Quyết định 1132/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030
Số hiệu: 1132/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Nguyễn Thành Trí
Ngày ban hành: 11/05/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1132/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-UBT ngày 19/11/1976 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thành lập Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám đốc Đài;

Căn cứ Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 23/10/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển phát thanh - truyền hình tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2390/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí lập “Đề án Quy hoạch phát triển phát thanh - truyền hình tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030”;

Xét đề nghị của Đài PTTH Đồng Nai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch phát triển phát thanh, truyền hình Đồng Nai phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển ngành phát thanh, truyền hình cả nước.

b) Quy hoạch phát triển phát thanh, truyền hình Đồng Nai phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Đồng Nai, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan.

c) Quy hoạch phát triển phát thanh, truyền hình Đồng Nai phải đảm bảo tính kế thừa, quy hoạch phải được phát triển từ thực tế phát thanh truyền hình tại địa phương, kế thừa được tất cả kết quả các chương trình, dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau đối với hệ thống phát thanh, truyền hình trên toàn tỉnh.

d) Quy hoạch đảm bảo phát triển phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại, đồng bộ, nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Thực hiện lộ trình số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống Đài huyện, xã.

đ) Đưa ra định hướng phát triển cho hoạt động phát thanh, truyền hình tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phù hợp và khả thi. Đồng thời đảm bảo khi thực hiện sẽ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của Nhân dân, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

e) Phát triển phát thanh, truyền hình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm nâng cao chất lượng, chính trị, khoa học, văn hóa, nghiệp vụ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Phát thanh, truyền hình Đồng Nai thực hiện tốt vai trò, chức năng là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của đông đảo quần chúng Nhân dân.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015:

+ Đài Đồng Nai giữ nguyên số lượng 03 kênh phát thanh, tổng thời lượng trên 53 giờ/ngày.

+ Đài Đồng Nai có 04 kênh truyền hình (tăng 01 kênh so với hiện tại) với tổng thời lượng trên 96 giờ/ngày.

+ Hầu hết người dân được xem truyền hình, trong đó 30% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ trả tiền.

+ Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai tự sản xuất 40% tổng thời lượng chương trình phát sóng truyền hình.

+ Tổ chức đào tạo, phát triển nhân lực theo hướng chuyên môn hóa, giảm tỷ lệ cán bộ kĩ thuật, tăng tỷ lệ cán bộ phóng viên, biên tập viên, tăng cường đào tạo lý luận chính trị, đến năm 2015, Đài có 40% lao động có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

- Đến năm 2020:

+ Đài Đồng Nai giữ nguyên 03 kênh phát thanh, tổng thời lượng đạt 72 giờ/ngày (tăng 19 giờ/ngày so với năm 2015).

+ Đài Đồng Nai có 05 kênh truyền hình với tổng thời lượng đạt 120 giờ/ngày (tăng 01 kênh so với năm 2015 và 02 kênh so với hiện tại).

+ Thực hiện chuyển đổi chất lượng phát hình từ chuẩn SDTV sang chuẩn HDTV cho toàn bộ các kênh truyền hình do Đài sản xuất.

+ Hầu hết người dân được xem truyền hình, trong đó 75% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

+ Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai tự sản xuất trên 50% tổng thời lượng chương trình phát sóng.

+ Hạn chế tăng số lượng, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nhóm nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, bản lĩnh chính trị vững vàng. Đến năm 2020, Đài có 55% lao động có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

3. Định hướng phát triển Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai

a) Mô hình tổ chức:

- Định hướng mô hình tổ chức Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai thành các khối chức năng: Khối trung tâm, khối phòng chức năng, khối quản lý theo kênh. Mỗi khối sẽ có các bộ phận chuyên môn tổ chức theo ban, phòng để thực hiện chức năng.

- Ban biên tập sẽ tập trung quản lý các chương trình lớn. Phân cấp ngày càng cao về đảm bảo chất lượng nội dung và kỹ thuật cho giám đốc kênh và các phòng chức năng.

