Quyết định 11/2007/QĐ-UBND ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
Số hiệu: 11/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Trần Khiêu
Ngày ban hành: 07/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 11/2007/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 07 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Khiêu

 

CHIẾN LƯỢC

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11 /2007/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh Trà Vinh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đang sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Việc thực hiện chiến lược này phải tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm mục tiêu cải thiện, bảo vệ môi trường sống cộng đồng và đề ra các kế hoạch bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Điều 3. Thuật ngữ dùng trong Chiến lược này được sử dụng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương II

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH

Điều 4. Đặc điểm điều kiện tự nhiên bao gồm:

- Vị trí địa lý.

- Địa hình.

- Điều kiện khí hậu.

- Thổ nhưỡng.

- Khí tượng thuỷ văn.

Điều 5. Đặc điểm các nguồn tài nguyên gồm:

- Tài nguyên đất.

- Tài nguyên nước.

- Tài nguyên khoáng sản.

- Các cảnh quan có giá trị.

- Các hệ sinh thái có giá trị.

Điều 6. Tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh theo điều kiện tự nhiên là:

- Tiềm năng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp.

- Tiềm năng thuỷ sản.

- Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp đặc trưng.

- Tiềm năng du lịch.

Chương III

HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG TỈNH TRÀ VINH

Điều 7. Đặc điểm môi trường khu vực tỉnh Trà Vinh có thể phân chia thành 3 vùng sinh thái: Vùng nước ngọt, vùng nước lợ, vùng ngập mặn ven biển.

Điều 8. Môi trường đất có thể liệt kê như sau:

- Hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản.

- Biến động về thành phần và cơ cấu đất đai.

Điều 9. Môi trường nước bao gồm:

- Chất lượng môi trường nước vùng ven biển khu vực nuôi trồng thuỷ sản.

- Chất lượng nước mặt.

- Nước dưới đất.

- Diễn biến về xâm nhập mặn.

Điều 10. Môi trường không khí.

Điều 11. Diễn biến chất thải rắn gồm:

- Nguồn phát sinh.

- Tình hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn.

- Tác động của ô nhiễm chất thải rắn.

Điều 12. Điều kiện vệ sinh môi trường đô thị (đô thị, nông thôn):

- Điều kiện vệ sinh môi trường đô thị.

- Điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 13. Các hệ sinh thái trong khu vực:

- Hệ sinh thái rừng ngập mặn.

- Hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển.

Điều 14. Tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của tỉnh:

- Tổ chức bảo vệ môi trường ở tỉnh Trà Vinh.

- Hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị sản xuất.

- Nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ VÀ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 15. Đánh giá môi trường chiến lược:

Xem xét, đánh giá môi trường khi thực hiện qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 dựa trên hiện trạng phát triển của từng lĩnh vực, qui hoạch phát triển của khu vực đó và các vấn đề môi trường hiện nay.

Điều 16. Đánh giá tác động môi trường gồm:

- Đánh giá tổng quan các tác động đến các thành phần môi trường .

- Đánh giá tác động đến môi trường đất.

- Đánh giá tác động đến môi trường nước.

- Đánh giá tác động đến môi trường không khí.

- Đánh giá tác động đến môi trường đô thị và nông thôn.

- Suy giảm các hệ sinh thái trong khu vực.

Chương V

ĐÁNH GIÁ VÀ SẮP XẾP CÁC THỨ TỰ ƯU TIÊN CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 17. Việc đánh giá và sắp đặt các vấn đề môi trường phải đảm bảo về yêu cầu, phương pháp và các mục tiêu sau:

1. Cung cấp những phân tích rõ ràng về các vấn đề môi trường quan trọng mà người dân địa phương đang phải đối mặt.

2. Cung cấp các thông tin về những tác động môi trường do hoạt động phát triển của từng ngành, từng khu vực và những hoạt động hiện tại đang được thực hiện nhằm cải thiện môi trường.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện môi trường để từ đó đánh giá được hiệu quả các hoạt động cải thiện môi trường.

4. Tăng cường nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường nhằm thúc đẩy cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

5. Tạo cơ sở phối hợp xây dựng các chương trình hành động mới nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường.

Điều 18. Các vấn đề môi trường chính hiện nay và nguy cơ tiềm tàng về suy thoái môi trường và tài nguyên của tỉnh thuộc các hoạt động chính sau:

1. Quy hoạch sử dụng đất và thực hành các mô hình canh tác.

2. Nghiên cứu, điều tra cơ bản, bảo tồn và khai thác tài nguyên nước ngọt.

3. Phát triển và bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển.

4. Phát triển và duy trì các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

5. Đô thị hoá, công nghiệp hoá một số khu vực quan trọng.

6. Phát triên nông thôn.

7. Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và phát triển du lịch.

Điều 19. Phân tích, sắp xếp tính khả thi và giải quyết các vấn đề môi trường:

Sắp xếp ưu tiên với yêu cầu bảo vệ môi trường của địa phương gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí được đánh giá theo 03 cấp: ưu tiên cao, ưu tiên trung bình và ưu tiên thấp như sau:

1. Vấn đề 1 (ưu tiên cao): Nâng cao chất lượng cuộc sống của khu vực nông thôn, đảm bảo điều kiện vệ sinh và cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, ngăn ngừa ô nhiễm do hóa chất và chất thải nông nghiệp.

2. Vấn đề 2 (ưu tiên trung bình): Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, ngăn ngừa tình trạng suy thoái môi trường khu vực đô thị; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp. Bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển và ven bờ phục vụ phát triển bền vững ngành ngư nghiệp, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ổn định cho khu vực ven bờ. Khắc phục khó khăn về tài nguyên nước ngọt, bảo tồn các nguồn nước ngọt và môi trường nước ở các vùng ven biển. Duy trì và phát triển độ che phủ rừng kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học đáp ứng mục tiêu Quốc gia về bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao.

3. Vấn đề 3 (ưu tiên thấp): Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng đất một cách bền vững, ngăn ngừa quá trình chua hóa, mặn hóa do việc quản lý đất và tưới tiêu không đúng kỹ thuật, đặc biệt là ở vùng ngọt hóa và khu vực ven biển. Bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cảnh quan và di tích phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Chương VI

ĐỀ XUẤT CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 20. Trên cơ sở phân tích các vấn đề môi trường, sắp đặt ưu tiên giải quyết và phân tích khả năng thực hiện, chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh Trà Vinh được xây dựng với mục đích đáp ứng mục tiêu tổng quát sau:

Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường tại các vùng nông thôn và duy trì chất lượng môi trường khu vực đô thị; cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh rạch. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học. Chủ động thực hiện và đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều 21. Các hành động bảo vệ môi trường tỉnh Trà Vinh và các chương trình môi trường trọng điểm được đề xuất như sau:

a) Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

b) Cải thiện điều kiện môi trường nông thôn.

c) Ngăn ngừa ô nhiễm do đô thị hóa, công nghiệp hóa.

d) Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất.

đ) Bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ngọt.

e) Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển và ven bờ.

f) Phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

g) Bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

h) Xây dựng năng lực và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường.

Điều 22.Vai trò và trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành tỉnh:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thực hiện các chương trình.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường điều phối việc thực hiện các chương trình.

3. Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định các kết quả thực hiện, tham gia thực hiện các chương trình.

 - Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

 - Xây dựng năng lực và huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia thực hiện các chương trình:

- Cải thiện điều kiện môi trường nông thôn.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất.

- Bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ngọt.

- Phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Sở Thủy sản tham gia thực hiện các chương trình:

- Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

- Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, ven bờ và nuôi trồng thủy sản.

6. Sở Công nghiệp tham gia thực hiện các chương trình:

- Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

- Ngăn ngừa ô nhiễm do đô thị hóa, công nghiệp hóa.

7. Sở Thương mại - Du lịch tham gia thực hiện các chương trình:

- Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

- Bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

Điều 23. Nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường địa phương.

1. Mục tiêu

Mục tiêu chính của giáo dục môi trường là nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường của tỉnh, từ đó phát triển ý thức và có trách nhiệm đối với môi trường, sự nhận thức của công chúng về các vấn đề xử lý môi trường cấp bách hiện nay và lâu dài; phổ biến rộng rãi kiến thức về tương quan giữa hoạt động của con người với môi trường; mối nguy cơ do thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến suy thoái môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Nội dung

Triển khai các hoạt động về thông tin môi trường:

a) Phổ biến rộng rãi cho 100% cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân về những vấn đề môi trường quan trọng của tỉnh, các mục tiêu cơ bản, các nội dung hoạt động cần thiết để bảo vệ môi trường, các chương trình trọng điểm bảo vệ môi trường đã và đang tiến hành thực hiện.

b) Thống kê các loại văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường hiện nay, bổ sung, cập nhật thông tin về bảo vệ môi trường phù hợp với từng lĩnh vực của tỉnh.

c) Thiết lập cơ sở dữ liệu và các đầu mối cung cấp thông tin về hiện trạng môi trường các văn bản chính sách về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn môi trường, công nghệ môi trường, theo từng ngành nghề, từng khu vực. Gắn các thông tin về chế tài của thị trường vào sản phẩm và qui trình sản xuất để người dân hiểu được sự cần thiết hiện tại và sắp tới đến vấn đề môi trường.

d) Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm cho cộng đồng nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề về môi trường, phản ánh kịp thời các phản hồi từ cộng đồng.

đ) Công khai các cá nhân, tổ chức, các vụ việc vi phạm quy định bảo vệ môi trường hoặc có những hành vi xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường.

Tiến hành các chiến dịch có sự tham gia của cộng đồng:

a) Tổ chức các cuộc thi về sáng kiến biện pháp bảo vệ môi trường trong các bộ phận khác nhau của người dân.

b) Xây dựng và triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức môi trường thông qua các hình thức khác nhau: “Tuần lễ sạch - xanh, đô thị xanh - cộng đồng xanh".

c. Triển khai các nội dung về nâng cao nhận thức môi trường trong các chương trình môi trường trọng điểm.

Điều 24. Cải thiện điều kiện môi trường nông thôn.

1. Mục tiêu

a) Thực hiện các mục tiêu quốc gia về cải thiện chất lượng môi trường nông thôn (phải thực hiện đạt trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh).

b) Ngăn ngừa ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

2. Nội dung

Hoàn thành các chương trình vệ sinh môi trường và cấp nước sạch nông thôn.

a) Nghiên cứu các mô hình vệ sinh phù hợp cho các vùng nông thôn đặc thù của tỉnh, tập trung ưu tiên cho những vùng khó khăn (thiếu nước ngọt).

b) Nghiên cứu các biện pháp bảo đảm nguồn nước sạch cho các khu vực khó khăn về nguồn nước.

c) Ban hành và áp dụng các quy chế bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và tăng cường sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp giảm tối thiểu ô nhiễm trong nông nghiệp.

d) Nghiên cứu triển khai các công nghệ phù hợp để thu gom tái sử dụng các chất thải chăn nuôi (sản xuất biogas từ chất thải, chuồng trại chăn nuôi);

đ) Kiểm soát việc nhập, tồn trữ và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, đảm bảo theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các loại hóa chất được sử dụng và đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam về tồn lưu của hóa chất bảo vệ thực vật;

e) Triển khai các dự án sản xuất thực phẩm sạch (thịt, rau, quả) không bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật, vi trùng, sinh vật gây bệnh.

g) Hoàn thành các chương trình cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông.

Điều 25. Ngăn ngừa ô nhiễm do đô thị hoá – công nghiệp hoá.

1.Mục tiêu

a) Thực hiện các mục tiêu Quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do đô thị hóa và công nghiệp hóa:

- 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm tối thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 40% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001.

- 80% hộ gia đình, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh có dụng cụ chứa rác tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng thu gom rác thải, 100% thị trấn có bãi chứa rác và xử lý rác, 50% các khu dân cư tập trung có bãi chứa và xử lý rác đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 40% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Cải thiện chất lượng môi trường:

- Hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở thị xã và các thị trấn, khu công nghiệp, phấn đấu đạt 40% các đô thị có hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn quy định; phấn đấu đến năm 2010 đạt tối thiểu 8m2 cây xanh/đầu người.

- Cải tạo 50% kênh mương, ao hồ, đoạn sông chảy qua đô thị đã bị ô nhiễm nặng.

- 95% số dân thành thị và 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt; xóa bỏ 70% cầu vệ sinh trên mặt nước, phấn đấu đạt 70% số hộ dân có hố xí hợp vệ sinh.

- 90% doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động và có cây xanh trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất. Mỗi năm phấn đấu trồng 1-2 triệu cây phân tán các loại.

c) Duy trì chất lượng môi trường sống cho người dân đô thị, tăng cường nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư trong bối cảnh công nghiệp hóa đô thị hóa tăng nhanh.

2. Nội dung

a) Tiến hành nghiên cứu lập quy hoạch môi trường cho các khu đô thị phát triển hoặc đang trên đà phát triển nhanh (thị xã Trà Vinh, thị trấn Càng Long ...).

b) Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị do khí thải, độ ồn từ các phương tiện giao thông.

c) Nghiên cứu đề xuất dự án và triển khai các dự án môi trường cho các khu vực đô thị, thu gom, xử lý nước thải đô thị và công nghiệp, quản lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại và chất thải bệnh viện...

d) Nghiên cứu lập quy hoạch môi trường các khu công nghiệp mới.

đ) Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới về mặt môi trường từ khâu cấp phép xây dựng đến khi đưa vào sử dụng.

e) Áp dụng biện pháp trong quản lý ô nhiễm môi trường, bao gồm phí môi trường, phạt ô nhiễm, ...

g) Triển khai có hiệu quả các dự án trong và ngoài nước về việc đổi mới công nghệ và sản xuất sạch hơn (chú trọng áp dụng tại các làng nghề)

Điều 26. Phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

1. Mục tiêu

- Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đến năm 2010 phải đạt được tối thiểu là 35,56%.

- Phục hồi 9.565ha rừng ngập mặn.

2. Nội dung

a) Quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng ven biển, đặc biệt là quy hoạch môi trường bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong khu vực, quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển có giá trị bảo vệ môi trường lâm - ngư và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Phân vùng sinh thái trong quy hoạch bảo tồn và phát triển các vùng đất ven biển trong đó tập trung tiếp cận tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

c) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn ven biển và đặc biệt là nghiêm cấm việc lấn chiếm đất rừng để nuôi trồng thủy sản. Tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm rừng theo đúng tinh thần Nghị định số 139/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 27. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất.

1. Mục tiêu

a) Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất trong hoạt động nông nghiệp.

b) Phòng tránh và tìm ra các biện pháp giảm tối thiểu tác động môi trường (nhiễm mặn, nhiễm phèn) do khai phá đất.

c) Giảm tối thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường.

2. Nội dung

a) Nghiên cứu quy hoạch sử dụng hợp lý các vùng đất.

b) Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án để thực hiện có hiệu quả mô hình canh tác, chăn nuôi bền vững. Sử dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác để cải thiện môi trường đất.

c) Tạo ra cơ chế khuyến khích quản lý, sử dụng đa mục đích và bền vững có sự tham gia của người dân đối với các nguồn tài nguyên đất.

Điều 28. Bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ngọt.

1. Mục tiêu

a) Khắc phục điều kiện khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo các chỉ tiêu về cung cấp nước sạch sinh hoạt của chiến lược môi trường Quốc gia.

b) Bảo tồn nguồn nước ngầm nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trong mọi trường hợp. Tăng cường quản l‎‎ý chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia hành nghề khoan nước dưới đất bảo đảm thực hiện đúng theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất.

c) Đảm bảo chất lượng nước mặt đạt mức tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

2. Nội dung

a) Quy hoạch các nguồn cấp nước khác nhau, phát triển các dự án cấp nước an toàn, phát triển các biện pháp dự trữ nước.

b) Tiến hành điều tra hiện trạng các nguồn nước. Hình thành bộ dữ liệu về hoạt động khai thác nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt nhằm phục vụ cho công tác quản lý.

c) Nghiên cứu và công bố mức giới hạn khai thác (chống khai thác quá mức) làm công cụ cho việc cấp giấy phép các dự án khai thác nước ngầm.

d) Phát triển mạng lưới các trạm cung cấp nước tập trung cho nhân dân, đảm bảo các chỉ tiêu về cung cấp nước sạch và tăng cường quản lý các việc khai thác nước ngọt.

đ) Tăng cường hệ thống giám sát chất lượng nước, cảnh bảo mức độ ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp và chất thải đô thị dẫn đến ô nhiểm nguồn nước khu vực.

Điều 29. Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản biển và ven bờ.

1. Mục tiêu

a) Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài thủy sản quý, hiếm có giá trị khoa học và kinh tế; giữ gìn tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thủy sinh vật Việt Nam cho hiện tại và tương lai.

b) Phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, các sông và các vùng đất ngập nước nhằm phát triển thủy sản bền vững.

c) Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

d) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử l‎‎ý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 154/2006/NĐ-CP ngày 25/12/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP.

2. Nội dung

a) Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

b) Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật.

c) Tổ chức quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản vùng biển và ven bờ.

d) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản.

đ) Giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 30. Bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

1. Mục tiêu

Ngăn ngừa suy thoái các tài nguyên du lịch và cảnh quan, hỗ trợ phát triển du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa và sinh thái.

2. Nội dung

a) Xây dựng quy hoạch môi trường các vùng, khu vực, địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, ưu tiên nghiên cứu các dự án du lịch văn hóa và sinh thái.

b) Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án phát triển các hình thức du lịch khác nhau, các khu du lịch sinh thái theo dự án quy hoạch: du lịch sinh thái Cù lao Long Trị, khu du lịch sinh thái thuộc nông trường Tỉnh đội, khu cù lao An Phú Tân (Cầu Kè), khu du lịch biển Ba Động...

c) Tổ chức nghiên cứu đánh giá môi trường các dự án phát triển du lịch và dịch vụ ở những vùng nhạy cảm, đặc biệt những vùng sinh thái dễ bị tổn thương và giới hạn về nguồn tài nguyên.

Điều 31. Xây dựng năng lực và các nguồn lực bảo vệ môi trường.

1. Mục tiêu

Đảm bảo các nguồn lực về thể chế, kiến thức và tài chính cho các chương trình bảo vệ môi trường của tỉnh.

2. Nội dung

a) Xây dựng thể chế, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh.

b) Đầu tư các chương trình, dự án nghiên cứu những vấn đề môi trường cụ thể hiện nay và sắp tới của tỉnh.

c) Triển khai các dự án môi trường có tầm quan trọng Quốc tế, Quốc gia để huy động các nguồn tài chính lớn từ bên ngoài.

Điều 32. Đề xuất các giải pháp chính: Các giải pháp chính được đề xuất thuộc 04 nhóm sau: nâng cao nhận thức và ý thức của con người; tăng cường hiệu lực của bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về môi trường; tìm kiếm và mở rộng các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường; phát huy tối đa các công cụ, phương tiện khoa học công nghệ. Trên cơ sở 04 giải pháp chính được đề xuất như sau:

1. Tăng cường hiệu quả hệ thống thông tin giáo dục môi trường.

a) Hệ thống thông tin môi trường được xây dựng và vận hành tốt có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của việc truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Thông tin đầy đủ bao gồm các kiến thức phổ thông về môi trường, các vấn đề môi trường của địa phương, những vấn đề môi trường cấp bách, các quy định về môi trường của Nhà nước. Trên cơ sở cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước về môi trường cần ưu tiên mở rộng hệ thống thông tin môi trường và giáo dục môi trường nòng cốt là Phòng Giáo dục và Phòng Tài nguyên và Môi trường ở các huyện, thị xã. Triển khai các hoạt động thông tin và giáo dục môi trường cụ thể:

b) Sử dụng nhiều hình thức phổ biến các kiến thức môi trường phổ thông cho người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường là phát triển bền vững cho mọi người.

c) Thông báo rộng rãi và phân tích rõ ràng các vấn đề môi trường cấp bách của địa phương. Phổ biến và phát động mỗi người tham gia đóng góp vào các chương trình môi trường đang được ưu tiên thực hiện.

d) Khen thưởng động viên kịp thời và thường xuyên những cá nhân, tổ chức có sáng kiến, thành tích trong phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Thông báo rộng rãi các gương tốt về bảo vệ môi trường qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành chánh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ.

đ) Liên kết chặt chẽ giữa các Sở, ngành, Viện nghiên cứu và các tổ chức liên quan biên soạn và ấn hành tài liệu nâng cao nhận thức theo từng chủ đề phù hợp với từng nhóm, từng đối tượng.

2. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư nhân lực cho tổ môi trường thuộc các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, thị xã.

b) Tập huấn triển khai cho cán bộ quản lý môi trường về công tác quản lý môi trường cơ sở, hiểu rõ các chính sách, chủ trương về môi trường đặc biệt là các nội dung sửa đổi trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được Quốc hội thông qua.

c) Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Giao trách nhiệm chủ trì các chương trình môi trường liên quan cho các ngành quan trọng: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản, Sở Công nghiệp ...

d) Tăng cường phương tiện và nhân lực nhằm thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.

Đẩy mạnh sử dụng các công cụ kinh tế để chấp hành việc bảo vệ môi trường sao cho thích hợp, các công cụ kinh tế có thể áp dụng vào quản lý xả thải bao gồm:

a) Phí môi trường

- Phí môi trường là một công cụ kinh tế trực tiếp dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Phí môi trường có thể thu trực tiếp từ người gây ô nhiễm (nguồn gây ô nhiễm), hoặc dưới hình thức đánh vào sản phẩm. Phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm như: nguồn gây ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, phí rác thải, phí đánh vào việc bảo vệ đất. Phí môi trường đánh vào sản phẩm như: phí đối với xăng pha chì, phí đối với phân bón, thuốc trừ sâu, phí đánh vào giấy gói, bao bì, vỏ hộp, vỏ chai...

- Trong số các công cụ kinh tế rất khác nhau, các loại phí là khả năng phục vụ trong việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

Thực hiện việc thu phí theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP ; Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

b) Áp dụng các lệ phí hành chính và xử phạt vi phạm hành chính:

- Lệ phí hành chính là các phí phải trả cho các cơ quan Nhà nước phục vụ những dịch vụ đăng ký hoặc do thực hiện cưỡng chế thi hành theo các quy định về môi trường.

c) Thuế và thuế phụ thu:

- Thuế là khoản đóng góp mang tính pháp lệnh của Nhà nước bắt buộc mọi người sản xuất phải nộp. Thuế tài nguyên và đất đai nhằm khống chế nghiêm ngặt việc sử dụng bừa bãi tài nguyên và đất đai.

- Thuế phụ thu được dùng để khuyến khích việc tiêu thụ các sản phẩm an toàn về môi trường. Chủ yếu được dùng trong giao thông để hạn chế người tiêu dùng mua các loại xe và nhiên liệu gây ô nhiễm. Xăng có chì sẽ chịu thuế cao hơn xăng không chì. Các loại thuế khác đánh vào dầu điêzen và các nhiên liệu khác.

d) Các hình thức hỗ trợ tài chính:

- Các hình thức hỗ trợ tài chính bao gồm các khoản tiền trợ cấp, các khoản vay lãi suất thấp, khuyến khích về thuế ... nhằm khuyến khích những người gây ô nhiễm thay đổi hành vi hoặc giúp làm giảm tối thiểu ô nhiễm. Trợ cấp cho chính quyền địa phương tiến hành các chương trình nghiên cứu và triển khai công nghệ hoặc để trợ giúp cho việc áp dụng những kỹ thuật mới mà luật pháp và các quy định khuyến khích. Trợ cấp áp dụng để kiểm soát ô nhiễm, tái chế để sử dụng lại, để khôi phục nguồn lực.

đ) Thành lập quỹ dự phòng môi trường:

- Nguồn đóng góp cho quỹ này là các khoản thu thuế môi trường và các khoản phạt vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Quỹ được tồn tại (lấy thu bù chi cho các hoạt động môi trường).

- Quỹ dự phòng môi trường có thể sử dụng cho các mục tiêu sau:

- Xây dựng các công trình xử lý nước thải, rác thải công cộng.

- Trợ cấp vốn để cải tiến công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải....

- Tăng cường tiềm lực kiểm soát ô nhiễm.

- Thực hiện dự án xử lý chất thải, dự án cải tạo vệ sinh môi trường....

- Xây dựng mô hình, ứng dụng thí điểm các giải pháp giảm tối thiểu ô nhiễm cho khu công nghiệp hay nhà máy.

- Đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về ngăn ngừa ô nhiễm.

4. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường:

a) Công tác bảo vệ môi trường mang tính xã hội hóa sâu sắc nên cần có cơ chế, chính sách thu hút đông đảo các lực lượng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Các nội dung cơ bản của giải pháp này bao gồm:

b) Nghiên cứu ban hành các chính sách và cơ chế huy động thích hợp mọi nguồn lực trong cộng đồng để bảo vệ môi trường. Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường như: thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, xử lý nước thải đô thị, cấp nước nông thôn.

c) Phát động các phong trào quần chúng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

d) Từng bước thành lập quỹ môi trường thông qua đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các nhà tài trợ.

5. Tranh thủ nhiều nguồn đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường

a) Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, phát triển các quỹ môi trường và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

b) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào các chương trình môi trường của tỉnh, đặc biệt là dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải đô thị và công nghiệp.

Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Khai thác các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế vào công tác bảo vệ môi trường. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hiện nay đang là nguồn đáng kể đối với Việt Nam để khắc phục những mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường. Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc về các dự án ODA liên quan đến môi trường tại Việt Nam đang tập trung vào một số vấn đề được ưu tiên cho: Nuôi trồng, đánh bắt hải sản bền vững, bảo vệ, bảo tồn biển và ven biển, nông nghiệp bền vững. Trà Vinh là một trong những tỉnh hiện đang có dự án ODA về môi trường do đó có điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm tăng cường nguồn vốn này cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

6. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.

a) Lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được sự quan tâm của cộng đồng không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Hiện nay đã có và trong tương lai sẽ có nhiều dự án có liên quan và các chương trình phối hợp về phát triển môi trường bền vững do các tổ chức quốc tế đầu tư như; nghiên cứu bảo tồn các loại động vật, thực vật quí hiếm, bảo tồn biển, bảo tồn nguồn gien..., phát triển môi trường bền vững và các nguồn vốn đa dạng nhiều tổ chức sẽ tham gia nghiên cứu và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trong tỉnh như; thu gom, xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn ....

b) Kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản, phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường Đại học và sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của tổ chức trong nước và quốc tế như UNDP, WB, WHO, ... Đặc biệt ưu tiên các vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các khu du lịch và chống xuống cấp các di tích lịch sử...

7. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào bảo vệ môi trường.

a) Tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách sự nghiệp khoa học vào nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ phục vụ các chương trình môi trường của tỉnh.

b) Tiến hành điều tra cơ bản một cách toàn diện các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, nước ngọt, đất và biển phục vụ cho việc quy hoạch sử dụng tài nguyên bền vững.

c) Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý môi trường và tài nguyên.

d) Đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình canh tác và nuôi trồng thủy sản bền vững ở các vùng đất nhạy cảm với áp lực nhiễm phèn, mặn, các vùng ven biển.

8. Lồng ghép các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường cụ thể với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

a) Xác định các vấn đề môi trường đặc trưng với từng ngành kinh tế của địa phương.

b) Đề xuất các tiêu chuẩn môi trường cụ thể cho từng ngành sản xuất.

c) Xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự lồng ghép với chỉ tiêu bảo vệ môi trường.

d) Thực hiện việc dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm mà trong quá trình sản xuất đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

đ) Hỗ trợ việc quảng bá các sản phẩm sinh thái trên các phương tiện truyền thông.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu quy hoạch và quản lý môi trường đô thị và công nghiệp.

a) Lồng ghép qui hoạch môi trường đô thị và công nghiệp trong qui hoạch phát triển đô thị. Ưu tiên tại các khu vực đô thị phát triển nhanh.

b) Xây dựng qui chế quản lý môi trường đô thị và khu công nghiệp.

c) Tăng cường kinh phí nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, rác thải đô thị và công nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Công bố rộng rãi các thông tin nghiên cứu, ứng dụng đạt kết quả và nhân rộng các mô hình.

d) Liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện các quy hoạch môi trường tổng thể và chi tiết cho các vùng đô thị và công nghiệp.

10. Giải pháp đảm bảo sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên thủy sản và bảo tồn, bảo vệ sinh thái đất ngập nước tài nguyên rừng ngập mặn.

a) Nghiên cứu qui hoạch sử dụng hợp lý các vùng đất và công bố rộng rãi qui hoạch sử dụng đất.

b) Áp dụng các mô hình bảo tồn kết hợp với phát triển (nghiên cứu khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển kinh tế bền vững trong vùng đệm).

c) Có chính sách khuyến khích khai thác hải sản xa bờ đối với mọi thành phần kinh tế. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thực hiện cho vay tín chấp đối với các hộ ngư dân đóng tàu lớn đi khai thác...

d) Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trước mắt kiên quyết ngăn chặn các hình thức đánh bắt có hại đến nguồn lợi như: đánh cá bằng chất độc hại, chặt phá rừng bừa bãi, đánh cá bằng lưới có mắt lưới nhỏ, xiệt điện...

đ) Quy hoạch, xác định và thông báo các khu vực cấm, khu vực hạn chế khai thác, thời gian tránh khai thác ứng với từng loại nghề đánh bắt, kích thước mắt lưới, quy cách lưới cụ, các vùng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển... cho ngư dân hiểu rõ để thực hiện.

e) Đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào các lĩnh các sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ sản xuất những loại thức ăn có hệ số chuyển đổi tối ưu, giá thành hạ.

11. Ứng dụng các giải pháp bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

a) Nghiên cứu và công bố rộng rãi các nguồn nước có thể sử dụng cho cấp nước sinh hoạt một cách hợp vệ sinh và bền vững trên toàn tỉnh.

b) Tích cực triển khai mô hình Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng các nhà máy nước, các trạm cấp nước, xử lý nước. Khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng các trạm cấp nước và mạng lưới phân phối nước cho các hộ dùng nước.

c) Trợ giá lắp đặt đồng hồ và trợ giá dùng nước sạch đối với các hộ nghèo.

d) Phạt các hộ và đơn vị gây ô nhiễm nguồn nước.

đ) Tuyên truyền và vận động nhân dân từ bỏ các thói quen sinh hoạt, sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước như: sử dụng phân bón quá mức, sử dụng cầu vệ sinh trên kênh rạch, vứt rác xuống kênh mương.

e) Kiểm soát việc khoan giếng, triển khai lắp đặt đồng hồ tại các giếng khoan và tiến hành thu phí khai thác tài nguyên nước.

f) Hướng dẫn triển khai các biện pháp dự trữ nước sạch (xây bể chứa, lu trữ nước mưa) tại các vùng nông thôn, xem xét hỗ trợ đối với các hộ nghèo.

Chương VII

PHÁC THẢO CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN

Điều 33. Các dự án ưu tiên cần tập trung thực hiện trong chiến lược này bao gồm:

1. Dự án nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng .

2. Dự án nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ quản lý cấp huyện, thị xã.

3. Dự án nghiên cứu và trình diễn mô hình thích hợp xử lý rác sau thu hoạch.

4. Nghiên cứu qui hoạch môi trường các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

5. Dự án ưu tiên về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

6. Dự án quy hoạch hợp lý sử dụng đất nông nghiệp ứng phó xâm nhập mặn.

7. Nghiên cứu và thí điểm mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của vùng nông thôn Cầu Ngang.

8. Quản lý chất thải rắn công nghiệp.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, Ban, ngành và đoàn thể có liên quan xây dựng các chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung của chiến lược; Định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh nắm, chỉ đạo.

Điều 35. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí từ ngân sách và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của chiến lược này.

Điều 36. Các Sở, Ban, ngành và đoàn thể có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung của chiến lược, đồng thời đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào kế hoạch công tác hàng năm, lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường vào các chương trình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của ngành, đơn vị, địa phương mình./.