Quyết định 113/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Bình Định
Số hiệu: 113/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Phạm Văn Thanh
Ngày ban hành: 20/06/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/2003/QĐ-UB

Quy Nhơn, ngày 20 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định số 4018/QĐ-UB ngày 16/5/2003 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Bình Định;

- Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Bình Định (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Bình Định.

Điều 2: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các thành viên trong tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2
- TT Tỉnh ủy
- TT HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- PVP Hồ Quốc Dũng
- Lưu VP, K9.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Văn Thanh

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 113 /2003/QĐ-UB ngày 20 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh được thành lập theo Quyết định số 4018/QĐ-UB ngày 16/5/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh, là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động theo chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 2: Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh giai đoạn 2003 –2010 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 75/2003/QĐ-UB ngày 18/4/2003 gồm:

1- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, đề ra các biện pháp để chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt mục tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh giai đoạn 2003 – 2010.

2- Hướng dẫn các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các chính sách của tỉnh về xuất khẩu lao động. Kiến nghị, điều chỉnh bổ sung những điểm chưa hợp lý đối với các quy định, chính sách có liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách, tổ chức quản lý phù hợp với đặc thù của tỉnh nhằm đạt mục tiêu đã định.

3- Chỉ đạo trực tiếp Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp huyện, thành phố, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động của tỉnh chủ động tạo nguồn và thị trường cho xuất khẩu lao động.

4- Điều phối các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh trong công tác tuyển lao động đi xuất khẩu lao động tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Định.

5- Báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả xuất khẩu lao động cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

6- Phối hợp với các ngành ở Trung ương kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xuất khẩu lao động ở địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các bộ, ngành Trung ương.

Chương II

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

Điều 3: Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phân công cá nhân phụ trách; ban chỉ đạo thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác xuất khẩu lao động.

Điều 4: Giúp việc cho Ban chỉ đạo có tổ chuyên viên giúp việc gồm các cán bộ, chuyên viên có năng lực của các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo cử tham gia. Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo do Trưởng ban quyết định thành lập.

Điều 5: Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh được sử dụng khuôn dấu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hoạt động theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 6: Trưởng Ban chỉ đạo triệu tập và chủ tọa các phiên họp thường kỳ, đột xuất để xử lý các công việc thuộc nhiệm vụ xuất khẩu lao động; Trưởng Ban chỉ đạo có thể ủy nhiệm cho Phó Trưởng ban chủ tọa cuộc họp; các phiên họp của Ban chỉ đạo phải được thông báo trước bằng văn bản về thời gian, địa điểm và nội dung phiên họp; các quyết định của Ban chỉ đạo phải được biểu quyết theo đa số tán thành (từ 2/3 thành viên trở lên), các thành viên có ý kiến trái với ý kiến đã biểu quyết thì có quyền bảo lưu ý kiến hoặc trình bày ý kiến riêng lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các thành viên Ban chỉ đạo nếu vì lý do chính đáng không tham dự cuộc họp của Ban chỉ đạo thì được ủy quyền cử đại diện đi họp, người được ủy quyền có quyền phát biểu ý kiến nhưng không được quyền biểu quyết. Người ủy quyền phải chịu trách nhiệm về các ý kiến của người được ủy quyền.

Những vấn đề không đòi hỏi phải giải quyết tại cuộc họp, Ban chỉ đạo sẽ giải quyết thông qua hội ý của Trưởng ban, Phó Trưởng ban với một số thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các ngành liên quan trực tiếp, kết quả giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho các thành viên Ban chỉ đạo.

Điều 7: Tùy theo nội dung phiên họp của Ban chỉ đạo quyết định mời thêm lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan cùng tham dự.

Điều 8: Ban chỉ đạo có thể mời một số chuyên gia, có kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu lao động làm tư vấn một số lĩnh vực khi cần thiết.

 Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CÔNG TÁC

Điều 9: Trưởng Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh. Phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo và quyết định thành lập tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo.

Điều 10: Phó Trưởng ban được Trưởng Ban chỉ đạo ủy quyền: chỉ đạo trực tiếp tổ công tác triển khai, thực hiện các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về xuất khẩu lao động, điều phối các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và thay mặt Trưởng ban giải quyết các công việc của ban khi Trưởng ban vắng mặt.

Điều 11: Các thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về nhiệm vụ đã được phân công; trực tiếp giải quyết những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, chuyên môn của cơ quan mình trong công tác xuất khẩu lao động, thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch cho Thường trực Ban chỉ đạo để tổng hợp báo cáo.

Điều 12: Nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo được phân công cụ thể như sau:

1- Thành viên là lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

 - Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường và chính sách xuất khẩu lao động. Tổ chức triển khai, Thực hiện các chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước, của tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động.

- Phối hợp với Sở Y tế có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở y tế được phép khám sức khỏe cho người đi xuất khẩu lao động nhanh chóng, thuận tiện, chính xác.

- Quản lý và điều phối các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh.

- Tổng hợp tình hình xuất khẩu lao động, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

2- Thành viên là lãnh đạo Công an tỉnh:

Có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp và người lao động làm thủ tục cấp hộ chiếu cho người lao động thuận lợi, trong thời hạn ngắn nhất. Thường xuyên theo dõi, đối chiếu giữa số người xin cấp hộ chiếu với người thực đi xuất khẩu lao động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội).

3- Thành viên là lãnh đạo Sở Tài chính – Vật giá:

Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lập kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách xuất khẩu lao động của tỉnh, từ Quỹ giải quyết việc làm và Quỹ xoá đói giảm nghèo hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chính sách xuất khẩu lao động của tỉnh.

4- Thành viên là lãnh đạo Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT:

- Tổ chức triển khai kịp thời các qui định của Nhà nước , của tỉnh về cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động.

- Hướng dẫn và giải quyết cho vay các đối tượng chính sách và các đối tượng theo qui định đi xuất khẩu lao động.

 - Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính - Vật giá đề xuất ngân sách thực hiện các chính sách cho vay xuất khẩu lao động của tỉnh.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc cho vay và thu hồi nợ, lãi tiền vay đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

5- Thành viên là Lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định:

- Chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường tiếp nhận lao động phù hợp với khả năng, nhu cầu của lao động tỉnh ta, đồng thời phối hợp với các địa phương ký kết hợp đồng cung ứng lao động, trực tiếp tuyển chọn lao động tại xã, phường, thị trấn. Sau mỗi đợt tuyển Công ty thông báo cho xã, phường, thị trấn danh sách người đã được đi lao động ở nước ngoài và lý do ở lại với người chưa được đi.

- Tổ chức tốt công tác giáo dục định hướng cho người lao động, giáo dục người lao động chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam và Pháp luật của nước sở tại.

- Tổ chức tốt việc quản lý lao động của doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động, giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam.

Điều 13: Nhiệm vụ của tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo:

1- Tổ trưởng tổ công tác: là cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo về mọi hoạt động của tổ công tác.

2- Tổ công tác giúp Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Đồng thời hướng dẫn, theo dõi, thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Ban chỉ đạo. Tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc ở địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện theo ủy quyền của Thường trực Ban chỉ đạo.

3- Các thành viên tổ công tác được Ban chỉ đạo hoặc các thành viên Ban chỉ đạo ủy quyền đến các sở, ngành, các địa phương, cơ sở và các doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ Ban chỉ đạo giao.

Điều 14: Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh được sử dụng từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm và Quỹ xóa đói giảm nghèo, theo Quyết định số 75/2003/QĐ-UB ngày 18/4/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh giai đoạn 2003 – 2010.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ công tác theo đúng Quy chế này.

Điều 16: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh tổng hợp các ý kiến, đề xuất nội dung bổ sung trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.