Quyết định 11/2007/QĐ-UBND về quy định phân cấp quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu: 11/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Cao Tấn Khổng
Ngày ban hành: 06/03/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tôn giáo, tín ngưỡng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2007/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 06 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004;

Căn cứ Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp việc quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Các Ông, (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Tấn Khổng

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 06/3/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hành chính Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên các lĩnh vực:

1. Về tổ chức, nhân sự.

2. Về các hoạt động tôn giáo.

3. Về cơ sở vật chất.

Điều 2. Ban Tôn giáo tỉnh; Phòng Tôn giáo và chuyên viên chuyên trách công tác tôn giáo thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân các huyện, thị là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Ban Tôn giáo tỉnh; Phòng Tôn giáo và chuyên viên chuyên trách công tác tôn giáo thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, thị có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Soạn thảo trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các văn bản hành chính quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; Ban Tôn giáo tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn cấp dưới thực hiện chủ trương, chính sách có liên quan đến tôn giáo.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.

3. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo.

4. Tham mưu giúp Ban chỉ đạo công tác tôn giáo cùng cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hệ thống chính trị thực hiện công tác tôn giáo.

5. Phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể giải quyết những vấn đề có liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh:

1. Chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo cơ sở.

2. Cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện và các tổ chức, hình thức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động tôn giáo trong tỉnh.

3. Chấp thuận đăng ký hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện, thị trong tỉnh.

4. Chấp thuận việc đăng ký phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong các tôn giáo gồm: Các thành viên Ban Trị sự Phật giáo, Tỳ kheo tăng, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma ni (Phật giáo); Ủy ban Đoàn kết Công giáo, Linh mục (Công giáo); Mục sư, Mục sư nhiệm chức, Ban đại diện Tin lành tỉnh; Ban đại diện Cao đài Tây Ninh, Đại diện Phật giáo Hòa hảo tỉnh, các phẩm Lễ sanh, Giáo hữu, Giáo sư (Cao đài); Đại diện Phật giáo Hòa hảo tỉnh và trợ lý đạo sự tỉnh.

5. Chấp thuận thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật về tôn giáo đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý về hình sự.

6. Chấp thuận việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình, di dời, thay đổi mục đích sử dụng của các cơ sở tôn giáo.

Thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xem xét công nhận tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

Những nội dung công việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh tiếp nhận hồ sơ; phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng xem xét có văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền; nếu nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tôn giáo gửi hồ sơ đến Ban Tôn giáo Chính phủ.

Điều 5. Những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Tôn giáo tỉnh.

Những công việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh giải quyết:

1. Chấp thuận việc tổ chức lễ hội:

a) Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu.

b) Lễ hội tín ngưỡng lần đầu được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn.

c) Lễ hội tín ngưỡng tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống.

2. Chấp thuận các cuộc lễ diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ từ nhiều huyện, thị trong phạm vi tỉnh hoặc ngoài tỉnh.

3. Chấp thuận hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở có sự tham gia của tín đồ ngoài huyện, thị thuộc tỉnh hoặc ngoài tỉnh.

4. Chấp thuận hội nghị, đại hội thường niên hoặc bất thường của tổ chức tôn giáo không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 23, 24 Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 22/2005/NĐ-CP) như: Hội nghị của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Đại diện Phật giáo Hòa hảo, Đại diện Cao đài Tây Ninh, Ban đại diện Tin lành tỉnh,…

5. Chấp thuận việc mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo: Khóa an cư kiết hạ (Phật giáo); Tĩnh tâm Linh mục địa phận, cấm phòng các Dòng tu của Công giáo; Bồi linh, lớp Thánh kinh căn bản của Tin lành; lớp giáo lý hạnh đường của Cao đài; Lớp giáo lý căn bản của Phật giáo Hòa hảo; Các lớp bồi dưỡng do Đại diện Hội đồng chưởng quản tỉnh tổ chức, ...

6. Tiếp nhận đăng ký chương trình hoạt động hàng năm của các tổ chức tôn giáo.

7. Tiếp nhận thông báo và giám sát việc tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo vượt ra ngoài phạm vi một huyện, thị thuộc tỉnh.

8. Tiếp nhận thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo.

Thẩm quyền của Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh:

Cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân có phạm vi hoạt động trong địa bàn tỉnh.

Những công việc thuộc thẩm quyền của Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng xem xét giải quyết theo quy định.

Điều 6. Thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các huyện, thị.

Những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện, thị giải quyết:

1. Xem xét chấp thuận việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ tín ngưỡng, công trình tôn giáo quy mô vừa và nhỏ: xây dựng đình, miếu, lăng và các công trình khác thuộc tín ngưỡng dân gian, xây dựng cổng, hàng rào, nhà khách, nhà ở, nhà ăn và các công trình phụ khác, ... trong khuôn viên nơi thờ tự tôn giáo; xem xét cho phép tổ chức tôn giáo tổ chức các lễ khởi công, khánh thành các cơ sở thờ tự tôn giáo.

2. Chấp thuận đăng ký phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong các tôn giáo: các thành viên Ban đại diện, Ban hộ tự Phật giáo; Ban đoàn kết Công giáo, Ban qưới chức các họ đạo Công giáo; Ban Chấp sự Hội thánh Tin lành; Ban Cai quản, Ban Trị sự các họ đạo Cao đài; Giáo lý viên tỉnh, Ban Trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hòa hảo.

Những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các huyện, thị:

1. Tiếp nhận đăng ký hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động trên địa bàn một huyện, thị.

2. Cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động trong một huyện, thị thuộc tỉnh.

3. Tiếp nhận thông báo thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo (nơi đi) của chức sắc, nhà tu hành.

4. Tiếp nhận đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo (nơi đến) của chức sắc, nhà tu hành.

5. Chấp thuận hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở có sự tham gia của tín đồ trong địa bàn huyện, thị thuộc tỉnh.

6. Chấp thuận hội nghị, đại hội thường niên hoặc bất thường của tổ chức tôn giáo cấp cơ sở.

7. Chấp thuận các cuộc lễ diễn ra trong và ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi một huyện, thị thuộc tỉnh.

8. Chấp thuận việc giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành trong phạm vi một huyện, thị thuộc tỉnh.

9. Tiếp nhận thông báo và giám sát việc tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo vượt ra ngoài phạm vi một xã nhưng trong phạm vi một huyện, thị thuộc tỉnh.

Những nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, thị giải quyết, Phòng Tôn giáo hoặc chuyên viên chuyên trách công tác tôn giáo thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các ban, ngành chức năng xem xét có văn bản trình Ủy ban nhân dân giải quyết theo thẩm quyền; nếu nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ban Tôn giáo tỉnh thì có ý kiến chuyển (nêu quan điểm giải quyết rõ ràng, cụ thể) và hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo nộp hồ sơ tại Ban Tôn giáo tỉnh.

Điều 7. Thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

1. Tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội tín ngưỡng không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ; trường hợp do thiên tai, dịch bệnh hoặc an ninh trật tự, việc tổ chức lễ hội tác động xấu đến đời sống ở địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét quyết định và kịp thời thông báo cho ban tổ chức lễ hội biết.

2. Tiếp nhận đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở.

3. Tiếp nhận việc đăng ký người vào tu của người phụ trách tôn giáo cơ sở.

4. Tiếp nhận thông báo việc sửa chữa nhỏ cơ sở tôn giáo, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc tôn giáo mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình.

5. Tiếp nhận thông báo và giám sát việc tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi một xã, phường, thị trấn.

Những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Tổ công tác tôn giáo có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các ban, ngành chức năng xem xét có văn bản trình Ủy ban nhân dân giải quyết theo thẩm quyền. Nếu nội dung thuộc thẩm quyền của huyện, thị thì có ý kiến chuyển (nêu rõ quan điểm giải quyết) để tổ chức, cá nhân tôn giáo nộp hồ sơ tại Phòng Tôn giáo hoặc chuyên viên chuyên trách công tác tôn giáo thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân các huyện, thị.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH CHUYÊN MÔN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

Điều 8. Các ngành chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành mình mà tham gia quản lý Nhà nước về các hoạt động tôn giáo như:

1. Công an tỉnh đấu tranh phòng, chống những phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật.

2. Sở Văn hóa - Thông tin quản lý việc sản xuất, lưu hành kinh sách, xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng việc đạo, các lễ hội dân gian có chứa đựng yếu tố tín ngưỡng hoặc mê tín dị đoan.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn kiểm tra, quản lý việc tôn giáo tham gia công tác giáo dục.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội, dạy nghề, …

5. Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý đất đai của tôn giáo.

6. Sở Xây dựng quản lý việc xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự của tôn giáo.

7. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện đúng giấy phép, chương trình lễ, hội đăng ký đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Những tổ chức và cá nhân có thành tích trong thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành; các hành vi vi phạm Pháp lệnh và Nghị định phải được phát hiện kịp thời và xử lý đúng theo các quy định của pháp luật.

Điều 10. Các vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền của cấp dưới, trước khi ra quyết định giải quyết phải báo cáo xin ý kiến của ngành chuyên môn, cấp trên trực tiếp.

Điều 11. Trong công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo, cơ bản là quản lý theo địa bàn hành chính; Ủy ban nhân dân, các ngành, các cấp căn cứ vào Nghị định số 22/2005/NĐ-CP và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, để hướng dẫn, giúp đỡ, quản lý các hoạt động tôn giáo một cách có hiệu quả.

Điều 12. Ban Tôn giáo tỉnh; các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã; Phòng Tôn giáo, chuyên viên chuyên trách công tác tôn giáo; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện Quy định này ./.