Quyết định 108/2007/QĐ-UBND về một số chính sách dạy nghề - tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Nghệ An đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu: | 108/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Nguyễn Văn Hành |
Ngày ban hành: | 21/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/2007/QĐ-UBND |
Vinh, ngày 21 tháng 09 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VỀ DẠY NGHỀ - TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI TÀN TẬT TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 193/2007/NQ-HĐND ngày 25 tháng 07 năm 2007 của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XV - Kỳ họp thứ 9 về việc thông qua một số chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Nghệ An đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An tại Tờ trình số 1225/TT-LĐTBXH ngày 28 tháng 08 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành một số chính sách về dạy nghề - tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Nghệ An đến năm 2010, như sau: 1.1. Đối tượng áp dụng - Người tàn tật học nghề tại các cơ sở dạy nghề tập trung của tỉnh có độ tuổi từ đủ 13 tuổi trở lên, không phân biệt nguồn gốc gây ra dạng tật và bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. - Người tàn tật, hộ gia đình có người tàn tật tạo việc làm, tự tạo việc làm. - Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật. - Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật. - Các cơ sở dạy nghề, cơ sở tạo việc làm có lao động là người tàn tật. 1.2. Một số chính sách1.2.1. Hỗ trợ người tàn tật học nghề tại các cơ sở dạy nghề:
- Được giảm 50% mức học phí đối với người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 31% đến 40%. - Được miễn nộp học phí đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên. - Người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng (nhưng chưa được hưởng lương, phụ cấp thường xuyên) học nghề tại các cơ sở dạy nghề tập trung của tỉnh được trợ cấp 120.000đ/người/tháng; tối đa không quá 12 tháng. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp. - Người tàn tật được ưu tiên xét tuyển vào học nghề tại các cơ sở dạy nghề của tỉnh với các loại nghề phù hợp với dạng tật và sức khỏe; được vay vốn ưu đãi để chi phí trong thời gian học nghề, mức vay không quá 05 triệu đồng/người. - Người tàn tật thuộc diện có công với cách mạng được hưởng các chế độ theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 16/2006/TTLT/BGD-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2006 hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.1.2.2. Hỗ trợ người tàn tật về tạo việc làm:
- Người tàn tật, gia đình có người tàn tật được ưu tiên thuê hoặc cấp địa điểm, được vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm, mức tối đa là 20.000.000 đồng/người (hộ). - Lao động là người tàn tật được các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp ưu tiên tiếp nhận tạo việc làm phù hợp với nghề nghiệp, sức khỏe và dạng tật.1.2.3. Hỗ trợ cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật:
- Khuyến khích thành lập nhiều cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, được xét vay vốn ưu đãi và cấp vốn hỗ trợ để mua sắm trang thiết bị, tập huấn giáo viên,... trên cơ sở dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt mức tối đa là 200 triệu đồng/dự án. - Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật được ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất ở những địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức dạy nghề cho người tàn tật; được miễn các loại thuế theo quy định. - Được giao quản lý, sử dụng các nguồn vốn do Nhà nước cấp, do tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước trợ giúp nhằm phục vụ lợi ích chung cho tập thể.1.2.4. Hỗ trợ cơ sở tạo việc làm dành riêng cho người tàn tật:
- Nhà nước bảo trợ và khuyến khích phát triển nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ dành riêng cho người tàn tật; khi có dự án đổi mới, bổ sung trang thiết bị, mở rộng phát triển sản xuất, thu nhận thêm người tàn tật vào làm việc được xét vay vốn ưu đãi và cấp vốn hỗ trợ. Mức vay trên cơ sở dự án của đơn vị, được UBND tỉnh phê duyệt nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án. - Được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi để lập cơ sở sản xuất kinh doanh, được giúp đỡ đầu tư kỹ thuật, đổi mới công nghệ, được miễn giảm thuế theo quy định; được giao quản lý và sử dụng các tài sản của Nhà nước gồm cả các nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, nguồn do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trợ giúp theo đúng nội dung, mục đích.1.2.5. Hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, cơ sở tạo việc làm có lao động là người tàn tật.
- Các cơ sở dạy nghề có lớp dạy nghề cho người tàn tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Mức vay trên cơ sở dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tối đa là 200 triệu đồng/dự án. - Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, các làng nghề tổ chức dạy nghề kèm cặp, truyền nghề ngay tại cơ sở sản xuất của mình cho người tàn tật thì được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật và được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Mức hỗ trợ từ 150.000đ đến 200.000đ/người/tháng; tối đa không quá 12 tháng.- Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận người tàn tật vượt mức quy định (từ 2 - 3% trên tổng số lao động của doanh nghiệp) thì được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật. Nếu có dự án phát triển việc làm mới, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, tiếp nhận thêm người tàn tật vào làm việc được xét vay vốn ưu đãi. Mức vay trên cơ sở dự án sản xuất kinh doanh, số lượng người tàn tật làm việc tại cơ sở được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/ dự án.
1.2.6. Thành lập Quỹ dạy nghề - tạo việc làm dành cho người tàn tật; bao gồm các nguồn sau: - Hàng năm tùy thuộc vào nguồn thu, tỉnh trích ngân sách lập Quỹ. - Khoản đóng góp hàng qu?ý, hàng năm của các doanh nghiệp, đơn vị không nhận đủ số lao động tàn tật vào làm việc. - Nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. - Các nguồn thu hợp pháp khác. Điều 2. Tổ chức thực hiện: 2.1. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề - tạo việc làm cho người tàn tật. 2.2. Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và gia đình có người tàn tật. 2.3. Cơ chế phối hợp các ngành, để chỉ đạo xây dựng mô hình và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về người tàn tật, phân công trách nhiệm như sau: a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: - Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, kinh phí hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho ngươi tàn tật trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định. - Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, đối tượng (cá nhân, hộ gia đình, nhóm tự lực) xây dựng dự án, kiểm tra, thẩm định các dự án cấp vốn hỗ trợ, vay vốn từ Quỹ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, dự án hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho người tàn tật; - Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định mức hỗ trợ, cho vay vốn đối với các dự án xin cấp vốn hỗ trợ và vay vốn của các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hộ gia đình. - Quyết toán số thu, chi hàng năm của Quỹ; hàng năm có báo cáo về tình hình vốn cấp, vốn vay đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. - Tổ chức hướng dẫn, thực hiện các chính sách, chế độ, đối với lao động là người tàn tật thuộc địa phương quản lý. Phối hợp với các ngành liên quan, các cấp chính quyền kiểm tra, xác định số lao động là người tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận theo tỷ lệ quy định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định số tiền phải nộp vào Quỹ đối với từng doanh nghiệp; - Kiểm tra, thẩm định, chứng nhận “cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật” hoặc “cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật” hoặc “doanh nghiệp có người tàn tật” tham gia cao hơn tỷ lệ quy định. Ra quyết định hủy bỏ chứng nhận đối với các cơ sở không còn đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật; - Chủ trì xây dựng kế hoạch đại hội kiện toàn Hội bảo trợ người tàn tật tỉnh và hướng dẫn các huyện, (thành, thị) tổ chức thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật thuộc địa phương. b) Sở Tài chính: - Chủ trì phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án lập Quỹ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật (Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư); - Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định; thẩm định quyết toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm cả quyết toán thu chi Quỹ). c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: - Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật hàng năm; - Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh cho Quỹ dạy nghề và tạo việc cho làm người tàn tật và xây dựng phương án lập Quỹ (được quy định tại Mục 4 Phần II của Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). d) Sở Tài nguyên và Môi trường: Có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt các dự án thành lập, phát triển, mở rộng của các loại hình dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm dành cho người tàn tật về đất đai, địa điểm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. e) Cục thuế: Có trách nhiệm triển khai thực hiện các quy định về miễn, giảm thuế đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật, hộ gia đình có người tàn tật và người tàn tật sản xuất kinh doanh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/TT-TC-TCT ngày 26/6/1996 của Bộ Tài chính - Tổng Cục thuế. f) Các cơ sở dạy nghề; các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh: Có trách nhiệm tổ chức dạy nghề và tiếp nhận người tàn tật vào làm việc tại cơ sở mình quản lý nếu vì lý do không tiếp nhận lao động là người tàn tật vào làm việc thì phải đóng tiền vào quỹ dạy nghề - tạo việc làm cho người tàn tật theo quy định của Pháp luật và Đề án này (không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở dạy nghề công lập, dân lập). g) Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh: Chủ trì phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho số lao động trẻ em tàn tật theo quy định của Pháp luật. h) Các Sở, Ban ngành liên quan: Có trách nhiệm thực hiện những quy định của Pháp luật liên quan đến người tàn tật và nội dung của Đề án dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật. i) Ngân hàng Chính sách Xã hội: - Tạo nguồn vốn vay; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh có người tàn tật, gia đình có người tàn tật và bản thân người tàn tật có nhu cầu và điều kiện vay vốn. - Được vay, mức vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay theo quy định hiện hành. k) Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò: - Chỉ đạo các xã (phường, thị trấn); các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiên các nội dung của Đề án dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật; - Xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện Đề án dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật trên địa bàn huyện (thành, thị). l) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến Pháp luật và các chính sách đối với người tàn tật; tuyên truyền gương người tàn tật học nghề và làm việc tốt một cách thường xuyên. m) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên của mình trợ giúp người tàn tật học nghề và tạo việc làm; thường xuyên tổ chức động viên, khuyến khích hội viên và cộng đồng trợ giúp người tàn tật trong học nghề và tạo việc làm; ủng hộ nguồn lực cho Quỹ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc: Sở Lao động TB&XH, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Dân số GĐ&TE, Ngân hàng Chính sách xã hội, Cục thuế Nghệ An; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |