Quyết định 11/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 11/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Khôi
Ngày ban hành: 23/02/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 11/2010/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 12/12/2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ về việc ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 841/TTSXD.HTMT.CTN ngày 01/02/2010 và Báo cáo thẩm định số 1200/STP-VPPQ ngày 23/9/2009 và Báo cáo thẩm định số 185/STP-VBPQ ngày 03/2/2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 3093/QĐ-UBND ngày 21/9/1996 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định quản lý rác thải của Thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố, thủ trưởng các đơn vị có liên quan và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng CP Hoàng Trung Hải (để báo cáo);
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND TP; (để báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội HN; (để báo cáo);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo);
- Các đ/c PCT UBND TP; (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo);
- Các Bộ: Xây dựng, GTVT, TNMT, Tư pháp, VHTTDL, NNPTNT, Thông tin Truyền thông, Công an;
- Ban Tuyên giáo TU, VPTU;
- UB MTTQ TP, Thành Đoàn, Hội LH Phụ nữ TP, LĐ Lao động TP, Hội CCB TP, Hội Nông dân TP;
- Các sở: Tư pháp, Nội vụ, Công thương, KHCN;
- Cục Quản lý Văn bản Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử CP;
- VPUB: các PCP, GT, TH, PC, CT, XD;
- Các báo: HNM, KTĐT, ANTĐ, Đài PTTH HN; (để đưa tin);
- Cổng giao tiếp điện tử HN, TT công báo;
- Lưu: VT, GT (100b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan trong việc quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (kể cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn Hà Nội) có hoạt động liên quan đến chất thải rắn thông thường phải chấp hành Quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích một số từ ngữ

Trong quy định này, một số từ ngữ chuyên ngành được hiểu như sau:

1. “Chất thải rắn thông thường” là chất thải ở thể rắn được thải ra từ quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại.

2. Chất thải rắn sinh hoạt” là chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng.

3. “Chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ” là các chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm rau, quả, củ, lá cây, thức ăn thừa được phân loại và thu gom xử lý chôn lấp, đốt hoặc xử lý thành phân vi sinh.

4. “Chất thải rắn sinh hoạt vô cơ” là các chất thải kim loại, thủy tinh, chai, lọ bằng thủy tinh, nhựa, bao nilon được thu gom phân loại để tái chế nhằm thu hồi phế liệu và giảm thiểu chôn lấp tại khu xử lý chôn lấp.

5. “Chất thải rắn xây dựng” là chất thải rắn phát thải trong quá trình cải tạo, xây dựng; phá dỡ công trình và các phế liệu trong xây dựng.

6. “Chất thải rắn công nghiệp” là chất thải rắn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác.

7. “Hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường” bao gồm các hoạt động quy hoạch quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở quản lý chất thải rắn thông thường, các hoạt động phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn thông thường nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

8. “Đơn vị vệ sinh môi trường” là các tổ chức được phép thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

9. “Phí vệ sinh” là khoản phí bắt buộc theo quy định phải nộp hàng tháng của các tổ chức, cá nhân được cung ứng dịch vụ vệ sinh, xả thải hoặc có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn thông thường

1. Việc quản lý chất thải rắn thông thường nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người; mọi hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan.

2. Sở Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước đối với chất thải rắn thông thường; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý các khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn Thành phố và hướng dẫn, kiểm tra UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý bãi chôn lấp rác thải khu vực theo phân cấp và kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

4. Các đơn vị vệ sinh môi trường được giao tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên các địa bàn, khu vực đến nơi xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc, nơi công cộng, nơi cư trú không để rác, đất, phế thải ở hè, đường trước cửa cơ quan và nhà của mình; tự phân loại rác và thực hiện lưu giữ chất thải trong khu vực của mình đảm bảo vệ sinh môi trường; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

6. UBND Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn thông thường trên theo hướng giảm ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiết kiệm tài nguyên đất.

Chương 2.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

1. Chất thải rắn sinh hoạt từng bước được kiểm soát, phân loại tại nguồn để tái chế, tái sử dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành: Chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ và Chất thải rắn sinh hoạt vô cơ.

2. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn theo Khoản 1 Điều này và phải thực hiện lưu giữ chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

3. Đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về phương tiện thu gom, vận chuyển, các bãi tập kết rác thải sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai, giám sát việc phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với điều kiện địa bàn quản lý; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi xử lý theo quy định.

Điều 5. Thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Các tổ chức, hộ gia đình có phương tiện, dụng cụ để thu gom chất thải rắn sinh hoạt, lưu giữ đảm bảo vệ sinh môi trường ở trong nhà và chuyển đến các điểm tập kết, phương tiện thu gom của đơn vị vệ sinh môi trường đúng thời gian, đúng nơi quy định.

2. Các tổ chức, cá nhân có cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có phương tiện, dụng cụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, bố trí điểm thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt và phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để vận chuyển về nơi xử lý theo đúng quy định. Các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh nhỏ phải có phương tiện, dụng cụ để thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chuyển đến các điểm tập kết, các phương tiện thu gom của đơn vị vệ sinh môi trường đúng thời gian, địa điểm quy định.

3. Trên các tuyến đường phố, quảng trường, nơi công cộng tập trung đông người, các đơn vị vệ sinh môi trường đặt các thùng rác công cộng tại các địa điểm thuận tiện để phục vụ việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt; hàng ngày thực hiện thu gom bằng xe tải nhỏ hoặc xe chuyên dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông.

4. Các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện hàng ngày việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình, các điểm tập kết về nơi xử lý theo quy định và có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thu gom, vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổ chức nhặt rác ngày theo quy định. Không thu gom và vận chuyển chất thải trong giờ cao điểm: 6 giờ đến 8 giờ và 16 giờ 30 đến 19 giờ (trừ trường hợp đột xuất), không tập kết xe gom, xe vận chuyển ở các địa điểm ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông.

5. Chất thải rắn sinh hoạt rơi vãi trên đường, hè phố, nơi công cộng … phải được các đơn vị vệ sinh môi trường thu gom, quét dọn hàng ngày. Trường hợp trên hè, đường phố, nơi công cộng có đất, cát, phế thải xây dựng hoặc chất thải sinh hoạt rơi vãi mất vệ sinh và mất an toàn giao thông, đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn phải chủ động khắc phục ngay khi kiểm tra phát hiện (hoặc nhận được tin báo).

6. Chất thải rắn sinh hoạt được đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển về các khu xử lý để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn lấp theo quy định. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải là phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các phương tiện vận chuyển phải an toàn, đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi; khi vào bãi đổ phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.

Điều 6. Xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo các công nghệ: chôn lấp hợp vệ sinh, đốt, xử lý chế biến thành phân hữu cơ, viên đốt hoặc các công nghệ khác … tùy theo tính chất chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. Công nghệ xử lý phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt các Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của Thành phố được giao cho các đơn vị vệ sinh môi trường quản lý, vận hành. Đơn vị được giao quản lý, vận hành có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình công nghệ, đảm bảo vận hành an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn xây dựng phải thực hiện phân loại chất thải rắn xây dựng thành các loại: đất, bùn hữu cơ; cát, đá và chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói vỡ, trạt vữa …); chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (kính vỡ, gỗ, chất dẻo, sắt thép, bao bì vật liệu …) để có biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp.

2. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm phát sinh chất thải xây dựng phải có biện pháp đảm bảo môi trường, không làm bụi bẩn, ô nhiễm; không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng. Phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của Thành phố hoặc trong trường hợp tự vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải xây dựng của Thành phố thì các phương tiện vận chuyển phải tuân thủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều này, không để rơi vãi chất thải trên đường và phải nộp phí xử lý chất thải xây dựng tại bãi chôn lấp theo quy định.

3. Các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng về bãi chôn lấp chất thải xây dựng của Thành phố theo quy định và theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm làm ô nhiễm môi trường, bụi bẩn đường phố, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông, phối hợp với chính quyền địa bàn quản lý để kiểm tra, xử lý theo quy định.

4. Xe vận chuyển chất thải xây dựng dạng đất, bùn hữu cơ phải là xe chuyên dùng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi bùn, đất khi vận chuyển. Xe vận chuyển chất thải rắn xây dựng dạng cát, đá, gạch, ngói vỡ, trạt vữa, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (kính vỡ, gỗ, chất dẻo, sắt thép, bao bì vật liệu …), thùng xe phải kín khít và che chắn theo quy định. Các xe vận chuyển khi vào bãi đổ phế thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý bãi chôn lấp chất thải xây dựng. Các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng, khi ra khỏi công trường xây dựng phải được rửa sạch không gây bẩn trên đường phố.

5. Các đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm phát hiện việc đổ bậy chất thải rắn xây dựng trên hè, đường phố, nơi công cộng (hoặc nhận được tin báo) kịp thời phối hợp với UBND phường, xã lập biên bản và chủ động thu dọn, khắc phục ngay. Các đơn vị vệ sinh môi trường tổ chức theo dõi, kiểm tra, kiến nghị Thanh tra xây dựng, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý đối với chủ công trình, phương tiện vận tải vi phạm các quy định liên quan tới quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn được giao.

6. Chất thải rắn xây dựng được xử lý tại bãi chôn lấp phế thải xây dựng phải tuân thủ quy trình công nghệ vận hành, đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ồn, bụi. Trường hợp xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ tái chế thành các vật liệu và chế phẩm xây dựng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt công nghệ, không để gây ô nhiễm thứ cấp.

Điều 8. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại

1. Chủ nguồn thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phân loại chất thải rắn công nghiệp thành các loại:

- Chất thải công nghiệp nguy hại (theo TCVN 6706-2000 chất thải rắn công nghiệp nguy hại – phân loại). Việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý, chất thải rắn công nghiệp, nguy hại được thực hiện theo quy định quản lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại.

- Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại. Việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thực hiện tương tự như các loại chất thải rắn thông thường.

2. Các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh chất thải rắn công nghiệp phải tự tổ chức lưu giữ an toàn các chất thải rắn công nghiệp không nguy hại trong khu vực sản xuất, kinh doanh của mình và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phải là các phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và cấp phép lưu hành.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép để tự thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phải đảm bảo phương tiện vận chuyển có thùng xe kín khít, phải che chắn đảm bảo không để rơi vãi chất thải rắn công nghiệp ra môi trường và phải chịu phí xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại tại khu xử lý, tiêu hủy theo quy định.

4. Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh như chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn xây dựng theo quy định.

Điều 9. Quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn thông thường, trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.

2. Các chủ đầu tư khi lập dự án và thi công xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, các trạm trung chuyển, các bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường phải thực hiện theo quy hoạch, các quy định về đầu tư xây dựng, về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Phí vệ sinh và đơn vị thực hiện thu phí

1. Các tổ chức, đơn vị có trụ sở và các cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn Thành phố phải nộp phí vệ sinh theo quy định của UBND Thành phố.

2. Đơn vị thực hiện thu phí là các đơn vị vệ sinh môi trường được UBND Thành phố giao nhiệm vụ thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Điều 11. Xã hội hóa trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường

1. UBND Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và đầu tư xây dựng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

2. Tổ chức, cá nhân có thể đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường theo các hình thức xã hội hóa với các nội dung sau đây:

a) Đầu tư thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải thông thường; xây dựng toàn bộ hoặc từng hạng mục công trình thuộc khu xử lý chất thải rắn thông thường; xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn thông thường;

b) Mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ hoạt động xử lý chất thải rắn thông thường;

c) Đầu tư chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường;

3. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường được hưởng ưu đãi về nguồn vốn đầu tư và ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành.

Chương 3.

VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 12. Nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị:

1. Vứt, đổ chất thải rắn thông thường không đúng thời gian và không đúng nơi quy định; Để chất thải rắn thông thường ra vỉa hè, lòng đường, đổ ra hệ thống thoát nước, sông, hồ, công viên, vườn hoa, hệ thống đê điều và nơi công cộng.

2. Để chất thải rắn xây dựng ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, bụi, bẩn và làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3. Vận chuyển chất thải rắn thông thường không che chắn, làm rơi vãi, bụi, bẩn đường phố, nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường.

4. Các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường không đúng quy trình công nghệ được phê duyệt; thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường không đúng thời gian quy định gây ùn tắc giao thông; để chất thải rắn sinh hoạt lưu cữu làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, không thực hiện vệ sinh thùng thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình.

Điều 13. Mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm Quy định về quản lý chất thải rắn thông thường thực hiện theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định (theo Khoản 1 Điều 46, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009).

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải rắn thông thường trong quá trình thu gom, vận chuyển (theo Khoản 2 Điều 46, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định (theo Khoản 3 Điều 46, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009).

2. Trường hợp các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường hoạt động không đúng thời gian quy định, gây cản trở giao thông thì bị xử phạt theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

3. Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các biện pháp sau đây:

- Buộc khắc phục tình trạng mất vệ sinh môi trường do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra (theo Mục a, Khoản 4, Điều 46, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009);

- Buộc thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường.

- Chịu mọi chi phí thuê khắc phục tình trạng mất vệ sinh hoặc khôi phục tình trạng ban đầu (nếu có).

- Đối với các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nếu có các hành vi vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính lần thứ 3 sẽ bị đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

4. Những hành vi gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý chất thải thông thường, hoặc cố ý làm trái với Quy định này, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành Thành phố

1. Sở Xây dựng

a) Thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố; phối hợp, tổ chức hướng dẫn UBND các quận, huyện, các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường về quản lý chất thải rắn thông thường; hướng dẫn thực hiện công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn thông thường, xác định các điểm tập kết trung chuyển chất thải rắn thông thường trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập kế hoạch chi ngân sách hàng năm cho công tác quản lý chất thải rắn thông thường của Thành phố.

d) Chỉ đạo Thanh tra xây dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý vi phạm hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra môi trường kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải, các khu tái chế, tái sử dụng, bãi chôn lấp.

c) Tổ chức điều tra quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường và đề xuất cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật trên địa bàn Thành phố.

3. Sở Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra xây dựng, Thanh tra môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm do chủ phương tiện vận chuyển làm rơi, vãi, đỗ bậy chất thải trên hè, đường và nơi công cộng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường để phục vụ công tác duy trì vệ sinh môi trường.

4. Sở Quy hoạch – Kiến trúc

a) Hướng dẫn, thỏa thuận về địa điểm quy hoạch kiến trúc đối với việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn thông thường, bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường ở những khu vực mới chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thỏa thuận về địa điểm các khu lưu giữ, các trạm trung chuyển, các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường tập trung thuộc địa bàn quản lý của Thành phố.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Thực hiện phân bổ kế hoạch chi ngân sách nhà nước hàng năm phục vụ công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường theo phân cấp trên địa bàn thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt.

b) Hướng dẫn cụ thể việc tổ chức, cá nhân được hỗ trợ ưu đãi khi tham gia đầu tư xây dựng khai thác, kinh doanh các bãi chôn lấp, các nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

6. Sở Tài chính

a) Chủ trì phối hợp với các sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đảm bảo cho hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường trình UBND Thành phố phê duyệt theo Luật Ngân sách nhà nước.

b) Hướng dẫn việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định đền bù ảnh hưởng môi trường tại các khu xử lý chất thải rắn thông thường.

7. Các sở, ban, ngành khác có liên quan

1. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành Thành phố liên quan có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc thực hiện vệ sinh môi trường theo đúng các quy định của UBND Thành phố.

2. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất thải rắn thông thường và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quản lý bảo vệ môi trường.

Điều 15. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố và các cơ quan khác có liên quan để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường tại địa phương.

2. Có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý bãi chôn lấp rác thải khu vực theo phân cấp, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra Xây dựng quận, huyện, thị xã, thanh tra Giao thông vận tải trên địa bàn, UBND các phường, xã, thị trấn kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định.

4. Chỉ đạo hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra UBND các phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức đánh giá tình hình quản lý chất thải thông thường tại địa phương, báo cáo kết quả theo yêu cầu của các sở, ban ngành có liên quan về tình hình thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn; kiến nghị đề xuất các vấn đề có liên quan đến việc quản lý chất thải rắn thông thường.

Điều 16. Trách nhiệm của UBND các phường, xã, thị trấn

1. Phối hợp với đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

2. Chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các hộ gia đình, công dân trên địa bàn chấp hành các quy định quản lý chất thải rắn thông thường và các quy định khác có liên quan của UBND Thành phố; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Tổ chức tuyên truyền các quy định của UBND Thành phố về quản lý chất thải rắn thông thường và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

4. Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Điều 17. Trách nhiệm của các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường

1. Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường:

a) Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường phải tuân thủ theo quy trình công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương và các ngành, cơ quan có liên quan trên địa bàn về các nội dung sau:

- Thời gian đổ và thời gian thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày của khu vực địa phương, đường phố, ngõ xóm;

- Địa điểm bãi chôn lấp chất thải và các cơ sở xử lý chất thải của Thành phố;

- Địa điểm đặt dụng cụ chứa chất thải rắn sinh hoạt, công dụng của từng loại thùng chứa tại các trục hè đường, tuyến phố, nơi công cộng;

c) Chịu trách nhiệm quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao; theo dõi, kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm hành chính về quản lý chất thải rắn thông thường báo cáo cho chính quyền địa phương và các lực lượng có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm.

d) Thực hiện thu phí vệ sinh trên địa bàn được giao theo quy định.

đ) Không làm rơi, vãi chất thải rắn thông thường, phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.

e) Chịu trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ, dụng cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường.

2. Đơn vị được giao quản lý, vận hành bãi chôn lấp và khu xử lý chất thải rắn thông thường:

a) Chỉ được phép tiếp nhận và xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định từ các đơn vị thu gom, vận chuyển đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận; tiếp nhận và xử lý các loại chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp không độc hại phù hợp với quy trình, công nghệ xử lý chất thải của khu xử lý, bãi chôn lấp.

b) Quản lý vận hành bãi chôn lấp và khu xử lý chất thải rắn thông thường theo đúng quy trình công nghệ, đảm bảo hoạt động an toàn và vệ sinh môi trường.

c) Xây dựng kế hoạch, chương trình và biện pháp phòng ngừa, ứng cứu sự cố môi trường theo quy định.

d) Triển khai thực hiện chương trình giám sát môi trường tại cơ sở và báo cáo kết quả quan trắc đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường định kỳ 6 tháng/lần.

đ) Thực hiện kế hoạch an toàn lao động trong vận hành và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

e) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự trị an khu vực xử lý và xung quanh nhà máy.

Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình

1. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ rác, chất thải đúng thời gian và nơi quy định, không để chất thải sinh hoạt trên hè phố, lòng đường; không để vật nuôi gây mất vệ sinh công cộng; có trách nhiệm tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể địa phương phát động.

2. Mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh – dịch vụ trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm quy định, hướng dẫn các thành viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng các nội dung trong Quy định này; thực hiện phân loại chất thải ngay từ nguồn; ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo đúng quy định.

Điều 19. Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn thông thường, vận động nhân dân làm tốt công tác phân loại chất thải tại nguồn, đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định; phối hợp với UBND các cấp kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Quy định này.

2. Thời gian triển khai thực hiện:

- Các cấp, các ngành lập kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt, tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nội dung Quy định này trong tháng 2 năm 2010.

- Các cấp, các ngành tổ chức kiểm tra thực hiện, xử lý vi phạm quy định từ ngày 01 tháng 03 năm 2010.

- Sở Xây dựng tổng hợp, sơ kết thực hiện trong tháng 6 năm 2010, rút kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện với các giải pháp hiệu quả hơn cho giai đoạn sau.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, các đơn vị, sở, ngành phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định./.





Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn Ban hành: 09/04/2007 | Cập nhật: 14/04/2007