Quyết định 11/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
Số hiệu: 11/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Đặng Đức Yến
Ngày ban hành: 06/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 11/2008/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 06 tháng 05 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
- Căn cứ Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT ngày 23/01/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 83/TT-TNMT-KS ngày 16 tháng 01 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này Bản “Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông”.

Điều 2 : Quyết định này thay thế quyết định số 32/2004/QĐ-UB ngày 01/04/2004 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc Quy định thủ tục hành chính về giấy phép khai thác tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Quyết định số 33/2004/QĐ-UB ngày 01/04/2004 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc Quy định tạm thời tổ chức quản lý và cấp giấy phép khai thác khoáng làm vật liệu xây dựng thông thường, đối với các khu vực có khoáng sản đặc thù trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, nhưng hoạt động khoáng sản đang tiến hành khai thác nhưng chưa có giấy phép hoặc giấy phép được cấp hết hạn, hoạt động khoáng sản chưa được đăng ký, hồ sơ giấy phép chưa được lưu trữ đầy đủ, chính xác đều phải làm lại hoặc bổ sung theo quy định của Quyết định này.

Điều 3 : Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Tài chính, Xây dựng; Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận :
- Bộ TN&MT ( B/c );
- Bộ TN&MT;
- TT Tỉnh Uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra Văn bản (Bộ Tư Pháp);
- Sở Tư pháp;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, CN, NC, KTTH, NL(LTr).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH




Đặng Đức Yến

 

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC

CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
( Ban hành kèm theo Quyết định số : 11/2008/QĐ-UB ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, bao gồm giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản đối với khu vực đã được điều tra, đánh giá hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản mà không nằm trong quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản

Hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Tài nguyên khoáng sản phải được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài;

2. Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hoá; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

3. Quy mô và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản phải phù hợp với đặc điểm từng loại khoáng sản, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến phù hợp để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và giá trị của sản phẩm chế biến; nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản.

Điều 3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản

1. Phạm vi hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 6 của Luật Khoáng sản được quy định như sau:

a. Doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư hoạt động khoáng sản được khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;

b. Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam được khảo sát, thăm dò khoáng sản;

c. Cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động khoáng sản dược khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; khai thác tận thu khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này có các điều kiện sau đây thì được xem xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản:

a. Có đề án thăm dò, dự án khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b. Đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến phải có nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp thăm dò, khai thác, chế biến tiên tiến;

c. Có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 4. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

1. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm các khoáng sản có thành phần, tính chất cơ lý, cấu tạo, màu sắc hoặc tính chất khác không đạt yêu cầu làm nguyên liệu để chế biến, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu thông thường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

2. Danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

a. Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có các khoáng vật casiterit, volfiamit, monazit, ziricon, ilmenit và vàng đi kèm.

b. Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản xuất vật liệu chịu lửa samot theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc sản xuất xi măng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

c. Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, các nguyên tố xạ, hiếm hoặc không đạt yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

d. Các loại đá trầm tích (trừ các đá chứa keramzit, diatomit), đá magma (trừ đá bazan dạng cột, dạng bọt), đá biến chất không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, bán quý và các nguyên tố xạ, hiếm, không đáp ứng yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam, không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu trường thạch (felspat) sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

e. Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten, hoặc silimanit với hàm lượng lớn hơn 30%.

f. Các loại cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và bán quý (thạch anh mỹ nghệ, topa, beril, ruby, saphia, ziricon), đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại.

g. Các loại đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

h. Đá đolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá đolomit không đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy tinh xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Chương II

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 5. Giấy phép khảo sát khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

1. Khảo sát khoáng sản là hoạt động nghiên cứu tư liệu địa chất về tài nguyên khoáng sản, khảo sát thực địa nhằm khoanh định khu vực có triển vọng để thăm dò khoáng sản.

2. Giấy phép khảo sát khoáng sản được cấp đối với khu vực không có tổ chức, cá nhân nào đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp, phù hợp với quy định tại các khoản 3 Điều 5 và các điều 13 và 14 của Luật Khoáng sản.

3. Thời hạn của một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá 12 tháng và được gia hạn 01 lần với thời gian gia hạn không quá 12 tháng.

4. Giấy phép khảo sát khoáng sản được gia hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a. Khu vực được phép khảo sát có diện tích từ 100 km2 trở lên;

b. Chưa có tổ chức, cá nhân nào nộp đơn xin thăm dò ở khu vực xin gia hạn;

c. Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát đã hoàn thành mọi nghĩa vụ quy định trong giấy phép đã được cấp tại thời điểm xin gia hạn.

5. Giấy phép khảo sát khoáng sản không được chuyển cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng.

6. Diện tích khu vực khảo sát khoáng sản được cấp cho một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá 500 km2.

7. Giấy phép khảo sát khoáng sản được cấp cho nhiều tổ chức, cá nhân cùng hoạt động khoáng sản trong một khu vực.

8. Thu hồi giấy phép khảo sát khoáng sản : Giấy phép khảo sát khoáng sản bị thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây :

a. Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát khoáng sản vi phạm một trong các quy định tại Điều 23 của Luật Khoáng sản mà không khắc phục trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường;

b. Khu vực được phép khảo sát bị công bố là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

c. Cá nhân được phép khảo sát khoáng sản chết, tổ chức được phép khảo sát khoáng sản bị giải thể hoặc phá sản.

Điều 6. Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

1. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm tìm kiếm, phát hiện, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản, điều kiện kỹ thuật khai thác, kể cả việc lấy, thử nghiệm mẫu công nghệ và nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản.

2. Giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp đối với khu vực không có tổ chức, cá nhân nào đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp, phù hợp với quy định tại các khoản 3 Điều 5 và các điều 13 và 14 của Luật khoáng sản.

3. Thời hạn của một giấy phép thăm dò khoáng sản không quá 24 tháng và được gia hạn không quá 02 lần với tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng. Trong trường hợp cần thiết, giấy phép thăm dò khoáng sản có thể được cấp lại cho tổ chức, cá nhân đã thăm dò ở khu vực mà giấy phép đã hết hạn.

4. Giấy phép thăm dò khoáng sản được gia hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a. Tổ chức, cá nhân được phép thăm đò khoáng sản đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định trong giấy phép đã được cấp tại thời điểm xin gia hạn;

b. Giấy phép thăm dò còn hiệu lực ít nhất là (30) ngày;

c. Mỗi lần gia hạn phải trả lại ít nhất ba mươi phần trăm (30%) diện tích khu vực thăm dò theo giấy phép đã được cấp.

5. Diện tích khu vực thăm dò của một giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở vùng đất liền không quá 02 km2, ở vùng có mặt nước không quá 01 km2.

6. Thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản : Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a. Sau 06 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản không tiến hành hoạt động thăm dò mà không có lý do chính đáng;

b. Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản vi phạm một trong các quy định tại Điều 27 của Luật Khoáng sản mà không khắc phục trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường;

c. Khu vực được phép thăm dò khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

d. Cá nhân được phép thăm dò khoáng sản chết mà không có người thừa kế quyền thăm dò, tổ chức được phép thăm dò khoáng sản bị giải thể hoặc phá sản mà không có tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ.

Điều 7. Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

1. Khai thác khoáng sản là hoạt động xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, sản xuất và các hoạt động có liên quan trực tiếp nhằm thu khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò (trừ trường hợp không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Khoáng sản), với điều kiện tổ chức, cá nhân đó đã hoàn thành mọi nghĩa vụ được quy định trong giấy phép thăm dò và tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

3. Khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với công suất khai thác không quá 100.000 m3/năm và thời gian khai thác, kể cả thời gian gia hạn không quá 05 năm thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

4. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được phép thăm dò không nộp hồ sơ xin giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò, thì giấy phép thăm dò mới hoặc giấy phép khai thác khoáng sản có thể được cấp đối với khu vực đó cho tổ chức, cá nhân khác.

5. Đối với khu vực đã thăm dò, nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp thì giấy phép khai thác được cấp cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Luật khoáng sản.

6. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cùng với giấy phép đầu tư hoặc sau khi giấy phép đầu tư đã được cấp theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

7. Thời hạn của một giấy phép khai thác khoáng sản căn cứ vào báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản (hoặc đề án khai thác khoáng sản) đối với từng dự án, nhưng không quá 30 năm. Giấy phép khai thác khoáng sản được gia hạn nhiều lần phù hợp với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa khai thác, với tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

8. Giấy phép khai thác khoáng sản được gia hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép khai thác đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của giấy phép khai thác đã được cấp và các nghĩa vụ khác theo quy định khác của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

9. Diện tích khu vực khai thác của một giấy phép khai thác khoáng sản được xem xét trên cơ sở dự án đầu tư khai thác khoáng sản phù hợp với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác do cơ quan nhà nước có thầm quyền phê duyệt.

10. Diện tích khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của một giấy phép trong trường hợp không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Khoáng sản không quá 10 ha đối với một tổ chức và không quá 01 ha đối với cá nhân.

11. Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản : Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản không thực hiện đúng nội dung, kế hoạch khai thác khoáng sản theo dự án khai thác và các quy định tại giấy phép đã được cấp.

b. Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chủ giấy phép không hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 24 của Quy định này mà không có lý do chính đáng;

c. Sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản, chủ giấy phép chưa bắt đầu hoạt động sản xuất mà không có lý do chính đáng;

d. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản vi phạm một trong các quy định tại Điều 33 của Luật Khoáng sản mà không khắc phục trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường;

e. Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

f. Cá nhân được phép khai thác khoáng sản chết mà không có người thừa kế quyền khai thác, tổ chức được phép khai thác bị giải thể hoặc phá sản mà không có tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ;

g. Giấy phép đầu tư của tổ chức, cá nhân nước ngoài chấm dứt hiệu lực.

Điều 8. Giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

1. Chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản đã khai thác.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến khoáng sản phải xin giấy phép chế biến khoáng sản, trừ trường hợp hoạt động chế biến khoáng sản kèm theo hoạt động khai thác đã được phép.

3. Thời hạn của một giấy phép chế biến khoáng sản được xác định trên cơ sở dự án đầu tư chế biến khoáng sản, nguồn khoáng sản hợp pháp, nhưng không quá 30 năm và được gia hạn nhiều lần phù hợp với nguồn khoáng sản hợp pháp; tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

4. Giấy phép chế biến khoáng sản được gia hạn với điều kiện : Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép chế biến đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của giấy phép chế biến đã được cấp và các nghĩa vụ khác theo quy định khác của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, phải có nguồn khoáng sản hợp pháp bảo đảm phù hợp công suất chế biến và thời gian xin gia hạn.

5.Thu hồi giấy phép chế biến khoáng sản : Giấy phép chế biến khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a. Tổ chức, cá nhân được phép chế biến khoáng sản không thực hiện đúng nội dung, kế hoạch chế biến khoáng sản theo dự án chế biến và các quy định tại giấy phép chế biến đã được cấp.

b. Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép chế biến khoáng sản, chủ giấy phép không hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 24 của Quy định này mà không có lý do chính đáng;

c. Sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản, chủ giấy phép chưa bắt đầu hoạt động sản xuất mà không có lý do chính đáng;

d. Khu vực chế biến bị công bố là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

e. Cá nhân được phép chế biến khoáng sản chết mà không có người thừa kế, tổ chức được phép chế biến bị giải thể hoặc phá sản mà không có tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ.

Điều 9. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản

1. Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ.

2. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chỉ được cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; ưu tiên cấp cho tổ chức, cá nhân thường trú tại địa phương nơi có khoáng sản.

3. Diện tích khu vực khai thác tận thu của một giấy phép cấp cho một tổ chức không quá 10 ha, cho một cá nhân không quá 01 ha.

4. Thời hạn của một giấy phép khai thác tận thu không quá 03 năm và được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 02 năm với các điều kiện sau đây, tại thời điểm xin gia hạn:

a. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định tại Điều 53 của Luật Khoáng sản;

b. Giấy phép khai thác tận thu còn hiệu lực không ít hơn 30 ngày.

5. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại khoản 11 Điều 7 của Quy định này.

Điều 10. Giấy phép khai thác khoáng sản tại các khu vực nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước

1. Khu vực khoáng sản nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước là các khu vực khoáng sản có kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 hoặc lớn hơn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 của Luật Khoáng sản.

2. Diện tích khu vực khai thác của một giấy phép khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước được xem xét trên cơ sở dự án đầu tư khai thác khoáng sản phù hợp với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác do cơ quan nhà nước có thầm quyền phê duyệt.

3. Thời hạn của một giấy phép khai thác, kể cả thời gian gia hạn giấy phép khai thác không quá 05 năm. Giấy phép khai thác được gia hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép khai thác đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của giấy phép khai thác đã được cấp và các nghĩa vụ khác theo quy định khác của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

4. Giấy phép khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước bị thu hồi theo quy định tại khoản 11 Điều 7 của Quy định này.

Điều 11. Trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản hoặc trả lại từng phần diện tích hoạt động khoáng sản

Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có quyền trả lại từng phần diện tích hoặc trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đến thời điểm xin trả lại giấy phép; phục hồi môi trường, đất đai, bảo đảm an toàn ở phần diện tích xin trả lại;

2. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày (90) ngày, kể từ ngày giấy phép thăm dò được trả lại, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 của Luật Khoáng sản.

Trong thời hạn không quá sáu (06) tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác, giấy phép chế biến được trả lại, tổ chức, cá nhân được phép khai thác phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 40 của Luật Khoáng sản; tổ chức, cá nhân được phép chế biến phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.

3. Được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép trả lại bằng văn bản.

Điều 12. Chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

Việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác, chế biến khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến cho tổ chức, cá nhân khác để tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đã được quy định trong giấy phép và theo quy định của pháp luật.

2. Bên chuyển nhượng chỉ được phép chuyển nhượng khi đã thực hiện đầy đủ các quy định, nghĩa vụ có liên quan theo giấy phép thăm dò hoặc khai thác, chế biến khoáng sản đã được cấp đến thời điểm xin chuyển nhượng.

3. Nội dung chuyển nhượng phải được thể hiện bằng hợp đồng giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; kèm theo hợp đồng và đơn xin chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác, chế biến phải có báo cáo kết quả thăm dò hoặc khai thác, chế biến đến thời điểm xin chuyển nhượng.

4. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến khoáng sản phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Luật Khoáng sản và khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.

5. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyền nhượng quyền khai thác, chế biến khoáng sản là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài thì phải có giấy phép đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh có bên nước ngoài chuyển đổi thành doanh nghiệp một trăm phần trăm (100%) vốn đầu tư nước ngoài cũng phải được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chấp thuận làm cơ sở cấp giấy phép khai thác, chế biến mới.

6. Việc chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác, chế biến khoáng sản phải được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép và phải nộp thuế chuyển nhượng và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Thừa kế quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

1. Cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác, chế biến khoáng sản có quyền để thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến khoáng sản của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

2. Người được thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến khoáng sản được tiếp tục thực hiện quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến khi giấy phép vẫn còn hiệu lực và phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Luật Khoáng sản và khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ. Trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động thì giải quyết như sau:

a. Người được thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến được chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến cho tổ chức cá nhân khác phù hợp với quy định tại Điều 53 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ;

b. Trường hợp người được thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, chế biến khoáng sản không thực hiện quyền chuyển nhượng trong thời hạn 06 tháng, kể từ thời điểm được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật thì giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được coi là hết hạn.

3. Trường hợp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản không còn hiệu lực theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì người được thừa kế có quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30, các điểm b, c và d khoản 2 Điều 40 của Luật Khoáng sản, khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.

Điều 14. Giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản

Các trường hợp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sau đây không phải xin giấy phép khai thác, nhưng phải đăng ký khu vực khai thác khoáng sản :

1. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó, đất hộ gia đình quản lý khai thác phục vụ kinh tế gia đình .

2. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với hình thức khai thác thủ công, quy mô nhỏ tại các khu vực khoáng sản có tính đặc thù nhằm phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng tại chỗ của địa phương.

2.1. Các khu vực khoáng sản đặc thù bao gồm :

a. Các khu vực đất sét làm gạch, ngói phân bố không tập trung, trữ lượng nhỏ, chỉ thích hợp với hình thức khai thác thủ công, quy mô nhỏ để cung cấp nguyên liệu cho các lò sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh.

b. Các khu vực cát xây dựng nằm dọc theo lòng sông, suối và bãi bồi, tích tụ cát nhỏ, phân bố không tập trung.

c. Các khu vực khai thác đá chẻ, đá thủ công, trữ lượng nhỏ, khai thác thủ công, quy mô nhỏ (không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp).

d. Các khu vực đất cấp phối phục vụ thi công, san lấp các công trình xây dựng.

2.2. Diện tích đăng ký khai thác tại các khu vực khoáng sản đặc thù không vượt quá 01 ha; công suất khai thác không vượt quá 5.000m3/năm và thời hạn khai thác không vượt quá 03 năm. Riêng đất cấp phối không vượt quá 1 ha và công suất khai thác không vượt quá 50.000m3/năm.

2.3. Giấy đăng ký khu vực khai thác khoáng sản tại khu vực khoáng sản đặc thù (quy mô nhỏ) chỉ được cấp cho các tổ chức kinh tế tại địa phương được thành lập, đăng ký chức năng hoạt động khoáng sản theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể tại địa phương được đăng ký chức năng khai thác khoáng sản.

Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đăng ký 01 khu vực khai thác cho mỗi loại khoáng sản.

3. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc quản lý, sử dụng khoáng sản khai thác được thực hiện theo quy định của pháp luật;

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 15. Căn cứ cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

Căn cứ xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản bao gồm:

1. Chiến lược của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến khoáng sản.

2. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án cụ thể trong hoạt động khoáng sản, gắn liền với các yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

4. Tư cách pháp lý của chủ đơn theo quy định của pháp luật và các điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Luật Khoáng sản và khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản.

5. Đề án khảo sát, thăm dò trên diện tích không trùng với các khu vực đã được cấp phép hoặc đang được cơ quan nhà nước tiến hành điều tra, đánh giá khoáng sản.

6. Trữ lượng khoáng sản (đối với mỏ thăm dò), báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật đối với trường hợp xin cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản.

7. Văn bản thỏa thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với khu vực thăm dò, khai thác hoặc xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản (nếu đất thuộc địa phương quản lý); văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của tổ chức được nhà nước giao quản lý rừng (nếu đất thuộc các tổ chức quản lý) .

Điều 16. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản đối với khu vực đã được điều tra, đánh giá hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản mà không nằm trong quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia;

2. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản đối với các trường hợp không phải cấp giấy phép khai thác được quy định tại Điều 14 của Quy định này.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp loại giấy phép hoạt động khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại loại giấy phép đó và cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

1. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khoáng sản là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đăk Nông chịu trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin liên quan đến việc lựa chọn khu vực, diện tích và thủ tục hành chính về giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2. Trước khi xem xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu thập bằng văn bản của các cơ quan có liên quan đến khu vực hoạt động khoáng sản.

Các cơ quan được hỏi ý kiến theo thẩm quyền của mình có trách nhiệm trả lời trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản hỏi ý kiến.

3. Chủ đơn (chủ đầu tư) phải tìm hiểu tình trạng đất đai đang sử dụng, hoa màu, tài sản gắn liền với đất, ý kiến của người sử dụng đất thuộc phạm vi xin hoạt động khoáng sản và báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi xem xét cấp giấy phép.

4. Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân trong nước xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, của tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài xin cấp giấy phép khảo sát, thăm dò khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc cấp giấy phép.

Trường hợp phức tạp cần có thời gian xem xét, thẩm định thì thời hạn thẩm định có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân trong nước hoặc liên doanh có bên nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư và nộp đầy đủ, hợp lệ hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép.

6. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin gia hạn, trả lại giấy phép, trả lại một phần diện tích hoạt động khoáng sản, chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, tiếp tục thực hiện quyền hoạt động khoáng sản trong trường hợp thừa kế hợp pháp quyền, hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép hoặc không cho phép.

7. Thời hạn quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều này không bao gồm thời gian lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan về các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

8. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và chuyển lại hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong trường hợp không cấp giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm giao giấy phép cho chủ giấy phép hoạt động khoáng sản sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước về hoạt động khoáng sản.

Điều 18. Thẩm định đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định các đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khảo sát, thăm dò.

2. Việc lập, thẩm định đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT ngày 23/01/2006 của Bộ tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản.

Điều 19. Thẩm định và phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản

1. Báo cáo thăm dò khoáng sản được thẩm định theo các yêu cầu sau đây:

a. Độ tin cậy về trữ lượng, hàm lượng và chất lượng khoáng sản, kể cả khoáng sản có ích đi kèm;

b. Độ tin cậy về các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình liên quan đến nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản.

2. Hội đồng thẩm định trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập. Hộ đồng thẩm định có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thẩm định, xét duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, để làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Trong thời hạn 30 ngày làm việc (không bao gồm thời gian chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo kết quả thăm dò), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 21 của Quy định này, Hội đồng thẩm định trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn của tỉnh phải hoàn thành việc thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản. Trường hợp không xét duyệt thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 20. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác, chế biến khoáng sản, hoặc đề án khai thác, chế biến khoáng sản

1. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác, chế biến khoáng sản, hoặc đề án khai thác, chế biến khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trong nước.

2. Việc thẩm định dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 21. Hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại giấy phép khảo sát khoáng sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép khảo sát khoáng sản

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khảo sát khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 04 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn xin cấp giấy phép khảo sát khoáng sản, kèm theo bản đồ khu vực khảo sát;

b. Đề án khảo sát khoáng sản (01 bộ in và 01 bộ ghi trên đĩa CD), trong đó nêu rõ cơ sở địa chất và các loại khoáng sản là đối tượng khảo sát, phương pháp và khối lượng khảo sát; thời hạn, tiến độ khảo sát và nguồn tài chính;

c. Sơ đồ khu vực khảo sát khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1: 10.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

d. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của công chứng nhà nước của tổ chức xin cấp giấy phép khảo sát khoáng sản.

2. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép khảo sát khoáng sản

Hồ sơ xin gia hạn phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) trước ngày giấy phép hết hạn 30 ngày; mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn xin gia hạn;

b. Báo cáo kết quả khảo sát khoáng sản và khối lượng công trình, kinh phí đã thực hiện đến thời điểm xin gia hạn.

c. Sơ đồ khu vực xin gia hạn khảo sát khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1: 10.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

Trong trường hợp giấy phép khảo sát khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét thì tổ chức, cá nhân được phép khảo sát khoáng sản được tiếp tục hoạt động đến thời điểm có quyết định gia hạn hoặc có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn.

3. Hồ sơ xin trả lại giấy phép khảo sát khoáng sản

Hồ sơ xin trả lại giấy phép phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ); mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn trả lại giấy phép;

b. Báo cáo kết quả khảo sát khoáng sản và khối lượng công trình, kinh phí đã thực hiện đến thời điểm trả lại giấy phép.

Điều 22. Hồ sơ cấp, cấp lại, gia hạn, cho phép trả lại, chuyến nhượng giấy phép thăm dò khoáng sản, cho phép tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 04 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản;

b. Đề án thăm dò khoáng sản lập theo quy định, kèm theo bản đồ khu vực thăm dò khoáng sản (01 bộ in và 01 bộ ghi trên đĩa CD);

c. Sơ đồ khu vực thăm dò khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1: 10.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

d. Văn bản thỏa thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với khu vực thăm dò khoáng sản (nếu đất thuộc địa phương quản lý); văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của lâm trường (nếu đất thuộc lâm trường quản lý).

e. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản là tổ chức trong nước hoặc bản sao giấy phép đầu tư có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

2. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép thăm dò khoáng sản

Hồ sơ xin cấp lại giấy phép thăm dò phải nộp cho Sở tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) trước ngày giấy phép hết hạn 30 ngày, bao gồm:

a. Đơn xin cấp lại giấy phép thăm dò khoáng sản;

b. Báo cáo kết quả thăm đò, khối lượng công tác thăm dò đã thực hiện; chương trình, khối lượng thăm dò tiếp tục;

c. Bản đồ khu vực xin cấp lại giấy phép thăm dò.

3. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản

Hồ sơ xin gia hạn phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) trước ngày giấy phép hết hạn 30 ngày, bao gồm:

a. Đơn xin gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản;

b. Báo cáo kết quả thăm dò, khối lượng công tác thăm dò đã thực hiện; chương trình, khối lượng thăm dò tiếp tục;

c. Bản đồ khu vực thăm dò, trong đó đã loại trừ ít nhất 30 % diện tích theo giấy phép được cấp trước đó.

Trong trường hợp giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét thì tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản được tiếp tục hoạt động đến thời điểm được gia đoạn hoặc có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn.

4. Hồ sơ xin trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích thăm dò khoáng sản

Hồ sơ xin trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) , bao gồm:

a. Đơn xin trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích thăm dò khoáng sản;

b. Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, khối lượng công trình thăm dò đã thực hiện đến thời điểm trả lại giấy phép hoặc trả lại một phần diện tích ghi trong giấy phép;

c. Bản đồ khu vực tiếp tục thăm dò; khối lượng công trình, chương trình thăm dò tiếp tục đối với trường hợp trả lại một phần diện tích thăm dò.

5. Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản

Hồ sơ xin chuyển nhượng giấy phép thăm dò khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) , bao gồm:

a. Đơn xin chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản kèm theo hợp đồng chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản và bản kê giá trị tài sản sẽ chuyển nhượng;

b. Báo cáo kết quả thăm dò, khối lượng công trình đã thực hiện và các nghĩa vụ có liên quan theo quy định đã hoàn thành đến thời điểm xin chuyển nhượng quyền thăm dò;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản là tổ chức trong nước hoặc bản sao giấy phép đầu tư (nếu có) có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

Việc chuyển nhượng quyền thăm dò được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép thăm dò thay thế giấy phép thăm dò đã cấp.

6. Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản

Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) , bao gồm:

a. Đơn xin tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản; báo cáo kết quả thăm dò, khối lượng công trình đã thực hiện và chương trình tiếp tục thăm dò;

b. Bản sao văn bản pháp lý có chứng thực của Công chứng nhà nước chứng minh tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền thăm dò khoáng sản;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước của tổ chức được thừa kế.

Việc cho phép tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép thăm dò cho tổ chức, cá nhân được thừa kế, thay thế giấy phép đã cấp.

Điều 23. Hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 04 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, kèm theo bản đồ khu vực khai thác khoáng sản;

b. Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (đối với mỏ phải thăm dò);

c. Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản (đối với mỏ thăm dò) hoặc Đề án khai thác mỏ (01 bộ in và 01 bộ ghi trên đĩa CD), kèm theo văn bản thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường;

d. Sơ đồ khu vực khai thác khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1: 5.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

e. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, kèm theo quyết định phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

f. Văn bản thỏa thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với khu vực khai thác khoáng sản (nếu đất thuộc địa phương quản lý); văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của tổ chức được nhà nước giao quản lý rừng (nếu đất thuộc các tổ chức quản lý) .

g. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép khai thác khoảng sản là tổ chức trong nước mà không phải là tồ chức đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc bản sao giấy phép đầu tư có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

2. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản

Hồ sơ xin gia hạn phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) trước ngày giấy phép hết hạn 90 ngày; mỗi bộ hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản;

b. Bản đồ hiện trạng khai thác mỏ tại thời điểm xin gia hạn kèm theo Báo cáo kết quả hoạt động khai thác đến thời điểm xin gia hạn; trữ lượng khoáng sản còn lại và diện tích xin tiếp tục khai thác.

Trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét thì tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản được tiếp tục hoạt động đến thời điểm được gia hạn hoặc có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn.

3. Hồ sơ xin trả lại giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản

Hồ sơ xin trả lại giấy phép phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ); mỗi bộ hồ sơ bao gồm:

a. Đơn trả lại giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản;

b. Bản đồ hiện trạng kèm theo báo cáo kết quả khai thác khoáng sản đến thời điềm trả lại giấy phép hoặc trả lại một phần diện tích khai thác;

c. Đề án đóng cửa mỏ đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật đối với trường hợp trả lại giấy phép khai thác.

4. Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản

Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ); mỗi bộ hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoảng sản, kèm theo bản kê giá trị tài sản chuyển nhượng;

b. Báo cáo kết quả khai thác và các nghĩa vụ đã thực hiện đến thời điểm xin chuyển nhượng quyền khai thác kèm theo bản đồ hiện trạng khai thác tại thời điểm xin chuyển nhượng;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản là tổ chức trong nước hoặc bản sao giấy phép đầu tư có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

Việc chuyển nhượng quyền khai thác được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép khai thác cho tổ chức nhận chuyển nhượng, thay thế giấy phép đã cấp. Giấy phép khai thác tận thu không được chuyển nhượng.

5. Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản

Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ); mỗi bộ hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản;

b. Bản sao văn bản pháp lý có chứng thực của Công chứng nhà nước chứng minh tổ chức, cá nhân được thừa kê quyền khai thác khoáng sản;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước của tổ chức được thừa kế;

d. Bản đồ hiện trạng khai thác kèm theo báo cáo kết quả khai thác khoáng sản đến thời điểm xin được tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản.

Việc cho phép tiếp, tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân được thừa kế, thay thế giấy phép đã cấp. Giấy phép khai thác tận thu không được thừa kế.

Điều 24. Hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép chế biến khoáng sản, cho phép tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép chế biến khoáng sản

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép chế biến khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 04 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

a. Đơn xin cấp giấy phép chế biến khoáng sản;

b. Báo cáo nghiên cứu khả thi chế biến khoáng sản (01 bộ in và 01 bộ ghi trên đĩa CD), kèm theo văn bản thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường;

c. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, kèm theo quyết định phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d. Văn bản thỏa thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với khu vực xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản (nếu đất thuộc địa phương quản lý); văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của tổ chức được nhà nước giao quản lý rừng (nếu đất thuộc các tổ chức quản lý) .

e. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép chế biến khoáng sản là tổ chức trong nước hoặc bản sao giấy phép đầu tư chế biến khoáng sản có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin cấp giấy phép chế biến khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài;

2. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép chế biến khoáng sản

Hồ sơ xin gia hạn phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ) trước ngày giấy phép hết hạn 90 ngày, bao gồm:

a. Đơn xin gia hạn giấy phép chế biển khoáng sản;

b. Báo cáo kết quả hoạt động chế biển khoáng sản đến thời điểm xin gia hạn, sản lượng khoáng sản tiếp tục chế biến.

Trong trường hợp giấy phép chế biến khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét thì tổ chức, cá nhân được phép chế biến khoáng sản trực tiếp tục hoạt động đến thời điểm được gia hạn hoặc có văn bản trả lời tổ chức xin gia hạn về lý do giấy phép không được gia hạn.

3. Hồ sơ xin trả lại giấy phép chế biến khoáng sản

Hồ sơ xin trả lại giấy phép phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ), bao gồm:

a. Đơn trả lại giấy phép chế biến khoáng sản;

b. Báo cáo kết quả chế biến khoáng sản kể từ ngày giấy phép có hiệu lực đến thời điểm trả lại giấy phép.

4. Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản

Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ), bao gồm:

a. Đơn xin chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản;

b. Hợp đồng chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản, kèm theo bản kê giá trị tài sản chuyển nhượng; báo cáo kết quả chế biến khoáng sản và các nghĩa vụ đã hoàn thành tính đến thời điểm xin chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản là tổ chức trong nước hoặc bản sao giấy phép đầu tư có chứng thực của Công chứng nhà nước đối với tổ chức xin nhận chuyển nhượng quyền chế biến khoáng sản là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

Việc chuyển nhượng quyền chế biến được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép chế biến cho tổ chức nhận chuyển nhượng, thay thế giấy phép đã cấp.

5. Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản

Hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản phải nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (03 bộ hồ sơ), bao gồm:

a. Đơn xin tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản;

b. Bản sao văn bản pháp lý có chứng thực của Công chứng nhà nước chứng minh tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền chế biến khoáng sản;

c. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của Công chứng nhà nước của tổ chức được thừa kế;

d. Báo cáo kết quả chế biến khoáng sản và kế hoạch tiếp tục hoạt động chế biến khoáng sản.

Việc cho phép tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản được thể hiện bằng việc cấp giấy phép chế biến khoáng sản cho tổ chức, cá nhân được thừa kế, thay thế giấy phép đã cấp.

Điều 25. Hồ sơ thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản

Hồ sơ thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản bao gồm:

1. Công văn trình thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản

2. Đề án thăm dò và Bản sao giấy phép thăm dò khoáng sản có chứng thực của Công chứng nhà nước.

3. Biên bản nghiệm thu khối lượng và chất lượng công trình thăm dò đã thi công của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.

4. Bốn bộ tài liệu, trong đó có ba bộ bản in và một bộ ghi trên đĩa CD bao gồm: Bản thuyết minh báo cáo thăm dò, các phụ lục, các bản vẽ và tài liệu nguyên thuỷ có liên quan.

Điều 26. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản đối với khu vực nằm trong phạm vi đất của dự án đầu tư xây dựng công trình

Tổ chức xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 03 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản theo Mẫu số 27;

2. Phương án khai thác khoáng sản;

3. Sơ đồ khu vực đăng ký khu vực khai thác khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1:5.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, kèm theo quyết định phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp Báo cáo đánh tác động môi trường của dự án chưa tính đến hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực xin cấp giấy chứng nhận đăng ký);

5. Bản sao quyết định phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền kèm theo bản đồ tổng mặt bằng của dự án, có chứng thực của Công chứng nhà nước;

6. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân của tổ chức xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản, có chứng thực của Công chứng nhà nước.

2. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản có tính đặc thù

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản phải gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường 03 bộ hồ sơ; mỗi bộ hồ sơ gồm :

1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản;

2. Phương án khai th ác khoáng sản;

3. Sơ đồ khu vực đăng ký khu vực khai thác khoáng sản trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ không nhỏ hơn 1:5.000, hệ thống tọa độ vuông góc VN 2000 (hoặc hệ tọa độ vuông góc UTM);

4. Bản cam kết bảo vệ môi trường, kèm theo giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

5. Văn bản thỏa thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với khu vực khai thác khoáng sản (nếu đất thuộc địa phương quản lý); văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của tổ chức được nhà nước giao quản lý rừng (nếu đất thuộc các tổ chức quản lý) .

6. Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy chứng nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản, có chứng thực của Công chứng nhà nước.

Điều 27. Mẫu đơn, mẫu bản đồ khu vực xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và định hướng nội dung đế án, báo cáo trong hoạt động khoáng sản

1. Mẫu đơn xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

a. Đơn xin cấp, gia hạn, cấp lại, trả lại giấy phép khảo sát, thăm dò khoáng sản, trả lại một phần diện tích thăm dò khoáng sản được lập theo các mẫu từ mẫu số 02 đến mẫu số 04; đơn xin chuyển nhượng, tiếp tục thực hiện quyền thăm dò khoáng sản được lập theo Mẫu số 05 và Mẫu số 06.

b. Đơn xin cấp, gia hạn, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản được lập theo các mẫu từ mẫu số 07 đến mẫu số 09; đơn xin chuyển nhượng, tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản được lập theo Mẫu số 10 và Mẫu số 11.

c. Đơn xin cấp, gia hạn, trả lại giấy phép chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 12 và Mẫu số 13; đơn xin chuyển nhượng, tiếp tục thực hiện quyền chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 14 và Mẫu số 15.

2. Mẫu bản đồ khu vực xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

Khu vực xin cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản được khoanh định trên nền bản đồ địa hình hệ tọa độ VN2000 hoặc trên nền bản đồ địa hình hệ tọa độ UTM, có tỷ lệ không nhỏ hơn 1: 10.000 đối với khu vực khảo sát, thăm dò và 1: 5.000 đối với khu vực khai thác. Bản đồ khu vực xin cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản được lập theo Mẫu số 16.

3. Định hướng nội dung đề án, báo cáo trong hoạt động khoáng sản

a. Đề án thăm dò, khảo sát khoáng sản được lập theo Mẫu số 01a;

b. Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác, chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 01b;

c. Đề án khai thác, chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 01c;

b. Phương án khai thác khoáng sản được lập theo Mẫu số 01d;

Điều 28. Mẫu giấy phép hoạt động khoáng sản

1. Giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 17, Mẫu số 19 và Mẫu số 21.

2. Việc cấp lại, gia hạn giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản; cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; cho phép tiếp tục thực hiện quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trong trường hợp để thừa kế được thể hiện bằng giấy phép mới, có nội dung phù hợp với giấy phép đã được cấp và các quy định có liên quan của pháp luật về khoáng sản (trên cơ sở mẫu giấy phép tại khoản 2.1 của Mục này).

 3. Việc cho phép trả lại giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản; trả lại một phần diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản được thể hiện bằng quyết định được lập theo Mẫu số 18, Mẫu số 20 và Mẫu số 22.

Chương IV

ĐĂNG KÝ NHÀ NƯỚC, BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 29. Đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản

Tất cả các giấy phép hoạt động khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đều phải được đăng ký Nhà nước tại Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định sau :

1. Giấy phép hoạt động khoáng sản sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được gửi về Sở tài nguyên và Môi trường để lập thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân những thủ tục cần thiết khi đăng ký Nhà nước hoạt động khoáng sản; lưu trữ hồ sơ, giấy phép và định kỳ báo cáo Cục Địa chất & Khoáng sản Việt nam.

2. Hồ sơ đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản :

a. Giấy phép hoạt động khoáng sản;

b. Giấy xác nhận đã thực hiện ký quỹ để phục hồi môi trường (đối với giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản);

c. Kế hoạch sản xuất, chương trình hoạt động khoáng sản.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm giao giấy phép cho chủ giấy phép hoạt động khoáng sản sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản.

4. Mọi hoạt động khoáng sản khi giấy phép hoạt động khoáng sản chưa được đăng ký nhà nước đều được xem là hoạt động khoáng sản trái phép và sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Sau thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, nếu chủ giấy phép không hoàn thành thủ tục đăng ký nhà nước hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi giấy phép.

Điều 30. Báo cáo về hoạt động khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước về khoảng sản và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, thông tin báo cáo.

2. Báo cáo về hoạt động khoáng sản bao gồm:

a. Báo cáo về hoạt động khảo sát khoáng sản, báo cáo về hoạt động thăm dò khoáng sản, báo cáo về hoạt động khai thác khoáng sản, báo cáo về hoạt động chế biến khoáng sản;

b. Báo cáo về hoạt động khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Chế độ báo cáo về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a. Chế độ báo cáo về hoạt động khoáng sản được thực hiện theo định kỳ 06 tháng và một năm. Định kỳ sáu tháng đầu năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 của năm báo cáo. Định kỳ một năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo;

b. Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo nêu tại điểm a, khoản này, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động khoáng sản.

4. Trách nhiệm nộp báo cáo về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm lập báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và chậm nhất sau 05 ngày của kỳ báo cáo quy định tại khoản 3 Điều này phải nộp báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường;

b. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân lập báo cáo quy định tại khoản 2 Điều này và chậm nhất là sau 15 ngày của kỳ báo cáo quy định tại khoản 3 Điều này gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam.

5. Mẫu Báo cáo về hoạt động khoáng sản được lập theo các mẫu sau đây:

a. Báo cáo về hoạt động khảo sát, thăm dò khoáng sản được lập theo Mẫu số 23;

b. Báo cáo về hoạt động khai thác khoáng sản được lập theo Mẫu số 24;

c. Báo cáo về hoạt động chế biến khoáng sản được lập theo Mẫu số 25;

d. Báo cáo về hoạt động khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh được lập theo Mẫu số 26.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 31. Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và Quy định này ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thủ tục, trình tự cấp, gia hạn, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản và đăng ký nhà nước, báo cáo về hoạt động khoáng sản để thống nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh Đăk Nông./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH