Quyết định 1091/1999/QĐ-BKHCNMT Quy định về kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
Số hiệu: 1091/1999/QĐ-BKHCNMT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Người ký: Chu Tuấn Nhạ
Ngày ban hành: 22/06/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/09/1999 Số công báo: Số 34
Lĩnh vực: Tài chính, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1091/1999/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ MÔI VÀ TRƯỜNG SỐ 1091/1999/QĐ-BKHCNMT NGÀY 22 THÁNG 6 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 27 tháng 12 năm 1990;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 8 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu”.

Điều 2. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 2578/QĐ-TĐC ngày 28 tháng 10 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Quy định về việc kiểm tra Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 4. Các tổ chức và cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng và các cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

 

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY ĐỊNH

VỀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1091/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 22 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Văn bản này quy định phương thức, nội dung, thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan trong kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

1.2. Quy định này được áp dụng đối với các hàng hoá thuộc "Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng" (dưới đây gọi là Danh mục hàng hoá phải kiểm tra) do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố theo từng thời kỳ; không áp dụng đối với hàng nhập khẩu là hành lý cá nhân, ngoại giao, hàng mẫu, hàng triển lãm, hội chợ.

Đối với hàng hoá đặc thù, nếu Bộ quản lý chuyên ngành được phân công quản lý tại Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 có quy định khác với quy định này thì thực hiện theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

Tất cả các tổ chức và cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu) có hàng hoá thuộc Danh mục trên phải đăng ký kiểm tra và chịu sự kiểm tra của cơ quan, tổ chức quy định tại mục 1.4 của quy định này.

1.3. Căn cứ để kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được công bố trong Danh mục hàng hoá phải kiểm tra ban hành hàng năm.

1.4. Việc kiểm tra về chất lượng đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra do Cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc Tổ chức giám định được chỉ định thực hiện (dưới đây gọi chung là Cơ quan kiểm tra).

Cơ quan kiểm tra, Tổ chức giám định được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định hoặc phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định, được công bố kèm theo trong Danh mục hàng hoá phải kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra tiến hành việc kiểm tra theo các Quy trình kiểm tra do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hoặc Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Các Quy trình kiểm tra được xây dựng theo hướng dẫn thống nhất về nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

1.5. Hàng hoá thuộc Danh mục phải kiểm tra sẽ được Cơ quan kiểm tra cấp thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 (sau đây gọi tắt là Thông báo kết quả kiểm tra). Thông báo này được thể hiện bằng một trong các hình thức sau đây:

* Giấy xác nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đạt yêu cầu chất lượng (theo phương thức kiểm tra quy định tại Mục 3.1.1; 3.1.2; 3.2.1);

* Thông báo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đủ thủ tục về kiểm tra chất lượng (theo phương thức kiểm tra quy định tại Mục 3.2);

* Thông báo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miễn kiểm tra chất lượng (theo phương thức kiểm tra quy định tại Mục 3.2.2).

Trên cơ sở các nội dung thông báo này, cơ quan Hải quan sẽ hoàn tất thủ tục Hải quan theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp lô hàng không đảm bảo yêu cầu chất lượng, Cơ quan kiểm tra cấp Thông báo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu chất lượng (Phụ lục 3) cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu biết và thông báo cho thanh tra chuyên ngành tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hoặc thanh tra Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi tắt là thanh tra chuyên ngành) để có biện pháp xử lý thích hợp.

Các Thông báo này được cấp cho từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

1.6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện sau đây sẽ được miễn kiểm tra chất lượng:

* Hàng hoá xuất khẩu đã được chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về chất lượng và/hoặc an toàn, phù hợp với yêu cầu chất lượng của hàng hoá trong hợp đồng với nước nhập khẩu;

* Hàng hoá nhập khẩu mang dấu phù hợp tiêu chuẩn của nước xuất khẩu đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thừa nhận và công bố trong từng thời kỳ.

Thủ tục miễn kiểm tra được quy định tại mục 3.3 của Quy định này.

1.7. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra, nếu cũng thuộc Danh mục hàng hoá trong khuôn khổ Hiệp định về đảm bảo chất lượng và thừa nhận lẫn nhau ký giữa Việt Nam với nước ngoài, sẽ được quản lý chất lượng theo quy định của Hiệp định đó.

1.8. Chế độ giảm nhẹ kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

Chế độ giảm nhẹ kiểm tra được áp dụng cho các lô hàng qua theo dõi có lịch sử chất lượng đạt và ổn định theo các mức chất lượng quy định trong căn cứ kiểm tra (thông qua thống kê kết quả kiểm tra các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu).

Điều kiện áp dụng Chế độ giảm nhẹ kiểm tra được nêu tại mục 3.4 của Quy định này.

1.9. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có trách nhiệm tạo điều kiện cho Cơ quan kiểm tra thực hiện nhiệm vụ (cung cấp mẫu, hồ sơ tài liệu theo quy định), đồng thời nộp phí kiểm tra, phí thử nghiệm cho Cơ quan kiểm tra. Các phí trên được quy định trong mục 3.5 của Quy định này.

1.10. Các Cơ quan kiểm tra phải đăng ký danh sách, chức danh và mẫu chữ ký của cán bộ ký các văn bản được nêu ở mục 1.5 của quy định này với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) và Bộ quản lý chuyên ngành.

2. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN KIỂM TRA NHÀ NƯỚC

2.1. Quyền hạn

a) Yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cung cấp các tài liệu cầnthiết phục vụ cho việc kiểm tra.

b) Ra vào nơi lưu giữ, bảo quản và vận chuyển hàng hoá để kiểm tra và lấy mẫu.

c) Thực hiện việc kiểm tra hàng hoá theo quy định tại mục 3 của Quy định này.

d) Cấp Thông báo kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

e) Thu phí kiểm tra, phí thử nghiệm theo quy định của pháp luật.

g) Kiến nghị thanh tra chuyên ngành xử lý đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thực hiện đúng việc kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Quy định này. Kiến nghị doanh nghiệp các biện pháp xử lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đạt yêu cầu về chất lượng, theo dõi việc xử lý và kết quả xử lý; kiến nghị thanh tra chuyên ngành biện pháp xử lý các hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đạt yêu cầu.

2.2. Trách nhiệm

a) Thực hiện việc kiểm tra Nhà nước trong phạm vi được chỉ định.

b) Đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi kiểm tra các lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩ. Tuân thủ chặt chẽ các quy định trong các Quy trình kiểm tra do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

c) Chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về tổ chức và nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và/ hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành quy định tại Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1995 và các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định này.

d) Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với việc kiểm tra chất lượng do mình tiến hành. Trường hợp nếu do lỗi của mình trong việc kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì Cơ quan kiểm tra phải hoàn trả toàn bộ phí thử nghiệm hoặc phí kiểm tra, đồng thời còn phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

e) Lưu trữ hồ sơ kiểm tra trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp Thông báo quy định tại mục 1.5 của Quy định này và xuất trình khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

g) Hàng quý gửi báo cáo về hoạt động kiểm tra cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và/hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành theo các nội dung sau đây:

* Số lượng, khối lượng, giá trị hàng hoá được kiểm tra theo từng chủng loại;

* Số lượng, khối lượng các lô theo từng chủng loại hàng hoá không đạt yêu cầu về chất lượng;

* Tình hình khiếu nại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu (nếu có).

h) Xin phép Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành khi:

* Thay đổi phạm vi kiểm tra;

* Thay đổi, bổ sung trụ sở làm việc;

* Tạm thời ngừng hoặc chấm dứt hoạt động;

3. PHƯƠNG THỨC, NỘI DUNG VÀ THỦ TỤC KIỂM TRA

3.1. Kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu:

Việc kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu chỉ thực hiện tại bến đi theo phương thức kiểm tra mẫu hàng xuất khẩu và lô hàng xuất khẩu, cụ thể như sau:

3.1.1. Kiểm tra mẫu hàng xuất khẩu:

a) Trước khi xuất hàng, doanh nghiệp xuất khẩu gửi mẫu hàng xuất khẩu cùng với bản giới thiệu, thuyết minh (Catalogue) và các tài liệu kỹ thuật có liên quan về yêu cầu chất lượng của hàng hoá trong hợp đồng với nước nhập khẩu.

Trên cơ sở nội dung, yêu cầu kiểm tra, tuỳ theo tính chất của từng loại hàng hoá, Cơ quan kiểm tra quy định số lượng mẫu cần gửi để đảm bảo các yêu cầu thử nghiệm và lưu mẫu.

b) Cơ quan kiểm tra thực hiện việc thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng đã quy định của mẫu hàng và thông báo kết quả thử nghiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu biết để xử lý. Kết quả thử nghiệm mẫu hàng đạt yêu cầu là căn cứ để đối chiếu với các lô hàng xuất khẩu sau này của chính doanh nghiệp đó. Trong trường hợp mẫu hàng có các chỉ tiêu chất lượng không phù hợp quy định, Cơ quan kiểm tra thông báo cho doanh nghiệp biết để xử lý lại lô hàng và tiến hành gửi mẫu hàng tiếp theo để kiểm tra.

c) Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu hàng phù hợp yêu cầu, khi hàng hoá tập kết ra cửa khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu thông báo cho Cơ quan kiểm tra biết, đồng thời gửi bổ sung các hồ sơ sau:

* Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (theo Phụ lục 1);

* Hợp đồng xuất khẩu (sao y bản chính);

Sau khi nhận được các hồ sơ bổ sung trên đây, Cơ quan kiểm tra sẽ kiểm tra bao gói, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài của hàng hoá thực tế xuất khẩu với mẫu hàng hoá đã kiểm tra. Trường hợp phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước, trong vòng 01 ngày, Cơ quan kiểm tra sẽ cấp thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (lô hàng đủ thủ tục về kiểm tra chất lượng) để làm căn cứ cho việc hoàn thành thủ tục thông quan.

d) Trường hợp hàng hoá xuất khẩu không phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước về bao bì, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài, việc kiểm tra lô hàng đó được chuyển sang thực hiện theo trình tự thủ tục kiểm tra lô hàng xuất khẩu nêu tại mục 3.1.2 của Quy định này.

3.1.2. Kiểm tra lô hàng xuất khẩu:

a) Trước khi xuất khẩu lô hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nộp các hồ sơ sau đây cho Cơ quan kiểm tra:

* Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (Phụ lục 1);

* Hợp đồng xuất khẩu (sao y bản chính);

* Các chứng chỉ chứng nhận hàng hoá phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam (nếu có) và yêu cầu chất lượng của hàng hoá trong hợp đồng với nước nhập khẩu.

b) Sau khi nhận đủ hồ sơ, Cơ quan kiểm tra lấy mẫu hàng hoá, thực hiện việc kiểm tra chất lượng và thông báo kết quả kiểm tra sau 05 ngày kể từ ngày lấy mẫu. Trường hợp mẫu hàng đạt yêu cầu chất lượng, Cơ quan kiểm tra cấp Thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (xác nhận hàng hoá xuất khẩu đạt yêu cầu chất lượng). Trường hợp mẫu hàng không đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra gửi thông báo lô hàng không đạt chất lượng (Phụ lục 3) cho doanh nghiệp xuất khẩu để xử lý lại lô hàng.

3.2. Kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu:

Việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu được thực hiện tại một trong hai địa điểm sau:

* Kiểm tra tại bến đến;

* Kiểm tra tại bến đi;

3.2.1. Kiểm tra tại bến đến:

Kiểm tra tại bến đến được thực hiện theo hai phương thức:

* Kiểm tra mẫu hàng nhập khẩu;

* Kiểm tra lô hàng nhập khẩu.

3.2.1.1. Kiểm tra mẫu hàng nhập khẩu:

a) Trước khi nhập hàng, doanh nghiệp nhập khẩu gửi mẫu hàng nhập khẩu cùng với bản giới thiệu, thuyết minh (Catalogue) về hàng hoá của bên bán hàng và các tài liệu kỹ thuật có liên quan.

Trên cơ sở nội dung, yêu cầu kiểm tra, tuỳ theo tính chất của từng loại hàng hoá, Cơ quan kiểm tra quy định số lượng mẫu cần gửi để đảm bảo các yêu cầu thử nghiệm và lưu mẫu.

b) Cơ quan kiểm tra thực hiện việc thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng đã quy định của mẫu hàng và thông báo kết quản thử nghiệm cho doanh nghiệp nhập khẩu biết để xử lý. Kết quả thử nghiệm mẫu hàng đạt yêu cầu là căn cứ để đối chiếu với các lô hàng nhập khẩu sau này của chính doanh nghiệp đó.

c) Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu hàng phù hợp yêu cầu, khi hàng hoá nhập về cửa khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu thông báo cho Cơ quan kiểm tra biết, đồng thời gửi bổ sung các hồ sơ sau đây:

* Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (theo Phụ lục 1);

* Sao y bản chính bản liệt kê hàng hoá (nếu có), hoá đơn, vận đơn. Đối với hàng hoá là dầu nhờn động cơ phải kèm thêm hợp đồng nhập khẩu (sao y bản chính);

* Các chứng thư chất lượng của lô hàng cấp từ bến đi (nếu có).

Sau khi nhận được các hồ sơ bổ sung trên đây, Cơ quan kiểm tra sẽ kiểm tra bao gói, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài của hàng hoá thực tế nhập về cửa khẩu. Trường hợp phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước, trong vòng từ 01 đến 02 ngày, Cơ quan kiểm tra sẽ cấp thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (lô hàng đủ thủ tục về kiểm tra chất lượng) để làm căn cứ cho việc hoàn thành thủ tục thông quan.

d) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước về bao bì, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài, việc kiểm tra lô hàng đó được chuyển sang thực hiện theo trình tự thủ tục kiểm tra lô hàng nhập khẩu nêu tại mục 3.2.1.2 của Quy định này.

3.2.1.2. Kiểm tra lô hàng nhập khẩu:

a) Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu không gửi mẫu hàng để kiểm tra trước, khi hàng hoá nhập về cửa khẩu, doanh nghiệp phải thông báo cho Cơ quan kiểm tra biết và nộp các hồ sơ sau đây:

* Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (Phụ lục 1);

* Sao y bản chính bản liệt kê hàng hoá (nếu có), hoá đơn, vận đơn. Đối với hàng hoá là dầu nhờn động cơ phải kèm thêm hợp đồng nhập khẩu (sao y bản chính);

* Bản giới thiệu, thuyết minh (Catalogue) hoặc tài liệu kỹ thuật có liên quan về hàng hoá của người bán hàng.

b) Sau khi nhận đủ các hồ sơ trên đây, Cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu hàng hoá và thử nghiệm theo các chỉ tiêu quy định.

Trường hợp kết quả thử nghiệm phù hợp với yêu cầu về căn cứ kiểm tra hàng nhập khẩu, Cơ quan kiểm tra cấp Thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (xác nhận hàng hoá nhập khẩu đạt chất lượng nhập khẩu) cho doanh nghiệp để làm căn cứ cho việc hoàn thành thủ tục thông quan.

Trường hợp kết quả thử nghiệm không phù hợp với yêu cầu về căn cứ kiểm tra hàng nhập khẩu, Cơ quan kiểm tra thông báo lô hàng không đảm bảo yêu cầu chất lượng cho doanh nghiệp biết (Phụ lục 3), đồng thời thông báo cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Kết quả thử nghiệm mẫu hàng hoá được Cơ quan kiểm tra lưu giữ để làm căn cứ quyết định việc thực hiện thủ tục kiểm tra cho các lô hàng cùng loại của doanh nghiệp (cùng tên gọi, ký hiệu, cùng do một tổ chức trực tiếp sản xuất) sau này.

3.2.2. Kiểm tra tại bến đi:

Việc kiểm tra hàng hoá nhập khẩu tại bến đi được thực hiện theo trình tự sau:

3.2.2.1. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) hoặc Bộ quản lý chuyên ngành (đối với hàng hoá được phân công quản lý) thông báo danh sách các Tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận, Cơ quan kiểm tra, Tổ chức giám định được chỉ định để doanh nghiệp nhập khẩu lựa chọn thực hiện việc kiểm tra tại bến đi.

3.2.2.2. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu chọn Tổ chức giám định nước ngoài không thuộc danh sách nói trên, doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) hoặc Bộ quản lý chuyên ngành các thông tin và hồ sơ sau đây của tổ chức này để xem xét thực hiện thừa nhận:

* Tên Tổ chức giám định;

* Địa chỉ, trụ sở, điện thoại, Fax;

* Lĩnh vực, phạm vi, đối tượng hoạt động cụ thể;

* Các chứng chỉ, chứng nhận về hệ thống đảm bảo chất lượng ISO 9000; về sự phù hợp với ISO/IEC Guide 39; về công nhận phòng thử nghiệm (nếu có).

Căn cứ vào thông tin trong hồ sơ, trong vòng 07 ngày, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) hoặc Bộ quản lý chuyên ngành sẽ có văn bản chấp nhận hay không chấp nhận cho tổ chức này thực hiện việc kiểm tra, đồng thời thông báo cho Cơ quan kiểm tra và doanh nghiệp nhập khẩu biết.

3.2.2.3. Doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm thông báo cho Tổ chức giám định nước ngoài đã được thừa nhận về các căn cứ kiểm tra tương ứng cho loại hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra.

3.2.2.4. Khi hàng hoá nhập về cửa khẩu, trình tự và thủ tục được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp nộp các hồ sơ bổ sung bao gồm:

* Giấy đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (theo Phụ lục 1);

* Sao y bản chính bản liệt kê hàng hoá (nếu có), hoá đơn, vận đơn. Đối với hàng hoá là dầu nhờn động cơ phải kèm thêm hợp đồng nhập khẩu (sao y bản chính);

* Chứng thư chất lượng của lô hàng do Tổ chức giám định nước ngoài đã được thừa nhận hoặc Cơ quan kiểm tra, Tổ chức giám định được chỉ định cấp từ bến đi.

b) Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra sự phù hợp về bao gói, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài của hàng hoá thực tế nhập về cửa khẩu với hồ sơ nhập khẩu, nếu phù hợp trong vòng từ 01 đến 02 ngày Cơ quan kiểm tra sẽ cấp Thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (hàng hoá nhập khẩu đủ thủ tục về kiểm tra chất lượng).

c) Trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ, kiểm tra bao gói, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài hàng hoá thực tế nhập khẩu không phù hợp, việc kiểm tra lô hàng đó chuyển sang kiểm tra lô hàng theo thủ tục nêu tại mục 3.2.1.2 của Quy định này.

d) Chi phí cho việc kiểm tra tại bến đi do doanh nghiệp nhập khẩu thoả thuận với Tổ chức giám định nước ngoài hoặc Cơ quan kiểm tra, Tổ chức giám định được chỉ định thực hiện công tác này.

3.3. Miễn kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

Đối tượng miễn kiểm tra được quy định tại mục 1.6 của Quy định này.

Để thực hiện việc miễn kiểm tra cho mỗi lô hàng, trước khi hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu gửi giấy xin miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Phụ lục 2) cho Cơ quan kiểm tra.

Sau khi nhận đủ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ hàng hoá, nếu đạt yêu cầu thì trong vòng 01 ngày Cơ quan kiểm tra sẽ cấp Thông báo kết quả kiểm tra theo Phụ lục 3 (thông báo miễn kiểm tra đối với lô hàng hoá của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu) để làm căn cứ hoàn thành thủ tục thông quan.

3.4. Chế độ giảm nhẹ kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu:

Đối tượng được thực hiện chế độ giảm nhẹ kiểm tra được nêu tại mục 1.8 của Quy định này.

Điều kiện áp dụng và việc thực hiện cụ thể chế độ giảm nhẹ kiểm tra này được nêu cụ thể trong các quy định hoặc quy trình kiểm tra (đối với từng loại hàng hoá) do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành theo nguyên tắc sau đây:

* Giảm tần suất kiểm tra (số lượng lô liên tục lấy mẫu kiểm tra);

* Giảm lượng mẫu lấy kiểm tra;

* Giảm chỉ tiêu kiểm tra.

3.5. Phí kiểm tra, phí thử nghiệm chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu:

Việc thu, quản lý và sử dụng phí kiểm tra, phí thử nghiệm chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu được quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

4. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

4.1. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo lô hàng không đạt chất lượng xuất nhập khẩu nêu tại mục 1.5 của Quy định này, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quyền đề nghị Cơ quan kiểm tra đã tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hoá của mình xem xét lại kết quả kiểm tra hoặc tái kiểm tra với điều kiện lô hàng được giữ nguyên tình trạng ban đầu. Nếu kết quả tái kiểm tra trái với kết quả kiểm tra lần đầu, thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải trả chi phí cho việc tái kiểm tra đó.

4.2. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quyền khiếu nại về kết luận của Cơ quan kiểm tra đối với hàng hoá của mình, khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về quyết định xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện và giải quyết đơn kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

5.1. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu những hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra vi phạm các quy định của văn bản này và các văn bản có liên quan khác thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 57/CP ngày 31/5/1997 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.

5.2. Các Cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu chịu sự thanh tra và xử lý vi phạm của thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá phù hợp với sự phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

5.3. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định Cơ quan kiểm tra đồng thời có quyền tạm thời đình chỉ hoặc bãi bỏ quyền kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu nếu Cơ quan kiểm tra đó không thực hiện đầy đủ hoặc đúng thẩm quyền được giao trong việc kiểm tra Nhà nước theo quy định này và các văn bản khác có liên quan.

5.4. Các công chức, viên chức của Cơ quan kiểm tra, Tổ chức giám định được chỉ định có những biểu hiện không trung thực khi kiểm tra xác nhận hoặc cố ý gây cản trở cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khi thừa hành nhiệm vụ thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

PHỤ LỤC 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT/NHẬP KHẨU

Kính gửi:................... (Tên Cơ quan kiểm tra)...........................................

Địa chỉ:............................. ĐT:.......................... Fax:................................

Doanh nghiệp (tên Việt Nam và tên giao dịch quốc tế):............................

...................................................................................................................

Địa chỉ:......................................................................................................

Điện thoại:............................................ Fax:............................................

Người liên hệ:....................................... Phòng ban:.................................

Đăng ký kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hoá sau:

Số TT

Tên hàng hoá

Khối lượng/số lượng

Thời gian/địa điểm kiểm tra

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ sơ kèm theo gồm có:

- Hợp đồng số: ............................ - Phiếu liệt kê hàng gửi số: ......................

- Hoá đơn số: .............................. - Giấy CNCL/ATVS số:...........................

- Vận đơn số: .............................. - Tờ khai hàng hoá xuất/ nhập khẩu số:...

- .....................................................................................................................

Chúng tôi xin đảm bảo mọi điều kiện cho Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra lô hàng này trong vòng 15 ngày kể từ khi hàng cập cảng.

(TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA)

vào sổ đăng ký:

Số:

Ngày.... tháng.... năm.......

(Đại diện Cơ quan kiểm tra ký tên, đóng dấu)

..., ngày.... tháng.... năm....

Đại diện doanh nghiệp

Ghi chú: Giấy đăng ký này không thay thế Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng lô hàng.

PHỤ LỤC 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

GIẤY ĐỀ NGHỊ MIỄN KIỂM TRA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT/NHẬP KHẨU

Kính gửi:................ (Tên Cơ quan kiểm tra) ...........................................

Địa chỉ:........................ ĐT:.................... Fax:.........................................

Doanh nghiệp (tên Việt Nam và tên giao dịch quốc tế): ........................

................................................................................................................

Địa chỉ:....................................................................................................

Điện thoại:.............................................. Fax:.........................................

Người liên hệ:.......................................... Phòng/ ban:...........................

Xin miễn kiểm tra hàng hoá xuất/nhập khẩu dưới đây:

1. Tên hàng hoá:

2. Ký/nhãn hiệu hàng hoá:

3. Số lượng khai báo:

4. Nước (hoặc hãng) sản xuất theo khai báo:

5. Cảng chất hàng:

6. Cảng dỡ hàng:

7. Thời gian xuất/nhập khẩu:

8. Thuộc lô hàng có các chứng từ sau:

- Hợp đồng số: - Phiếu đóng gói số:

- Hoá đơn số: - Giấy chứng nhận xuất xứ số:

- Vận đơn số: - Tờ khai hàng xuất/ nhập khẩu số:

9. Doanh nghiệp xuất khẩu:

10. Doanh nghiệp nhập khẩu:

11. Giấy chứng nhận hàng hoá thuộc diện miễn kiểm tra chất lượng:

„ Đã được chứng nhận phù hợp với TCVN...... về chất lượng và/hoặc an toàn theo Giấy chứng nhận số:.... ngày... của....... (Tên Cơ quan cấp giấy chứng nhận)..................

„ Mang dấu hiệu phù hợp tiêu chuẩn của nước xuất khẩu đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thừa nhận:................... (Tên, số hiệu tiêu chuẩn đã được thừa nhận) ........................................

Chúng tôi xin gửi kèm theo đây các chứng từ nêu trên:

(TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA)

vào sổ đăng ký:

Số:

Ngày.... tháng.... năm.......

(Đại diên Cơ quan kiểm tra ký tên, đóng dấu)

..., ngày.... tháng.... năm....

Đại diện doanh nghiệp

Ghi chú: Giấy đề nghị miễn kiểm tra không thay thế Thông báo miễn kiểm tra chất lượng lô hàng

PHỤ LỤC 3

(Tên cơ quan chủ quản)
(TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG)

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày:

 

THÔNG BÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT/NHẬP KHẨU

1. Tên hàng hoá:

2. Ký/nhãn hiệu hàng hoá:

3. Số lượng khai báo:

4. Nước (hoặc hãng) sản xuất theo khai báo:

5. Cảng chất hàng:

6. Cảng dỡ hàng:

7. Thời gian xuất/ nhập khẩu:

8. Thuộc lô hàng có các chứng từ sau:

- Hợp đồng số: - Phiếu đóng gói số:

- Hoá đơn số: - Giấy chứng nhận xuất xứ số:

- Vận đơn số: - Tờ khai hàng xuất/ nhập khẩu số:

9. Doanh nghiệp xuất khẩu:

10. Doanh nghiệp nhập khẩu:

11. Giấy đăng ký kiểm tra số:

12. Ngày lấy mẫu/ kiểm tra:

13. Tại địa điểm:

14. Căn cứ kiểm tra:

KẾT QUẢ KIỂM TRA

Ví dụ về các kết luận có thể đưa ra trong biểu này:

- Lô hàng đạt yêu cầu chất lượng xuất/nhập khẩu.

hoặc - Lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng.

hoặc - Lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng xuất/nhập khẩu .

hoặc - Lô hàng đủ thủ tục về chất lượng đối với hàng xuất/nhập khẩu.

Kiểm tra viên

(Họ tên, chữ ký)

(Đại diện Cơ quan kiểm tra ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

- Doanh nghiệp xuất/nhập khẩu

(doanh nghiệp đăng ký KTCL cho lô hàng)

- Hải quan cửa khẩu.

- Lưu Cơ quan kiểm tra.

(tên, địa chỉ, điện thoại, Fax của Cơ quan kiểm tra)