Quyết định 1029/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 1029/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 17/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1029/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ PHÚ BÀI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét tờ trình số 4158/BGTVT-KHĐT ngày 22 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1058/BXD-KTQH ngày 08 tháng 6 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Địa điểm: Sân bay Phú Bài – huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Cấp sân bay: Sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I.

4. Vai trò chức năng: cảng hàng không quốc tế.

5. Tính chất sử dụng: dùng chung dân dụng và quân sự.

6. Phương án tổng thể:

a) Quy hoạch khu bay: đáp ứng khả năng tiếp nhận các loại máy bay như A320/A321, Boeing 767, Boeing 777-200LR và tương đương.

- Đường cất hạ cánh: giai đoạn đến năm 2020 kéo dài đường cất hạ cánh số 1 hiện có đạt kích thước 3.048 m x 45 m. Sau năm 2030 xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 kích thước 3.800 m x 45 m.

- Hệ thống đường lăn: giai đoạn đến năm 2020 gồm 1 đường song song dài 3.048 m và 6 đường lăn nối. Sau năm 2020 kéo dài đường lăn song song lên 3.800 m và xây dựng thêm 1 đường lăn nối.

- Hệ thống sân đỗ: giai đoạn đến năm 2020 sử dụng sân đỗ hiện có và xây dựng thêm đảm bảo năng lực 23 chỗ đỗ. Giai đoạn đến năm 2030 mở rộng đạt 43 chỗ đỗ.

b) Quy hoạch khu hàng không dân dụng:

- Nhà ga hành khách: giai đoạn đến năm 2020 xây dựng nhà ga 2 cao trình, công suất 2.000 hành khách/giờ cao điểm. Giai đoạn đến năm 2030 mở rộng đạt công suất 4.000 hành khách/giờ cao điểm.

- Khu nhà ga hàng hóa: giai đoạn đến năm 2020 xây dựng nhà ga công suất 100.000 tấn/năm. Giai đoạn đến năm 2030 mở rộng công suất đạt 200.000 tấn/năm.

- Khu quản lý khai thác cảng hàng không:

+ Giai đoạn đến năm 2020:

. Khu làm việc cảng vụ: diện tích đất 2.000 m2.

. Khu làm việc hải quan: diện tích đất 2.000 m2.

. Khu làm việc công an xuất nhập cảnh: diện tích đất 3.500 m2.

. Khu làm việc công an giao thông: diện tích đất 2.500 m2.

. Khu cơ quan kiểm dịch y tế: diện tích đất 2.000 m2.

. Khu cơ quan kiểm dịch động thực vật: diện tích đất 2.000 m2.

. Khu nhà xe ngoại trường – khẩn nguy cứu hỏa: diện tích đất 2.500 m2.

+ Giai đoạn đến năm 2030: đầu tư xây dựng theo nhu cầu.

- Khu dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không:

+ Giai đoạn đến năm 2020: đầu tư xây dựng:

. Khu hàng không chung, hàng không tư nhân: diện tích đất 5.400 m2.

. Khu văn phòng hãng hàng không: diện tích đất 6.670 m2

. Khu sửa chữa máy bay (Hangar): diện tích đất 11.400 m2.

. Khu chế biến suất ăn: diện tích đất 3.000 m2.

. Trạm xử lý nước thải: diện tích đất 25.000 m2.

. Khu vực thông tin – khí tượng: diện tích đất 4.000 m2.

. Khu nhiên liệu: diện tích đất 25.000 m2, dung tích kho xăng 900 m3 đến 1.000 m3.

+ Giai đoạn đến 2030: đầu tư xây dựng thêm theo nhu cầu.

- Khu bảo đảm hoạt động bay: sử dụng các công trình hiện có và đầu tư xây dựng mới các công trình như đài kiểm soát không lưu, trung tâm điều hành bay, khu thông tin, khí tượng và các trang thiết bị quản lý bay.

- Khu dịch vụ thương mại phi hàng không: tổng diện tích đất 21.500 m2. Tùy nhu cầu sẽ đầu tư văn phòng cho thuê, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, khu văn hóa, khu thể thao, trung tâm hội nghị, triển lãm, bưu điện và các công trình dịch vụ khác.

- Hệ thống giao thông:

Giai đoạn đến năm 2020 xây dựng:

+ Đường trục ra vào cảng rộng 4 làn xe, có dải phân cách.

+ Hệ thống đường nội bộ.

+ Hệ thống đường công vụ.

+ Sân đỗ ô tô: đến năm 2020 diện tích đạt 62.000m2, đến năm 2030 mở rộng đạt 111.200 m2

- Cấp điện: nguồn điện lấy từ mạng điện quốc gia, đến năm 2020 là 12.660 KVA, đến năm 2030 là 17.230 KVA.

- Cấp nước: đến năm 2020 xây dựng trạm cấp nước công suất 1.800 m3/ ngày đêm. Đến năm 2030 nâng công suất đạt 2.200 m3/ngày đêm.

- Thoát nước: nước thải sinh hoạt và sản xuất được xử lý cục bộ trước khi chảy vào hệ thống thoát nước thải.

- Tường rào bảo vệ: xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020.

7. Quy mô sử dụng đất:

Tổng diện tích đất: 527 ha

Trong đó:

- Diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý: 461 ha

- Diện tích đất quân sự quản lý: 66 ha

8. Nhu cầu vốn đầu tư: 12.571 tỷ đồng

(Mười hai nghìn, năm trăm bảy mươi mốt tỷ đồng)

Trong đó:

- Giai đoạn 2009 – 2020: 6.087 tỷ đồng

- Giai đoạn 2020 – 2030: 6.484 tỷ đồng

9. Nguồn vốn đầu tư: huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tư nhân … với các hình thức đầu tư tùy theo tính chất mỗi dự án thành phần.

10. Các chỉ tiêu đạt được của quy hoạch:

- Đến năm 2020:

+ Cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp I.

+ Số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm: 20 máy bay

+ Loại máy bay tiếp nhận: ATR72, F70, A320, B767, B777 và tương đương.

+ Lượng hành khách bảo đảm tiếp nhận: 5 triệu hành khách/năm

+ Số hành khách giờ cao điểm: 2.000 hành khách/giờ cao điểm

+ Cấp tiếp nhận hạ cánh: thiết bị hạ cánh chính xác cấp I.

- Đến năm 2030:

+ Cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp II.

+ Số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm: 26 máy bay.

+ Loại máy bay tiếp nhận: ATR72, F70, A320, B767, B777, B787 và tương đương.

+ Lượng hành khách tiếp nhận: 9 triệu hành khách/năm.

+ Số hành khách giờ cao điểm: 4.000 hành khách/giờ cao điểm.

+ Cấp tiếp nhận hạ cánh: thiết bị hạ cánh chính xác cấp I.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thực hiện theo đúng quy định về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư và xây dựng.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Các Bộ: KH&ĐT, GTVT, XD, TC, TN&MT, QP;
- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- TCT Cảng Hàng không miền Trung;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Cổng TTĐT, các Vụ: ĐMDN, KTTH, TH, NC, QHQT;
- Lưu: Văn thư, KTN (5).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải