống các không gian công cộng hai bên tuyến kênh để tạo sự hấp dẫn cho cộng đồng.

3. Cây xanh trồng dọc tuyến kênh được trồng tự nhiên.

4. Kết hợp các tuyến kênh, giải pháp xây dựng các tuyến đường 2 bên và bố trí hệ thống các công trình dịch vụ công cộng dọc 2 bên hành lang kênh để tạo nên các trục phố dịch vụ, phục vụ cho du lịch. Kích thước các tuyến kênh đảm bảo đủ rộng để dùng thuyền du lịch cỡ nhỏ chở du khách dọc tuyến.

5. Việc bảo vệ môi trường nước các tuyến kênh trong sạch có sự tham gia của cả chính quyền và cộng đồng.

6. Tận dụng những loài cây đặc trưng của vùng và thích ứng với điều kiện ẩm, hướng nước. Phát triển hệ thống cây xanh công viên dọc sông Đáy theo xu hướng công viên cây xanh sinh thái tự nhiên. Có thể tạo ra những vùng trung chuyển giữa vùng mặt nước và đất liền. Tránh việc kè cứng ven sông.

Danh mục các không gian xanh ven sông chính:

TT

Danh mục

Kí hiệu

Vị trí

Tính chất

Diện tích (ha)

1

Công viên ven sông Hoàng Long

V22

Xã Ninh Giang

Công viên ven sông

28,12

2

Công viên sông Đáy

V23

Xã Ninh Giang, xã Ninh Khang, phường Đông Thành, phường Thanh Bình, phường Bích Đào

Công viên ven sông

59,86

3

Công viên sông Vân

V6

Phường Thanh Bình

Công viên ven sông

13,80

4

Công viên ven đê

V27

Xã Ninh Khang

Công viên văn hóa nghỉ ngơi

1,81

VIII. Định hướng quy hoạch cây xanh công viên, vườn hoa khu vực hoặc đơn vị ở

Cây xanh trong đơn vị ở hay một khu vực dân cư là nơi nghỉ ngơi giải trí cho nhân dân, được coi là phong cảnh thiên nhiên thu hẹp lại, trong đó cây xanh trồng trong đó là thành phần rất quan trọng, phải tuân thủ định hướng sau:

1. Cây trồng gồm cây lớn, cây nhỏ, cây leo giàn, cỏ... trong đó cây lớn giữ vai trò quan trọng. Tiêu chuẩn lựa chọn: Cây xanh quanh năm, rụng lá theo mùa, lá rộng, cây sống lâu năm...

2. Đối với công viên, vườn hoa nằm ở khu vực gần các công trình văn hóa, thương mại chọn những cây to, có cành lá sum suê, cho diện tích che bóng rộng, nhưng chiếm diện tích đất ít hoặc xanh quanh năm như: Muồng, Bằng lăng tím, Ngọc lan,...

3. Với vườn chơi cho trẻ em chọn cây có bóng mát rộng, hoa thơm, đẹp, cây khỏe ít gãy, đổ.

4. Việc trồng cây ở công viên tùy thuộc vào chủ đề, địa hình địa vật và phải lập thành quy hoạch chi tiết hoặc dự án trồng cụ thể.

Bảng công viên, vườn hoa đơn vị ở chính:

TT

Danh mục

Kí hiệu

Vị trí

Tính chất

Diện tích (ha)

1

Hoa viên đầu cầu Non nước

H1

Phường Đông Thành

Vườn hoa

2,16

2

Công viên Trung Chữ

V9

Xã Ninh Giang

Công viên non bộ

6,16

3

Công viên núi Gòi

V10

Xã Ninh Giang

Công viên non bộ

4,95

4

Công viên núi Dược

V11

Xã Ninh Giang

Công viên non bộ

5,24

5

Công viên cửa ngõ phía Bắc

V12

Xã Ninh Giang

Công viên sinh thái

20,00

6

Công viên núi Duông

V13

Thị trấn Thiên Tôn

Công viên non bộ

4,74

7

Công viên núi Thiên Tôn

V14

Thị trấn Thiên Tôn

Công viên non bộ

23,36

8

Công viên núi Ngang

V15

Xã Ninh Mỹ

Công viên non bộ

6,35

9

Công viên núi Sệu

V16

Phường Ninh Khánh

Công viên non bộ

16,69

10

Công viên núi Công

V17

Xã Ninh Mỹ

Công viên non bộ

0,86

11

Công viên núi Soi

V18

Xã Ninh Mỹ

Công viên non bộ

0,36

12

Công viên núi Ngậu

V19

Xã Ninh Mỹ

Công viên non bộ

10,39

13

Công viên núi Gai

V20

Thị trấn Thiên Tôn

Công viên non bộ

1,97

14

Công viên núi Phú Gia

V21

Xã Ninh Khang

Công viên non bộ

2,59

15

Quảng trường Q2

Q2

Phường Ninh Khánh

Quảng trường

1,48

16

Quảng trường Q3

Q3

Xã Ninh Mỹ

Quảng trường

1,25

17

Quảng trường trung tâm

Q7

Xã Ninh Khang

Quảng trường

1,86

18

Quảng trường Q2

Q13

Xã Gia Sinh

Quảng trường

19,47

IX. Quy hoạch cây xanh trong khuôn viên trụ sở, nhà máy, xí nghiệp của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân

1. Nguyên tắc chung

a) Cơ quan tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn chủng loại cây trồng trong khuôn viên đất, được thụ hưởng toàn bộ hoa lợi từ cây và chịu trách nhiệm trong việc nuôi, trồng.

b) Cây trồng phải đáp ứng các quy định hiện hành về cây xanh và chủng loại quy định tại Quyết định này và phải được lập cụ thể trong tổng mặt bằng quy hoạch khu đất. Chỉ tiêu về diện tích cây xanh phải đạt tối thiểu trên tổng diện tích khu đất theo quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng xây dựng và các quy định khác có liên quan.

2. Quy hoạch định hướng cây trồng trong khuôn viên

a) Cây trồng trong nhà máy, xí nghiệp sản xuất: Cây trồng phải đáp ứng mục đích cải thiện không khí, ngăn cản bụi, tiếng ồn của Nhà máy nên trồng càng nhiều càng tốt, nên trồng dày thành cụm, dãy, không trồng lẻ tẻ giảm tác dụng. Xung quanh nhà máy (trừ hướng mặt trời mọc) ở giữa trồng nhiều cụm cây thẳng hàng theo kiểu nanh sấu. Tận dụng mọi không gian trong nhà máy để trồng cây, nếu không bố trí được cây bóng mát thì trồng các cây bụi thấp, cây leo giàn, chậu cảnh. Nên chọn những loài cây lá rộng, lá xanh quanh năm để ngăn bụi và giảm tiếng ồn như Xà cừ, Sấu, Sao đen, Long não, Sang.

b) Cây trồng trong trụ sở cơ quan, đơn vị: Phải đáp ứng tiêu chí tạo bóng mát, tạo bầu không khí trong lành, yên tĩnh và tùy theo nghệ thuật bố trí, sẽ tạo được những khung cảnh hấp dẫn, giúp mọi người cảm thấy thư giãn, dễ chịu. Có thể chọn những cây thân tán đẹp kết hợp với ăn quả, nhưng tránh trồng những cây có hoa quả hấp dẫn rồi nhặng, cây khó trồng đòi hỏi chăm sóc quá tỉ mỉ.

c) Cây trồng ở trường học: Đặc điểm trường học người đông, trẻ em đang tuổi nghịch ngợm, leo trèo nên việc trồng cây phải tuân thủ:

- Không trồng những cây ăn quả, cây gỗ xấu, gãy đổ bất thường, cây có hoa quả hấp dẫn ruồi nhặng hoặc sâu bọ như: Đa, Si;

- Cây trồng càng đa dạng về chủng loài và trồng có trật tự, khoa học, có các bảng ghi tên cây, xuất xứ, để học sinh học tập nghiên cứu và hứng khởi;

- Các loài cây nên chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Phượng vĩ, Bàng, Muồng hoa vàng, Bằng lăng tím, Sang...

d) Cây trồng ở bệnh viện: Số lượng cây trồng ở bệnh viện càng nhiều hiệu quả càng cao, tạo điều kiện vui mắt cho bệnh nhân, tăng lượng không khí sạch cho bệnh viện. Phải trồng 3-4 hàng cây xung quanh khu đất bệnh viện để cách ly. Trên các lối đi trồng nhiều cây bóng mát nhưng cũng tránh che khuất ánh nắng mặt trời buổi sáng nhất là những nơi ẩm thấp. Một số cây khuyến khích trồng như sau:

- Cây có bộ lá phát tán hương thơm, có khả năng diệt khuẩn như Long não, Thông, Bạch đàn;

- Cây có hoa đẹp: Muồng hoa vàng, Bằng lăng;

- Cây lưu niệm: Nhài, Dâm bụt, Lựu,...;

- Cây dây leo: Thiên lý, Kim ngân.

e) Cây trồng ở bến xe, bến cảng, chợ: Là tập trung người đông đúc, xe cộ nhiều, gây nóng bức, bụi bặm, ồn ào. Nên chọn cây trồng có bóng râm lớn, nhưng chiếm ít diện tích đất, gỗ tốt, ít gãy đổ hoặc làm vòm và phủ bằng dây leo. Ở hướng nắng phía tây nên trồng hàng cây để che chắn, tránh trồng những cây hấp dẫn ruồi, nhặng.

X. Quy hoạch hệ thống vườn ươm

Bố trí vườn ươm tại các khu vực đất chưa sử dụng thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, diện tích khoảng 5 - 10 ha.

XI. Tổ chức thực hiện và nguồn lực phát triển

1. Nguyên tắc thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư và tổng mặt bằng các dự án phải có nội dung quy hoạch cây xanh chi tiết, cụ thể.

b) Ưu tiên, khuyến khích xã hội hóa việc trồng mới, cải tạo, phát triển cây xanh đô thị đối với cây xanh đường phố, cây xanh vườn hoa công cộng, cây xanh vườn ươm, cây xanh ven sông hồ, cây xanh cách ly.

2. Lộ trình triển khai thực hiện quy hoạch

a) Giai đoạn năm 2018-2020

- Ban hành hệ thống các quy định, chỉ dẫn về trồng cây xanh đô thị, giải pháp về trồng mới, cải tạo, thay thế và quản lý hệ thống cây xanh đô thị.

- Nghiên cứu các giải pháp thiết kế cụ thể về trồng mới và cải tạo hệ thống cây xanh tại các trục đường chính đô thị.

- Xây dựng hoàn chỉnh các dự án công viên, quảng trường đang triển khai.

- Tổ chức trồng mới và trồng bổ sung cây xanh tại các tuyến đường, công viên và tại các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố. Trồng mới cây xanh, cây hoa, cây cảnh tại các tuyến đường hiện hữu và công viên, các khu đô thị mới đã được quy hoạch.

b) Giai đoạn năm 2021-2030

- Tổ chức trồng mới và hoàn thiện cây xanh tại các tuyến đường công viên và tại các khu đô thị mới.

- Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống công viên, vườn hoa đô thị đảm bảo chất lượng công cộng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương, nhất là là công viên vui chơi giải trí tổng hợp.

3. Giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện

- Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa, tài trợ để cải tạo, xây dựng mới hệ thống cây xanh đô thị.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế tổ chức và quản lý phát triển cây xanh theo mô hình xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm.

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Sở Xây dựng

a) Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quyết định phê duyệt này, gửi các cơ quan có liên quan để triển khai tổ chức thực hiện, quản lý theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan công bố công khai, rộng rãi đầy đủ nội dung quy hoạch đã phê duyệt cho các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân biết; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch.

2. UBND thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô

a) Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc tổ chức công bố các nội dung quy hoạch theo quy định.

b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch, xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch, Văn hóa và Thể thao; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các địa phương: Thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh.
- Lưu VT, VP 4, 2, 3, 5, 6.
vv.QĐQH14

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thạch