Quyết định 108/2002/QĐ-UB phê duyệt đề án thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội 2002-2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
Số hiệu: 108/2002/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Lê Quý Đôn
Ngày ban hành: 01/08/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TƯỚI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NGOẠI THÀNH HÀ NỘI 2002-2005

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH THỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số: 66/2002/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ Tướng Chính Phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;
Căn cứ Thông tư số: 72/2000/TT-BTC ngày 19/7/2000 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;
Căn cứ Quyết định số: 84/QĐ-UB ngày 4/1/2001 của UBND Thành phố về việc phê duyệt phân loại hệ thống kênh mương để thực hiện kiên cố hóa kênh mương ở Hà Nội;
Xét tờ trình số: 45/TTr-SNN-TL ngày 2/4/2002 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin phê duyệt đề án thực hiện chương trình kiên cố kênh mương tưới 2002-2005 Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số: 812/TTr-KH&ĐT ngày 23/7/2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt đề án thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội 2002-2005 với nội dung sau:

1 - Mục tiêu đề án: Kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới nhằm tưới chủ động, khoa học, nâng cao hiệu quả tưới thông qua việc tiết kiệm nước, giảm giá thành sản phẩm tưới, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm hàng hóa có công nghệ, chất lượng, giá trị cao, sạch góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, đô thị và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Yêu cầu việc kiên cố hóa kênh mương:

- Việc kiên cố hóa kênh mương được thực hiện tại các vùng sản xuất nông nghiệp, ngoài quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp đến năm 2010, ưu tiên các vùng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, vùng rau sạch, hoa, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

- Kiên cố hóa đồng bộ kênh chính, kênh nhánh theo hệ thống, từng vùng, từng xã để phát huy hiệu quả công trình phục vụ sản xuất. Công trình đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật.

- Kết hợp làm đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, sử dụng triệt để diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp do tiết kiệm đất sau khi kiên cố hóa kênh mương.

- Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Nội dung và tiến độ kiên cố hóa kênh mương:

a. Tổng số kênh mương cần kiên cố hóa: 726,3km

Trong đó: Kênh loại I: 3,8km

 Kênh loại II: 176,4km

 Kênh loại III: 546,1km

b. Tiến độ thực hiện: Hoàn thành kiên cố hóa kênh mương vào năm 2005

4. Cơ chế đầu tư, nguồn vốn:

a. Cơ chế đầu tư:

- Kênh mương loại I, loại II theo phân loại tại Quyết định số: 84/QĐ-UB ngày 4/1/2001 của UBND Thành phố:

+ Ngân sách cấp 100%.

+ Chủ đầu tư dự án: Kênh loại II do huyện quản lý, giao Ban quản lý dự án huyện làm Chủ đầu tư. Kênh loại I, II trong hệ thống do các Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý do Công ty Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư dự án. Trình tự lập, thẩm định, trình duyệt và thực hiện dự án theo quy chế về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành Nhà nước và Thành phố.

- Kênh mương loại III:

+ Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ kinh phí: Vật tư (gạch, cát, xi măng, sắt thép), kinh phí tư vấn khảo sát, lập TKKT-DT, tư vấn giám sát, kiểm định chất lượng, lập hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành, chi phí Ban quản lý công trình.

+ Phần công xây lắp huy động nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp để thực hiện. Đối với các xã nghèo, có khó khăn trong việc huy động vốn có thể huy động một phần từ nguồn lao động công ích của xã để thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND Huyện.

+ Giao UBND xã làm chủ đầu tư các công trình kênh loại III, không phải lập dự án, chỉ lập thiết kế - dự toán trình UBND huyện phê duyệt, UBND xã tự tổ chức thực hiện có sự giám sát của đại diện cộng đồng dân cư vùng hưởng lợi.

b. Nguồn vốn:

- Ngân sách cấp từ nguồn vốn XDCB, nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện, nguồn vốn Thành phố vay không lãi, vốn sự nghiệp có tính chất XDCB hàng năm.

- Nguồn huy động nhân dân đóng góp và nguồn thu từ lao động công ích (nếu có).

5. Tổ chức thực hiện:

5.1 - Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp UBND Thành phố theo dõi, chỉ đạo thực hiện đề án. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:

- Trích lục danh mục các công trình kiên cố hóa kênh mương từ nay đến năm 2005 kèm theo quyết định này gửi các ngành: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính vật giá, Địa chính Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, UBND các huyện, các công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi để làm căn cứ triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn các Huyện phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và kỹ thuật chuyên ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

- Hàng năm lập kế hoạch kiên cố hóa kênh mương gửi Sở KH&ĐT, Sở Tài chính - vật giá để tổng hợp kế hoạch bố trí vốn trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Đôn đốc triển khai thực hiện đề án, định kỳ hàng quý và cả năm có báo cáo UBND Thành phố và các ngành liên quan về tình hình thực hiện.

- Chỉ đạo các Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo đề án được duyệt; tham gia phối hợp với UBND: các huyện, các xã trong quá trình triển khai thực hiện đề án thuộc huyện quản lý.

5.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tổng hợp kế hoạch đầu tư hàng năm thực hiện đề án kiên cố hóa kênh mương bằng nguồn vốn ngân sách XDCB.

- Phối hợp với Sở tài chính Vật giá cân đối nguồn kinh phí sự nghiệp có tính chất XDCB cân đối qua ngân sách huyện để thực hiện đề án.

5.3. Sở Tài chính - Vật giá:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách có tính chất XDCB qua ngân sách huyện thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương hàng năm.

- Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư danh mục các dự án sử dụng vốn vay không lãi, làm thủ tục vay, trả nợ theo quy định đối với nguồn vốn vay tín dụng không lãi để thực hiện đề án.

- Hướng dẫn việc cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề án.

5.4. Ủy ban nhân dân các huyện:

- Tổ chức thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu và nội dung đề án đã phê duyệt.

- Tổng hợp và phê duyệt danh mục, tiến độ, chỉ đạo tổ chức thực hiện các công trình kiên cố hóa kênh mương của huyện.

- Hàng năm lập kế hoạch kiên cố hóa kênh mương gửi sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chính - Vật giá để tổng hợp và trình UBND Thành phố bố trí kế hoạch vốn thực hiện; báo cáo tiến độ thực hiện kiên cố hóa kênh mương hàng quý, cả năm.

- Phê duyệt danh mục công trình chuẩn bị đầu tư, đề cương TKKT-DT, chỉ định đơn vị tư vấn lập TKKT-DT, phê duyệt TKKT-DT và phê duyệt quyết toán các công trình kênh mương loại III thuộc huyện.

- Phân công và cử cán bộ có nghiệp vụ về quản lý đầu tư, tài chính, kỹ thuật thủy lợi, nông nghiệp để chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện.

5.5. Ủy ban nhân dân các xã:

- Trình UBND huyện phê duyệt danh mục chuẩn bị đầu tư, kế hoạch thực hiện các công trình kiên cố hóa kênh mương của xã. Trên cơ sở danh mục chuẩn bị đầu tư được duyệt, UBND xã lựa chọn đơn vị tư vấn TKKT-DT, xây dựng đề cương khảo sát và lập TKKT-DT trình UBND huyện phê duyệt làm căn cứ ghi kế hoạch và triển khai thực hiện.

- Thành lập Ban quản lý xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương của xã gồm một số cán bộ xã, HTX, đại diện các hộ dân được hưởng lợi trình UBND huyện phê duyệt. Ban quản lý sử dụng con dấu của xã, mở tài khoản để theo dõi cấp phát, thu kinh phí thực hiện. Ban quản lý có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo TKKT-DT được duyệt; Quyết toán công trình hoàn thành trình UBND huyện phê duyệt.

- Tuyên truyền, vận động, tổ chức huy động ngày công hoặc kinh phí đóng góp thực hiện công trình kiên cố hóa kênh mương của xã theo thiết kế dự toán được duyệt.

- Công khai quyết toán công trình hoàn thành khi được UBND huyện phê duyệt.

Điều 2: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn