Quyết định 107/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 107/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Tô Minh Giới
Ngày ban hành: 14/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11  năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị  về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XI về việc thực hiện 10 chương trình và 4 đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

Căn cứ Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 05 tháng 3 năm 2005 của Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 1110/TTr-SVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tờ trình số 698/TTr-SKHĐT ngày 19 tháng 12 năm 2008 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung:

Từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020: xây dựng các thiết chế văn hóa trung tâm; thu hút đào tạo nhân tài, nhân lực cho ngành; nâng cao về chất lượng, quy mô  tổ chức hoạt động văn hóa thông tin lên tầm phát triển mới nhằm mục tiêu: xây dựng đời sống văn hóa phát triển, tạo nên các công trình văn hóa, sản phẩm văn hóa tiêu biểu.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin:

- Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô với quy mô, hoạt động của một công viên văn hóa vừa là trung tâm văn hóa của thành phố, khu cảnh quan thiên nhiên, trung tâm dịch vụ văn hóa và vui chơi giải trí của khu vực.

- Xây dựng Trường Đại học Văn hóa Cần Thơ có vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa thông tin cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Bảo tàng Lịch sử Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm trưng bày, bảo tồn, nghiên cứu lịch sử văn hóa các dân tộc sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Thư viện thành phố được xếp loại I, trở thành thư viện hiện đại cấp quốc gia.

- Nhà hát Nghệ thuật tổng hợp thành phố.

- Hình thành trung tâm điện ảnh, phát hành sách - văn hóa phẩm của khu vực với các thiết chế, hoạt động: xây dựng Siêu thị sách Tây Đô, Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Cần Thơ.

2.2. Nâng cao hoạt động văn hóa lên tầm khu vực:

- Từng bước nâng các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp: sân khấu, ca múa, nhạc, kịch... lên tầm khu vực.

- Tổ chức các loại hình văn hóa quần chúng: hội thi, hội diễn, lễ hội... có quy mô tầm khu vực và cấp quốc gia.

- Xây dựng các mô hình, điển hình văn hóa có thể nhân rộng cho các tỉnh trong khu vực.

- Thu hút được lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân... của khu vực và nhiều nơi khác tham gia các hoạt động văn hóa của thành phố.

2.3. Xây dựng đời sống văn hóa phát triển:

- Xây dựng, hình thành nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ bao gồm: nếp sống văn hóa cá nhân, gia đình, cộng đồng, nếp sống văn minh nơi công cộng.

- Xây dựng con người Cần Thơ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch".

- Xóa sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa nội ô và ngoại thành, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn thành phố.

2.4. Xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa ở các quận, huyện:

- Hoàn thiện tổ chức - bộ máy; 100% quận, huyện có đầy đủ các thiết chế văn hóa; chuyển đổi phương thức hoạt động theo hướng khuyến khích xã hội tham gia hoạt động văn hóa.

- Xây dựng một số huyện điểm văn hóa gắn liền với đặc trưng văn hóa sông nước - miệt vườn, văn hóa đô thị.

- Nâng cao đời sống văn hóa ở các xã vùng ven thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.5. Xây dựng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể:

- Các vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, đất nước, con người, truyền thống văn hóa Cần Thơ.

- Xây dựng phát triển các loại hình sinh hoạt: đờn ca tài tử, hát dân ca, ca dao Nam bộ trở thành phong trào, phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

- Sản xuất các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của thành phố Cần Thơ: biểu trưng, biểu tượng, tặng phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng ...

3. Các nhiệm vụ cụ thể:

3.1. Phát triển, hiện đại hóa hệ thống thông tin:

- Thông tin cổ động: hiện đại hóa công tác thông tin, tuyên truyền ở khu vực đô thị; ở vùng ngoại ô, tăng cường hoạt động của các thuyền văn hóa - du lịch, đội thông tin lưu động, xây dựng một số loại hình cổ động hiện đại dọc theo các tuyến đường sông.

- Quy hoạch phát triển hệ thống tuyên truyền, cổ động trực quan, quảng cáo và thông tin kinh tế - xã hội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020: tiêu chuẩn hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại đối với hệ thống bảng, biển, panô, màn hình lớn trên địa bàn thành phố.

- Phát triển hệ thống phát hành sách, báo, văn hóa phẩm trên địa bàn toàn thành phố.

- Thông tin triển lãm - hội chợ: xây dựng hoàn chỉnh, phát triển trung tâm hội chợ - triển lãm trở thành trung tâm chuyên tổ chức hội chợ - triển lãm nông nghiệp quốc tế.

- Tổ chức lễ hội - sự kiện: xây dựng trung tâm tổ chức lễ hội - sự kiện và quy hoạch lễ hội - sự kiện theo hướng:

+ Nâng cao chất lượng, quy mô tổ chức lên cấp khu vực, cấp vùng.

+ Tổ chức định kỳ các lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, dân gian, hội nghề, hội trái cây Nam bộ, hội sông nước và hình thành một số lễ hội mới.

3.2. Xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính mũi nhọn, đột phá:

3.2.1. Trung tâm Văn hóa Tây Đô: quy mô 172,81 ha, bao gồm 3 khu:

- Khu Trung tâm văn hóa (60 ha): Bảo tàng Lịch sử đồng bằng sông Cửu Long; Thư viện thành phố; Nhà hát nghệ thuật tổng hợp thành phố; Quảng trường; Cụm tượng đài;Trung tâm sinh hoạt nhà văn hóa và câu lạc bộ đa chức năng v.v…

- Khu công viên đa năng (56 ha): xây dựng cảnh quan, môi trường, vườn sinh thái... đặc trưng Nam bộ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ ngơi, nghiên cứu, giao lưu văn hóa.

- Khu tái định cư (56,81 ha): bố trí khoảng 1.815 hộ hiện đang sống trong khu vực dự án.

3.2.2. Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ và phát triển lên Trường Đại học trong giai đoạn 2015 - 2020:

- Quy mô: ngoài cơ sở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật hiện nay, xây dựng thêm cơ sở II diện tích khoảng 3 ha, với các hạng mục: 6 phòng học chuyên ngành, xưởng thực hành, khu giáo dục thể chất, hội trường... Hàng năm đào tạo từ 1.200 - 1.500 sinh viên cao đẳng, 300 - 400 học sinh trung học và từ 50 - 80 sinh viên đại học tại chức.

- Tính chất: trường đào tạo đa cấp, đa ngành và nhiều hình thức: chính quy, tại chức, bồi dưỡng, nâng cao; làm vai trò trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa thông tin cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Hướng phát triển: nâng lên Trường đại học Văn hóa, từ năm 2015 - 2020.

3.2.3. Xây dựng, hình thành trung tâm điện ảnh, phát hành sách - văn hóa phẩm của khu vực với các thiết chế, hoạt động: Siêu thị sách Cần Thơ, Trung tâm Điện ảnh và dịch vụ văn hóa Cần Thơ.

3.2.4. Xây dựng các thiết chế văn hóa quận, huyện và cơ sở: thực hiện Quyết định số 271/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm từ nay đến năm 2010: từng bước hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa thông tin cấp quận, huyện và cấp phường, xã.

3.2.5. Nghiên cứu văn hóa, sản xuất sản phẩm văn hóa:

- Triển khai các công trình nghiên cứu, sưu tầm phục vụ cho sự phát triển của ngành: xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa đô thị, các loại hình văn hóa truyền thống của người Khmer, người Hoa, các làng nghề truyền thống, các kiến trúc cổ, ca dao, dân ca...

- Tiếp tục phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố, thi sáng tác văn học - nghệ thuật Chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố và sự kiện hoàn thành các công trình lớn của thành phố, những ngày lễ lớn trong các năm chẵn, tổ chức phác thảo và sản xuất các sản phẩm, tặng phẩm văn hóa.

3.3. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời gắn chặt với Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

- Hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các quy định, nội dung cơ bản các loại mô hình, tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa đô thị.

- Nâng cao tiêu chuẩn khu phố, phường văn hóa ở nội ô theo hướng: đơn vị xây dựng đảm bảo các dịch vụ công cộng, dịch vụ văn hóa thông tin, dân cư tự xây dựng quy ước nếp sống và các câu lạc bộ văn hóa.

- Xây dựng một số mô hình mới: Khu văn hóa công nghiệp; Khu văn hóa vùng ven; cơ quan, đơn vị văn minh; chợ trật tự kỷ cương; khu phố, đường phố xanh, sạch, đẹp.

- Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - hào hiệp - thanh lịch - nhân ái”.

- Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân toàn thành phố, xóa dần cách biệt giữa vùng ven và nội ô, vùng đồng bào dân tộc.

- Quy hoạch phát triển các nhà văn hóa thanh niên, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa lực lượng vũ trang... theo hướng đồng bộ, có sự phối hợp liên thông lẫn nhau giữa các nhà văn hóa trên địa bàn.

- Xây dựng nếp sống văn minh công vụ, văn minh công sở trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức toàn thành phố.

- Phát triển Hội Văn học - nghệ thuật thành Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật thành phố; xây dựng Hội thực sự trở thành nơi sinh hoạt bổ ích, đoàn kết, "mái nhà chung" của giới nghệ sĩ thành phố và thu hút các tỉnh trong khu vực.

- Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc: Khmer, Hoa, Chăm.

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa: nhà văn hóa, phòng đọc sách, trạm truyền thanh trong vùng có đông đồng bào Khmer.

- Xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao Ô Môn và phát triển thành trung tâm tổ chức lễ hội của người Khmer của thành phố.

3.4. Phát triển hệ thống trung tâm văn hóa thông tin:

- Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của toàn hệ thống (từ thành phố đến xã, phường).

- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm văn hóa thông tin.

- Xây dựng mối quan hệ phối hợp, hợp tác giữa trung tâm văn hóa công lập và các tụ điểm văn hóa dân lập. Đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật đỉnh cao và quần chúng.

- Xây dựng đề án chuyển sang cung ứng dịch vụ công, tạo nguồn thu bổ sung kinh phí và nâng chất các hoạt động.

3.5. Phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc sách:

3.5.1. Thư viện thành phố:

- Xây dựng Thư viện thành phố về cơ bản trở thành thư viện hiện đại, đạt chuẩn thư viện hạng I.

- Tổ chức thêm các hình thức phục vụ tại thư viện, khai thác triệt để vốn tài liệu hiện có, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều được sử dụng thư viện; mở rộng phục vụ ngoài thư viện.

- Tạo tiền đề xây dựng thư viện điện tử, nối mạng với thư viện quận, huyện. Tích hợp thông tin từ các cơ quan trong thành phố để bổ sung vào cơ sở dữ liệu của Thư viện thành phố.

- Thực hiện một số hình thức dịch vụ thư viện.

3.5.2. Thư viện, phòng đọc sách cơ sở:

- Củng cố, ổn định tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện quận, huyện.

- Khép kín 100% mạng lưới phòng đọc sách cấp xã. Nâng 30% phòng đọc sách cấp xã, phường lên thư viện.

- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện quận, huyện.

3.6. Phát triển hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống:

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Cần Thơ.

- Thực hiện các hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng các di tích cấp quốc gia, di tích cấp thành phố; trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa.

- Tiến hành xây dựng đề cương trưng bày, sưu tầm, thực hiện các bộ sưu tập có giá trị, phục vụ cho công tác trưng bày Bảo tàng Lịch sử đồng bằng sông Cửu Long.

- Tổ chức trưng bày nội dung Bảo tàng Lịch sử đồng bằng sông Cửu Long tại Trung tâm Văn hóa Tây Đô; chuyển đổi Bảo tàng Cần Thơ hiện tại thành Bảo tàng Nông nghiệp với chuyên đề cây lúa nước và cây ăn quả của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Nâng cao chất lượng hoạt động các Phòng truyền thống quận, huyện, đi sâu giới thiệu chuyên đề, phục vụ công chúng địa phương và du khách.

3.7. Phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp:

- Chuyển Đoàn Cải lương Tây Đô sang hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ.

- Xây dựng Nhà hát nghệ thuật tổng hợp; Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dân tộc - đồng bằng sông Cửu Long.

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần xã hội và tư nhân đầu tư phát triển các ngành Nghệ thuật.

3.8. Xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa các quận, huyện:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý; tăng cường lực lượng chuyên môn trong các bộ phận; chuẩn hóa trình độ cán bộ lãnh đạo.

- 100% số quận, huyện có các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Thư viện, Đội thông tin lưu động; các huyện có thuyền văn hóa, chuyển dần sang mô hình thiết chế văn hóa - dịch vụ - du lịch.

- Xây dựng một số huyện điểm văn hóa mang đặc trưng văn hóa sông nước; nghiên cứu chuyển đổi phương thức, nội dung với đời sống đô thị, chuyển dần các tiêu chuẩn, danh hiệu văn hóa sang văn hóa đô thị.

3.9. Đào tạo cán bộ:

- Phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa thông tin có uy tín chất lượng cao cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực.

- Phát triển đủ khung cán bộ quản lý và giáo viên chuyên ngành để nâng Trường Văn hóa nghệ thuật trở thành Trường Cao đẳng tiến tới Trường Đại học Văn hóa.

4. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020:

4.1. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở:

Chỉ tiêu

2010

2020

1. Số gia đình văn hóa

90% tổng số hộ

95% tổng số hộ

2. Số khu phố văn hóa

415 (80% tổng số khu phố)

493 (95% tổng số khu phố)

3. Số xã, phường văn hóa

50 xã, phường (74,6%)

64 xã, phường (95%)

4. Cơ quan có đời sống văn hóa tốt

90%

98%

5. Xã, phường văn hóa tiểu biểu

04

12

6. Khu phố tiêu biểu cấp thành phố

08

52

7. Huyện điểm văn hóa

01

02

4.2. Các chỉ tiêu phát triển sự nghiệp:

Chỉ tiêu

Năm 2005

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

1. Số lượt người đọc mượn sách, báo ở các thư viện

1.778.000 lượt

3.150.000 lượt

4.714.000 lượt

8.172.000 lượt

- Số lượt sách

3.000.000 lượt

5.000.000 lượt

7.000.000 lượt

9.000.000 lượt

2. Số lượt người tham quan nhà bảo tàng, truyền thống, các di tích

140.300 lượt

123.300 lượt

190.800 lượt

200.340 lượt

3. Số lượt người xem
nghệ thuật chuyên nghiệp

80.000 lượt

200.000 lượt

220.000 lượt

228.000 lượt

4. Số lượt người xem thông tin lưu động

480.000 lượt

550.000 lượt

600.000 lượt

650.000 lượt

5. Đào tạo:

- Cao học

- Đại học

- Trung cấp

05 người

109 người

600 người

20 người

120 người

1.000 người

30 người

140 người

1.000 người

40 người

150 người

1.000 người

6. Số lượt người xem phim do hệ thống Công ty Điện ảnh phát hành

10 triệu lượt

18 triệu lượt

22 triệu lượt

25 triệu lượt

7. Phát hành:

- Sách

- Văn hóa phẩm

2,6 triệu bản

3,1 triệu bản

4,5 triệu bản

6 triệu bản

5 triệu bản

6,5 triệu bản

5,5 triệu bản

7 triệu bản

5. Đầu tư phát triển:

Tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là 6.350,67 tỷ đồng

- Khả năng huy động các nguồn vốn:

+ Vốn do Trung ương hỗ trợ: 2.200,45 tỷ đồng, chiếm 34,64% tổng vốn đầu tư;

+ Vốn địa phương: 768,21 tỷ đồng, chiếm 12,09% tổng vốn đầu tư;

+ Huy động các thành phần xã hội: 3.382 tỷ đồng, chiếm 53,25% tổng vốn đầu tư;

- Phân kỳ đầu tư: Giai đoạn: 2008 - 2010: 2.060,845 tỷ đồng, chiếm 32,45%;
giai đoạn: 2011 - 2015: 4.024,325 tỷ đồng, chiếm 63,36% tổng vốn đầu tư; giai đoạn: 2016 - 2020: 265,5 tỷ đồng, chiếm 4,18% tổng vốn đầu tư.

6. Các nội dung chủ yếu để triển khai thực hiện chương trình:

Để đạt được định hướng, nhiệm vụ và hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình đã nêu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 8 đề án triển khai thực hiện như sau:

- Đề án 1: Xã hội hóa công tác văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Đề án 2: Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa.

- Đề án 3: Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.

- Đề án 4: Phát triển hệ thống trung tâm văn hóa thông tin.

- Đề án 5: Phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc sách.

- Đề án 6: Phát triển hệ thống bảo tàng, nhà truyền thông.

- Đề án 7: Phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp.

- Đề án 8: Nâng cấp Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật thành Trường Cao đẳng và Đại học.

7. Các giải pháp và tổ chức thực hiện:

7.1. Giải pháp về tổ chức:

- Hoàn thiện tổ chức - bộ máy của ngành từ thành phố đến các phường, xã, thị trấn; bổ sung, chuyên môn hóa cán bộ trong các lĩnh vực: chỉ đạo, quản lý nhà nước, điều hành đơn vị sự nghiệp và chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

- Bổ sung đầy đủ chức danh cán bộ phòng, trung tâm Văn hóa thông tin, nhất là cán bộ biên đạo, dàn dựng, sáng tác và chỉ đạo các loại hình nghệ thuật âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật… cho các quận, huyện; đảm bảo thủ trưởng đơn vị phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành.

- Xây dựng, củng cố và bổ sung quy chế làm việc giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các đơn vị sự nghiệp của thành phố với Phòng, Trung tâm Văn hóa thông tin, cùng các đơn vị sự nghiệp cấp quận, huyện.

- Xây dựng mối quan hệ giữa đơn vị “trung tâm” và các vệ tinh; mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác giữa các đơn vị văn hóa nhà nước và tư nhân.

7.2.Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch cán bộ của ngành từ nay đến năm 2010, 2015; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành từ 2007- 2020. Cụ thể:

Giai đoạn 2007 - 2010:

· Đào tạo cán bộ văn hóa cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 25 trung cấp, 33 đại học, 38 thạc sĩ, 08 tiến sĩ.

· Đào tạo cán bộ cho phòng, trung tâm văn hóa thông tin cho các quận, huyện và các phường, xã, thị trấn: 52 trung cấp, 13 cao đẳng, 20 đại học.

Giai đoạn 2010 - 2020:

· Đào tạo cán bộ văn hóa cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 32 trung cấp, 32 đại học, 04 thạc sĩ, 01 tiến sĩ.

· Đào tạo cán bộ cho phòng, trung tâm văn hóa thông tin cho các quận, huyện và các phường, xã, thị trấn: 01 trung cấp, 13 cao đẳng, 36 đại học, 06 thạc sĩ.

- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ, bồi dưỡng nhân tài, nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; chính sách ưu đãi đào tạo cho các học sinh, sinh viên theo học các bộ môn nghệ thuật dân tộc.

7.3. Giải pháp về xã hội hóa:

- Triển khai thực hiện hóa hiệu quả đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Xây dựng kế hoạch, đề án, hình thức tiến hành xã hội hóa phù hợp với từng lĩnh vực: xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, hoạt động sự nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp, kết hợp với các ban ngành, đoàn thể để xây dựng, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa ở địa bàn, trong các lực lượng, tổ chức xã hội.

7.4. Giải pháp về huy động vốn:

- Ngân sách Trung ương: tranh thủ tối đa nguồn vốn ngân sách của Trung ương cấp cho ngành Văn hóa.

- Ngân sách thành phố: ưu tiên kinh phí cho sự nghiệp văn hóa và kinh phí xây dựng cơ bản cho các công trình văn hóa trọng điểm cấp thành phố và các quận, huyện.

- Huy động vốn đầu tư từ các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị quyết số 69/2008/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa
đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về các biện pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường của thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

7.5. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của toàn ngành; triển khai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và cấp các loại giấy phép hoạt động, dịch vụ văn hóa - thể dục và du lịch theo cơ chế một cửa, một dấu.

- Hoàn chỉnh trang web Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tiếp tục ứng dụng tin học vào công tác văn phòng, nối mạng cục bộ giữa văn phòng sở với các đơn vị trực thuộc sở, phòng, trung tâm văn hóa thông tin các quận, huyện. Phấn đấu đến năm 2009, thực hiện điều hành công tác từ sở đến các quận, huyện, xã phường qua mạng máy tính cục bộ, giảm hẳn chế độ hội họp.

7.6. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra:

Trọng tâm trong thời gian tới: tổ chức hướng dẫn cho các thành phần xã hội tham gia, đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động, dịch vụ văn hóa. Do đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra - kiểm tra các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa công tác hậu kiểm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân chấp hành các quy định của nhà nước trên các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa.

Tích cực kết hợp với các ngành phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động, vi phạm bản quyền.

Tăng cường công tác nghiên cứu pháp luật, đề xuất kịp thời với UBND thành phố, các ngành ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động và phát triển sự nghiệp văn hóa.

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra có năng lực và đạo đức tốt. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho hoạt động thanh tra chuyên ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch có điều kiện phát huy hiệu quả công tác.

7.7. Tuyên truyền, vận động:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để phát huy truyền thống yêu nước gắn với tình yêu quê hương, gia đình, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa với các hình thức trên các địa bàn dân cư. Nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.

- Có chương trình, kế hoạch hoạt động tuyên truyền, giáo dục cụ thể, trước mắt, lâu dài và đảm bảo tính khoa học về nội dung, hấp dẫn về hình thức, phong phú về phương pháp.

- Biên soạn các chương trình về truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa nghệ thuật của nhân dân thành phố và đất nước để giáo dục tại các nhà trường, sinh hoạt tại các tổ chức quần chúng, xã hội, làm cho mọi người từng bước thấm sâu vai trò của văn hóa đối với việc hoàn thiện nhân cách của các cá nhân, vai trò của cá nhân đối với xã hội trong
việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

7.8. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình, tổ chức tốt hoạt động văn hóa thông tin:

- Tổ chức khảo sát, nghiên cứu và các hội thảo khoa học để đánh giá, thẩm định các công trình nghiên cứu, các mô hình đã và đang hoạt động trong khu vực để bổ sung các vấn đề cần thiết, hạn chế những mặt yếu kém, phát huy các mặt tích cực của các mô hình mới, của các công trình nghiên cứu.

- Tổ chức các hội nghị sơ tổng kết, đánh giá, động viên khen thưởng, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình hoạt động văn hóa có hiệu quả cao.

- Các mô hình xây dựng: gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, chợ văn minh, phường, xã, thị trấn văn hóa; câu lạc bộ đờn ca tài tử; lễ hội truyền thống của các dân tộc, lễ hội mới… cần phải nghiên cứu để tiếp tục được nâng cao chất lượng, ngày càng có hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng.

- Các mô hình như Khu văn hóa gia đình, Khu du lịch sinh thái, phường, xã văn hóa… cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí, biện pháp thực hiện trên tinh thần xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các dự án cụ thể phù hợp với nội dung đã được phê duyệt. Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm, nhất là xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính mũi nhọn, đột phá, đào tạo nguồn nhân lực tạo động lực cho phát triển văn hóa. Đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính phù hợp với quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư vào hoạt động văn hóa.

Điều 3. Các sở, ban, ngành thành phố có liên quan phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thực hiện chương trình, để đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét quyết định.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tô Minh Giới