Quyết định 1039/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động của thành phố Cần Thơ thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam - Lào
Số hiệu: 1039/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Võ Thành Thống
Ngày ban hành: 14/04/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1039/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 03 tháng 03 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của thành phố Cần Thơ thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐQG về HNQT;
- TT. TU, TT. HĐND TP;
- UBMTTQVN TPCT;
- CT, PCT UBND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- Cổng thông tin điện tử TPCT;
- VP UBND TP (3E);
- Lưu: VT. NNQ

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Võ Thành Thống

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết thương mại của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký với Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu:

Quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các sở, ban ngành và các địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiệp định, các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định và kế hoạch hành động của thành phố Cần Thơ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có trụ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố; phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm…

b) Tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 52/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

c) Phổ biến Thông tư số 56/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan với thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

2. Thuận lợi hóa thương mại:

a) Rà soát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp hai nước, bao gồm các thủ tục xuất nhập khẩu đối với hàng hóa đi bằng đường bộ tại các cửa khẩu với các tỉnh có chung biên giới với Lào (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phối hợp thu thập số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

b) Thực hiện tốt, nhanh chóng công tác cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

3. Xúc tiến thương mại:

a) Tổ chức đoàn tham gia hội chợ Thương mại Việt - Lào định kỳ hàng năm tại thủ đô Viêng Chăn, Lào theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm kết nối doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ với Lào.

b) Ký kết bản ghi nhớ hợp tác lĩnh vực thương mại với một số tỉnh, thành phố của Lào.

c) Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của thành phố Cần Thơ trên toàn nước Lào, trong đó tập trung hơn nữa vào các thành phố lớn tại các tỉnh miền Nam và miền Bắc của Lào.

d) Giới thiệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế triển lãm thương mại do Lào tổ chức trên địa bàn Lào, đồng thời, có cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp thành phố tham gia phù hợp với quy định hiện hành.

4. Hợp tác phòng chống buôn lậu:

Định kỳ rà soát, nâng cao khả năng phối hợp trong công tác phòng chống buôn lậu qua các vùng biên giới Việt - Lào.

5. Thương mại dịch vụ:

Nghiêm túc thực hiện các cam kết, thỏa thuận lộ trình giảm dần hoặc loại bỏ các biện pháp hạn chế hiện có đối với các dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ, tiến tới tự do hóa hoàn toàn thương mại dịch vụ giữa hai nước theo các chuẩn mực của WTO.

6. Thương mại điện tử:

Tăng cường công bố thông tin, hướng dẫn thực hiện thương mại điện tử cho các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, đoàn thể, các doanh nghiệp nhằm mục đích hỗ trợ, tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo và ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử cho phía Lào.

7. Hỗ trợ trong quá trình hội nhập:

Tăng cường chia sẻ thông tin về việc phối hợp với các tổ chức quốc tế, các diễn đàn kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực; hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Kế hoạch này thực hiện kể từ ngày được ký ban hành đến khi Hiệp định hết hiệu lực.

IV. KINH PHÍ

Hàng năm, cơ quan được phân công trong Kế hoạch này chủ động lập dự trù kinh phí thực hiện, gửi Sở Công Thương tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định và các nội dung liên quan đến Hiệp định (thuế suất xuất nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, thủ tục mua bán hàng hóa qua biên giới).

b) Phối hợp với Cục Hải quan thành phố Cần Thơ, Cục Thống kê thành phố Cần Thơ thu thập số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

c) Cung cấp thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố sang Lào; thực hiện các báo cáo tình hình thương mại xuất nhập khẩu sang Lào theo quy định.

d) Thực hiện tốt công tác quản lý, hướng dẫn và cấp chứng nhận liên quan đến xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa sang Lào theo phân công của Bộ Công Thương.

đ) Phối hợp với các cơ quan trong công tác xúc tiến thương mại và dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Lào, liên kết với các cơ quan Lào trong tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

e) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý thương mại điện tử.

g) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý thị trường, hợp tác phòng chống buôn lậu với các tỉnh, thành phố trong hoạt động xuất nhập khẩu sang Lào.

2. Sở Tài chính:

a) Triển khai và tổ chức đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện Thông tư số 56/2015/TT-BCT hướng dẫn về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng có xuất xứ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

b) Thẩm định, tham mưu đề xuất cấp kinh phí cho các hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, xúc tiến thương mại và dịch vụ, thông tin và truyền thông…

c) Phối hợp với Cục Hải quan thành phố Cần Thơ rà soát, đánh giá việc thực hiện các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu hàng hóa sang Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phối hợp với Cục Hải quan thành phố Cần Thơ trong công tác quản lý thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Lào.

3. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và dịch vụ. Làm đầu mối tổ chức các đoàn đi giao lưu, tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, tham dự các hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại và dịch vụ được tổ chức giữa hai nước.

b) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các hoạt động xúc tiến thương mại và dịch vụ giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tuyên truyền, thông tin nội dung Hiệp định và văn bản hướng dẫn có liên quan đến thương mại Việt Nam và Lào trên các các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố.

b) Quản lý và phối hợp với Sở Công Thương trong hoạt động triển lãm thương mại điện tử, hỗ trợ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Nghiên cứu và đề xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và tiềm năng trong trồng trọt và chăn nuôi để xuất khẩu sang Lào.

b) Cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu như báo cáo tình hình chăn nuôi, trồng trọt liên quan đến sản phẩm xuất khẩu tại địa phương; quy hoạch, kế hoạch chăn nuôi, trồng trọt liên quan đến sản phẩm xuất khẩu.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu, đề xuất, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra và đánh giá tiến độ các dự án đầu tư có liên quan giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện đầu tư sang Lào.

7. Sở Giao thông vận tải:

a) Chịu trách nhiệm trong quản lý vận chuyển và lưu thông hàng hóa thông qua các hoạt động logistics của thành phố Cần Thơ với Lào bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không.

b) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ với Lào.

8. Sở Ngoại vụ:

a) Soạn thảo văn bản ghi nhớ của thành phố Cần Thơ với Lào phù hợp quy định để ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin về thương mại của doanh nghiệp thành phố Cần Thơ cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Lào tại Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Lào; các Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế và khu vực về hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố Cần Thơ.

9. Viện Kinh tế - Xã hội:

a) Tổng hợp nội dung của Hiệp định và các Thông tư, văn bản hướng dẫn, quy định có liên quan để tuyên truyền, phổ biến cho các sở, ban ngành, các địa phương.

b) Lồng ghép việc triển khai Hiệp định và các quy định có liên quan vào kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo về hội nhập quốc tế của thành phố đã ban hành trong năm 2016.

10. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ:

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán và chuyển khoản qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn thành phố liên quan đến hoạt động thương mại và dịch vụ với Lào theo quy định hiện hành của Việt Nam và các thỏa thuận về thanh toán trong giao dịch với Lào.

11. Đề nghị Cục Hải quan thành phố Cần Thơ:

Đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp thành phố Cần Thơ và Lào, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phối hợp thu thập số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa thành phố Cần Thơ và Lào.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, Sở Công Thương định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.