Quyết định 11/2015/QĐ-UBND Phân cấp quản lý tàu cá có công suất dưới 20CV và hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: | 11/2015/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Lê Tiến Phương |
Ngày ban hành: | 02/04/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2015/QĐ-UBND |
Bình Thuận, ngày 02 tháng 04 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀU CÁ CÓ CÔNG SUẤT DƯỚI 20CV VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN THUỘC VÙNG BIỂN VEN BỜ TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 20/TTr-SNNPTNT ngày 26 tháng 02 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với tàu cá có công suất dưới 20CV và các hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:
1. Công tác quản lý tàu cá có công suất dưới 20CV:
a) Tổ chức đăng ký và cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá cho tàu cá có công suất dưới 20CV trên địa bàn quản lý. Sau khi đăng ký, tàu cá phải được ghi vào “Sổ Đăng ký tàu cá Việt Nam” để quản lý;
b) Để được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá, chủ tàu phải nộp:
- Tờ khai đăng ký tàu cá;
- Giấy tờ mua bán tàu cá hoặc các giấy tờ khác có giá trị xác định nguồn gốc hợp pháp của tàu cá;
- Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá cũ.
c) Không cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký tàu cá phát sinh từ đóng mới, mua từ các huyện khác, tỉnh khác về trừ trường hợp mua bán, chuyển nhượng trong cùng huyện;
d) Tàu cá có công suất dưới 20CV không thuộc diện bắt buộc phải đăng kiểm và chủ tàu cá tự chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật tàu cá theo Khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
2. Quản lý hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ:
a) Tổ chức cấp mới, đổi, gia hạn Giấy phép khai thác hải sản cho tàu cá có công suất dưới 20CV đã đăng ký trên địa bàn, trừ tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn theo đúng quy định về điều kiện và các nghề được phép khai thác tại Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
b) Quy hoạch khu vực cấm nghề bẫy bắt tôm hùm con và quản lý chặt chẽ hoạt động của nghề này trên địa bàn đã được phân cấp tại Chỉ thị 01/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý nghề bẫy bắt tôm hùm con tại vùng biển Bình Thuận; quy hoạch quản lý nghề khai thác ven bãi biển như nghề lưới rùng, nghề lặn bắt tôm hùm con nhằm bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản ven bờ và bảo vệ cảnh quan môi trường ven biển;
c) Tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát và xây dựng các mô hình, đề án quản lý cộng đồng hoạt động nghề cá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm khai thác, sử dụng một cách hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù về sinh thái vùng ven bờ của tỉnh; phát triển bền vững, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường theo chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và quán triệt chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tàu thuyền công suất dưới 20CV và các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý tàu cá công suất dưới 20CV và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững;
- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố vùng biển hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được phân cấp trong việc thực hiện đăng ký tàu cá và cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có công suất dưới 20CV theo phân cấp; đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng và Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tàu cá công suất dưới 20CV vi phạm công tác đăng ký tàu cá và hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển có trách nhiệm:
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và quán triệt chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tàu thuyền có công suất dưới 20CV và các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ đến tận phường, xã và thị trấn; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý và các hoạt động khai thác ven bờ của tàu thuyền có công suất dưới 20CV trên địa bàn;
- Tổ chức thực hiện chặt chẽ việc cấp giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá có công suất dưới 20CV theo phân cấp và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin Sổ Đăng ký tàu cá Việt Nam phục vụ công tác quản lý, thống kê báo cáo kịp thời;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ tàu cá có công suất dưới 20CV thông qua Sổ Đăng ký tàu cá Việt Nam; có biện pháp ngăn chặn sự phát triển tàu cá công suất dưới 20CV và các nghề khai thác bị cấm tại vùng biển ven bờ; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm công tác đăng ký tàu cá và hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ;
- Chỉ đạo triển khai và quản lý thực hiện quy hoạch các khu vực cấm khai thác bằng nghề bẫy tôm hùm con, các nghề ven bãi biển như lưới rùng, nghề lặn bắt tôm hùm con; xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng quản lý nghề cá nhằm mục tiêu bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi hải sản ven bờ;
- Phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Biên Phòng, Chi cục Thủy sản thực hiện tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm công tác đăng ký và hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ của tàu thuyền có công suất dưới 20CV trên địa bàn;
- Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển có thể phân cấp hoặc ủy quyền cho Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc quản lý đối với tàu cá có công suất dưới 20CV và các hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ trên địa bàn.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm: quán triệt chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tàu thuyền có công suất dưới 20CV và các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ đến tận các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của tàu cá có công suất dưới 20CV tại các cửa lạch, bãi ngang ven biển; phối hợp tốt với Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo quy định đối với tàu cá có công suất dưới 20CV vi phạm công tác đăng ký tàu cá và hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm: theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc sử dụng kinh phí từ nguồn thu lệ phí đăng ký và cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho các địa phương để thực hiện công tác này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về lĩnh vực thủy sản Ban hành: 20/06/2012 | Cập nhật: 26/06/2012
Nghị định 33/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển Ban hành: 31/03/2010 | Cập nhật: 02/04/2010
Thông tư 02/2007/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 66/2005/NĐ-CP về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản Ban hành: 13/07/2007 | Cập nhật: 30/08/2007
Thông tư 02/2006/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản Ban hành: 20/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản Ban hành: 19/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản Ban hành: 04/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006