Quyết định 1132/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu: 1132/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Thanh
Ngày ban hành: 30/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1132/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 30 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2155/QĐ-TTg , ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-LĐTBXH , ngày 19/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 624/TTr-SLĐTBXH, ngày 26/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020.

(Kèm theo Kế hoạch số 28/KH-SLĐTBXH, ngày 25/6/2014 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính và Chánh Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch trên.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-SLĐTBXH

Vĩnh Long, ngày 25 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1132/QĐ-UBND, ngày 30/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 2155/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020.

Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-LĐTBXH ngày 19/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Nhằm nâng cao năng lực thanh tra viên, công chức thanh tra lao động - thương binh và xã hội giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của ngành lao động - thương binh và xã hội; để đáp ứng nhu cầu công việc và nhiệm vụ được giao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Để có cơ sở bổ sung thêm biên chế thanh tra, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra và nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

II. VỀ THỰC TRẠNG BIÊN CHẾ, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ THANH TRA VÀ THIẾT BỊ PHỤC VỤ CÔNG TÁC THANH TRA LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI:

1. Thực trạng biên chế thanh tra:

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện có 06 biên chế gồm: 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh thanh tra, 04 công chức thanh tra. Trong đó, có 04 thanh tra viên và 02 cán bộ thanh tra; 06/06 công chức thanh tra đều có trình độ đại học.

2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở:

- Tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

- Tham mưu, giúp Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực: Lao động; việc làm; tiền lương; bảo hiểm xã hội; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dạy nghề; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội theo quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

- Về an toàn lao động, vệ sinh lao động:

+ Tổ chức triển khai, hướng dẫn các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động đến các doanh nghiệp trong tỉnh; hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Tiếp nhận các tài liệu khai báo sử dụng các các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã kiểm định của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định trên địa bàn và hoạt động của Tổ chức kiểm định (bao gồm cả các chi nhánh, đơn vị thành viên của tổ chức) đóng trên địa bàn theo quy định;

+ Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức hướng dẫn thực hiện Tuần lễ Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội.

- Tổ chức hướng dẫn khai báo tai nạn lao động và thực hiện công tác điều tra tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

- Ban hành các văn bản thuộc lĩnh vực, thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Tổng hợp, báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Sở.

3. Thiết bị phục vụ công tác thanh tra:

Thanh tra Sở được trang bị 04 máy tính để bàn và 01 máy tính xách tay; 03 máy in; có 01 máy ảnh, 01 máy chiếu, 01 thiết bị đo tiếng ồn, 01 máy đo bụi, 01 đo ánh sáng, 01 đo rung… chưa được trang bị phương tiện đi lại.

III. MỤC TIÊU:

A. Mục tiêu giai đoạn đến năm 2015:

1. Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra: 01 công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản và 01 thanh tra viên được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính.

2. Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành: 03 thanh tra viên, công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm.

3. Về cơ cấu ngạch công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 02 công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên và 01 thanh tra viên được bổ nhiệm thanh tra viên chính.

4. Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra Sở: 100% có trình độ đại học.

5. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ được giao.

B. Mục tiêu giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2020:

1. Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra; 02 công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản; 01 thanh tra viên được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính và 01 thanh tra viên chính được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp.

2. Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành: 05 thanh tra viên, công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra phù hợp với vị trí việc làm.

3. Về ngạch công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 02 công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên, 01 thanh tra viên được bổ nhiệm thanh tra viên chính và phấn đấu 01 thanh tra viên chính được bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp.

4. Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra: 100% có trình độ đại học, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm; phấn đấu có 01 thanh tra viên có trình độ sau đại học.

5. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Nhà nước.

Mục tiêu 02 giai đoạn đến năm 2020 tăng thêm 04 biên chế công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội theo từng giai đoạn.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Tiến hành rà soát về số lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ thanh tra viên, cán bộ thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xác định chức năng, nhiệm vụ và bố trí phù hợp với nghiệp vụ chuyên môn của thanh tra viên đối với từng ngành, lĩnh vực và kiện toàn đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra hiện có và dự kiến chuyên môn của công chức tuyển dụng mới. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Thông tư 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

2. Bổ sung thêm 04 công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phân công thanh tra viên chuyên trách, phụ trách từng lĩnh vực.

3. Cử thanh tra viên, công chức thanh tra tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ thanh tra, thanh tra viên chính, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra hành chính và nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực như: Lao động; việc làm; tiền lương; an toàn lao động, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động; bảo hiểm xã hội; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dạy nghề; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội.

4. Tiến hành rà soát, bổ sung thiết bị phục vụ công tác thanh tra, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động của thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm thiết bị văn phòng, thiết bị chuyên dùng để phục vụ công tác đạt kết quả tốt...).

5. Tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý và hoạt động của thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội như: Ứng dụng phần mềm quản lý và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phần mềm xử lý thông tin báo cáo tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động... tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội.

7. Thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, thanh tra viên ngành lao động - thương binh và xã hội để thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng và rèn luyện để nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử có văn hóa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Việc bố trí và sử dụng kinh phí tổ chức, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020 được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách gồm các nguồn kinh phí: Kinh phí nhà nước; kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tăng cường biên chế cho thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội. Đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

2. Chánh Thanh tra tỉnh: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí và phân bổ kinh phí thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020.

4. Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung biên chế thanh tra và xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch của cơ quan thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là nội dung kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội đến năm 2020 của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Lê Quang Đạo