- Bộ phận liên quan đến hạ tầng kỹ thuật sẽ cơ cấu lại bộ phận truyền dẫn phát sóng, thực hiện thuê lại hạ tầng theo Đề án số hóa của Chính phủ. Bộ phận liên quan đến sản xuất nội dung và kinh doanh được tăng cường số lượng và chất lượng để thực hiện mục tiêu tăng kênh, tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường quảng cáo và cung cấp các dịch vụ liên quan đến phát thanh, truyền hình của Đài.

b) Nhân lực:

- Phát triển nhân lực phù hợp với quy mô và vị thế của Đài. Quy mô số lượng nhân lực của Đài năm 2015 là trên 200 lao động và năm 2020 là từ 250 - 300 lao động.

- Bên cạnh việc phát triển số lượng, cần đặc biệt quan tâm đến phát triển chất lượng nguồn nhân lực, đến năm 2015, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học đạt 62%, tỷ lệ có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 30%. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học đạt trên 70%, tỷ lệ có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 35%.

c) Tạp chí truyền hình Đồng Nai:

- Phát triển Tạp chí truyền hình Đồng Nai là ấn phẩm hỗ trợ cho các nhiệm vụ của Đài. Năm 2015, phát hành 01 kỳ/tháng. Từ năm 2016 - 2020 phát hành 02 kỳ/tháng.

- Tạp chí truyền hình xuất bản dưới 02 hình thức là tạp chí in và tạp chí điện tử.

d) Trang thông tin điện tử trực tuyến của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai:

- Xây dựng và phát triển Trang thông tin điện tử có công nghệ hiện đại, giao diện được thiết kế khoa học hấp dẫn cao, kết nối Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai và kết nối với cơ quan liên quan trong tỉnh.

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng và triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin để tin học hóa xây dựng nội dung trang thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu phát thanh, truyền hình.

- Cung cấp dịch vụ báo chí, dịch vụ phát thanh, truyền hình tương tác trực tuyến.

- Cung cấp các dịch vụ phát thanh - truyền hình trực tuyến trên các hệ thống cơ sở dữ liệu phát thanh - truyền hình.

- Năm 2015, xây dựng thêm 01 Trang thông tin điện tử chuyên về tin tức.

4. Định hướng đến năm 2030

a) Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh:

- Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai sẽ phát triển theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện, cung cấp trên tất cả các loại hình thông tin. Đài tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính (kể cả hoạt động đầu tư phát triển) và có mức đóng góp ngày càng cao cho ngân sách tỉnh.

- Số lượng kênh chương trình: Quy mô Đài phát sóng trên 05 - 07 kênh phát thanh số, 08 - 10 kênh truyền hình số.

- Chất lượng chương trình: Các chương trình truyền hình của Đài được phát sóng bằng các chuẩn chất lượng cao Full - HD (1920 x 1080), chuẩn Quard HD (3840 x 2160 có độ nét gấp 04 lần chuẩn HD), chuẩn Ultra - HD (7689 x 4320 có độ nét gấp 04 lần chuẩn Quard - HD), chuẩn 3D và các công nghệ tiếp theo. Chương trình phát thanh được phát theo chuẩn DAB+ và các chuẩn cao hơn.

- Thụ hưởng thông tin: Phát thanh, truyền hình sẽ tách biệt giữa sản xuất nội dung, cung cấp dịch vụ và phát triển hạ tầng. Người dân sẽ thụ hưởng các loại hình thông tin theo yêu cầu thông qua đường truyền cáp quang hoặc truyền hình vệ tinh. Người dân có thể thụ hưởng nhiều loại hình dịch vụ internet, truyền hình, phát thanh và nhiều dịch vụ gia tăng đi kèm… của nhiều nhà cung cấp khác nhau trên cùng 01 đường truyền. Người dân Đồng Nai được thụ hưởng thông tin mọi nơi mọi lúc theo nhu cầu, theo đối tượng. Mức độ chênh lệch trong thụ hưởng thông tin của người dân thành thị và nông thôn gần như không còn.

- Phương thức tính cước sẽ tính riêng cho từng nội dung, theo thời gian xem chương trình hoặc sử dụng dịch vụ.

- Doanh thu phát thanh, truyền hình sẽ thay đổi cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng doanh thu từ quảng cáo trực tiếp trên kênh phát thanh, truyền hình; tăng tỷ trọng doanh thu từ phí thuê bao, doanh thu quảng cáo của truyền hình trực tuyến. Lúc này, số lượng các kênh truyền hình quá lớn, doanh thu từ quảng cáo trực tiếp trên các kênh truyền hình phải chia sẻ cho nhiều nhà cung cấp khác nhau từ sản xuất nội dung, phát triển hạ tầng đến nhà cung cấp dịch vụ, do vậy có xu hướng tìm nhiều hình thức thu hút nguồn lực trong đó cung cấp nội dung trực tuyến, sản xuất các chương trình cung cấp trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, yahoo… để thu hút quảng cáo.

- Nguồn nhân lực tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai có trình độ cao ngang tầm với khu vực và Quốc tế, môi trường làm việc năng động, sáng tạo, Quốc tế hóa. Đảm bảo cung cấp nội dung thông tin trong nước, Quốc tế trên nhiều lĩnh vực đến người dân. Quy mô lao động của Đài trên 500 lao động.

b) Hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện:

Đến năm 2030, các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện phát triển theo hướng là bộ phận hợp tác sản xuất chương trình với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các Đài Trung ương.

c) Hệ thống trạm truyền thanh cơ sở:

Đến năm 2030, người dân trên toàn tỉnh đã tiếp cận đầy đủ các loại hình thông tin, hệ thống truyền thanh cơ sở không còn cần thiết, hệ thống này chỉ được duy trì tại một số khu vực trong những trường hợp đặc biệt.

5. Giải pháp phát triển phát thanh truyền hình tỉnh

a) Xây dựng đổi mới cơ chế, chế độ:

Để phát triển phát thanh, truyền hình tỉnh theo định hướng quy hoạch, cần thiết phải ban hành các cơ chế, chế độ sau:

- Cơ chế hoạt động dịch vụ, tự chủ kinh phí.

- Cơ chế, chế độ về quản lý đối với các doanh nghiệp, đơn vị tự chủ tài chính trực thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình.

- Cơ chế hoạt động cho các bộ phận truyền dẫn phát sóng, các chương trình, kênh truyền hình trả tiền theo mô hình doanh nghiệp cổ phần.

- Cơ chế phối hợp sản xuất nội dung của Đài tỉnh với Đài cấp huyện.

- Có chế độ thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát thanh và truyền hình.

b) Đổi mới tổ chức bộ máy:

- Từ năm 2015, chuyển đổi mô hình hoạt động Đài Phát thanh - Truyền hình theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình. Hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng sẽ theo định hướng xã hội hóa theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.

- Xác định vị trí việc làm cho hệ thống phát thanh truyền hình của tỉnh theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Phát triển nguồn nhân lực:

- Chú trọng phát triển năng lực đội ngũ biên tập viên, phóng viên và sản xuất chương trình để thực hiện mục tiêu phát triển.

- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phù hợp với thực tế phát triển, phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ.

- Xã hội hóa việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật viên, thợ lành nghề để đáp ứng cho yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

- Cải tiến phương pháp tái đào tạo nhằm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, báo chí, kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với trình độ phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực tiễn.

- Đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho cấp huyện vì hiện nay tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học rất thấp (15%), tập trung tăng cường chất lượng kết hợp giữa đào tạo nâng cao, tuyển dụng theo đúng vị trí chức năng.

d) Kỹ thuật và công nghệ:

- Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình, chuyển đổi số hóa truyền hình và chuyển phát hình độ phân giải cao - HDTV.

- Triển khai áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất chương trình, lưu trữ, truyền dẫn phát sóng, ứng dụng truyền thông đa phương tiện và công nghệ tin học trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

- Thực hiện số hóa trong truyền dẫn phát sóng phát thanh theo công nghệ DAB+ và truyền hình theo công nghệ DVB-T2.

đ) Hợp tác Quốc tế:

- Tăng cường trao đổi chương trình với các tổ chức truyền thông trên thế giới theo tiêu chí hợp tác cùng có lợi.

- Tăng cường hợp tác chuyên môn nhằm nâng cao trình độ cán bộ của các đơn vị phát thanh truyền hình.

- Đối với các nước có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Đồng Nai lớn, cần có kế hoạch hợp tác toàn diện, tăng cường trao đổi chương trình, tăng cường quan hệ hợp tác nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyên truyền và giới thiệu văn hóa giữa Việt Nam với nước bạn.

e) Huy động các nguồn vốn:

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án liên quan nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ ban đầu, các dự án xây dựng cơ sở vật chất sản xuất chương trình.

- Nguồn tích lũy của đài và huy động các nguồn xã hội đầu tư chuyển đổi công nghệ, phát triển hệ thống truyền dẫn phát sóng, truyền hình độ phân giải cao và mạng truyền hình cáp.

- Các kênh truyền hình trả tiền chủ yếu huy động từ các nguồn xã hội, hoặc hoạt động theo phương thức doanh nghiệp cổ phần.

g) Quản lý Nhà nước:

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về phát thanh truyền hình tại địa phương, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước về phát thanh truyền hình có trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có trình độ chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, đặc biệt là đối với bộ máy, cán bộ quản lý báo chí Sở Thông tin và Truyền thông.

- Các cấp chính quyền, cơ quan chủ quản tăng cường lãnh đạo, quản lý hệ thống phát thanh truyền hình của mình. Xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý, quy chế phối hợp, chế độ trách nhiệm giữa cơ quan chủ quản và cơ quan phát thanh truyền hình của mình, nhất là trong việc định hướng nội dung, nhân sự, tài chính.

6) Tổ chức thực hiện

a) Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai:

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các đề án, dự án liên quan trong quy hoạch. Căn cứ nội dung quy hoạch, xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm bám sát với các nhiệm vụ trong quy hoạch.

- Tham gia trong quá trình xây dựng phương án, tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cấp giấy phép thiết lập và kinh doanh dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình khu vực và đóng góp cổ phần tại Công ty Truyền dẫn phát sóng theo quy định Luật Doanh nghiệp.

- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đơn vị góp vốn tại các đơn vị Đài có đóng góp cổ phần theo quy định nhằm bảo toàn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.

- Phối hợp các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, quản lý hệ thống truyền dẫn, phát sóng theo quy định, đảm bảo phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình trong địa bàn tỉnh một cách liên tục, ổn định với chất lượng tốt.

- Chủ trì, phối hợp các Đài cấp huyện sản xuất chương trình có chất lượng tốt phát sóng trên các kênh chương trình của Đài. Nội dung sản xuất đặc biệt lưu ý tới chương trình phục vụ người dân tộc ít người sinh sống trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đề án về tổ chức và nhân sự các Trạm Truyền thanh cơ sở.

- Tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trình UBND tỉnh những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thành lập các bộ phận công tác và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí để thực hiện các đề án trong quy hoạch.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch, cân đối kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng và triển khai các nhiệm vụ quy hoạch phù hợp với khả năng, nguồn vốn của tỉnh.

d) Sở Tài chính:

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai hướng dẫn chính sách tài chính thuộc lĩnh vực phát thanh truyền hình và phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các dự án, đề án của Quy hoạch.

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

Triển khai và chỉ đạo các Đài truyền thanh huyện, thị xã và thành phố triển khai thực hiện quy hoạch, trên cơ sở phối hợp tốt với Đài tỉnh thực hiện mục tiêu phủ sóng, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sang công nghệ số.

e) Các sở, ban, ngành liên quan:

Căn cứ vào các nội dung quy hoạch thực hiện việc phối hợp theo chức năng và nhiệm vụ của mình.

7. Danh mục Quy hoạch phát thanh truyền hình đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030

- Quy hoạch kênh phát thanh đến năm 2015;

- Quy hoạch kênh phát thanh đến năm 2020;

- Quy hoạch kênh truyền hình đến năm 2015;

- Quy hoạch kênh truyền hình đến năm 2020;

- Quy hoạch các Đài Truyền thanh cơ sở;

- Quy hoạch nội dung nhóm các chương trình kênh phát thanh thời sự - chính trị;

- Quy hoạch nội dung nhóm chương trình trên kênh phát thanh công đoàn - công nhân;

- Quy hoạch nội dung kênh chương trình phát thanh giao thông - đô thị - môi trường;

- Quy hoạch nội dung kênh ĐN-RTV1;

- Quy hoạch nội dung kênh ĐN-RTV2;

- Quy hoạch nội dung kênh ĐN-RTV3;

- Quy hoạch nội dung kênh ĐN-RTV4;

- Quy hoạch nội dung kênh ĐN-RTV5;

- Tổng hợp dự án đầu tư phát thanh, truyền hình và tổng hợp nguồn vốn đầu tư qua từng giai đoạn;

- So sánh hệ thống phát thanh, truyền hình cả nước.

8. Xây dựng kế hoạch thực hiện:

Tóm tắt quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch từng giai đoạn qua bảng sau đây:

STT

Nhiệm vụ thực hiện

Tiến độ thực hiện

Đơn vị thực hiện

1

Tăng thời lượng phát sóng kênh 720 KHz

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

2

Tăng thời lượng 03 kênh phát thanh, quy hoạch lại nội dung 03 kênh

2016 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

3

Mở mới 01 kênh truyền hình

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

4

Mở mới 01 kênh truyền hình

2016 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

5

Thực hiện dự án phát thanh

2014 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

5.1

Trang thiết bị cho 04 phòng thu âm phát thanh

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

5.2

Hệ thống tổng khống chế phát thanh

2019 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

5.3

Hệ thống máy phát thanh kĩ thuật số

2019 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

6

Thực hiện dự án truyền hình

2014 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

6.1

Hệ thống âm thanh, ánh sáng cho nhà hát truyền hình 400 chỗ

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

6.2

Trang thiết bị cho phòng tổng khống chế 05 kênh truyền hình

2015 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

6.3

Trang thiết bị chuẩn HD cho các phóng viên, biên tập viên

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

6.4

Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sản xuất chương trình cho 03 studio truyền hình

2015 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

6.5

Trang thiết bị hệ thống dựng hình phi tuyến tính, nối mạng trung tâm, phục vụ các biên tập viên và phiên dịch

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

6.6

Hệ thống trung tâm lưu trữ, kiểm duyệt dữ liệu truyền hình

2015 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

6.7

Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sản xuất chương trình cho studio ca nhạc 108m2

2015 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

6.8

Hệ thống camera, thiết bị sản xuất chương trình cho nhà hát truyền hình 400 chỗ ngồi

2016 - 2018

Đài PTTH Đồng Nai

6.9

Đầu tư mới 02 xe truyền hình màu lưu động chuẩn HD

2017 - 2018

Đài PTTH Đồng Nai

6.10

Hệ thống máy phát hình kỹ thuật số

2016 - 2018

Đài PTTH Đồng Nai

6.11

Trang bị thiết bị kiểm tra tín hiệu kênh DNRTV trên vệ tinh, trên cáp và trên IPTV

2016 - 2018

Đài PTTH Đồng Nai

6.12

Cải tạo trang thiết bị tại các studio hiện hữu theo hướng hiện đại, số hóa

2016 - 2018

Đài PTTH Đồng Nai

6.13

Xây dựng hệ thống đồ họa và nhận diện thương hiệu kênh, làm tăng giá trị nội dung các chương trình truyền hình

2019 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

6.14

Xây dựng trường quay ngoài trời diện tích 2,5 ha trong khuôn viên Đài PTTH Đồng Nai

2019 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

7

Truyền dẫn phát sóng

2015 - 2018

Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai, Công ty TDPS

7.1

Xin phép thành lập doanh nghiệp liên kết truyền dẫn phát sóng khu vực

2014 - 2015

Đài PTTH Đồng Nai

7.2

Xây dựng phương án truyền dẫn tín hiệu

Năm 2015

PTTH Đồng Nai, Công ty TDPS

7.3

Hỗ trợ người dân mua thiết bị đầu thu DVB - T

Năm 2015

Sở TTTT

7.4

Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng

2016 - 2018

PTTH Đồng Nai, Công ty TDPS

8

Phát sóng các kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình trả tiền dưới dạng HD

Năm 2016

Đài PTTH Đồng Nai, Công ty TDPS

9

Thay đổi mô hình tổ chức Đài PTTH Đồng Nai

2015 - 2020

UBND tỉnh, Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai

9.1

Xin chủ trương

Năm 2015

Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai

9.2

Tổ chức thực hiện theo mô hình mới

2016 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

9.3

Tuyển dụng nhân lực theo mô hình mới

2016 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

10

Tăng kỳ tạp chí truyền hình

2016 - 2020

Đài PTTH Đồng Nai

11

Nâng cấp Trang thông tin điện tử Đài PTTH

2014 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

11.1

Nâng cấp phần nội dung thông tin

Năm 2015

Đài PTTH Đồng Nai

11.2

Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ truyền hình cho các thiết bị di động qua mạng internet

2014 - 2016

Đài PTTH Đồng Nai

12

Nâng cấp 11 Đài cấp huyện

2016 - 2020

UBND các huyện, thị xã và thành phố

13

Dự án truyền thanh cơ sở

2014 - 2015

Sở TTTT, UBND các huyện, UBND các xã

13.1

Tăng cường năng lực cán bộ thông tin truyền thông cơ sở

2014 - 2015

Sở TTTT

13.2

Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở

2014 - 2015

Sở TTTT

13.3

Tăng cường nội dung thông tin cho hệ thống truyền thanh cơ sở

2014 - 2015

Sở TTTT

14

Xây dựng cơ chế chính sách về PTTH

2014 - 2020

Sở TTTT, Sở TC, Sở KHĐT, Sở Nội vụ và Đài PTTH Đồng Nai

14.1

Cơ chế hoạt động

2014 - 2015

Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai

14.2

Cơ chế tài chính

2014 - 2015

Sở TC, Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai

14.3

Định biên nhân lực, thu hút lao động

2014 - 2015

Sở NV, Sở TTTT, Đài PTTH Đồng Nai

14.4

Chính sách hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực PTTH

2016 - 2020

Sở Ngoại vụ, Sở TTTT và Đài PTTH Đồng Nai

14.5

Cơ chế phối hợp đầu tư

2014 - 2016

Sở KHĐT, Sở TC, Sở TTTT và Đài PTTH Đồng Nai

15

Tăng cường quy mô Đài phát sóng lên 05 - 07 kênh phát thanh

2020 - 2030

Đài PTTH Đồng Nai

16

Tăng cường quy mô Đài phát sóng lên 08 - 10 kênh truyền hình số

2020 - 2030

Đài PTTH Đồng Nai

17

Phát sóng các kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình trả tiền dưới định dạng full HD

2020 - 2030

Đài PTTH Đồng Nai

18

Phát sóng các kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình trả tiền dưới dạng Quard HD

2020 - 2030

Đài PTTH Đồng Nai

19

Sản xuất các chương trình cung cấp trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, google,…

2015 - 2030

Đài PTTH Đồng Nai

g) Biện pháp đảm bảo tiến độ

Sự thành công của một quy hoạch phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai thực hiện hiệu quả và kịp thời của các đơn vị liên quan. Đây là yếu tố có tính chất quyết định để sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách địa phương chi cho sự phát triển ngành, tận dụng tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành theo định hướng quy hoạch. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện các đề án, dự án trong quy hoạch cần thiết phải có sự kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh quá trình thực hiện, điều chỉnh nội dung chương trình, dự án, quy mô, phạm vi một cách kịp thời, hiệu quả. Có như vậy, các dự án, đề án trong quy hoạch mới được thực hiện một cách có hiệu quả và đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Do vậy, cơ quan chủ trì thực hiện là Đài Phát thanh - Truyền hình, cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các công việc như sau:

- Nhắc nhở các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện các đề án trong quy hoạch.

- Phối hợp với đơn vị liên quan thẩm định, trình cấp có thẩm quyền công tác chuẩn bị dự án.

- Phân tích nguyên nhân tổn thất, rủi ro, chi phí và có những đề xuất đối với từng dự án cụ thể.

- Đánh giá từng giai đoạn thực hiện.

- Xác định các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đề xuất những điều chỉnh kịp thời về các dự án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai; các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí