Quyết định 11/2001/QĐ-UB sửa đổi, bổ sung quy định tạm thời về tổ chức thôn và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn theo Quyết định 52/2000/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: | 11/2001/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Vũ Ngọc Hoàng |
Ngày ban hành: | 23/02/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2001 /QĐ-UB |
Tam Kỳ, ngày 23 tháng 02 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2000/QĐ-UB NGÀY 16/11/2000 CỦA UBND TỈNH QUẢNG NAM VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC THÔN VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và UBND các huyện, thị xã,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một điều của Quyết định số 52/2000/QĐ-UB ngày 16/11/2000 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời về tổ chức thôn và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn như sau :
1. Điều 2 của Quyết định (được sửa đổi) :
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001 và áp dụng thống nhất đối với thôn, bản, khối phố, tổ dân phố là đơn vị trực thuộc xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (gọi chung là thôn). Những quy định của tỉnh, của địa phương trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định tạm thời :
- Điều 1 (được sửa đổi) : Thôn, bản, buôn làng ở miền núi, vùng cao; thôn ở miền xuôi, khối phố hoặc tổ dân phố trực thuộc xã, phường, thị trấn (gọi chung là thôn) được hình thành theo địa lý tự nhiên hoặc theo đường phố, khu dân cư và có tính lịch sử, có truyền thống văn hoá, có mối quan hệ kinh tế - xã hội và phong tục tập quán lâu đời của cộng đồng các dân tộc, là những đơn vị hợp thành xã, phường, thị trấn và do UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) quản lý.
- Điều 3 (được sửa đổi) : Căn cứ vào quá trình lịch sử hình thành thôn trước đây, tôn trọng tính lịch sử truyền thống của từng địa phương và ổn định các thôn hiện có, không chia tách, thành lập thôn mới. Trường hợp đặc biệt do việc thành lập xã, phường, thị trấn mới, thì UBND xã báo cáo UBND huyện, sau khi có sự đồng ý về chủ trương thành lập thôn mới, UBND xã lấy ý kiến nhân dân, lập đề án trình HĐND xã ra nghị quyết và lập thủ tục trình UBND huyện quyết định.
Điều 4 (được sửa đổi) : Mỗi thôn có 1 Trưởng thôn (khối phố gọi là trưởng khối phố, tổ dân phố gọi là tổ trưởng). Những thôn có quy mô từ 100 hộ trở lên thì có thể bố trí thêm phó trưởng thôn, việc bố trí thêm phó trưởng thôn do UBND huyện, thị xã quyết định. Trưởng thôn và phó trưởng thôn do nhân dân tín nhiệm bầu theo nguyên tắc đa số tán thành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Khi bầu cử Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn phải lập biên bản và được Chủ tịch UBND xã công nhận.
Trường hợp Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền hạn được giao hoặc khi có quá 2/3 số cử tri hoặc chủ hộ gia đình kiến nghị thì UBND xã có quyền quyết định đình chỉ công tác. Sau đó, UBND xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở thôn triệu tập hội nghị để đưa ra nhân dân tiến hành bãi nhiệm chức Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn và bầu Trưởng thôn, Phó trưởng thôn mới.
Nhiệm kỳ của Trưởng thôn và Phó trưởng thôn là 2 năm rưỡi (bằng 1/2 nhiệm kỳ của HĐND xã...), bắt đầu từ nhiệm kỳ HĐND khoá mới hoạt động, có thể kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng.
- Điều 7 (được bổ sung) : Hội nghị thôn được tổ chức 6 tháng một lần hoặc bất thường gồm toàn thể cử tri hoặc chủ hộ do Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể triệu tập và chủ trì nhằm :
a) Thảo luận và quyết định các công việc của nội bộ cộng đồng dân cư về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, những vấn đề về văn hoá xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.
b) Bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân xã, các quyết định của UBND xã, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ khác do cấp trên giao.
c) Thảo luận, góp ý kiến về báo cáo kết quả công tác và tự phê bình, kiểm điểm của Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn, của Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND.
d) Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chức Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn, cử các thành viên tham gia vào các tổ tự quản.
Nghị quyết của Hội nghị chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số cử tri hoặc 2/3 số đại diện hộ gia đình trong thôn dự họp (người đại diện hộ gia đình phải có đủ năng lực hành vi và quyền công dân, có nghĩa phải tròn 18 tuổi trở lên), phải có ít nhất quá nữa số cử tri hoặc số hộ trong thôn tán thành và không trái với pháp luật.
- Điều 8 (được sửa đổi) : Trưởng thôn vừa là người đại diện cho cộng đồng dân cư, vừa là người đại diện cho UBND xã ở địa bàn thôn, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBND xã.
Phó Trưởng thôn là người giúp việc cho Trưởng thôn, chịu trách nhiệm trước Trưởng thôn về một số lĩnh vực công tác do Trưởng thôn phân công và cùng với Trưởng thôn chịu trách nhiệm trước UBND xã.
Trưởng thôn có nhiệm vụ :
a) Phối hợp với Ban công tác mặt trận chủ trì cuộc họp của thôn, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải, tổ an ninh, ban kiến thiết và ban giám sát công trình (nếu có).
b) Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo công tác và tự phê bình, kiểm điểm trước hội nghị thôn.
c) Về tuyên truyền và thực hiện pháp luật :
- Tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân trong thôn hiểu rõ và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, quy định của cấp trên...
- Vận động nhân dân trong thôn hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước như : nộp thuế, lao động công ích, thực hiện nghĩa vụ quân sự v.v...
d) Về xây dựng thôn và phát triển kinh tế :
- Nắm vững diện tích tự nhiên và diện tích canh tác của từng hộ trong thôn.
- Vận động nhân dân trong thôn xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển làng nghề thủ công truyền thống, xoá đói giảm nghèo, phấn đấu phát triển kinh tế làm cho dân giàu, nước mạnh.
- Hướng dẫn vận động nhân dân bảo vệ tài sản công dân, tài sản của tập thể, bảo vệ công trình công cộng, công trình của Nhà nước, di tích lịch sử, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và môi trường trên địa bàn thôn theo quy định của pháp luật.
- Vận động nhân dân trong thôn xây dựng đường làng, ngõ xóm và cơ sở hạ tầng xã, xây dựng b ảo vệ đường điện, kênh mương thuỷ lợi và công trình nước sạch.
đ) Công tác văn hoá thông tin và xã hội :
- Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh, phòng chống các dịch bệnh, vận động trẻ em tới trường...
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày tết, mừng thọ, mừng sinh nhật... trang trọng, vui vẻ, văn minh, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; xây dựng những phong trào văn hoá và thể dục thể thao lành mạnh.
e) Công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội :
- Thường xuyên nắm chắc hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng và diễn biến tình hình an ninh trật tự trong thôn.
- Vận động nhân dân thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác hoà giải, chủ động điều hoà không để xảy ra xung đột, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư, có biện pháp chủ động đề phòng không để xảy ra hoả hoạn, tai nạn...
- Theo dõi, giáo dục và giúp đỡ những đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp... hoà nhập trở lại với cộng đồng dân cư.
- Vận động nhân dân phát hiện nơi chứa cờ bạc, ghi số đề, tiêm chích, nghiện hút, ma tuý, mua bán dâm, ổ chứa, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng cấm, lưu trữ văn hoá phẩm độc hại và các hành vi vi phạm pháp luật khác... để có biện pháp giúp đỡ, giáo dục hoặc báo cáo UBND xã xử lý.
f) Báo cáo định kỳ công tác ở thôn với UBND xã, phản ánh những kiến nghị của nhân dân với UBND xã để có biện pháp giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tham dự đầy đủ các cuộc họp hoặc hội nghị khi được triệu tập; lập sổ sách theo dõi tình hình trong thôn, khi nghỉ hoặc chuyển công tác phải tổ chức bàn giao đầy đủ cho người kế nhiệm.
g) Một số nhiệm vụ khác theo sự uỷ quyền (bằng văn bản) của Chủ tịch UBND xã.
- Điều 10 (được sửa đổi) : Chế độ phụ cấp :
+ Trưởng thôn được hưởng phụ cấp bằng 1/3 mức sinh hoạt phí của Chủ tịch UBND xã.
+ Phó Trưởng thôn được hưởng phụ cấp bằng 1/3 mức sinh hoạt phí của Phó Chủ tịch UBND xã.
Phụ cấp hằng tháng của Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn do ngân sách Nhà nước đảm nhận và cân đối vào dự toán ngân sách hằng năm của xã được thực hiện từ ngày 01/01/2001.
- Điều 13 (được sửa đổi) : Mối quan hệ công tác giữa Trưởng thôn với UBND xã, Chi bộ Đảng, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan Nhà nước và tổ chức kinh tế ở thôn được quy định như sau :
- Trưởng thôn chịu sự lãnh đạo toàn diện của Chi bộ thôn. Nơi chưa có chi bộ thì Trưởng thôn chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng uỷ hoặc Chi bộ xã (nơi chưa có Đảng bộ).
- Trưởng thôn chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện các mặt công tác của UBND xã.
- Trưởng thôn thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại diện HĐND xã được bầu ở thôn mình và kết hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế... ở thôn để tổ chức, vận động nhân dân trong thôn (kể cả cán bộ công chức Nhà nước cư trú ở thôn) thực hiện các chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và các quy định của cấp trên.
- Trưởng thôn được quan hệ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức khác đóng trên địa bàn thôn để phối hợp thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính và cùng xây dựng cộng đồng dân cư thôn phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.
- Trưởng thôn quan hệ với các thôn khác để giải quyết các công việc có liên quan đến thôn mình và được mời dự các cuộc họp của UBND xã với các xã khác khi nội dung công việc có liên quan đến thôn mình.
Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban TCCQ tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, Ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
Quyết định 52/2000/QĐ-UB quy định tạm thời về tổ chức thôn và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn Ban hành: 16/11/2000 | Cập nhật: 29/07/2014
Quyết định 52/2000/QĐ-UB tổ chức lại Ban quản lý dự án quận Thanh xuân do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 24/05/2000 | Cập nhật: 22/12/2009
Nghị định 29/1998/NĐ-CP năm 1998 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã Ban hành: 11/05/1998 | Cập nhật: 08/12/2009