Quyết định 107/2005/QĐ-UB phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 107/2005/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Quang
Ngày ban hành: 25/07/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 107/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân;
- Căn cứ Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Căn cứ Quyết định số 54/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 của UBND Thành phố về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội và Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Phê duyệt và ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, gồm 08 Chương & 14 Điều.

Điều II: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các sở, ban ngành Thành phố có liên quan và Giám đốc Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 107/2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 7 năm 2005của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 54/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 của UBND Thành phố Hà Nội.

- Tên đầy đủ và tên giao dịch của Trung tâm:

- Tên tiếng Việt: Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.

- Tên tiếng Anh: Center for Supporting Small and Medium Entreprises in Ha Noi

- Tên giao dịch viết tắt: SME AC - HN.

Trụ sở tạm thời đặt tại: Số 17 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điều 2:

Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho Bạc Nhà nước và Ngân hàng; được ngân sách Thành phố cấp toàn bộ kinh phí hoạt động trong 03 năm đầu thành lập và một phần kinh phí hoạt động cho những năm tiếp theo.

Trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và chịu sự quản lý nhà n­ước của cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền về các mặt hoạt động của Trung tâm.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM

Điều 3: Chức năng

Trung tâm có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư triển khai các kế hoạch, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; trực tiếp thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo và các dịch vụ công khác cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 4: Nhiệm vụ

1- Giúp Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội nghiên cứu, đề xuất và xây dựng kế hoạch hàng năm, dài hạn; chương trình hoạt động, quản lý, tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trình UBND Thành phố phê duyệt.

2- Làm đầu mối tổ chức triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, các tổ chức trong và ngoài nư­ớc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.

3- Tổ chức đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp, theo các chương trình hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư­ và Thành phố về các lĩnh vực quản lý, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, tổ chức phổ biến các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp.

4- Cung cấp, trao đổi và thu thập thông tin liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các đối tượng có nhu cầu, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5- Tư­ vấn theo yêu cầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về: thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp,... trên cơ sở quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

6- Tổng hợp các thông tin phản ánh về khó khăn, vư­ớng mắc của các doanh nghiệp để báo cáo, đề xuất với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư trình UBND Thành phố xem xét quyết định.

7- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư­, UBND Thành Phố và các cơ quan có liên quan về tình hình hoạt động của Trung tâm.

8- Quản lý tổ chức, biên chế, lao động và tài sản đư­ợc giao theo quy định của UBND Thành phố và Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư.

9- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND Thành phố hoặc Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư giao.

Điều 5: Quyền hạn

1- Quản lý và sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác do UBND Thành phố đầu tư cho Trung tâm theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao.

2- Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế và hợp đồng báo cáo Sở Kế hoạch & Đầu t­ư trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Căn cứ biên chế và lao động hợp đồng đ­ược Thành phố phê duyệt, Trung tâm chủ động bố trí nhân sự để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đư­ợc giao.

3- Tổ chức triển khai các hoạt động của Trung tâm nh­ư: đàm phán, ký kết hợp đồng, cung cấp các dịch vụ, tư vấn cho doanh nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo; mua sắm trang thiết bị, máy móc; ký kết hợp đồng mời cộng tác viên,... theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

4- Tham gia thực hiện các ch­ương trình trợ giúp của Nhà nước và Thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Thành phố giao.

5- Trực tiếp quan hệ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và tiếp nhận các nguồn tài trợ, sự trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài n­ước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định hiện hành của pháp luật và Thành phố.

6- Đề xuất và kiến nghị với Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND Thành phố và với các cơ quan có thẩm quyền về các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực quản lý phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, tổ chức phổ biến các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

7- Tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo chuyên đề về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở theo quy định của Nhà nư­ớc và Thành phố.

8- In ấn tài liệu hư­ớng dẫn phục vụ cho hoạt động trợ giúp doanh nghiệp, đào tạo, phổ biến thông tin, quảng bá hình ảnh của Trung tâm và các doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật.

9- Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ CỦA TRUNG TÂM

Điều 6: Cơ cấu tổ chức và bộ máy

1. Ban Giám đốc Trung tâm gồm: Giám đốc và 01 đến 02 Phó Giám đốc.

- Giám đốc Trung tâm do UBND Thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư­ và Giám đốc Sở Nội vụ trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về công tác cán bộ.

- Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư bổ nhiệm miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc trung tâm trên cơ sở các quy định hiện hành của nhà nước và Thành phố về công tác cán bộ.

2- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

- Phòng đào tạo;

- Phòng tư­ vấn pháp luật và đầu tư­;

- Văn phòng.

Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các phòng nghiệp vụ của Trung tâm do Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư­ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đ­ược UBND Thành phố giao.

3- Biên chế của Trung tâm là biên chế sự nghiệp, trư­ớc mắt là: 12 ng­ười.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động và căn cứ vào tình hình tự cân đối thu chi tài chính, Trung tâm được sử dụng một số lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ được giao sau khi đã báo cáo Sở Nội vụ.

Điều 7: Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc Trung tâm

1- Quản lý, điều hành hoạt động hàng ngày của Trung tâm, chịu trách nhiệm tr­ước Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư và trư­ớc pháp luật về các mặt hoạt động của Trung tâm.

2- Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và dài hạn, kế hoạch liên kết, hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài n­ước; kế hoạch tuyển dụng lao động, kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nhân viên của Trung tâm trình Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư hoặc cấp có thẩm quyền quyết định, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã đ­ược phê duyệt.

3- Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư xem  xét, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh Phó Giám đốc, Trư­ởng phòng và t­ương đư­ơng của Trung tâm.

4- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh Phó phòng và t­ương đ­ương của Trung tâm.

5- Quản lý biên chế, hợp đồng lao động và cộng tác viên trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà n­ước và Thành phố về quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức.

6- Xây dựng quy chế lao động, quy chế  khen th­ưởng; quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm trình Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư và các ngành có liên quan phê duyệt.

7- Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư­ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động của Trung tâm.

8- Thức hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp Luật.

Điều 8 : Phó Giám đốc Trung tâm và bộ máy giúp việc

1. Phó Giám đốc Trung tâm là ng­ười giúp việc Giám đốc Trung tâm điều hành một số lĩnh vực hoạt động của Trung tâm theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ đư­ợc Giám đốc phân công hoặc uỷ quyền.

2- Bộ máy giúp việc của Trung tâm gồm các Trưởng, phó phòng và tương đương có chức năng tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Giám đốc Trung tâm giao; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công.

Chương IV

BIÊN CHẾ, HỢP ĐỒNG VÀ CỘNG TÁC VIÊN CỦA TRUNG TÂM

Điều 9: Biên chế, hợp đồng lao động và cộng tác viên

1- Biên chế và hợp đồng lao động:

Biên chế và hợp đồng lao động của Trung tâm đ­ược UBND Thành phố giao hàng năm. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thực hiện các chế độ về tiền l­ương, tiền thư­ởng và giải quyết các chế độ khác đối với biên chế và hợp đồng lao động của Trung tâm đ­ược thực hiện theo quy định hiện hành của nhà n­ước và Thành phố về quản lý cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động.

2. Cộng tác viên:

Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm được ký kết hợp đồng, hoặc mời cộng tác viên để tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung tâm. Cộng tác viên của Trung tâm là các tổ chức hoặc cá nhân có khả năng đáp ứng các yêu cầu của Trung tâm. Cộng tác viên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đã ký kết với Trung tâm và được hưởng mức thù lao t­ương ứng theo thoả thuận với Trung tâm.

Chương V

TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM

Điều 10: Tài chính

1- Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập Tài chính và chế độ thu chi của Trung tâm đư­ợc thực hiện theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính Phủ và Thông tư số 25/TT-BTC ngày 21/3/2003 của Bộ tài chính về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và các quy định hiện hành của Nhà n­ước.

2- Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, thống kê tài chính; xây dựng quy chế về việc thu, chi, quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định hiện hành của nhà nước và Thành phố trình Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3- Trung tâm chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tài chính của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

Điều 11: Nguồn kinh phí hoạt động, bao gồm:

1- Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thư­ng xuyên cho Trung tâm trong 03 năm đầu thành lập và một phần kinh phí hoạt động thường xuyên trong các năm tiếp theo.

2- Kinh phí thực hiện các chương trình trợ giúp của Nhà nước, Thành phố cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao cho trung tâm.

3- Kinh phí đầu t­ư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động sự nghiệp của Trung tâm theo kế hoạch hàng năm; vốn đối ứng đối với dự án tài trợ quốc tế cho các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4- Nguồn thu từ hoạt động của Trung tâm, gồm:

- Mức thu phí, lệ phí và tỷ lệ nguồn thu đ­ược để lại Trung tâm theo quy định của Nhà nước và Thành phố.

- Thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ, tư­ vấn: Mức tiêu các hoạt động này do Trung tâm quy định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí và có tích luỹ.

- Nguồn tài trợ, biếu, tặng (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định hiện hành của nhà n­ước.

5- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Chương VI

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA TRUNG TÂM

Điều 12: Mối quan hệ

1- Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư Hà Nội đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền theo quy định hiện hành của pháp luật.

2- Trung tâm quan hệ, phối hợp với các phòng, ban của Sở Kế hoạch & Đầu tư để triển khai nhiệm vụ đư­ợc giao.

3- Trung tâm chủ động quan hệ, phối hợp với các sở ban, ngành, quận, huyện và các tổ chức, cá nhân để triển khai nhiệm vụ của Trung tâm.

Chương VII

TỔ CHỨC LẠI

Điều 13: Tổ chức lại Trung tâm

Việc tổ chức lại, thành lập mới hoặc giải thể Trung tâm và các phòng, ban nghiệp vụ của Trung tâm do Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và Giám đốc Sở Nội vụ.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu t­ư có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình hoạt động, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi Quy chế, Giám đốc Trung tâm báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.