Quyết định 1111/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015
Số hiệu: 1111/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Duy Cường
Ngày ban hành: 21/09/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1111/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 21 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2012 – 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 01/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều kiện phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình trên vệ tinh;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 ;

Theo đề nghị của Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 31/TTr-STTTT ngày 9 tháng 8 năm 2012;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Đề án nâng cao chất lượng Phát thanh – Truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các trạm phát lại phát thanh – truyền hình trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo để Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh ổn định tổ chức bộ máy với đội ngũ cán bộ, viên chức tinh thông nghiệp vụ; đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, đặc biệt là chương trình truyền hình và chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; mở rộng phạm vi phủ sóng với chất lượng tín hiệu cao, thu hút được số lượng lớn khán thính giả trong tỉnh, đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Yên Bái ra các địa phương khác trong nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Phấn đấu đến năm 2015, có 90% phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh có trình độ đại học (trong đó ít nhất 50% có bằng đại học chuyên ngành báo chí ); 08% có trình độ thạc sỹ; 70% phóng viên, biên tập viên thời sự và chuyên đề của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị.

- Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đổi mới hình thức thể hiện thông qua các thể loại trực tiếp, tương tác và liên kết sản xuất chương trình; tăng thời lượng và số lượng các chuyên đề, chuyên mục liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; mở mới các chương trình phim tài liệu, phim khoa giáo, games show (các trò chơi trên truyền hình) và các cuộc thi trên truyền hình.

- Phấn đấu trước năm 2014 kênh truyền hình Yên Bái phát sóng trên vệ tinh với thời lượng 15 giờ/ngày (trong đó tự sản xuất 6 giờ/ngày).

Năm 2015, kênh truyền hình Yên Bái phát sóng trên vệ tinh với thời lượng 17 giờ/ngày, trong đó chương trình tự sản xuất có thời lượng là 7 giờ; các chương trình phát thanh có thời lượng tự sản xuất là 6 giờ 30 phút/ngày.

- Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Thực hiện số hóa trong các khâu sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện giải pháp truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình địa phương trên vệ tinh. Năm 2015, phát sóng truyền hình mặt đất analog song song với truyền hình số tại trạm trung tâm tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương lên 92% địa bàn dân cư; tỷ lệ phủ sóng truyền hình địa phương đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái đạt 85%.

3. Nội dung chính của Đề án

3.1. Nội dung thực hiện giai đoạn 2012 – 2015

- Thành lập thêm 02 phòng chuyên môn nâng tổng số lên 9 phòng. Tăng thêm 20 biên chế trong năm 2013, các năm còn lại căn cứ vào tình hình thực tế và quy định của Nhà nước tăng thêm biên chế theo nhu cầu công việc.

- Thực hiện đào tạo trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.

- Nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Việt của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.

- Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc được đổi mới nội dung, tăng cả về số lượng và thời lượng chương trình, trong đó có thêm chương trình truyền hình tiếng Thái.

- Đầu tư các trang thiết bị sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng công nghệ số. Đảm bảo kênh truyền hình Yên Bái phát liên tục 15 đến 17 giờ/ngày trên vệ tinh và các trạm tiếp phát sóng mặt đất.

- Cải tạo, nâng cấp 07 trạm phát lại phát thanh, truyền hình tại các khu vực vùng đặc biệt khó khăn và vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

3.2. Phân kỳ thực hiện

3.2.1. Giai đoạn 2012 – 2013

- Về Phát thanh.

Mỗi ngày, sản xuất 04 chương trình thời sự tổng hợp tiếng Việt (phát sóng sáng, trưa, chiều, tối) 01 chương trình văn nghệ, tăng 01 chương trình so với hiện nay. Thời lượng mỗi chương trình là 30 phút. Tổng thời lượng chương trình phát thanh tiếng Việt sản xuất là 2 giờ 30 phút/ngày (không tính chương trình phát lại).

Mỗi ngày sản xuất 03 chương trình tiếng dân tộc Mông, Thái, Dao. Thời lượng mỗi chương trình 30 phút. Tổng thời lượng chương trình phát thanh tiếng dân tộc1 giờ 30 phút/ngày.

Trang bị 05 máy thu thanh số; sửa chữa, nâng cấp 02 phòng thu lời.

- Về Truyền hình

Tổng thời lượng phát sóng 15 giờ/ngày, trong đó, chương trình tự sản xuất là 6 giờ/ngày; các chương trình liên kết, khai thác, trao đổi, tiếp sóng chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam 09 giờ/ngày.

Mỗi ngày sản xuất 04 chương trình thời sự với tổng thời lượng 120 phút; tăng 01 bản tin chuyên đề phát sóng vào lúc 17 giờ hàng ngày. Các chuyên đề, chuyên mục về kinh tế, xã hội, văn hóa, văn nghệ, an ninh quốc phòng, phim tài liệu, phim khoa giáo, games show và các cuộc thi trên truyền hình có thời lượng 240 phút.

Một tháng sản xuất 09 chương trình truyền hình tiếng dân tộc. Thời lượng 45 phút/chương trình, trong đó: 06 chương trình tiếng Mông, 02 chương trình tiếng Dao, 01 chương trình tiếng Thái, phát sóng tại địa phương và cộng tác trên kênh VTV 5 của Đài Truyền hình Việt Nam, tăng 01 chương trình tiếng Thái so với hiện nay.

Đầu tư mới 10 camera và chân máy, 09 bộ dựng hình số, 01 cần cẩu quay phim, hệ thống server lưu trữ cùng một số thiết bị phụ trợ.

- Về nguồn nhân lực:

Thành lập thêm 02 phòng: Dân tộc, Chuyên đề - Khoa giáo, nâng tổng số lên 09 phòng. Bổ sung 20 biên chế, nâng tổng số biên chế của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh lên 105 cán bộ, viên chức.

Mở 01 lớp đào tạo cử nhân chính trị chuyên ngành quản lý Văn hóa tư tưởng, trong đó, cán bộ, viên chức Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố là 50 người.

Mở 01 lớp đào tạo đại học báo chí hệ vừa học vừa làm, trong đó, cán bộ, viên chức Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố là 50 người.

- Phát thanh – Truyền hình cấp huyện: Đào tạo đại học báo chí hệ vừa học vừa làm cho 18 phóng viên, biên tập viên và đào tạo cử nhân chính trị cho 12 cán bộ quản lý Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện. Nâng cấp, cải tạo 02 trạm phát lại phát thanh, truyền hình cấp huyện.

3.2.2. Năm 2014

- Về Phát thanh

Duy trì 04 chương trình thời sự, trong đó nâng thời lượng 02 chương trình thời sự tổng hợp (sáng, tối) lên 45 phút, tăng 15 phút/chương trình so năm 2013. Tổng thời lượng chương trình phát thanh tiếng Việt là 3 giờ/ngày.

Mỗi ngày sản xuất 03 chương trình tiếng dân tộc Mông, Thái, Dao. Thời lượng mỗi chương trình 45 phút, tăng 15 phút/chương trình so với năm 2013. Tổng thời lượng chương trình phát thanh tiếng dân tộc là 2 giờ 15 phút/ngày.

Đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ tác nghiệp của phóng viên.

- Về Truyền hình

Tăng thời lượng phát sóng kênh truyền hình Yên Bái lên 16 giờ. Trong đó, chương trình tự sản xuất là 6 giờ 30 phút, tăng 30 phút so năm 2013. Chương trình thời sự trưa được phát trực tiếp.

Mỗi tháng, sản xuất 10 chương trình truyền hình tiếng dân tộc, bao gồm 06 chương trình truyền hình tiếng Mông, 02 chương trình truyền hình tiếng Dao và 02 chương trình truyền hình tiếng Thái. Tăng 01 chương trình truyền hình tiếng Thái so với trước. Thời lượng 60 phút/chương trình, tăng 15 phút/chương trình so với năm 2013.

Cải tạo trường quay hiện có, đầu tư 05 bộ camera, 02 bàn dựng số, hệ thống traveling (ray trượt quay phim) và các thiết bị phụ trợ đảm bảo sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng.

- Về nguồn nhân lực

Tiếp tục đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên thời sự và chuyên đề. Tăng cường cử kỹ thuật viên đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tại các trường Đại học kỹ thuật, công nghệ và quay phim.

- Phát thanh – Truyền hình cấp huyện: Tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho các phóng viên, kỹ thuật viên 09 Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện. Nâng cấp, cải tạo 02 trạm phát lại phát thanh, truyền hình cấp huyện.

3.2.3. Năm 2015:

- Về Phát thanh.

Duy trì 04 chương trình thời sự, trong đó nâng thời lượng 02 chương trình thời sự (sáng, tối) lên 60 phút, tăng 15 phút/chương trình. Tổng thời lượng các chương trình phát thanh tiếng Việt sản xuất là 3 giờ 30 phút, tăng 30 phút so năm 2014.

Mỗi ngày sản xuất 03 chương trình phát thanh tiếng dân tộc Mông, Dao, Thái; thời lượng mỗi chương trình 60 phút, tăng 15 phút/chương trình so năm 2014. Tổng thời lượng chương trình phát thanh tiếng dân tộc3 giờ/ngày.

Đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ tác nghiệp của phóng viên.

- Về Truyền hình.

Tăng thời lượng phát sóng kênh truyền hình Yên Bái lên 17 giờ. Trong đó, chương trình tự sản xuất là 7 giờ, tăng 30 phút so năm 2014; trong đó, chương trình thời sự buổi sáng và buổi tối tăng lên 45 phút/chương trình, thời lượng các chương trình thời sự tăng lên 150 phút. Các chương trình liên kết, khai thác, trao đổi và tiếp sóng chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam có tổng thời lượng là 10 giờ.

Mỗi tháng, sản xuất 12 chương trình truyền hình tiếng dân tộc, bao gồm 08 chương trình truyền hình tiếng Mông, 02 chương trình truyền hình tiếng Dao và 02 chương trình truyền hình tiếng Thái. Tăng 02 chương trình truyền hình tiếng Mông so năm 2014.

Mua sắm các thiết bị sản xuất chương trình kỹ thuật số và đầu tư 01 máy phát hình kỹ thuật số.

- Về nguồn nhân lực: Tiếp tục cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành.

- Phát thanh – Truyền hình cấp huyện: Nâng cấp, cải tạo 03 trạm phát lại phát thanh, truyền hình cấp huyện.

4. Tổng kinh phí và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án:

4.1. Tổng kinh phí thực hiện: 42,013 tỷ đồng

4.2. Cơ cấu nguồn vốn:

- Nguồn ngân sách Trung ương: 35%

- Nguồn ngân sách địa phương: 55%

- Nguồn vốn khác: 10%

4.3. Phân kỳ đầu tư

- Giai đoạn 2012 - 2013: 12,832 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Nguồn vốn Trung ương là 5,026 tỷ đồng. Bao gồm, nguồn từ dự án đầu tư trang thiết bị truyền hình dân tộc là 3 tỷ đồng; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia 2,026 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn địa phương là 6,738 tỷ đồng

+ Nguồn vốn khác: 1,068 tỷ đồng.

- Năm 2014: 15,823 tỷ đồng

Trong đó:

+ Nguồn vốn Trung ương là 4,789 tỷ đồng. Bao gồm, nguồn từ dự án đầu tư trang thiết bị truyền hình dân tộc là 3 tỷ đồng; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia 1,789 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn địa phương là 9,648 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn khác: 1,386 tỷ đồng.

- Năm 2015: 13,358 tỷ đồng Trong đó:

+ Nguồn vốn Trung ương là 4,9 tỷ đồng. Bao gồm, nguồn từ dự án đầu tư trang thiết bị truyền hình dân tộc là 3 tỷ đồng; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia 1,9 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn địa phương là 6,712 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn khác: 1,746 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Là cơ quan chủ trì triển khai, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng phát thanh – truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015.

- Lập các dự án đầu tư phù hợp với nội dung Đề án.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính cân đối và bố trí nguồn vốn thực hiện các nội dung trong Đề án đảm bảo yêu cầu.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách về thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm việc tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, đặc biệt cán bộ người dân tộc thiểu số.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng phát thanh – truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát thanh – truyền hình, tạo điều kiện thuận lợi để Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

3. Sở Tài chính

- Đảm bảo kinh phí cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh truyền hình đã được phê duyệt trong Đề án.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì thu hút các nguồn vốn, cân đối vốn, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí đầu tư theo lộ trình để thực hiện Đề án nâng cao chất lượng phát thanh – truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015.

5. Sở Nội vụ

- Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí biên chế cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh theo nội dung Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các ngành liên quan ban hành chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình làm việc tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.

6. Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố

- Chuẩn bị tốt các điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các ngành liên quan trong việc cải tạo, nâng cấp các trạm phát lại phát thanh, truyền hình trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện tuyển dụng biên chế đúng trình độ chuyên môn và nhu cầu công việc; lựa chọn và cử cán bộ tham gia đào tạo tại lớp cử nhân chính trị, đại học báo chí hệ vừa học vừa làm đúng đối tượng.

7. Các sở, ban, ngành liên quan

Cung cấp thông tin và phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh sản xuất, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; Giám đốc các sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
-
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Như Điều 3 Quyết định;
- Chánh,
Phó Văn phòng (t/hợp) UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường