Quyết định 11/2009/QĐ-UBND về Quy chế xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của tỉnh Ninh Bình
Số hiệu: 11/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Bùi Văn Thắng
Ngày ban hành: 26/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2009/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 26 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Thắng

 

QUY CHẾ

VỀ XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2009/QĐ-UBND ngày 26/3/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Hội đồng nhân dân cùng cấp và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004 (sau đây gọi là Luật); Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (sau đây gọi là Nghị định số 91) và quy định của Quy chế này.

2. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ xem xét, thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện đúng các quy định tại khoản 1 của Điều này.

Chương II

XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ DO UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÌNH

Điều 4. Soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã

1. Việc soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều 33 của Luật và Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 91.

2. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 5. Lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã

1. Việc lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 4; Khoản 2 Điều 33 của Luật và Khoản 2, Khoản 3 Điều 22, Điều 24 của Nghị định số 91.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc lấy ý kiến, tổng hợp và tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến để chỉnh lý lại dự thảo nghị quyết. Phương thức lấy ý kiến, vấn đề cần lấy ý kiến do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã lựa chọn, quyết định.

3. Tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu và tham gia ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về hình thức, nội dung cần lấy ý kiến.

Điều 6. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

2. Hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cấp xã bao gồm: Tờ trình, dự thảo nghị quyết và các tài liệu liên quan.

3. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật.

Chương III

XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ

Điều 7. Soạn thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân xã

1. Việc soạn thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều 45 của Luật và Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 91.

2. Tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc soạn thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân xã.

Điều 8. Lấy ý kiến vào dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Việc lấy ý kiến vào dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 4; Khoản 2 Điều 45 của Luật và Khoản 2, Khoản 3 Điều 22, Điều 24 của Nghị định số 91.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc lấy ý kiến, tổng hợp và tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến để chỉnh lý lại dự thảo quyết định, chỉ thị. Phương thức, vấn đề cần lấy ý kiến do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã lựa chọn, quyết định.

3. Tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu và tham gia ý kiến theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về hình thức, nội dung cần lấy ý kiến.

Điều 9. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã

Trình tự xem xét thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật.

Điều 10. Ban hành quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã

Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành phải được gửi cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành và phải được niêm yết công khai tại trụ sở theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Luật và Điều 9 của Nghị định số 91.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động khảo sát, soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã; ban hành quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật và Điều 25 của Nghị định số 91, Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 15/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 08/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương.

2. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp theo đúng định mức và chế độ tài chính hiện hành.

Điều 12. Triển khai tổ chức thực hiện Quy chế

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt, triển khai Quy chế này đến Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã trên địa bàn; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh đôn đốc, kiểm tra Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức quán triệt phổ biến nội dung Quy chế này đến cán bộ, công chức, viên chức của mình và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức cá nhân thực hiện tốt Quy chế này sẽ được biểu dương, khen thưởng theo chế độ thi đua khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính theo quy định hiện hành.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời./.