Quyết định 112/2004/QĐ-UB ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: | 112/2004/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Hoàng Tuấn Anh |
Ngày ban hành: | 29/06/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/2004/QĐ-UB |
Đà Nẵng, ngày 29 tháng 6 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ÁP DỤNG THỐNG NHẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TP. ĐÀ NẴNG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đấu giá tài sản;
- Căn cứ Quyết định số 4430/QĐ-UB ngày 17 tháng 6 năm 2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố Đà Nẵng;
- Theo đề nghị của Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1925/TC-GCS ngày 25 tháng 6 năm 2004 và đã được Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thông qua tại cuộc họp giao ban vào ngày 28 tháng 6 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục trưởng Cục thuế; Chánh Thanh tra thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố; các Trưởng ban các Ban Quản lý dự án và Giám đốc các Công ty được giao nhiệm vụ khai thác quỹ đất; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
QUY CHẾ
ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
(Kèm theo Quyết định số 112/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 6 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mục đích, yêu cầu về đấu giá quyền sử dụng đất:
Đấu giá quyền sử dụng đất là việc lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực, hoặc các tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất để giao quyền sử dụng đất bằng hình thức đấu giá công khai.
Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất:
- Nhằm mục đích thực hiện nhanh các dự án đầu tư của thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt. Qua đó, xã hội hóa việc thu hút vốn từ quỹ đất phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
- Phải được thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, đúng quy định tại Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản và đúng Quy chế này.
- Phải được thông báo công khai về sơ đồ, vị trí từng lô đất tại văn phòng các Ban Quản lý dự án và các Công ty được giao nhiệm vụ khai thác quỹ đất (gọi tắt là các đơn vị khai thác quỹ đất); đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tối thiểu là 15 ngày, tối đa là 01 tháng, trước khi tổ chức đấu giá.
Điều 2: Giải thích từ ngữ: Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Đối tượng tham gia đấu giá là tổ chức hoặc cá nhân trong nước đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá.
2. Đối tượng trúng đấu giá là tổ chức hoặc cá nhân trong nước hô mức giá cao nhất được chấp nhận trong phiên đấu giá và được ghi nhận trong biên bản trúng đấu giá.
3. Giá khởi điểm là giá ban đầu do UBND thành phố Đà Nẵng quy định và Hội đồng đấu giá chuyển quyền sử dụng đất (gọi tắt là Hội đồng đấu giá) công bố trước khi đấu giá, làm căn cứ để đấu giá.
4. Tiền đặt cược là khoản tiền do người đủ điều kiện tham gia đấu giá nộp cho Hội đồng đấu giá trước khi tổ chức đấu giá.
5. Giá trúng đấu giá là mức giá cao nhất mà đối tượng trúng đấu giá đã hô ở vòng cuối cùng của phiên đấu giá và không còn đối tượng hô cao hơn.
Điều 3: Các khu đất (hoặc lô đất) đưa ra đấu giá phải thuộc quyền sử dụng đất của UBND thành phố, là đất trống đã được giải phóng mặt bằng. Đối với đất ở phải có chứng chỉ quy hoạch cho từng khu dân cư. Đối với đất xây dựng công trình phải có các thông số về mật độ xây dựng, chiều cao công trình và các thông số hạ tầng kỹ thuật khác do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Điều 4: Các tổ chức, cá nhân trong nước (gọi tắt là đối tượng) có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá và phải viết đơn đăng ký theo mẫu quy định; đồng thời có cam kết thực hiện đúng. Nội quy của Hội đồng đấu giá, các quy định của Quy chế này và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.
Đối tượng trúng đấu giá được đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp và phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Pháp luật.
Phiên đấu giá chỉ được tổ chức khi có từ 02 (hai) đối tượng trở lên đăng ký tham gia đấu giá.
Điều 5: Quyền lợi và trách nhiệm của đối tượng tham gia đấu giá và trúng đấu giá:
1. Quyền lợi:
1.1- Đối tượng trúng đấu giá được xác nhận kết quả trúng đấu giá; được giao đất đúng diện tích để tiến hành sử dụng xây dựng theo đúng mục đích ghi trong hồ sơ đấu giá sau khi đã nộp đủ 100% tiền sử dụng đất theo giá đã đấu trúng.
1.2- Được sử dụng hạ tầng kỹ thuật trong khu quy hoạch.
1.3- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
2. Trách nhiệm:
2.1- Thực hiên đúng Quy chế và Nội quy đấu giá.
2.2- Đối tượng trúng đấu giá phải tuân thủ theo đúng quy hoạch chi tiết về mục đích sử dụng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, các thông số hạ tầng kỹ thuật khác, tiến độ xây dựng công trình và các quy định về quản lý đất đai, môi trường do Nhà nước quy định.
2.3- Chịu sự giám sát, kiểm tra trong quá trình đầu tư xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.
Chương II
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẤU GIÁ
Điều 6: Thông báo về việc tổ chức đấu giá và hồ sơ đăng ký đấu giá:
1. Trước khi tổ chức đấu giá tối thiểu 15 ngày, Hội đồng đấu giá có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị khai thác quỹ đất có đất đưa ra đấu giá tiến hành thực hiện thông báo mời tham gia đấu giá 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương trên địa bàn thành phố. Nội dung thông báo bao gồm: quy hoạch sử dụng đất, địa chỉ các khu đất (lô đất), diện tích, vị trí, thời hạn, địa điểm nhận hồ sơ đăng ký, giá khởi điểm, điều kiện được đăng ký đấu giá.
2. Hồ sơ đăng ký đấu giá:
Đối tượng tham gia đấu giá phải có Đơn đăng ký tham gia đấu giá theo mẫu quy định thống nhất của Hội đồng đấu giá. Đối tượng là tổ chức thì phải có người đứng đầu của tổ chức ký tên, đóng dấu. Đối tượng là cá nhân phải có bản sao (có đối chiếu với bản chính) chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.
Điều 7: Tiền đặt cược:
1. Tiền đặt cược: Trước khi tham gia đấu giá, đối tượng tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt cược bằng 10% đối với khu đất (lô đất) có tổng giá trị theo giá khởi điểm từ 2 tỷ đồng trở xuống; nộp bằng 3%-5% đối với khu đất (lô đất) có tổng giá trị theo giá khởi điểm trên 2 tỷ đồng và giao cho Hội đồng đấu giá đề xuất mức tỷ lệ cụ thể tùy theo tổng giá trị khu đất (lô đất) để trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định.
1.1- Trường hợp đối tượng tham gia đấu giá trúng thì khoản tiền đặt cược được trừ vào tổng số tiền sử dụng đất phải nộp. Trường hợp đối tượng trúng đấu giá, nhưng từ chối nhận quyền sử dụng đất hoặc sau thời hạn quy định không nộp đủ tiền sử dụng đất thì khoản tiền đặt cược không được hoàn trả và khoản tiền này được sung quỹ ngân sách Nhà nước.
1.2- Trường hợp đối tượng tham gia đấu giá không trúng thì khoản tiền đặt cược được hoàn trả lại ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
1.3- Trường hợp đối tượng tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt cược, nhưng không tham gia đấu giá thì khoản tiền đặt cược không được hoàn trả và khoản tiền này được sung quỹ ngân sách Nhà nước, trừ những trường hợp có lý do khách quan chính đáng hoặc bất khả kháng, Hội đồng đấu giá sẽ trình Chủ tịch UBND thành phố xử lý cụ thể.
2- Thời hạn nộp tiền đặt cược:
Số tiền đặt cược phải được nộp cùng với thời điểm nộp Đơn đăng ký tham gia đấu giá và trước giờ mở cuộc đấu giá là 15 phút (mười lăm phút) Tiền đặt cược được nộp bằng tiền Việt Nam hoặc Giấy bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng.
Điều 8: Đối tượng tham gia đấu giá đã đăng ký hợp lệ và thực hiện đúng các quy định tại điểm 2 Điều 6 và Điều 7 của bản Quy chế này mới được tham dự đấu giá. Đối tượng tham gia đấu giá là tổ chức thì người đứng đầu tổ chức đó phải tham dự đấu giá, nếu ủy quyền thì phải có văn bản ủy quyền của người đứng đầu tổ chức đó ký. Đối tượng tham gia đấu giá là cá nhân, nếu ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham dự đấu giá thì việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và có xác nhận của phòng Công chứng Nhà nước hoặc UBND phường, xã nơi có hộ khẩu thường trú. Văn bản ủy quyền phải được nộp cho Hội đồng đấu giá trước khi mở phiên đấu giá.
Chương III
THỂ THỨC TỔ CHỨC PHIÊN ĐẤU GIÁ
Điều 9: Điều hành phiên đấu giá:
1. Hội đồng đấu giá có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khai thác quỹ đất để tổ chức, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất (lô đất) đã được UBND thành phố phê duyệt theo hình thức đấu giá; đồng thời phân công người trực tiếp điều hành phiên đấu giá và làm thư ký ghi biên bản phiên đấu giá.
2. Người điều hành phiên đấu giá giới thiệu các thành phần tham dự (thành viên Hội đồng, đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan), điểm danh đối tượng tham gia đấu giá. Giới thiệu các khu đất (lô đất) được đưa ra đấu giá, phổ biến các quy định về đấu giá và giải đáp thắc mắc của người tham gia đấu giá (nếu có).
Điều 10: Nội quy phiên đấu giá:
1. Mỗi đối tượng tham gia đấu giá chỉ được cử không quá 02 người vào dự đấu giá. Người vào dự đấu giá, phải trình cho Hội đồng đấu giá giấy giới thiệu của tổ chức, Chứng minh nhân dân, Giấy ủy quyền (nếu có) và phải ngồi đúng vị trí quy định. Người dự cùng với đối tượng tham gia đấu giá chỉ được trao đổi trong nội bộ, không được trao đổi với đối tượng khác.
2. Hình thức đấu giá: Trực tiếp, công khai hô bằng miệng và số lần hô đối với mỗi đối tượng tham gia đấu giá không hạn chế. Thời gian giữa mỗi lần hô giá không quá 05 phút. Đối tượng hô giá lần đầu phải bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm, các lần hô tiếp theo không được thấp hơn giá hô trước đó.
Đối tượng tham gia đấu giá trước khi hô giá phải giơ cao số thứ tự, hô to và rõ ràng mức giá mình hô.
Sau khi đối tượng tham gia đấu giá hô giá, người điều hành nhắc lại số thứ tự và mức giá của đối tượng vừa hô 3 lần, mỗi lần cách nhau 50 giây. Sau khi người điều hành phiên đấu giá nhắc lại lần cuối cùng, không có đối tượng nào hô giá cao hơn thì đối tượng vừa hô mức giá đó trúng đấu giá.
Nếu ngay ở lần đầu tiên, sau 05 phút kể từ khi người điều hành công bố bắt đầu đấu giá mà không có đối tượng hô giá, thì phiên đấu giá coi như không thành. Toàn bộ số tiền đặt cược sẽ được sung vào quỹ ngân sách Nhà nước và Hội đồng đấu giá lập biên bản hủy phiên đấu giá.
Tại phiên đấu giá, nếu đối tượng đã hô giá cao hơn, sau đó rút lại giá đã hô thì việc đấu giá được tổ chức lại ngay và bắt đầu từ giá đã hô trước đó. Người rút lại giá không được tham gia phiên đấu giá đó và được mời ra khỏi phòng đấu giá; đồng thời không được trả lại tiền đặt cược.
Điều 11: Kết quả đấu giá được lập thành văn bản ngay tại cuộc đấu giá, có chữ ký của các thành viên Hội đồng đấu giá, các ngành tham gia giám sát và đối tượng tham gia đấu giá. Văn bản được lập thành 03 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản do Hội đồng đấu giá giữ, 01 bản giao cho đối tượng trúng đấu giá và 01 bản giao cho cơ quan có thẩm quyền để lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 12: Phương thức thanh toán đối với đối tượng trúng đấu giá:
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày tổ chức đấu giá, đối tượng trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền sử dụng đất theo giá đã đấu trúng. Nếu đến hạn mà không nộp đủ sồ tiền phải nộp thì xem như từ chối nhận quyền sử dụng đất và không được hoàn trả khoản tiền đặt cược.
Điều 13: Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất có những nhiệm vụ sau:
1. Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, Nghị định 86/CP và bản Quy chế này để xây dựng nội quy đấu giá cho từng phiên đấu giá.
2. Thông báo, niêm yết công khai đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến từng khu đất (lô đất) đưa ra đấu giá.
3. Quy định thời gian đăng ký đấu giá, ngày và địa điểm đấu giá.
4. Tiếp nhận đơn đăng ký đấu giá.
5. Đề xuất mức tỷ lệ tiền đặt cược trình UBND thành phố quyết định.
6. Tổ chức đấu giá theo đúng nguyên tắc và thủ tục quy định tại Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ và bản Quy chế này.
7. Thực hiện ghi chép đầy đủ về việc tổ chức đấu giá và lập văn bản đấu trúng giá giao quyền sử dụng đất.
8. Yêu cầu các đơn vị khai thác quỹ đất thực hiện giao đất cho đối tượng trúng đấu giá, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Nhà nước trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày đối tượng trúng đấu giá nộp đủ tiền sử dụng đất.
9. Hội đồng đấu giá có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện đấu giá chuyển quyền sử dụng đất cho UBND thành phố ngay sau khi thực hiện xong việc đấu giá.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14: Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, hối lộ, thỏa hiệp dẫn đến vi phạm sự công bằng, công khai và bình đẳng của việc đấu giá. Căn cứ vào mức độ vi phạm và hậu quả gây thiệt hại tổ chức hoặc cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật hiện hành. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 15: Đối tượng tham gia đấu giá có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân và các quy định có liên quan của Nhà nước.
Điều 16: Trong quá trình thực hiện, nếu có trở ngại, vướng mắc, Hội đồng đấu giá phải phản ánh kịp thời cho UBND thành phố để xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.