Quyết định 1135/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, Ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: 1135/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Lý Thái Hải
Ngày ban hành: 02/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1135/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 02 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ CẤP HUYỆN (DDCI) TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số: 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch số: 62/KH-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhan dân tỉnh về thực hiệnNghị quyết số: 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnhBắc Kạn;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 46/TTr-SKHĐT ngày 26/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, Ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Bắc Kạn, gồm:

(1) Minh bạch thông tin trong giải quyết TTHC.

(2) Chi phí thời gian khi giải quyết TTHC.

(3) Tính năng động của huyện, thành phố, Sở, Ban, Ngành.

(4) Chi phí không chính thức.

(5) Hỗ trợ Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

(6) Thiết chế pháp lý.

(7) Cạnh tranh bình đẳng.

(8) Tiếp cận đất đai.

(Các tiêu chí đánh giá của từng chỉ số thành phần theo phụ lục đính kèm).

Đối tượng được đánh giá:

- Nhóm các Sở, Ban, Ngành: Đánh giá và xếp hạng dựa vào 07 chỉ số thành phần từ 1-7.

- Nhóm các huyện, thành phố: Đánh giá và xếp hạng dựa vào 08 chỉ số thành phần từ 1-8.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Trên cơ sở Báo cáo xây dựng Bộ chỉ số DCCI tỉnh Bắc Kạn của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện.

b) Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung Bộ chỉ số DDCI của tỉnh và xây dựng tiêu chí đánh giá của từng chỉ số đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh.

c) Tiếp nhận kết quả đánh giá, xếp hạng các cơ quan, đơn vị và dữ liệu có liên quan từ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức công bố công khai theo quy định.

2. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc khảo sát, đánh giá DDCI của tỉnh năm 2018.

b) Xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

3. Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Cung cấp danh sách đối tượng được khảo sát đang hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CỦA TỪNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN DDCI TỈNH BẮC KẠN

(Kèm theo Quyết định số: 1135/QĐ-UBND ngày 02/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Chỉ số thành phần - Tính minh bạch

- Khả năng tiếp cận thông tin của Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Cần có mối quan hệ để có thể tiếp cận được tài liệu của Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Cách trình bày nội dung thông tin trong các văn bản liên quan của Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Mức độ đầy đủ, rõ ràng của nội dung thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc công việc có liên quan tới các đơn vị.

- Tính kịp thời cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc công việc có liên quan tới các đơn vị.

- Sự hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tới các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Mức độ truy cập vào Cổng Thông tin (Website) các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện của doanh nghiệp.

- Tính hữu ích của thông tin trên Cổng Thông tin (Website) của các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện với doanh nghiệp.

2. Chỉ số thành phần - Chi phí thời gian

- Số lần doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra của Sở, Ban, Ngành/cấp huyện trong năm qua.

- Sự trùng lặp nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra.

- Sự tuân thủ nội dung thanh tra, kiểm tra theo Quyết định thanh tra, kiểm tra.

- Thái độ của cán bộ thanh tra, kiểm tra khi thi hành nhiệm vụ.

- Hiệu quả hơn của cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tới các Sở, Ngành/cấp huyện.

- Sự thân thiện, nhiệt tình của cán bộ các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Cán bộ của các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện am hiểu về chuyên môn.

- Cán bộ hướng dẫn đầy đủ cho doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

- Thủ tục hành chính đơn giản.

- Mức độ tuân thủ đúng quy định về thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính.

- Doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan.

3. Chỉ số thành phần - Tính năng động

- Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

- Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

- Phản ứng của các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện trong việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh.

- Sự tuân thủ của lãnh đạo Sở, Ban, Ngành/cấp huyện khi thực hiện các chủ trương của lãnh đạo tỉnh.

- Am hiểu các chính sách, chủ trương của Trung ương và của tỉnh ở các lãnh đạo Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Lãnh đạo Sở, Ban, Ngành/cấp huyện chủ động quan tâm, lắng nghe và ứng xử thân thiện với doanh nghiệp.

- Lãnh đạo đơn vị thể hiện tinh thần quyết liệt trong công tác cải cách hành chính.

4. Chỉ số thành phần - Chi phí không chính thức

- Tỷ lệ % doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức.

- Tỷ lệ % doanh nghiệp chủ động trả chi phí không chính thức tính trên các doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức.

- Hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tại các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện.

- Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.

- Công việc sẽ đạt hiệu quả hơn sau khi trả chi phí không chính thức.

- Công việc không đạt kết quả nếu không chi trả chi phí không chính thức.

- Sự giảm bớt về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả.

5. Chỉ số thành phần - Hỗ trợ doanh nghiệp

- Cung cấp thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

- Chất lượng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

- Cung cấp thông tin về các chương trình trao đổi thông tin, đối thoại doanh nghiệp.

- Tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp tại các chương trình trao đổi thông tin, đối thoại.

- Việc giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong và sau các buổi đối thoại, trao đổi thông tin.

- Số lượng doanh nghiệp từng gửi đề nghị (hỗ trợ, tư vấn, yêu cầu cung cấp thông tin...) thông qua cổng thông tin các Sở, Ban, Ngành/huyện, thành phố.

- Hiệu quả của dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử.

6. Chỉ số thành phần - Thiết chế pháp lý

- Cơ chế để doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại lên lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành/cấp huyện khi có phiền hà, vòi vĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp thỏa đáng.

- Cơ chế đảm bảo các quyết định hành chính được ban hành đúng pháp luật.

- Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại vượt cấp mới có thể giải quyết được vấn đề.

- Cơ chế đảm bảo công bằng, minh bạch trong giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại.

- Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại hành vi sai trái.

- Đối thoại của nhà nước để cùng giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

- Giải quyết tranh chấp một cách bình đẳng giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

7. Chỉ số thành phần - Cạnh tranh bình đẳng

- Tồn tại các doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu tại địa phương.

- Có sự ưu ái trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước (bao gồm: Đất đai, tài chính và đấu thầu) cho doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu.

- Sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận thông tin.

- Sự ưu tiên các doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình giải quyết kiến nghị, khó khăn.

- Các doanh nghiệp lớn được nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tới các doanh nghiệp lớn được giải quyết nhanh chóng, đơn giản hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Sự ưu ái gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Mức độ quan tâm của Sở, Ban, Ngành và cấp huyện tới doanh nghiệp nhỏ và vừa.

8. Chỉ số thành phần - Tiếp cận đất đai

8.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong các thủ tục hành chính về đất đai.

- Sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp và kịp thời với sự thay đổi của giá thị trường.

- Doanh nghiệp đánh giá rủi ro khi sử dụng đất (như rủi ro bị chính quyền thu hồi cho mục đích sử dụng khác, thay đổi quy hoạch, v.v.).

- Bồi thường thỏa đáng cho mặt bằng kinh doanh nếu bị thu hồi.

- Chủ động trong giải quyết các vướng mắc về đất đai gây bức xúc.

8.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Mức độ thuận lợi trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác, sang đất phi nông nghiệp.

- Mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính về thuê đất rừng sản xuất tự nhiên, đất rừng phòng hộ để kết hợp kinh doanh.

8.3. Sở Xây dựng:

- Khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong các thủ tục hành chính về đất đai (quy hoạch xây dựng).

8.4. Sở Tư pháp:

- Đánh giá hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

8.5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:

- Khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong các thủ tục hành chính về đất đai.

8.6. Cấp huyện/thành phố:

- Khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong các thủ tục hành chính về đất đai.

- Đánh giá công tác phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

- Đánh giá công tác xác định nguồn gốc đất của chính quyền cấp huyện/thành phố.

- Đánh giá công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng.

- Chủ động trong giải quyết các vướng mắc về đất đai gây bức xúc tại địa phương.

- Đánh giá chất lượng dịch vụ giới thiệu việc làm.

- Chi phí tuyển dụng và đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.