Quyết định 11/2016/QĐ-UBND về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Nam Định
Số hiệu: | 11/2016/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nam Định | Người ký: | Phạm Đình Nghị |
Ngày ban hành: | 22/04/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Tài chính, Hình sự, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2016/QĐ-UBND |
Nam Định, ngày 22 tháng 04 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TỈNH NAM ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ Công an về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 622/TTr-STC ngày 20/4/2016 và Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 148/TTr-CAP-PV11 ngày 30/3/2016 và Báo cáo thẩm định số 40/BC-STP ngày 19/4/2016 của Sở Tư pháp về việc thành lập, quản lý, sử dụng “Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Nam Định”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Địa vị pháp lý Quỹ phòng, chống tội phạm
Thành lập “Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Nam Định” để hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy.
1. Tên gọi: Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Nam Định.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành Quỹ phòng chống tội phạm tỉnh.
3. Giao Giám đốc Sở Tài chính mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để quản lý theo dõi thu, chi của Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Nam Định theo quy định tại Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm.
2. Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh.
Điều 3. Nguồn hình thành Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh
1. Tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật thu được (trừ các chất ma túy và những tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật), sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản (nếu có) từ các vụ án về hình sự và các vụ án về ma túy trên địa bàn tỉnh Nam Định sau khi Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Các khoản tài trợ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy.
3. Nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Mức trích thưởng và trích lập Quỹ phòng, chống tội phạm
Mức trích thưởng và trích lập của Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công an.
Điều 5. Trình tự tiếp nhận và xử lý tài sản, phương tiện, tang vật, tiền Việt Nam, ngoại tệ bị Tòa án tuyên tịch thu sung công (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật)
Trình tự tiếp nhận và xử lý tài sản, phương tiện, tang vật, tiền Việt Nam, ngoại tệ bị Tòa án tuyên tịch thu sung công (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) được tiến hành theo quy định tại Điều 2 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công an.
Điều 6. Quản lý, sử dụng kinh phí trích thưởng (quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA)
1. Đối tượng được khen thưởng
a) Các cá nhân, tập thể trực tiếp phát hiện, bắt giữ được đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội về hình sự, ma túy.
b) Cá nhân có công trực tiếp phát giác, tố giác đối tượng phạm tội về hình sự, ma túy, cung cấp thông tin giúp cơ quan Công an điều tra, làm rõ vụ án nghiêm trọng, phức tạp, gây dư luận xấu trong nhân dân.
c) Các tập thể, cá nhân trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án hình sự, ma túy nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
2. Mức thưởng
a) Thưởng đối với các tập thể, cá nhân phát hiện, khám phá, thụ lý điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, ma túy nghiêm trọng. Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/cá nhân/vụ án và 10.000.000 đồng/tập thể/vụ án.
b) Thưởng đối với các tập thể, cá nhân phát hiện, khám phá, thụ lý điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, ma túy về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/cá nhân/vụ án và 15.000.000 đồng/tập thể/vụ án.
3. Trình tự, thủ tục thưởng
a) Đơn vị của cá nhân, tập thể có thành tích trong đấu tranh chống tội phạm, truy bắt đối tượng truy nã, triệt xóa cây thuốc phiện..., lập báo cáo đề nghị khen thưởng từ Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, đề xuất.
b) Công an tỉnh tổng hợp hồ sơ, căn cứ thành tích cụ thể của tập thể, cá nhân và quy định của tỉnh về mức khen thưởng để đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thưởng.
c) Căn cứ Quyết định thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Tài chính chuyển tiền từ Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh cho Công an tỉnh; Công an tỉnh chịu trách nhiệm chi tiền thưởng cho đơn vị lập hồ sơ đề nghị thưởng.
4. Kế toán, quyết toán nguồn trích khen thưởng
a) Việc chi thưởng phải đảm bảo đúng nguyên tắc về quản lý tài chính kế toán. Công an tỉnh quản lý kinh phí trích thưởng, thực hiện công tác kế toán đối với khoản kinh phí này theo chế độ kế toán hiện hành và được theo dõi chi tiết riêng.
b) Định kỳ 6 tháng, hàng năm, Công an tỉnh tổng hợp việc sử dụng kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh gửi về Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo quy định.
Điều 7. Nội dung chi, mức chi Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh
1. Hỗ trợ các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn mua sắm các loại trang, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Việc mua sắm tài sản từ nguồn Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành của nhà nước về mua sắm và đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.
2. Hỗ trợ một lần cho thân nhân những người đã hy sinh (gồm vợ hoặc chồng, cha, mẹ ruột, con ruột, con nuôi hợp pháp, người có công nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật), người bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Mức hỗ trợ tối đa bằng 10 tháng tiền lương cơ sở (mức lương cơ sở áp dụng đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp).
3. Hỗ trợ hoạt động của các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
4. Hỗ trợ việc thưởng bằng tiền cho các đơn vị, cá nhân, gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; mức thưởng cao nhất không quá 3.000.000 đồng/cá nhân/lần khen thưởng và 15.000.000 đồng/tập thể/lần khen thưởng.
Các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy có báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng. Căn cứ báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân, đơn vị chủ quản đối với tập thể, cá nhân lập tờ trình đề nghị khen thưởng từ nguồn Quỹ phòng, chống tội phạm gửi Công an tỉnh để tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo Quyết định của cấp có thẩm quyền cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định.
6. Trình tự, thủ tục hỗ trợ đối với các nội dung chi từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này: Khi có nhu cầu sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm, các cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 6 Quyết định này, các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và căn cứ các hồ sơ, giấy tờ có liên quan nội dung đề nghị hỗ trợ để lập dự toán chi gửi đến Công an tỉnh. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ bao gồm:
a) Công văn đề nghị hỗ trợ;
b) Các văn bản có liên quan đến tổn hại sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản;
c) Các văn bản, giấy tờ khác có liên quan đến nội dung đề nghị hỗ trợ.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định dự toán; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chi hỗ trợ.
Sau khi có Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho đơn vị lập dự toán để thực hiện chi trả, hỗ trợ đúng quy định, đúng đối tượng.
Điều 8. Kế toán, quyết toán kinh phí Quỹ phòng, chống tội phạm
1. Các đơn vị được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ để chi phục vụ các hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy có trách nhiệm mở sổ theo dõi hạch toán thu chi, thực hiện chi tiêu và quyết toán theo quy định hiện hành. Kỳ báo cáo: 6 tháng, hàng năm.
a) Đối với hỗ trợ từ Quỹ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Công an tỉnh: Công an tỉnh thực hiện chi tiêu và lập báo cáo quyết toán gửi đến Sở Tài chính.
b) Đối với hỗ trợ từ Quỹ cho các đơn vị khác: Các đơn vị thực hiện chi tiêu và lập báo cáo quyết toán đến Sở Tài chính.
c) Sở Tài chính thực hiện quyết toán nội dung chi công tác quản lý Quỹ và tổng hợp quyết toán của các đơn vị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để gửi Bộ Công an và Bộ Tài chính theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
2. Số dư Quỹ phòng, chống tội phạm kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị từ Quỹ phòng, chống tội phạm cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.
Điều 9. Thanh tra, kiểm tra Quỹ phòng, chống tội phạm
Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý Ngân sách Nhà nước.
Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ngành
1. Công an tỉnh
a) Phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trong quá trình thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với các vụ án phạm tội về hình sự và các vụ án phạm tội về ma túy trên địa bàn để trích Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương và Quỹ phòng, chống tội phạm của cấp tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Tài chính tỉnh trong việc kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh.
2. Sở Tài chính
a) Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh theo chức năng được phân công có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán việc sử dụng kinh phí được cấp từ Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh theo quy định.
b) Tiếp nhận tài sản, tang vật, phương tiện sung công từ các vụ án dân sự do cơ quan Thi hành án dân sự các cấp chuyển giao; thực hiện ký kết hợp đồng, thanh lý hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật tịch thu sung công theo quy định hiện hành của nhà nước.
c) Quản lý thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh; tổng hợp số liệu, tình hình quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh, định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để gửi Bộ Công an và Bộ Tài chính theo quy định.
3. Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm chuyển tiền từ Quỹ phòng, chống tội phạm cho các đơn vị theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.
4. Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp
Chịu trách nhiệm thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án đối với các vụ án phạm tội về hình sự và các vụ án phạm tội về ma túy tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật; sau khi thi hành xong Bản án, Quyết định của Tòa án, có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật tịch thu sung công (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) cho Sở Tài chính để tổ chức bán đấu giá, trích lập Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương và Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh theo quy định.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tư pháp, Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Thông tư liên tịch 168/2013/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn thực hiện Quyết định 47/2012/QĐ-TTg thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm Ban hành: 15/11/2013 | Cập nhật: 21/01/2014
Quyết định 47/2012/QĐ-TTg thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm Ban hành: 01/11/2012 | Cập nhật: 03/11/2012