Quyết định 1139/2008/QĐ-UBND ban hành quy chế hoạt động của báo cáo viên pháp luật
Số hiệu: | 1139/2008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Phú Yên | Người ký: | Phạm Ngọc Chi |
Ngày ban hành: | 24/07/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1139/2008/QĐ-UBND |
Tuy Hòa, ngày 24 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Căn cứ Quyết định số 1409/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án thứ tư của Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2007 đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 387/TTr-STP ngày 26 tháng 6 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Báo cáo viên pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các Báo cáo viên pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1139/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Báo cáo pháp luật
Báo cáo pháp luật là một công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, được tiến hành bằng lời nói trước những đối tượng xác định, nhằm truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật, giúp người khác nghe hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật, tôn trọng, làm theo pháp luật một cách đúng đắn, thống nhất.
Điều 2. Báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật theo Quy chế này là những người được cơ quan nhà nước công nhận để thực hiện nhiệm vụ báo cáo pháp luật.
Báo cáo viên pháp luật gồm:
1. Báo cáo viên pháp luật của tỉnh.
2. Báo cáo viên pháp luật của huyện, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Báo cáo viên pháp luật huyện).
3. Ở xã, phường, thị trấn được gọi là Tuyên truyền viên pháp luật.
Điều 3. Yêu cầu đối với công tác báo cáo viên pháp luật
Công tác báo cáo viên pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Đúng chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
2. Chính xác, phổ thông, dễ hiểu, có sức thuyết phục.
3. Tác động tích cực đến người nghe nhằm góp phần tạo niềm tin pháp luật, cổ vũ, động viên nhân dân thực hiện đúng chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Điều 4. Phạm vi hoạt động của Báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật làm việc tại cơ quan, tổ chức nào thì trực tiếp thực hiện việc Báo cáo viên pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó đồng thời truyền đạt, phổ biến giáo dục pháp luật cho báo cáo viên hoặc cán bộ công chức của cơ quan, tổ chức khác khi có yêu cầu.
Việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị cơ sở chủ yếu do lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở thực hiện.
Điều 5. Phương thức tổ chức thực hiện Báo cáo viên pháp luật
Việc báo cáo viên pháp luật được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch của từng cơ quan, tổ chức đồng thời được thực hiện từng đợt đột xuất theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan Tư pháp và các cơ quan khác có thẩm quyền.
Điều 6. Bảo đảm sự hoạt động có hiệu quả của Báo cáo viên
Cơ quan Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hữu quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng bồi dưỡng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, bố trí thời gian tạo điều kiện thuận lợi để Báo cáo viên nâng cao hoạt động hiệu quả của mình theo quy định tại điểm 2, Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương II
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
Điều 7. Nguồn lựa chọn Báo cáo viên pháp luật
1. Báo cáo viên pháp luật được lựa chọn từ các cán bộ, công chức, sỹ quan đã và đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức làm công tác pháp luật và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
2. Báo cáo viên tỉnh được lựa chọn từ cán bộ, công chức đang công tác tại sở, ban, ngành, trường học và một số báo cáo viên pháp luật của huyện.
3. Báo cáo viên huyện được lựa chọn từ cán bộ, công chức đang công tác tại các phòng, ban, đoàn thể và một số cán bộ ở xã, phường, thị trấn.
Điều 8. Tiêu chuẩn của Báo cáo viên pháp luật
1. Báo cáo viên pháp luật phải có các tiêu chuẩn chung sau đây:
a) Gương mẫu thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt;
b) Có uy tín trong công tác, trong sinh hoạt;
c) Có kiến thức pháp luật, có khả năng báo cáo pháp luật trước công chúng;
d) Tự nguyện, nhiệt tình, có đủ điều kiện về sức khỏe và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ báo cáo pháp luật;
e) Được cơ quan tổ chức nơi mình công tác, sinh hoạt hoặc chính quyền cơ sở giới thiệu.
2. Ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này. Báo cáo viên pháp luật ở tỉnh phải có trình độ cử nhân luật hoặc đại học khác và công tác trong một lĩnh vực liên quan đến pháp luật từ 04 năm trở lên.
3. Báo cáo viên pháp luật ở huyện phải có trình độ cử nhân luật hoặc đại học khác và công tác trong một lĩnh vực liên quan đến pháp luật từ 03 năm trở lên.
Điều 9. Thủ tục công nhận Báo cáo viên pháp luật
Thủ tục công nhận Báo cáo viên pháp luật được thực hiện như sau:
1. Các cơ quan, đơn vị lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình lãnh đạo xem xét và đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp công nhận Báo cáo viên pháp luật của mình.
Việc công nhận Báo cáo viên pháp luật trong lực lượng vũ trang được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.
2. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, công nhận Báo cáo viên pháp luật tỉnh.
3. Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, phối hợp với cơ quan, tổ chức cùng cấp và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận Báo cáo viên pháp luật của mình.
4. Trong từng thời kỳ, cơ quan Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, đánh giá hoạt động, đề nghị bổ sung hoặc thay đổi Báo cáo viên.
Điều 10. Thẻ Báo cáo viên pháp luật
1. Thẻ Báo cáo viên pháp luật chứng nhận tư cách, năng lực báo cáo về pháp luật của người được cấp thẻ.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật cho Báo cáo viên của cấp mình.
3. Thẻ Báo cáo viên pháp luật bị thu hồi khi người được cấp thẻ bị xóa tên trong danh sách Báo cáo viên pháp luật.
4. Thẻ Báo cáo viên pháp luật được cấp theo mẫu thống nhất của Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp hướng dẫn việc cấp thẻ báo cáo viên pháp luật cho cấp tỉnh, cấp huyện.
Điều 11. Quyền của Báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật có các quyền sau đây:
1. Được cung cấp thông tin, văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu khác cần thiết cho công tác báo cáo pháp luật.
2. Được tham dự các hoạt động học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kiến thức chuyên môn về phổ biến giáo dục pháp luật.
3. Được sử dụng thẻ Báo cáo viên pháp luật để thực hiện công tác báo cáo pháp luật và tham gia các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật khác.
4. Được hưởng thù lao báo cáo pháp luật theo quy định tại Quyết định số 1840/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh tương xứng với thời gian, chất lượng báo cáo pháp luật.
Điều 12. Nghĩa vụ của Báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
1. Chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung báo cáo; phải phát ngôn phù hợp với chính sách của Đảng, truyền đạt đúng tinh thần văn bản pháp luật; không tiết lộ bí mật nhà nước; không sử dụng thẻ Báo cáo viên pháp luật vào mục đích khác ngoài mục đích giới thiệu tư cách Báo cáo viên.
2. Luôn học tập chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ tuyên truyền, tìm hiểu thực tiễn, thu thập thông tin để nâng cao năng lực phổ biến giáo dục pháp luật; đảm bảo kế hoạch báo cáo pháp luật đã đề ra; thực hiện có chất lượng các hoạt động báo cáo pháp luật.
3. Thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan Tư pháp, cơ quan Tuyên giáo; báo cáo cho cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý và cơ quan Tư pháp về hoạt động của mình, về ý kiến của các đối tượng được báo cáo về pháp luật.
Điều 13. Phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành
Khi có văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành mà theo sự chỉ đạo cần tổ chức phổ biến rộng rãi, cơ quan Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật) xây dựng đề cương, chỉ đạo việc phổ biến văn bản.
Dựa vào đề cương được cung cấp, Báo cáo viên xây dựng đề cương chi tiết, sát hợp để phổ biến cho báo cáo viên cấp dưới, cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức hoặc cho nhân dân ở địa bàn nơi mình sinh sống.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong việc tạo điều kiện để Báo cáo viên hoạt động
Các cơ quan Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm:
1. Xây dựng đội ngũ, quản lý hoạt động của Báo cáo viên.
2. Tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm báo cáo pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm không ngừng nâng cao trình độ của Báo cáo viên.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho Báo cáo viên.
4. Trao đổi, thống nhất ý kiến với các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý Báo cáo viên để tạo điều kiện về thời gian, phương tiện hoạt động cho Báo cáo viên.
5. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết; thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động báo cáo pháp luật.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15. Khen thưởng
Báo cáo viên có thành tích trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thì được cơ quan Tư pháp với sự thỏa thuận của cơ quan, tổ chức hữu quan đề nghị Bộ Tư pháp hoặc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên khen thưởng theo quy định chung của nhà nước.
Điều 16. Kỷ luật
Báo cáo viên pháp luật vi phạm Quy chế này, không còn đủ tư cách Báo cáo viên thì tùy theo mức độ có thể bị tạm đình chỉ hoạt động báo cáo pháp luật; xóa tên trong danh sách Báo cáo viên và thu hồi thẻ Báo cáo viên hoặc bị áp dụng các hình thức kỷ luật khác theo quy định chung./.
Quyết định 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 . Ban hành: 12/03/2008 | Cập nhật: 14/03/2008
Quyết định 1840/2007/QĐ-UBND quy định mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Yên Ban hành: 02/10/2007 | Cập nhật: 26/07/2013
Quyết định 1409/2007/QĐ-UBND ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án thứ tư của Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2007 đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Phú Yên Ban hành: 08/08/2007 | Cập nhật: 02/08/2013
Chỉ thị 02/1998/CT-TTg về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay Ban hành: 07/01/1998 | Cập nhật: 07/12/2009