Quyết định 11/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác đất đắp nền công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành
Số hiệu: 11/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Hoàng Dân Mạc
Ngày ban hành: 15/03/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 15 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC ĐẤT ĐẮP NỀN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP , Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quyết định này quy định về quản lý, khai thác đất dùng để đắp nền công trình xây dựng. Đất dùng để đắp nền công trình xây dựng bao gồm: Đất trồng cây hàng năm (trừ đất trồng lúa); đất trồng cây lâu năm sản xuất kém hiệu quả; đất trống, đồi núi trọc chưa sử dụng; đất bãi bồi ven sông chỉ dùng được cho đắp nền công trình.

Quy định về việc san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với: Đất sản xuất, đất vườn; đất ở, trừ đất ở thuộc khu vực phải xin cấp phép xây dựng (sau đây gọi chung là đất ở), đã được giao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

2. Các tổ chức là chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình.

3. Hộ gia đình, cá nhân cần san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với: Đất sản xuất, đất vườn; đất ở đã được giao trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nội dung quản lý, khai thác đất đắp nền công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh:

1. Quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình xây dựng của các huyện, thành, thị phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

2. Tổ chức quản lý tốt quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình xây dựng; không được xây dựng mới các công trình xây dựng cơ bản, trồng mới cây lâu năm trên diện tích đã quy hoạch làm quỹ đất đắp nền công trình xây dựng.

3. Khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở đã được giao phải được cấp thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; phải tuân theo quy định tại văn bản chấp thuận của cấp thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Việc khai thác đất đắp nền công trình xây dựng chỉ được tiến hành sau khi hoàn thành thủ tục thu hồi, giao đất theo quy định của Luật Đất đai.

5. Trong quá trình khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở đã được giao phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở liên quan.

6. Thời gian và khối lượng khai thác đất đắp nền công trình:

a) Đối với tổ chức: Thực hiện theo tiến độ và nhu cầu đất đắp nền của dự án công trình xây dựng.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định tại văn bản chấp thuận cho san gạt mặt bằng, hạ cốt nền của UBND huyện, UBND xã, thị trấn sở tại.

7. Các trường hợp vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đắp nền công trình xây dựng, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 8, Quyết định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Thẩm quyền chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở:

1. UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng đối với tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình.

2. UBND huyện, thành, thị chấp thuận bằng văn bản cho hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao.

3. UBND xã, thị trấn chấp thuận bằng văn bản cho hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất ở đã được giao.

Điều 5. Trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở:

1. Đối với các tổ chức:

1.1. Trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng:

Tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình sau khi được UBND huyện, thành, thị thống nhất, giới thiệu địa điểm lập 04 (bốn) bộ hồ sơ nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng.

b) Phương án khai thác, trong đó: Nêu rõ, vị trí, địa điểm, diện tích, khối lượng, công suất, thời hạn khai thác; cốt độ cao khai thác; thiết kế khai thác.

c) Bản đồ khu vực khai thác tỷ lệ: 1/1000 (đối với quy mô diện tích khai thác < 5ha), 1/2000 (đối với quy mô diện tích > 5ha) trên nền bản đồ địa hình theo hệ tọa độ VN 2.000 kinh tuyến trục 104o45’ múi chiếu 3o.

d) Quyết định phê duyệt dự án, công trình xây dựng hoặc hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công các công trình xây dựng (bản phô tô công chứng hoặc chứng thực theo quy định).

e) Xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường của cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định (5 ngày làm việc), trình UBND tỉnh (2 ngày làm việc) xem xét ra văn bản chấp thuận cho tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng khai thác đất để đắp nền công trình xây dựng. Trường hợp không đủ điều kiện cho khai thác, phải trả lời bằng văn bản.

1.2. Trình tự thu hồi, giao đất khai thác đất đắp nền công trình:

a) Sau khi có văn bản chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình của UBND tỉnh, UBND cấp huyện ra thông báo và thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

b) Tổ chức sau khi được chấp thuận cho khai thác đất đắp nền thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

2. Đối với hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao:

Hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao phải lập 02 (hai) bộ hồ sơ nộp về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành, thị. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị san gạt mặt bằng hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn (được UBND cấp xã, xác nhận về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất của địa phương).

b) Bản vẽ trích đo, trích lục thửa đất (đối với quy mô diện tích < 1ha); bản đồ khu vực san gạt, hạ cốt nền tỷ lệ 1:1.000 trên nền bản đồ địa hình theo hệ tọa độ VN 2.000 kinh tuyến trục 104o45’ múi chiếu 3o (đối với quy mô diện tích > 1ha).

c) Phương án san gạt mặt bằng, trong đó nêu rõ: Phương thức sử dụng khối lượng đất hạ cốt nền, cam kết bảo vệ môi trường trong khi san gạt, hạ cốt nền, cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu có).

Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành, thị xem xét, thẩm định (3 ngày làm việc), trình UBND huyện, thành, thị (2 ngày làm việc) xem xét ra văn bản chấp thuận cho hộ gia đình san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đã được giao. Trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản.

3. Đối với hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đất ở: Làm đơn đăng ký san gạt, hạ cốt nền, trong đó nêu rõ: Diện tích, khối lượng, thời gian san gạt, hạ cốt nền gửi UBND xã, thị trấn.

Trong thời hạn 2 (hai) ngày làm việc, UBND xã, thị trấn xem xét ra văn bản đồng ý cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện. Trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản.

Điều 6. Trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện:

1. Tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình, sau khi được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản cho khai thác đất để đắp nền công trình, có trách nhiệm:

a) Hoàn thiện thủ tục thu hồi, giao đất trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

b) Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án đã được phê duyệt.

c) Thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã, UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch, thời gian bắt đầu khai thác, thời gian kết thúc khai thác.

d) Ký quỹ phục hồi môi trường tại quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ.

e) Thực hiện khai thác theo đúng nội dung quy định của văn bản chấp thuận; đúng thiết kế khai thác; thực hiện bảo vệ môi trường theo nội dung đã cam kết; bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở liên quan; đảm bảo an toàn lao động, an ninh trật tự an toàn xã hội.

f) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu có).

g) Thực hiện cải tạo phục hồi môi trường theo dự án đã phê duyệt.

h) Làm thủ tục báo cáo UBND tỉnh thu hồi đất để bàn giao mặt bằng, diện tích khu vực khai thác cho địa phương quản lý sau khi khai thác.

2. Hộ gia đình san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đã được giao:

a) San gạt, hạ cốt nền theo phương án đã lập và các quy định tại Văn bản chấp thuận của UBND huyện, thành, thị.

b) Đảm bảo môi trường khu vực san gạt, khu dân cư trong quá trình thực hiện.

c) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu có).

3. Hộ gia đình san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất ở, thực hiện đúng theo nội dung đã đăng ký, đảm bảo môi trường khu dân cư trong quá trình thực hiện.

Điều 7. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý, khai thác đất đắp nền công trình xây dựng:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị lập quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình tổng thể trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình của các huyện, thành, thị.

b) Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định: Hồ sơ đề nghị chấp thuận cho khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; hồ sơ thu hồi, giao đất của các tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

c) Ký hợp đồng thuê đất với các tổ chức đã được phép khai thác (đối với trường hợp phải thuê đất theo quy định).

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác đất đắp nền công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; theo dõi kết quả thực hiện khai thác đất đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh; tổng hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quyết định này, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

2. Sở Xây dựng:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị lập quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình tổng thể trên địa bàn các huyện, thành, thị; phối hợp thẩm định quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình của các huyện, thành, thị.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đơn giá đất đắp nền công trình, trình UBND tỉnh quyết định; công bố giá đất đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh theo quy định.

4. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:

a) Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác đất đắp nền công trình: Đăng ký, kê khai nộp tiền thuê đất, mặt nước, các loại thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác đất đắp nền công trình.

b) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành chính sách thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, chính sách thuế phí bảo vệ môi trường đối với khai thác đất đắp nền công trình.

5. Sở Công thương:

Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác đất đắp nền công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác trái phép đất đắp nền công trình; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác đất đắp nền công trình xây dựng.

6. Công an tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác trái phép đất đắp nền công trình; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác đất đắp nền công trình xây dựng.

7. Các sở, ngành liên quan:

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác, san gạt mặt bằng hạ cốt nền; giám sát, kiểm tra việc thực hiện; xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện.

8. UBND các huyện, thành, thị:

a) Lập quy hoạch quỹ đất đắp nền công trình tổng thể trên địa bàn theo các kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt; công bố công khai quy hoạch và thực hiện quản lý quy hoạch theo quy định.

b) Giới thiệu địa điểm khai thác đất đắp nền công trình (theo ủy quyền của UBND tỉnh); xác nhận cam kết bảo vệ môi trường; phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường môi trường cho các tổ chức là chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án, công trình xây dựng cần khai thác đất để đắp nền công trình; giải quyết các thủ tục liên quan về đất đai, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác để tổ chức thực hiện khai thác.

c) Xem xét, ra văn bản chấp thuận cho hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao.

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên tại địa phương; giám sát, kiểm tra việc thực hiện, xử lý các hành vi vi phạm các nội dung quy định của cấp thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình khai thác đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền.

e) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất xử lý kịp thời các hoạt động trái phép về khai thác đất đắp nền công trình xây dựng hoặc san gạt, hạ cốt nền trên địa bàn.

9. UBND các xã, thị trấn:

a) Xem xét, ra văn bản cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất ở.

b) Kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, xác nhận cho các hộ gia đình, cá nhân san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao.

c) Giải quyết các thủ tục liên quan về đất đai, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện khai thác, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền.

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên tại địa phương; giám sát, kiểm tra việc thực hiện, xử lý các hành vi vi phạm các nội dung quy định của cấp thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình khai thác đất, san gạt, hạ cốt nền.

e) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất xử lý kịp thời các hoạt động trái phép về khai thác đất đắp nền công trình xây dựng hoặc san gạt mặt bằng, hạ cốt nền trên địa bàn.

Điều 8. Xử lý vi phạm:

1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, sử dụng quỹ đất đắp nền công trình xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các tổ chức:

a) Tạm dừng khai thác trong trường hợp chưa thực hiện đầy đủ quy định tại các Điểm a, b, c, d, Khoản 1, Điều 6 Quyết định này.

b) Chấm dứt hiệu lực, thu hồi văn bản chấp thuận, quyết định giao đất khai thác đất đắp nền công trình xây dựng trong trường hợp vi phạm các quy định tại các Điểm e, f, Khoản 1, Điều 6, Quyết định này.

c) Ngoài việc xử lý vi phạm theo các Điểm a, b, Khoản 2, Điều này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm về hành chính theo quy định của pháp luật có liên quan, trường hợp nghiêm trọng, cần thiết xử lý hình sự theo quy định.

3. Đối với hộ gia đình, cá nhân:

Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật có liên quan, trường hợp nghiêm trọng, cần thiết xử lý hình sự theo quy định.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1081/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Phú Thọ quy định về quản lý, khai thác quỹ đất san nền, đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh, Công thương, Công an tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc