Quyết định 1109/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân
Số hiệu: | 1109/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Trương Hòa Bình |
Ngày ban hành: | 28/08/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1109/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THEO DÕI, TỔNG HỢP, PHỐI HỢP, TRAO ĐỔI THÔNG TIN GIỮA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân với những nội dung chính sau:
1. Mục tiêu của Đề án:
a) Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đối ngoại nhân dân theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
b) Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo dõi, tổng hợp, trao đổi thông tin, từ đó đánh giá được toàn diện về công tác đối ngoại nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ, giúp các hoạt động đối ngoại nhân dân được tổ chức, triển khai có hiệu quả, đóng góp vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, giữ vững sự ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
c) Triển khai có hiệu quả việc theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đầu mối với các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo sự gắn kết đối ngoại nhân dân với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, qua đó góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn diện của công tác đối ngoại nhằm phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
2. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân).
3. Quan điểm:
a) Bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thực hiện đúng chủ trương và đường lối về hoạt động đối ngoại nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện việc theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân, phục vụ tốt việc quản lý nhà nước về đối ngoại nhân dân.
b) Việc triển khai theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin trên cơ sở quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân.
c) Đánh giá đúng, đầy đủ thực trạng việc theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác đối ngoại nhân dân.
d) Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo về công tác đối ngoại nhân dân và tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan về công tác đối ngoại nhân dân.
4. Nội dung và nhiệm vụ triển khai theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân
a) Nhiệm vụ của Bộ
- Xây dựng kế hoạch, chương trình, chính sách của Nhà nước, các quy định của pháp luật; phổ biến kiến thức cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân thuộc nhiệm vụ của Bộ.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong triển khai công tác đối ngoại nhân dân (nếu cần thiết) phù hợp với trách nhiệm và chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ.
- Hướng dẫn các địa phương, các đoàn thể và tổ chức nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân thuộc lĩnh vực Bộ, ngành Trung ương quản lý.
- Chủ trì hoặc tham gia các cơ chế liên ngành, thực hiện cơ chế phối hợp liên Bộ hay với địa phương và hướng dẫn về chuyên môn liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân có nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.
- Chia sẻ, trao đổi thông tin về công tác đối ngoại nhân dân giữa các cơ quan liên quan.
- Quản lý hoạt động đối ngoại của các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền và chức năng của Bộ.
- Xây dựng kế hoạch định kỳ, đột xuất thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền và chức năng của Bộ liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân. Đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân thuộc lĩnh vực hoạt động của Bộ.
- Đề xuất các hình thức khen thưởng và khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân theo quy định.
- Phân công một đơn vị của Bộ làm đầu mối giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin về hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân được Thủ tướng Chính phủ giao.
b) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh
- Nghiên cứu, phối hợp, kiến nghị với các Bộ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân của địa phương.
- Xây dựng cơ chế phối hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh với các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong triển khai công tác đối ngoại nhân dân và tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn địa phương.
- Hướng dẫn và phối hợp với các Bộ để hướng dẫn các đoàn thể và tổ chức nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Tham gia các cơ chế liên ngành, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên địa phương trong công tác đối ngoại nhân dân có liên quan đến trách nhiệm quản lý của địa phương.
- Trao đổi thông tin liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân của địa phương mình với các Bộ và các địa phương khác.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình và phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức nhân dân tuyên truyền đối ngoại liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân của địa phương.
- Quản lý và hướng dẫn các đoàn thể và tổ chức nhân dân đăng ký hoạt động trong phạm vi của địa phương liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương. Đề xuất với các Bộ liên quan kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại địa phương liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung phổ biến chính sách của Nhà nước, các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân của địa phương.
- Đề xuất hình thức khen thưởng và khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân của địa phương theo thẩm quyền.
- Phân công một cơ quan làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác đối ngoại nhân dân (Sở Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh...).
- Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương do Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ ủy quyền.
c) Nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao
- Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin về công tác đối ngoại nhân dân.
- Thực hiện các quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định này.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân.
- Đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì cho một cơ quan (thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định) để triển khai thực hiện các nội dung về hoạt động đối ngoại nhân dân có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đó.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại nhân dân, nắm chắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tình hình thế giới; bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại cho các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân.
d) Nhiệm vụ của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân và thực hiện nhiệm vụ về công tác đối ngoại nhân dân theo quy định tại Điều lệ của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân được cấp có thẩm quyền giao.
5. Giải pháp thực hiện
Các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân thực hiện các giải pháp sau:
a) Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân.
b) Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân.
c) Tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước, pháp luật về công tác đối ngoại nhân dân.
d) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật và khen thưởng trong công tác đối ngoại nhân dân.
đ) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ hoạt động đối ngoại cho các cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân.
6. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan trình Chính phủ:
- Bổ sung nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao thực hiện công tác đầu mối theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân;
- Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin về công tác đối ngoại nhân dân.
b) Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã phân công trong đề án.
c) Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh lập dự toán chi ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đối ngoại nhân dân, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |